VIỆN VIỆT HỌC VÀ HỘI NGHỊ QUỐC TẾ VỀ TIẾNG VIỆT – Đào Đức Chương
VIỆN VIỆT HỌC VÀ HỘI NGHỊ
QUỐC TẾ VỀ TIẾNG VIỆT
Trên đường cao tốc (Freeway) 405, rẽ lối ra (Exit) để vào thành phố Westminster, xe đò Hoàng [1] về bến, đổ khách tại chợ ABC trong khu Little Saigon [2]. Nếu muốn đến Viện Việt Học, khách theo đại lộ Bolsa (Ave) đi chừng 1 dặm (mile), về hướng Đông, lần lượt băng qua các đường Beach Blvd, Newland St, Magrolia St, rồi gặp Brookhurst St, quẹo phải một đoạn ngắn khoảng 1/3 dặm, đến tòa nhà số 15355 nằm trên đường Brookhurst, cũng thành phố Westminster, lên cầu thang, căn phòng số 222 là cơ sở Viện Việt Học, thuộc mã số vùng bưu điện (Zip code) CA 92683-7079.
H 1: Viện Việt Học, Little Saigon, Nam California.
A – VÀI NÉT SƠ LƯỢC VỀ VIỆN VIỆT HỌC
Có thể nói đây là Viện Đại Học Việt Nam duy nhất ở hải ngoại, được thành lập ngày 26 tháng 2 năm 2000, tổ chức khá quy củ. Viện Trưởng đầu tiên là cố Giáo sư Nguyễn Đình Hòa, tiếp đến cố Giáo sư Nguyễn Khắc Hoạch, kế đến Giáo sư Trần Ngọc Ninh, rồi Giáo sư Lê Bảo Xuyến làm Xứ Lý Thường Vụ. Ban Cố Vấn gồm 9 vị Giáo sư Đại học thời Việt Nam Cộng Hòa. Ban Giảng Huấn gồm 20 Giáo sư dạy các bộ môn: Văn minh Việt Nam, Sử địa, Ngữ học, Văn chương, Giáo dục và Sư phạm, Việt ngữ căn bản. Ban Điều Hành có 16 vị, đứng đầu là ông Nguyễn Minh Lân Tổng Thư Ký và cô Nguyễn Kim Ngân lo việc Sinh Viên Vụ. Tất cả thành viên của Viện đều tự nguyện làm việc, không thù lao. Viện đã mở những lớp học tại chỗ và online. Sinh viên muốn theo học phải ghi danh ở phòng Sinh Viên Vụ.
H 2: Điển hình một Bản Tin Việt Học.
Đến nay các vị trong Ban Giám Đốc và Ban Cố Vấn đều già yếu, lại ở cách xa nhau, khó khăn trong việc triệu tập. Nhân ngày Kỷ niệm 10 năm thành lập Viện Việt Học, cựu Giáo sư Viện Trưởng Trần Ngọc Ninh đề nghị cải tổ cấu trúc hành chánh. Hội Nghị đồng ý sáp nhập các ban: Giám Đốc, Cố Vấn và Điều Hành thành một cho gọn nhẹ, dễ dàng làm việc.
Viện Việt Học có một thư viện với 8000 quyển sách và tài liệu. Ban Điều Hành sử dụng Hệ thống phân loại và Bảng tiêu đề mục của Thư Viện Quốc Hội Hoa Kỳ (Library of Congress Classification and Library of Congress Subject Heading List), đã phân loại xong trên 2000 tựa sách. Và tiếp tục phân loại hoàn tất vào những năm tới.
H 3: Điển hình một Tạp Chí Việt Học.
Về Cơ sở xuất bản, Viện có một tòa soạn phát hành Tạp Chí Việt Học và Bản Tin. Trong 10 năm hoạt động (26- 2- 2000 đến 26- 2- 2010) đã xuất bản 26 bộ sách về Giáo khoa, Ngữ học, Văn chương, Văn học, Văn hóa. Đặc biệt nhất là Viện đã dày công sưu tầm và thực hiện bộ DVD-ROM Nam Phong Tạp Chí 1917 – 1934, hoàn thành vào năm 2007 và phát hành vào năm 2009. Hai công trình văn học nữa, quan trọng không kém, là bộ sách Cơ Cấu Việt Ngữ (Tập I và II) của Giáo sư Trần Ngọc Ninh (2007) và bộ Tự Điển Chữ Nôm Trích Dẫn, cũng được ra mắt vào hạ bán niên 2009.
Hàng tuần, tại phòng họp của Viện, tổ chức những buổi thuyết trình của các Học giả, Giáo sư, Chuyên viên, Nhà Biên khảo, Văn Thi sĩ, Kịch tác gia, Nhạc sĩ … từ các nơi về tham dự. Tính từ ngày thành lập 26- 2- 2000 đến ngày 26- 2- 2010 (tròn10 năm) đã có 145 đề tài về văn hóa, văn chương, lịch sử, địa lý, ngữ học, xã hội, giáo dục, văn minh, nghệ thuật, âm nhạc được thuyết trình. Đó là chưa kể các đề tài tham luận trong Hội Nghị Quốc Tế Về Tiếng Việt (bốn ngày), và những lần phối họp với Hội Đồng Hương từng tỉnh tổ chức “Ngày…, Xứ Sở Và Con Người” [3], có thuyết trình chuyên đề.
B – HỘI NGHỊ QUỐC TẾ VỀ TIẾNG VIỆT
Đáng kể nhất là việc thực hiện Hội Nghị Quốc Tế Về Tiếng Việt: Lịch Sử Và Giảng Dạy. Viện mời được nhiều quan khách và diễn giả Người Việt Quốc Gia ở nhiều nước về tham dự Hội Nghị. Trong 4 ngày, thuyết trình được 27 chuyên đề về ngôn ngữ Việt Nam, tuần đầu vào ngày 30- 6 và 1- 7- 2007, tuần thứ 2 vào ngày 7 và 8- 7- 2007.
I – CƠ CẤU TỔ CHỨC HỘI NGHỊ
Năm 2006, Viện Việt Học thành lập một Ban Tổ Chức hùng hậu, ngày đêm lo xúc tiến việc thực hiện Hội Nghị Quốc Tế Về Tiếng Việt.
– Chủ tịch Danh dự: Giáo sư Nguyễn Khắc Kham (sinh ngày 23- 12-1908, mất ngày 8- 3- 2007), một đại thụ của nền Giáo Dục Việt Nam Cộng Hòa.
– Chủ tịch Điều hành: Giáo sư Trần Ngọc Ninh, Viện Trưởng Viện Việt Học.
– Phó Chủ tịch Điều hành: Giáo sư Phạm Văn Hải.
– Chủ tọa Phần A: Lịch Sử Tiếng Việt, thời gian trọn ngày 30- 6 và buổi sáng 1- 7- 2007. Phụ trách bởi quý vị Giáo sư: Dzương Đức Nhự, Phạm Văn Hải, Nguyễn Ngọc Bích, Lê Hữu Mục.
– Chủ tọa Phần B: Giảng Dạy Tiếng Việt, thời gian từ buổi chiều ngày 1- 7- 2007 và trọn hai ngày 7 & 8 tháng 7 năm 2007. Phụ trách bởi quý vị Giáo sư: Lê Văn, Nguyễn Văn Trường, Lê Chính Long, Phạm Kim Dzung, Kim Loan Hill.
– Điều hợp Hội Nghị gồm quý cô: Nguyễn Kim Ngân, Nguyễn Hoàng Lan, Hoài Hương Trần Uyên Thi; và quý ông: Nguyễn Đình Hải, Tạ Trung, Nguyễn Khắc Đôn, Nhật Liên Dũng, Nguyễn Thành Vinh.
– Ông Nguyễn Minh Lân, Điều hợp tổng quát và phụ tá cho Ban Điều Hành.
H 4: Cố GS. Nguyễn Khắc Kham (1908 – 2007),
Ban Sáng Lập Viện Việt Học,
Chủ Tịch Danh Dự Hội Nghị.
II – QUÁ TRÌNH THỰC HIỆN
Từ năm 2006, Ban Tổ Chức ra thông cáo đăng trên Web Site của Viện Việt Học, đồng thời gửi Email và thư mời đến quý diễn giả.
Theo quy định, mỗi đề tài tham luận gửi đến Viện Việt Học, gồm: một bài viết sẽ in thành sách, một bài thu gọn dùng thuyết trình trong 30 phút, một dàn bài chi tiết và tiểu sử ngắn gọn để Điều hợp viên giới thiệu trước Hội Nghị. Ngoài ra còn đính kèm một tấm hình 4 x 6, Ban Tổ Chức sẽ thành lập Đặc San Chuyên Đề. Hạn chót gửi hồ sơ, trước ngày Hội Nghị 2 tháng. Ban Điều Hành copy tiểu sử diễn giả và Bản tóm lược đề tài dự thuyết, phát cho quan khách xem trước, dễ dàng theo dõi nội dung bài thuyết trình.
Viện Việt Học nhận được 42 bài tham luận, nhưng vì thời gian hạn hẹp, chỉ có 26 đề tài được chọn lên Bản Chương Trình, sau thêm 1 đề tài nữa thuyết trình tại Hội Nghị.
H 5: Chương trình tuần lễ đầu, ngày 30- 6 và 1- 7- 2007.
H 6: Tuần lễ thứ hai: ngày 7 và 8- 7- 2007.
III – NGHI THỨC HỘI NGHỊ
Theo Bản Chương Trình, diễn giả thuyết trình trong ngày hôm ấy, đến phòng Tiếp Tân ghi danh, nhận tập tài liệu, gắn huy hiệu, bảng tên và mời vào Hội Trường.
Bước vào phòng họp, dọc theo vách, phía cửa ra vào, kê hàng tủ kính đựng sách. Đây không phải là phòng thư viện, chỉ dành cho một số sách quý và những sách do Viện xuất bản. Giấy phép thành lập Viện Việt Học, chính quyền Mỹ cấp, được lồng khung trưng bày trong tủ kính có khóa. Vách đối diện, treo những tấm phù điêu lớn, bằng gỗ, toát lên nét đặc trưng một dân tộc 4000 năm văn hiến.
Ở đầu phòng là bục diễn thuyết, chạy dài từ vách trái sang vách phải. Bên trái là màn ảnh chiếu Slideshow, tiếp đến dựng tấm bảng đặt trên giá để diễn giả viết khi cần, kế nữa là bàn thuyết trình có gắn hệ thống âm thanh, và cuối cùng là bàn điều hợp viên. Trên sàn nhà, kê dày kín hai hàng ghế, chính giữa chừa lối đi rộng để phóng viên dễ dàng chụp ảnh và quay phim.
H 7: Ban Tiếp Tân gắn huy hiệu
cho Diễn Giả thuyết trình trong ngày.
C – TIẾN TRÌNH HỘI NGHỊ
KHAI MẠC PHẦN A: LỊCH SỬ TIẾNG VIỆT
I – CHƯƠNG TRÌNH THỨ BẢY NGÀY 30- 6- 2007
01/ Thủ tục hành lễ khai mạc Hội Nghị:
Cô Hoài Hương và Kim Ngân, trong Ban Điều Hợp, phụ trách.
H 8: Quan khách đứng nghiêm chỉnh chào Quốc Kỳ VNCH.
02/ Diễn văn khai mạc Hội Nghị:
Sau phần nghi lễ, Bác sĩ Viện Trưởng Trần Ngọc Ninh cảm ơn các diễn giả và quan khách tham dự.
Trong bài diễn văn, trình bày về lịch sử Ngữ âm học, vai trò và tầm quan trọng của bộ môn này. Ông nói, Ngữ âm học là căn bản của Ngữ y học lịch sử trong ba công việc: Một là tìm nguồn gốc của một ngôn ngữ. Hai là tìm những liên hệ và trao đổi giữa các ngôn ngữ có sự tiếp xúc với nhau trong lịch sử. Ba là viết được một chương về lịch sử của một ngữ. Thực tế hơn, Ngữ âm học là một nền móng của chính tả, nền móng kia là từ nguyên và lịch sử cách viết. Các ngành nghề khác cũng cần đến Ngữ âm học, như: diễn kịch, ca hát, xướng ngôn viên… Y khoa, cũng có một ngành cần đến bộ môn này.
Từ đó, nêu lên tầm quan trọng của tiếng Việt về phương diện âm học, âm vị và trong cấu trúc ngôn ngữ; không những cần trong việc giảng dạy mà còn cả trong lãnh vực nghiên cứu về ngôn ngữ học và lịch sử tiếng Việt. Vì thế, Hội Nghị Quốc Tế Về Tiếng Việt: Lịch Sử Và Giảng Dạy là sự cần thiết.
Sau cùng, GS. Viện Trưởng với cương vị Chủ Tịch Điều Hành, tuyên bố cuộc Hội Thảo và Thuyết Trình bắt đầu.
H 9: GS. Viện Trưởng Trần Ngọc Ninh
đọc diễn văn khai mạc Hội Nghị.
03/ Thể thức Hội Nghị:
Cô Kim Ngân trình bày thời lượng và thể thức thuyết trình. Điều hợp viên theo bản chương trình, lần lượt mời diễn giả lên bục diễn thuyết và giới thiệu với quan khách. Thời gian nhất định, 45 phút cho mỗi đề tài, trong đó 3 phút đầu giới thiệu diễn giả, kế đến 30 phút diễn thuyết, và sau cùng có 12 phút dành cho quan khách đặt câu hỏi, diễn giả giải đáp. Khi thuyết trình qua phút thứ 25, Điều hợp viên nhấn chuông báo hiệu, diễn giả còn 5 phút để kết thúc bài thuyết trình, tránh tình trạng đầu voi đuôi chuột. Trình bày xong mục thể thức Hội Nghị, Điều hợp viên tuyên bố giờ thuyết trình bắt đầu.
04/ Hệ Thống Chữ Viết của Người Việt Nam:
Người thuyết trình đầu tiên, Hội Nghị Quốc Tế Về Tiếng Việt thời gian 4 ngày, là Giáo sư Phạm Văn Hải. Ông trình Luận án Tiến sĩ về Ngôn ngữ, tiếng Hán Việt, và đang giảng dạy Việt ngữ ở Viện Đại Học George Washington, Thủ đô Washington DC. Ông nhận lời mời của Viện Việt Học tham dự Hội Nghị và thuyết trình đề tài Hệ Thống Chữ Viết Của Người Việt Nam.
Theo Giáo Sư, chữ viết của chúng ta sở dĩ có nhiều ý kiến khác nhau, bởi vì người ta hiểu về chữ viết khác nhau. Chẳng hạn, cùng một chữ nhưng không đồng nhất về “i” ngắn (còn gọi là i trên) hay “y” dài (còn gọi là y dưới). Nhưng, đã là chữ viết thì phải có hệ thống, ta phải tìm ra hệ thống đó để áp dụng, không thể tùy tiện được. Đặc điểm chữ Quốc ngữ, các chữ cái chia ra 4 loại: âm chính (nguyên âm, mẫu âm, chủ âm), âm nửa (âm lướt, bán nguyên âm), âm kèm (phụ âm, vệ âm, tử âm) và sáu thanh. Các âm và thanh ghép lại thành tiếng. Qua sự cấu tạo của tiếng, có thể tìm được những nguyên tắc và quy luật trong hệ thống chữ viết của người Việt.
Mỗi một chữ chỉ có một âm chính, cả những chữ ia, oe, oa… cũng chỉ có một âm chính. Thử phân tích tiếng “oa”, thì “o” chỉ là âm nửa, “a” mới là âm chính. Và ông chủ trương viết tiếng Việt theo sát cách phát âm, nên không tán thành cách viết “y” (y dài) trong trường hợp “I” (i ngắn) cũng đã đủ nghĩa.
H 10: Sáng 30- 6- 2007, GS. Phạm Văn Hải,
khai mở thuyết trình qua đề tài
“Hệ Thống Chữ Viết Của Người Việt Nam.”
05/ Địa Tầng Mã Lai Đa Đảo Trong Tiếng Việt:
Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích đến từ Washington DC. Bài thuyết trình của Ông vẫn nằm trong đề tài chung là “Lịch Sử Tiếng Việt,” nhưng đi sâu vào việc trình bày Địa Tầng Mã Lai Đa Đảo Trong Tiếng Việt.
Mở đầu, Giáo Sư giải bày việc dùng thuật ngữ “Địa tầng” trong địa chất học để cụ thể hóa tiến trình hình thành tiếng Việt, tỷ như những tầng lớp đất đá tạo thành vỏ quả đất qua các thời đại. Theo Ông, tiếng Việt ngày nay đã trải qua 4 “địa tầng,” gồm: Mã Lai Đa Đảo, Mon Khmer, Dấu Giọng của Tiếng Thái, Hán Ngữ trong Tiếng Việt. Nhưng với phạm vi bài này, Ông chỉ khảo sát địa tầng thấp nhất và xưa nhất là Mã Lai Đa Đảo.
Từ hơn 100 năm qua, các nhà Ngôn ngữ học càng ngày càng khám phá tiếng Việt có nguồn gốc từ Ngữ Hệ Nam Á. Và thuyết cho rằng tiếng Tàu là cha đẻ của tiếng Việt, bị bác bỏ hẳn.
Năm 1953, nhà ngôn ngữ học người Pháp đã đưa ra lập luận khá vững chắc: Tiếng Việt đơn âm hóa và thanh điệu hóa rất mạnh, mới đầu chỉ có 3 dấu giọng, đến thế kỷ 12 có đủ 6 dấu (ngang, huyền, sắc, nặng, hỏi, ngã)
Năm 1971, Bình Nguyên Lộc cho ra cuốn Nguồn Gốc Mã Lai Của Dân Tộc Việt Nam. Năm 1972, là cuốn Lột Trần Việt Ngữ. Ông khám phá nhiều mới lạ về nguồn gốc Mã Lai của tiếng Việt. Nhưng ông không phải là nhà ngôn ngữ học chính quy, nên luận cứ chưa đủ thuyết phục.
Năm 1994, Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích đã theo chân tác giả Bình Nguyên Lộc, trình bày nguồn gốc tiếng Việt một cách có hệ thống, với đầy đủ bằng chứng. Cũng vào năm này, Giáo sư Tạ Quốc Tuấn cho công bố bảng so sánh Tương Quan Giữa Việt Ngữ Và Mã Ngữ, cho ta thấy những liên hệ giữa tiếng Việt và tiếng Mã Lai.
Đúc kết từ những kết quả nghiên cứu của hai vị Giáo Sư nêu trên, trong bài thuyết trình này, tác giả đã đưa ra khá nhiều bằng chứng như từ ngữ giống nhau, luật biến âm (từ nhị âm thành đơn âm), từ pháp và cú pháp để cho thấy địa tầng Mã Lai Đa Đảo gần như chắc chắn là tầng xưa nhất trong sự hình thành của tiếng Việt như ta có ngày hôm nay.
H 11: GS. Nguyễn Ngọc Bích thuyết trình
đề tài “Ảnh Hưởng Của Tiếng Mã Lai Đa Đảo
Lên Tiếng Việt.”
Đã đến giờ nghỉ trưa, ông Tạ Trung trong Ban Điều Hợp thông báo chương trình chiều nay và mời quan khách có mặt lúc 1 giờ.
06/ Tiếng Và Vần:
Giáo sư Trần Ngọc Ninh, đến từ Huntington Beach, Nam California. Ông mở đầu phần Hội Nghị buổi chiều thứ Bảy ngày 30 tháng 6, qua bài thuyết trình đề tài Tiếng Và Vần.
Theo Ông, tiếng Việt đã được xây dựng từ thời tiền sử, lúc chưa có chữ viết. Và suốt từ thời khởi thủy cho đến nay, qua những thăng trầm và biến đổi của lịch sử đã được thêm bớt, nhào nặn, gọt dũa để đáp ứng các nhu cầu thách thức mới của đời sống, bởi ngoài tầng lớp của quốc dân.
Như tất cả ngôn ngữ khác, tiếng Việt đã biến chuyển, có khi đã biến động, khi nó vẫn còn là một ngôn ngữ sống (sinh ngữ). Một ngôn ngữ chỉ thành (ở yên không đổi nữa), khi nó đã chết (tử ngữ), như tiếng cổ của Hy Lạp, tiếng cổ của Ai Cập, tiếng La Tinh của Roma.
a/ Tiếng là lời nói, gồm có phát âm và nghe âm. “Tiếng” được dùng để gọi một ngôn ngữ: tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Thái.
“Tiếng” còn dùng một cách trừu tượng như: Tôi làm việc 8 tiếng một ngày. Tiếng bấc tiếng chì. Có tiếng mà không có miếng. Tiếng tăm. Thiết nghĩ, cần tìm một một từ khác thay cho “tiếng” trong những trường hợp này, để được rõ ràng hơn.
Với Âm thanh học, “tiếng” còn dùng để chỉ cho: tiếng động, tiếng sấm, tiếng nổ,…
Với Vạn vật học có: tiếng hót, tiếng hú, tiếng gáy, tiếng sủa, tiếng rống,…
Với Nghệ thuật có: tiếng đàn, tiếng kèn, tiếng ngâm, tiếng hát,…
Tóm lại, trong Ngữ âm học, thấy có nhiều “tiếng” quá, sử dụng rộng rãi quá, làm rối bù.
b/ Vần do chữ vận mà ra. Vận có phần tiếp vĩ ngữ giống nhau, thí dụ “ngắt” và “hắt” có cùng vần “ắt”; “nhau” và “giàu” có chung vần “au.” Vì vậy, vận được dùng trong thơ để bắt vần các vế với nhau.
Những tiếng phát âm và có thể viết ra thành chữ, nhưng không có nghĩa, như tiếng “ngưa.” Những tiếng ấy, chưa có nghĩa, nên gọi là “âm vận.” Vậy “âm vận” chỉ là tiếng trừu trượng, vô nghĩa, và không có trong lời nói.
Còn “âm tiết” (syllable) đề nghị gọi là “tiết” cũng đủ nghĩa. Trong Ngữ âm học người ta phân biệt “tiết ngữ âm” và “tiết âm vị” khác nhau vì:
– Tiết ngữ âm là một nối tiếp liên tục các âm, giữa hai điểm ngưng. Có hai cách phân biệt: Dùng độ vang để phân biệt tám bậc trong tiết ngữ âm. Phân biệt theo độ mở của luồng hơi và điểm đóng của cửa hầu.
– Tiết âm vị là nhóm âm vận làm thành một đơn vị nhỏ nhất của nhịp lời nói.
Nhận xét về bài thuyết trình này, Giáo sư Tâm Việt đã viết [4]:
“Giáo sư Trần Ngọc Ninh đã nói đến tính cách thiếu khoa học hay mơ hồ của một số quan niệm trong khi nghiên cứu tiếng Việt. Muốn tiến đến một trình độ khoa học thì ta phải định nghĩa một cách chính xác hơn những quan niệm ta dùng như ‘tiếng’ và ‘vần.’ Ông đề nghị gọi ‘tiếng’ như trong ‘tiếng Việt, tiếng Anh’ là ‘ngữ,’ và ‘vần’ cho những tiếng theo luật ‘bằng, trắc’ trong thơ và hai loại ‘vần thông’ (CV như ‘tha, tí, ngô, thụ,’ còn gọi là ‘vần mở’) và ‘vần chặn’ (CVC, còn gọi là ‘vần khép’ như ‘than, tín, ngông, thục’). Theo ông, tiếng Việt có những âm mà mình có thể viết được ra nhưng không có nghĩa (có người đề nghị gọi là ‘âm chờ,’ những âm này ta có thể phát âm được nhưng phải chờ để cho người ta thấy một công dụng nào đó rồi mới gán nghĩa cho nó.”
H 12: GS. Trần Ngọc Ninh thuyết trình
đề tài “Tiếng Và Vần.”
07/ Ảnh Hưởng Các Ngôn Ngữ Lân Cận Trên Tiếng Việt:
Bác sĩ Nguyễn Hy Vọng đến từ Irvine, quận Cam (CA), thuyết trình về đề tài Ảnh Hưởng Các Ngôn Ngữ Lân Cận Trên Tiếng Việt. Với nội dung hấp dẫn, khoa học, khiến mọi người chăm chú nghe, như có ma lực lôi cuốn qua cách nói đầy thuyết phục của diễn giả.
GS. Tâm Việt, qua bài Tường Thuật Hội Nghị Tiếng Việt, Trong Tuần Lễ Đầu cũng đã nhận xét [5]:
“Bác sĩ Nguyễn Hy Vọng, trình bày trong một giọng hùng hồn. Đưa ra rất nhiều thí dụ của những từ mà ông gọi là “đồng nguyên” (‘cognates’ trong tiếng Anh), ông cho rằng một tác giả như Lê Ngọc Trụ đã sai lầm khi cho tiếng Việt đa phần là gốc Trung Hoa, gốc Hán. Bác sĩ Vọng cho rằng do sự thiếu thông tin nên đã có nhiều người, như ông Lê Ngọc Trụ, lầm tưởng nhiều từ ngữ tiếng Việt là gốc Hán, trong khi chính thật đó là những từ ngữ mình học hay chia xẻ với tiếng nói của các dân tộc lân bang. Như ‘lúc lắc’ (mà trong Từ Điển Việt Bồ La của Alexandre de Rhodes 1651 ghi là ‘blúc blắc’) chẳng hạn, theo ông thì chắc chắn phải là gốc từ ‘khrluk khrlak’ của tiếng Miên hay những chữ tương tự trong các tiếng Thái, Miến Điện hay Lào. Có nhìn ra tất cả những chữ ‘đồng nguyên’ này, theo BS., thì ta mới trông thấy tính cách đa nguyên, đa dạng của tiếng Việt. Ông cho rằng thật ‘đau buồn’ là ‘những người anh em họ (như tiếng Việt và các tiếng lân bang) chung một nôi ngôn ngữ đã không còn nhận ra nhau sau 2500 năm.’ Vì thế nên ông đã ghi lại tất cả những tiếng ‘đồng nguyên’ với tiếng Việt trong một tác phẩm đồ sộ gần 5000 trang, hiện đã được xuất bản dưới dạng CD.”
H 13: BS. Nguyễn Hy Vọng thuyết trình
đề tài “Ảnh Hưởng Các Ngôn Ngữ Lân Cận
Trên Tiếng Việt.”
08/ Giới Thiệu Lớp Chữ Nôm Cấp 4:
Giáo sư Lê Văn Đặng đến từ Seattle, tiểu bang Washington, không thuyết trình [6] đề tài Thỉnh Cô Hồn Ca như trong Bản Chương Trình đã ghi. Ông đăng đàn với đề tài khác, mang tính giá trị thực tiễn, đó là Lớp Chữ Nôm On-line Cấp 4. Đây là một nỗ lực của Viện Việt Học, xây dựng một học trình về chữ Nôm đầy đủ do Ông phụ trách, nhằm đào tạo một số chuyên viên, đáp ứng nhu cầu nghiên cứu những văn bản cổ.
Mở đầu cho bài thuyết trình, cô Hoài Hương, người cùng đứng chung với Giáo sư Lê Văn Đặng trong Ban Biên Tập Tự Điển Chữ Nôm Trích Dẫn [7], đàn và hát bài Tôi Yêu Tiếng Nước Tôi. Tiếng nhạc hòa quyện với lời ca giọng hát truyền cảm đi vào lòng người, trổi dậy tình yêu quê hương, yêu tiếng nói của dân tộc mình vô biên. Tiếp đến, Giáo sư Lê Thị Bảo Xuyến, thay mặt Viện Việt Học, tuyên dương Ông là một Giáo Sư ưu tú đã đóng góp rất nhiều trong việc giảng dạy chữ Nôm do Viện tổ chức.
Thật vậy, Ông tốt nghiệp Cao học Vật lý Lý thuyết, nhưng rất thông thạo chữ Nôm, nên đã đem nền nếp khoa học áp dụng vào cách giảng dạy loại chữ này cho sinh viên rất hiệu quả. Bằng phương pháp online, Ông đã dạy xong hai lớp chữ Nôm Cấp 1, Cấp 2, đạt khả quan, và nay đã soạn xong chương trình để mở hai lớp Cấp 3, 4.
H 14: GS. Lê Thị Bảo Xuyến giới thiệu
thành quả việc giảng dạy chữ Nôm
do GS. Lê Văn Đặng phụ trách.
09/ Biến Âm Trong Việt Ngữ:
Nhà Ngữ học Đoàn Xuân đến từ Ventura, Nam California, thuyết trình Biến Âm Trong Việt Ngữ, một đề tài mà Ông dành 16 năm nghiên cứu và viết thành sách.
Theo Ông, ngôn có thể nghe, nói và viết được, còn hiểu là phải giải mã. Ngữ là chữ viết nếu viết theo gốc Hán Tạng, ngữ nghĩa sẽ khác xa với lối viết theo gốc Nam Á.
Thí dụ: Giáo sư A là học giả.
Nếu là gốc Hán Tạng, thì chữ “giả” 者 (thay thế cho người và vật), thuộc bộ “lão” 老 (người già): Giáo sư A là người nghiên cứu học thuật.
Nếu là gốc Nam Á, thì chữ “giả” 假 (dối, không thật) thuộc bộ “nhân” 亻: Giáo sư A là người vô học.
H 15: Ông Đoàn Xuân thuyết trình
đề tài “Biến Âm Trong Việt Ngữ.”
Quốc ngữ theo mẫu La Tinh mà ta dùng hiện nay, chỉ là chữ phiên âm. Muốn hiểu nghĩa cần phải có dấu gạch nối “Giáo- sư A là học- giả” để phân biệt là chữ ấy thuộc nguồn gốc Hán Tạng, và trái lại sẽ thuộc gốc Nam Á, có nghĩa khác.
Đề tài này gây nhiều tranh luận kéo dài giữa diễn giả và thính giả, lấn qua hơn 10 phút giờ giấc quy định cho mỗi bài thuyết trình.
10/ Tones and Intonnation in South Vietnamese:
a study of pitch sequences…
Diễn giả cuối cùng trong ngày đầu Hội Nghị (30- 6) là Giáo sư Trần Mai Hương đến từ Virginia, với bài thuyết trình Tones and Intonnation in South Vietnamese [8].
Đề tài Âm Và Ngữ Điệu Trong Tiếng Miền Nam Việt Nam, rút ra từ Luận án Tiến sĩ của Diễn giả, đệ trình tại Học Viện Quốc Gia Australia, cách nay gần 40 năm. Vì nói tiếng Việt không rành, nên Bà đã mời Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích thông dịch.
Nội dung bài thuyết trình là vấn đề dùng máy để đo kích thước của âm vực, những phụ âm, nguyên âm và dấu giọng của tiếng Nam. Máy này rất tiện lợi trong sự thông tin giữa những nhóm người không cùng một ngôn ngữ. Tiếng Việt có 6 thanh điệu (không dấu, huyền, sắc, nặng, hỏi, ngã), qua Slideshow những biểu đồ được chiếu trên màn ảnh, người ta thấy được cao độ của mỗi âm tiết. Và âm tiết ấy sẽ biến chuyển, khi có sự thay đổi dấu giọng.
Có thể nói, đây là đề tài mới lạ, gây hứng thú cho cử tọa và tạo không khí sôi nổi trong thính đường.
H 16: GS. Trần Mai Hương thuyết trình đề tài
“Tones and Intonnation in South Vietnamese:
a study of pitch sequences…”
11/ Dự án của Viện Việt Học và thân hữu:
Dự trù trình bày 4 dự án lớn mà Viện Việt Học đã và đang thực hiện:
– Đề án Nam Phong Tạp Chí,
– Ấn loát Tự Điển Chữ Nôm Trích Dẫn,
– Dự án Tự Điển Việt Ngữ,
– Đại Nam Quốc Âm Tự Vị Bổ Chính.
Cô Kim Ngân trình bày hoàn cảnh Lịch Sử Việt Nam thời ấy và sự ra đời của Nam Phong Tạp Chí. Dẫn đến quá trình thực hiện bộ Nam Phong Tạp Chí, ngót 15000 trang, thu gồm trong bộ đĩa DVD.
Đến lượt, Giáo sư Viện Trưởng Trần Ngọc Ninh nêu lên sự đóng góp sáng giá và vô cùng quan trọng của Nam Phong Tạp Chí trong lãnh vực Văn Học Việt Nam. Từ đó, Ông tán dương công lao và tài năng của cụ Phạm Quỳnh đã duy trì, phát huy Nam Phong Tạp Chí từ 1917 – 1933.
Sau cùng là lời phát biểu của ông bà Phạm Tuân, con trai út của cụ Phạm Quỳnh, cảm tạ Viện Việt Học đã sao chụp toàn bộ Nam Phong Tạp Chí đem vào trong DVD, vừa gọn nhẹ, dễ bảo quản và có thể sang làm nhiều bản. Ông cũng cho biết, đã từng gõ cửa nhiều cơ sở văn học công cũng như tư, từ Âu Mỹ sang Á, không nơi nào chịu thực hiện.
Đã đến giờ cơm chiều, và 7 giờ tối nay còn làm lễ tưởng niệm cố Giáo sư Nguyễn Khắc Kham. Việc trình bày 3 dự án khác, sẽ tiếp tục vào sáng mai.
H 17: GS. Viện Trưởng Trần Ngọc Ninh tặng bộ DVD
Nam Phong Tạp Chí cho Ông Bà Phạm Tuân,
con trai út của Học giả Phạm Quỳnh.
II – CHƯƠNG TRÌNH CHỦ NHẬT NGÀY 1- 7- 2007
01/ Dự án của Viện Việt Học và thân hữu (tiếp theo):
Đầu giờ, Cô Hoài Hương đi ngay vào việc trình bày 3 dự án kế tiếp:
a/ Tự Điển Chữ Nôm Trích Dẫn:
Công trình này khởi thảo từ năm 2002. Đến tháng 1 năm 2005, Viện ra mắt phiên bản điện tử (online) đầu tiên. Dự trù in thành sách, khổ lớn, bìa cứng, và dày trên 1500 trang, sẽ hoàn tất vào năm 2008. Bộ sách có những đặc điểm:
– Trích dẫn: mỗi một chữ Nôm đều có xuất xứ và trích dẫn rõ ràng từ văn bản.
– Tài liệu phong phú: tra cứu từ 70 bản Nôm khác nhau đủ thể loại (thơ, văn xuôi, tuồng) từ thế kỷ XIII đến XX.
– Tiện dụng: tra theo âm quốc ngữ, theo bộ thủ, số nét, mã Unicode, hoặc tập hợp chữ.
b/ Tự Điển Việt Ngữ:
Hiện nay đã đánh máy xong hai quyển tự điển:
– Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức, nhà xuất bản Trung Bắc Tân Văn ở Hà Nội ấn hành năm 1931.
– Tự Điển Việt Nam của Lê Văn Đức, Lê Ngọc Trụ.
c/ Đại Nam Quấc (Quốc) Âm Tự Vị Bổ Chính của Huình (Huỳnh) Tịnh Paulus Của, xuất bản năm 1895, tại Sài Gòn. Đây là quyển tự điển tiếng Việt đầu tiên, nhiều từ xưa, nay không còn dùng. Giáo sư Nguyễn Văn Sâm bổ chính từ năm 2002 – 2006.
Cô Hoài Hương trình bày xong về các dự án của Viện Việt Học. Kế đến, Điều Hợp viên tuyên bố buổi thuyết trình hôm nay bắt đầu.
02/ Khoảng Cách Giữa Người Đọc Ngày Nay Và Câu Hát Câu Hò:
Giáo sư Nguyễn Văn Sâm đến từ Port Arthur, Texas về tham dự Hội Nghị đã mở đầu cho việc thuyết trình trong ngày thứ hai của tuần đầu (chủ nhật, mồng 1 tháng 7), với đề tài Khoảng Cách Giữa Người Đọc Ngày Nay Và Câu Hát Câu Hò.
Ông đưa ra nhiều tiếng, thời Trương Vĩnh Ký (1837 – 1898) còn thịnh hành, nay không còn dùng, hay đã biến cải. Thí dụ: nhà từng/ nhà lầu, Phủ quốc/ Phú Quốc, bò câu/ bồ câu, vít thương/ vết thương, giờ thứ 11 ba khắc/ 11 giờ 15 phút, ăn bàng/ ăn lan ra, bãi bui/ nói ngon ngọt nhưng không thật, dương/ duyên.
GS. Nguyễn Văn Sâm cũng trưng ra nhiều câu thơ cổ, làm luận cứ cho bài thuyết trình, chẳng hạn như:
Mù u rễ nhỏ ăn bàng,
Sợ mình nói gạt qua đành bỏ tui.
hay:
Gan teo từng đoạn ruột thắt từng từng,
Bãi bui lỗ miệng cầm chừng xa xôi.
hoặc:
Lần theo vực thẳm bãi lài,
Gái dương không đặng giận hoài ông tơ.
H 18: Sáng 1- 7- 2007, GS. Nguyễn Văn Sâm thuyết trình đề tài
“Khoảng Cách Giữa Người Đọc Ngày Nay Và Câu Hát Câu Hò.”
GS. Tâm Việt có lời nhận xét về bài thuyết trình của diễn giả [9]:
“Giáo sư Nguyễn Văn Sâm, về từ Texas, đã gây ra được những trận cười vui vẻ với những thí dụ mà ông đưa ra, cho thấy càng ngày càng có một ‘khoảng cách giữa người đọc ngày nay và câu hát hò’ xưa. Ông cho thấy nhiều sách, như của Hồ Biểu Chánh (1884 – 1958), khi được in lại ở trong nước gần đây, đã bị ‘tân thời hóa’ làm cho mất đi tính cách thời đại hay địa phương tính của nguyên bản. Đây, theo ông, không phải là ‘bảo tồn’ mà là ‘xóa mất đi’ những di tích ta có trong các văn bản xưa. Tỷ như chữ ‘hoa li’ mà Hồ Biểu Chánh dùng đã bị đổi thành ‘va ly’ cho dễ hiểu, song đó không còn là Hồ Biểu Chánh nữa vì không bao giờ ông ta, hồi đó, đọc ‘hoa li’ là ‘va ly’ cả.”
03/ Những Chuẩn Thằng Nôm Học Của Nguyễn Trãi:
Giáo sư Lê Hữu Mục đến từ Montreal, Canada, thuyết trình ngày thứ hai của tuần lễ đầu. Mặc dù tuổi cao, sức yếu, GS vẫn ở lại dự đủ 4 ngày Hội Nghị. Ông là nhà Nôm học, đã nghiên cứu chữ Nôm trong Quốc Âm Thi Tập của Nguyễn Trãi (1380 – 1442) suốt 50 năm, dò tìm những khoảng cách giữa tác phẩm với người đọc, và đúc kết qua bài thuyết trình “Những Chuẩn Thằng Nôm Học Của Nguyễn Trãi.”
Khi đặt vấn đề chuẩn thằng tức là muốn nói đến thước và dây để làm mẫu mực, từ đó phăng ra những lầm lẫn của người đọc chữ Nôm trong tác phẩm Quốc Âm Thi Tập. Và Giáo sư Mục cho biết có đến 2000 chữ bị hiểu lầm, nhưng trong khuôn khổ bài thuyết trình, chỉ nêu ra hai trường hợp điển hình:
– Câu “Áo tía hung hung thuở mặc thôi,” Học giả Đào Duy Anh giải thích chữ “thôi” theo nghĩa “thôi ra.” Thân cây mía như màu áo tía hung hung lúc mặc đã thôi ra (nhả bớt chất màu). Giải thích này, không những sai về ngữ nghĩa, mà cả ngữ pháp cũng sai luôn.
Theo GS, tiếng “thôi” ở đây có nghĩa là áo tang, “thuở mặc thôi” tức là khoảng thời gian mặc áo tang. Da của thân cây mía có màu tía hung hung như thuở mặc áo tang.
– Câu “Đói khó thì làm việc ngỡ tay,” cùng một chữ 語 có thể đọc là “ngữ, ngỡ, ngửa.” Theo GS. Lê Hữu Mục, trong câu này phải đọc là “ngỡ tay” và hàm ý: khi đói khó thì phải làm việc hết sức mình. Nhưng “Ông Hà Nội” đọc là “ngửa tay” nên họ đã giải thích: chìa ngửa bàn tay ra xin tiền.
Thơ luật Đường trong Quốc Âm Thi Tập, có xen những câu 6 chữ, cũng được giải thích: Thời Nguyễn Trãi (1380 – 1442), dù tiếng Việt đã và đang trải qua quá trình đơn tiết hóa, vẫn còn những chữ song tiết được ghi bằng 2 mã và đọc thành 2 âm. Mãi đến thế kỷ 18, việc đơn tiết hóa hoàn tất, chỉ còn 1 mã và 1 âm [10]. Cho nên những bài thơ luật Đường thất ngôn trong Quốc Âm Thi Tập (thế kỷ 15) nguyên là những câu 7 chữ. Trải qua 3 thế kỷ, chi phối bởi hiện tượng đơn tiết hóa, người đời sau chép Quốc Âm Thi Tập, có những câu không còn đủ 7 chữ nữa vì có 1 chữ nguyên là song tiết, đã rụng bớt 1 âm. Vậy phải đọc theo lối song tiết, câu thơ mới trở lại 7 chữ của thời Nguyễn Trãi.
GS. Mục nêu 4 dấu âm chính là: cự 巨, tư 司, xa 車, ba 巴 trong cấu trúc chữ Nôm và hiện tượng ngạc hóa để lý giải trường hợp bị chi phối bởi đơn tiết hóa, khiến câu thất ngôn chỉ còn 6 chữ. Và chữ Nôm có quy tắc riêng, mỗi thời kỳ có cách viết riêng. Chẳng hạn thời Nguyễn Trãi các dấu âm (còn gọi là dấu nháy) đều nằm bên phải của chữ, sang thế kỷ 18 đổi sang bên trái. Nhưng đây là chữ Nôm, ở vào địa hạt Nôm, không cần phải rập khuôn theo cấu trúc chữ Hán [11]. Vậy thời Nguyễn Trãi, đặt dấu âm bên phải của chữ là đúng.
Giáo sư Tâm Việt, nhận định về bài thuyết trình của diễn giả như sau [12]:
“Gọi là ‘Những Chuẩn Thằng Nôm Học Của Nguyễn Trãi,’ ông cho rằng những cái mà đa phần các nhà nghiên cứu khác gọi là ‘dấu nháy, v.v.’ trong thơ Nôm Nguyễn Trãi chính là những cách ghi khoa học để cho ta thấy sự ngạc hóa (palatization) của một âm, tỷ dụ từ ‘chầu’ (viết bằng ‘trào’ trong tiếng Hán) thành ‘giầu’ trong tiếng Việt (tiếng Nôm). Những loại dấu nháy khác cũng có những công dụng tương tự, vấn đề là ta phải tìm cho ra đúng công dụng của chúng, và như vậy thì sẽ không có cái gì gọi là ‘Hàn luật’ (thơ Đường chen câu 6 chữ) mà tất cả đều là đúng 7 chữ.”
H 19: Sáng 1- 7- 2007, GS. Lê Hữu Mục thuyết trình đề tài
“Những Chuẩn Thằng Nôm Học Của Nguyễn Trãi.”
Theo chương trình, còn một diễn giả nữa mới tới giờ nghỉ trưa. Nhưng các đề tài trên được cử tọa thảo luận sôi nổi, đã lấn hơn 30 phút, nên Hội Nghị quyết định dời bài thuyết trình kế tiếp sang giờ buổi chiều và bắt đầu sớm hơn thường lệ.
04/ Ai Vẽ Được, Ai Xóa Được (Lần Theo Dấu Vết Âm Việt Cổ: Từ Song Tiết Và Phụ Âm Kép):
Cô Hoài Hương Trần Uyên Thi, đến từ Virginia, thuyết trình đề tài Ai Vẽ Được, Ai Xóa Được (Lần Theo Dấu Vết Âm Việt Cổ: Từ Song Tiết Và Phụ Âm Kép).
Tác giả đề tài này là hai nhà Nôm học, thành viên trong Ban Biên Tập bộ sách Từ Điển Chữ Nôm Trích Dẫn: cô Hoài Hương (Virginia, USA) và anh Nguyễn Hữu Vinh (Đài Loan), thuộc thế hệ một rưỡi của người Việt ở Hải ngoại, họ tương đối còn trẻ.
Diễn giả căn cứ vào 69 văn bản chữ Nôm, trong đó có 30 văn bản chứa 70 trường hợp chữ Nôm cổ. Từ đó đưa ra kết luận:
Trước thế kỷ XIII, không rõ vấn đề song tiết vì không có tài liệu vi bằng.
Từ thế kỷ XIII, đã có song tiết, ghi bằng 2 mã và đọc thành 2 âm, như câu dưới đây có chữ “la đá” (đá).
Dấu người đi la đá mòn,
鬪 㝵 𠫾 羅 𥒥 𤷱,
Đường hoa vướng vất trúc luồn.
唐 花 咏 勿 竹 論 .
(Nguyễn Trãi,
Quốc Âm Thi Tập, bài 21, câu 1-2)
Sang thế kỷ XV, quá trình đơn tiết hóa bắt đầu, tiền tố bị mài mòn dần, chỉ còn 1 mã, tuy vẫn còn 2 âm.
Đến thế kỷ XVIII, việc đơn tiết hóa hoàn tất, chỉ còn 1 mã và 1 âm, như chữ “đá.”
Bài thuyết trình được cử tọa theo dõi một cách kỹ càng và hứng thú nhất, bằng lòng dành 12 phút thảo luận để diễn giả tiếp tục trình bày. Và Gs. Tâm Việt, qua bài Tường Thuật Hội Nghị Tiếng Việt, Trong Tuần Lễ Đầu, nhận xét về bài thuyết trình này như sau [13]:
“Bài viết thật công phu và có đầy đủ bằng chứng nên thuyết phục được khá nhiều người nghe về nguồn gốc song tiết (disyllabic) của một số từ Việt cổ (như ‘la đá’, ‘bà ngựa’, ‘bồ cóc’ v.v.) hay là sự hiện diện của phụ âm kép (như ‘bl, kl, kr, ml…’) vào thế kỷ XIII- XVII. Có người, sau khi nghe, phát biểu: ‘Đúng là hậu sinh khả úy.’”
H 20: Cô Hoài Hương Trần Uyên Thi thuyết trình đề tài
“Ai Vẽ Được, Ai Xóa Được”
(Lần Theo Dấu Vết Âm Việt Cổ: Từ Song Tiết Và Phụ Âm Kép)
KHAI MẠC PHẦN B: GIẢNG DẠY TIẾNG VIỆT
05/ Lời phát biểu của Chủ tọa:
Giáo sư Nguyễn Văn Trường đến từ Houston, Texas. Trước năm 1975, Ông là nhà lãnh đạo giáo dục thời Việt Nam Cộng Hòa, lần lượt giữ các chức vụ: Quyền Giám Đốc Học Vụ Ban Khoa Học Trường Đại Học Sư Phạm Huế (trước 1963), Tổng Giám Đốc Trung Tiểu Học và BDGD (sau 1963), Tổng Trưởng Giáo Dục (Nội Các Trần Văn Hương), Ủy Viên Giáo Dục (Nội Các Nguyễn Cao Kỳ, 1966).
Ông được Ban Tổ Chức mời tham dự Hội Nghị Quốc Tế Về Tiếng Việt và Khai mạc Phần B: Giảng Dạy Tiếng Việt, vào đầu giờ buổi chiều ngày 1 tháng 7.
GS. Nguyễn Văn Trường không ngớt lời khen ngợi tuổi trẻ hôm nay đã dấn thân, để tâm hết lòng nghiên cứu lịch sử tiếng Việt và chữ Nôm, kế tiếp sự nghiệp của các bậc đàn anh. Cách đây mười năm, khi gặp Giáo sư Nguyễn Văn Sâm, Ông nói: “Anh Sâm, anh Mịch qua rồi thì gia tài chữ Nôm của nước ta không còn ai đọc được nữa.” Giờ đây, chính mắt Ông thấy cô Hoài Hương và biết được nhiều bạn trẻ say mê nghiên cứu nền văn học cổ của nước nhà, nên rất mừng và đặt niềm hy vọng vào lớp trẻ hôm nay.
Ông cũng cho biết thời gian còn làm việc trong ngành Giáo dục VNCH, cũng quan tâm về bộ môn Việt Văn, nhất là cổ văn.
H 21: GS. Nguyễn Văn Trường, cựu Tổng Trưởng Giáo Dục VNCH,
Khai mạc Phần B: Giảng Dạy Tiếng Việt
06/ Tương Lai Tiếng Việt Tại Hải Ngoại:
Chiều ngày 1- 7, Giáo sư Kim Loan Hill đến từ San Diego, Nam California, là diễn giả đầu tiên trong chương trình thuyết trình Phần B: Giảng Dạy Tiếng Việt.
Theo Giáo Sư, chữ Nôm có nhiều khuyết điểm, muốn học chữ Nôm phải thông chữ Hán. Mà chữ Hán chỉ dành cho những người theo cử nghiệp. Dân chúng và nữ giới không được biết đến. Đó là sự bất công trong xã hội và sự kỳ thị nữ giới. Vì thế xã hội Việt Nam suốt một thời gian dài sống trong lạc hậu, nền văn học nghèo nàn. Từ ngày có chữ Quốc ngữ, văn học của nước ta được phát triển nhanh chóng.
H 22: GS. Kim Loan Hill thuyết trình đề tài
“Tương Lai Tiếng Việt Tại Hải Ngoại.”
GS. Tâm Việt đã nhận xét về bài thuyết trình này [14]:
“Tương Lai Tiếng Việt, hiểu là ở Mỹ, do Giáo sư Kim Loan Hill, hiện đang dạy ở UCSD (University of California, San Diego), tỏ ra khá bi quan. Song một vài nhận định của Giáo Sư đã bị một số quan khách chất vấn.”
07/ Một Phương Pháp Dạy Tiếng Việt:
Giáo sư Lưu Khôn đến từ San Jose, đăng đàn với đề tài Một Phương Pháp Dạy Tiếng Việt. Bài thuyết trình có 3 phần chính:
a/ Nêu lên lý do vì sao chọn đề tài này. Lúc dạy môn Hán văn, ở Đại Học Văn Khoa Sài Gòn, đã áp dụng phương pháp này, sinh viên rất thích thú. Đến nay, tại San Joes, một cựu sinh viên còn nhắc lại việc giảng dạy ấy rất hiệu quả.
b/ Dạy tiếng Việt thông qua tiếng Hán, dựa trên 4 cơ sở: Văn tự, Ngôn ngữ, Tư tưởng, Nghệ thuật.
c/ Phương pháp giảng dạy. Dùng ca dao Việt Nam để dạy chữ Hán [15]. Cuối cùng kết luận: ngày xưa học chữ Hán vì Hán văn, ngày nay học chữ Hán vì Việt văn.
Trong mục Tường thuật và Đúc kết Tuần Lễ Đầu, đọc trước Hội Nghị ngày 7- 7- 2007, GS. Tâm Việt có lời nhận xét [16]:
“Giáo sư Lưu Khôn trình bày kể lại kinh nghiệm của ông dùng tiếng và thơ chữ Hán để giúp sinh viên, học sinh hiểu rõ hơn một số quan niệm và điển tích Trung Hoa được dùng khá phổ biến trong tiếng Việt hay Văn học cận hiện đại Việt Nam. Giáo sư Lưu Khôn là một tác giả, dịch giả và giáo sư nổi tiếng từ ở Việt Nam, song phần trình bày của ông bị một vài người cho rằng: Ông đang nói đến chuyện dạy chữ Hán chứ không phải là dạy tiếng Việt.”
H 23: GS. Lưu Khôn thuyết trình đề tài
“Một Phương Pháp Dạy Tiếng Việt.”
08/ Các Lớp Tiếng Việt Tại Đại Học Cộng Đồng Đông Bắc Virginia:
Giáo sư Nguyễn Hữu Trí đến từ Virginia, trình bày tình hình giảng dạy và thành phần học viên, qua đề tài “Các Lớp Tiếng Việt Tại Đại Học Cộng Đồng Đông Bắc Virginia.” Bài tham luận gồm bốn điểm chính:
– Cung cấp thông tin về các đối tượng học tiếng Việt.
– Về lý do học tiếng Việt.
– Về những khó khăn mà sinh viên phải cố gắng vượt qua trong quá trình học tập.
– Về sự trở ngại trong việc giảng dạy tiếng Việt ở bậc Đại học tại Mỹ.
Giáo Sư cho biết, vùng ông đang ở (gần thủ đô Washington), ngày nay số người ghi danh học tiếng Việt có thể nói là khả quan, gồm các đối tượng sau đây:
Học viên là lớp trẻ gốc Việt, sinh tại Mỹ, ăn nói lưu loát tiếng mẹ đẻ nhưng lại không biết đọc và viết chữ Việt. Ngoài ra, có những bạn trẻ gốc Việt nhưng không nói được ngôn ngữ của mình.
Sinh viên là người Mỹ lấy vợ hay chồng Việt. Ngoài ra còn một số người Mỹ có bằng cấp cao, nhưng vì lý do nghề nghiệp, hoặc muốn nghiên cứu về văn hóa và ngôn ngữ Việt, họ cũng ghi danh học tiếng Việt.
Do vậy, lớp học bao gồm nhiều thành phần khác nhau về tuổi tác, trình độ học vấn, và sự hiểu biết về tiếng Việt. Khiến việc học tập và giảng dạy trở nên phức tạp, đòi hỏi nhiều công sức hơn.
H 24: GS. Nguyễn Hữu Trí thuyết trình đề tài
“Các Lớp Tiếng Việt Tại Đại Học Cộng Đồng Virginia.”
09/ Thế Hệ Trẻ Việt Nam Và Nhu Cầu Giảng Dạy Tiếng Việt:
Cô Hoàng Quế Trân, một nhà giáo dục, đến từ Vancouver, Canada, thuyết trình về vấn đề “Thế Hệ Trẻ Việt Nam Và Nhu Cầu Giảng Dạy Tiếng Việt.”
Cô cho thấy tính cách đa văn hóa của Canada. Chủ trương trong nền giáo dục của họ (khác với Mỹ), là chính thức công nhận và khuyến khích nhóm thiểu số giảng dạy về văn minh, văn hóa, và ngôn ngữ của cộng đồng mình. Vì thế, Cộng đồng người Việt ở Canada, có nhiều thuận tiện trong việc duy trì và phát huy Văn hóa và Ngôn ngữ của Dân tộc.
Bên cạnh những điểm lợi, vẫn có trở ngại chính là thiếu nhân sự soạn thảo học trình, nhất là thiếu tài liệu giáo khoa Văn Hóa Việt thích hợp theo hoàn cảnh mới, một tinh thần mới.
H 25: Cô Hoàng Quế Trân thuyết trình
đề tài “Thế Hệ Trẻ Việt Nam
Và Nhu Cầu Giảng Dạy Tiếng Việt.”
10/ Dạy Và Học Chữ Việt Vỡ Lòng:
Diễn giả cuối cùng trong hai ngày Hội Nghị của tuần lễ đầu (30- 6 và 1- 7- 2007) là ông Nguyễn Phước Đáng, đến từ San Jose, Bắc California, đăng đàn đề tài “Dạy Và Học Chữ Việt Vỡ Lòng.”
Bài thuyết trình có 5 phần chính:
a/ Định nghĩa các thuật ngữ sẽ nói đến trong bài, như: Chữ, Mẫu tự, Âm, Âm đơn, Âm kép, Chánh âm, Phụ âm, Vần, Chữ gốc, Chữ ráp thanh, Dấu thanh, Đánh vần, Đánh vần chính tả, Đánh vần phát âm, Ráp âm, Ráp thanh, Ráp vần …
b/ Số lượng chữ cái trong hệ thống chữ Việt: Sơ khởi có 22 chữ cái gồm 6 nguyên âm và 16 phụ âm. Nhưng vẫn không đủ âm căn bản để ghi hết được tiếng nói của người Việt. Sau tăng thành 29 chữ cái gồm 12 chánh âm và 17 phụ âm.
c/ Số lượng âm căn bản trong tiếng Việt, có 40 âm căn bản gồm 15 chánh âm và 25 phụ âm.
d/ Tên của chữ cái và âm căn bản trong hệ thống chữ Việt, liệt kê 40 chữ cái qua các mục: Số thứ tự, Tên gọi, Ký hiệu âm căn bản, Âm.
đ/ Chữ Việt song tiết (có hai vần).
Theo Diễn giả ngôn ngữ Việt là Ngôn ngữ có tiếng nói đa âm, nhưng chữ Việt lại là loại chữ đơn tiết. Và kết luận, trong tiếng Việt có 4 vần đơn giản: Vần xuôi (ba, chú, mẹ). Vần ngược (anh, em, ông). Vần hợp âm (ai, eo, ia). Vần hòa âm (oa, oe, uy).
Giáo sư Tâm Việt đã nhận xét về bài thuyết trình này như sau [17]:
“Ông đưa ra một thuyết khá công phu (mà đã từng được dùng để huấn luyện một số anh chị em giảng huấn trong các trường Việt ngữ). Song nhìn từ một góc cạnh ngôn ngữ học thì đôi ba người cho rằng hãy còn khiếm khuyết. Dầu sao, đây cũng là một nỗ lực đáng kể, đi tìm một phương pháp mới cho việc giảng dạy tiếng Việt ở xứ người.”
H 26: Ông Nguyễn Phước Đáng thuyết trình đề tài
Sau buổi dạ tiệc đúc kết tuần lễ đầu của Hội Nghị với 15 đề tài tham luận, phần lớn quan khách và diễn giả ở phương xa, trở về nhà. Vì thế, sau bữa tiệc, Giáo sư Viện Trưởng trân trọng mời từng vị diễn giả, đã thuyết trình trong tuần lễ đầu, không thể ở nán lại tham dự tiếp tuần lễ thứ hai, lên sân khấu của nhà hàng để trao Giấy Chứng Nhận và chụp ảnh lưu niệm. Các diễn giả khác, như Gs. Lê Hữu Mục (Canada), Gs. Nguyễn Ngọc Bích (Washington DC), Bs. Nguyễn Hy Vọng (Irvine, CA) … vẫn còn ở lại Little Saigon thăm viếng bà con và bằng hữu, đợi tham dự trọn vẹn 4 ngày Hội Nghị, sẽ trao sau.
Ban Tổ Chức vẫn bận rộn, chuẩn bị cho đợt thuyết trình vào tuần lễ thứ hai.
H 27: GS. Viện Trưởng trao Bằng Tưởng Lệ
cho Gs. Nguyễn Văn Sâm.
III – CHƯƠNG TRÌNH THỨ BẢY NGÀY 7- 7- 1007
01/ Đúc kết Hội Nghị Tuần Lễ Đầu:
Mở đầu Hội Nghị tuần thứ hai, Giáo Sư Viện Trưởng ngỏ lời chào mừng Diễn giả và Quan khách tham dự Hội Nghị tuần lễ thứ hai.
Tiếp theo là Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích, ký tên dưới bút hiệu Tâm Việt, tường thuật và nhận xét hai ngày Hội Nghị trong tuần lễ đầu, Ông nói:
“Đây là lần đầu tiên mở một Hội Nghị Quốc Tế chuyên đề về tiếng Việt được tổ chức ở Hải ngoại. Viện Việt Học đã mời được số đông chuyên gia của chúng ta ở Hảỉ ngoại, về đây tham luận và thảo luận về một đề tài khá lớn là tiếng Việt.”
Bài nhận định Hội Nghị Tiếng Việt, Trong Tuần Lễ Đầu, dài 5 trang rưỡi, tường thuật đầy đủ, kèm theo sự nhận xét về diễn tiến Hội Nghị, đúc kết tất cả những ý kiến của diễn giả và quan khách qua mỗi bài thuyết trình.
02/ Tiên Hoa Lục, Một Văn Bản Mới Phát Hiện:
Giáo sư Đoàn Khoách đến từ San Diego, Nam California, mở đầu cho việc thuyết trình của tuần lễ thứ hai, qua bài Tiên Hoa Lục, Một Văn Bản Mới Phát Hiện.
Trong 30 phút Diễn giả trình bày, các ý chính có thể tóm lược sau đây:
– Suy nghĩ về chữ Nôm và văn Nôm.
– Vai trò văn bản đối với một tác phẩm Nôm.
– Các văn bản Hoa Tiên Nôm từng lưu hành: Hoa Tiên Ký Đệ Bát Tài Tử Diễn Âm (bản chép của Trường Viễn Đông Bát Cổ); Hoa Tiên Nhuận Chính (bản in của Đỗ Hạ Xuyên); Hoa Tiên Quốc Ngữ (bản chép của Dương Quảng Hàm); Hoa Tiên Nguyên Tác (bản chép của Nguyễn Huy Cừ).
– Văn bản Nôm Tiên Hoa Lục: Quá trình phát hiện và sưu tầm văn bản. Mô tả hình thức văn bản. Tìm hiểu sơ lược chữ Nôm trong văn bản. Tìm cách xác định niên đại xuất hiện của văn bản.
– Tiên Hoa Lục một văn bản Nôm cổ hiếm quý.
H 28: GS. Đoàn Khoách thuyết trình “Tiên Hoa Lục”
vào sáng 7- 7- 2007.
03/ Tiếng Việt Gốc Khmer:
Giáo sư Nguyễn Hữu Phước đến từ Huntington Beach, Nam California, đăng đàn với đề tài Tiếng Việt Gốc Khmer. Tóm lược bài thuyết trình, Diễn giả trình bày các phần chính sau đây:
a/ Trưng lên một số từ ngữ Việt có nguồn gốc Khmer:
– Tiếng Việt gốc Khmer thông dụng được dùng ở đồng bằng Đồng Nai và Cửu Long như: cà ràng, cái nóp, mình ên.
– Tiếng Việt gốc Khmer đã hoàn toàn Việt Nam hóa như: Thốt Nốt, Sóc Trăng, Cà Mau, Bến Tre.
– Tên các thủy sản có ghi dấu nhiều sự vay mượn qua lại:
* Có thể tiếng Việt, gốc Khmer như: Cá thát lát/ Trey slat; Cá chài sóc/ Trasork; Cá linh gió/ Trey riel; Cá éc/ Kaek; Cá kết/ Trey kes; Cá tra chuột/ Trey pra kandor; Cá tra nuôi/ Trey pra; Cá vồ đém/ Trey po; Cá chốt giấy/ Trey kanchos chhnau; Cá chốt sọc/ Trey kanchos; Cá chốt trắng/ Trey kanchos; Cá chốt cờ/ Trey kanchos kdong; Cá lăng/ Trey chhlang thmor; Cá úc thép/ Trey kaok; Cá úc sào/ Trey kaok; Cá úc mím/ Trey kaok; Cá lóc/ Ptuok.
* Có thể tiếng Khmer, gốc Việt như: Kampoulbai/ Cá duồng bay; Cahe/ Cá he vàng; Trey cahe/ Cá he đỏ; Linh/ Cá linh cám; Trey bong lao/ Cá bông lau.
* Có mối nghi ngờ, không rõ tiếng gốc Việt hay gốc Khmer như: Cá mè vinh (cá trà vinh) = Chhpin; Cá Ba sa = Trey pra kchau; Cá hú = Trey prake; Cá thiều = Trey kaok; Cá nâu = Cá nào.
b/ Dùng hoàn cảnh lịch sử và địa lý nhân văn để giải thích các sự kiện trên:
– Rất nhiều địa danh rõ ràng là gốc Khmer và là dấu chỉ rằng vùng đất Cửu Long ngày xưa thuộc Khmer.
– Những từ ngữ Việt có nguồn gốc Khmer, tuy là con số tương đối rất khiêm tốn, nhưng chúng nói lên sự giao lưu văn hóa tự nhiên của hai chủng tộc sống gần nhau, và là một điểm đặc thù của nền Văn Hóa Đồng Nai – Cửu Long, nhất là tên các loài cá.
H 29: GS. Nguyễn Hữu Phước thuyết trình đề tài
“Tiếng Việt Gốc Khmer.”
04/ Tiếng Huế, Tiếng Chăm:
Giáo sư Nguyễn Cúc ở Dallas, Texas, thuyết trình đề tài Tiếng Huế, Tiếng Chăm, nhưng giờ chót đã vắng mặt. Bác sĩ Nguyễn Hy Vọng đến từ Irvine, quận Cam (Orange, Ca), thuyết trình thế, có đoạn, ông nói:
“Sau 100 năm tìm hiểu, nay thì thế giới ngôn ngữ học đã biết là tiếng Việt xưa của ta không phải từ tiếng Tàu mà ra, mà lại bắt nguồn ngay tại chỗ (vùng Đông Nam Á) và đã là một nhánh của cây ngôn ngữ Mon- Khmer từ ngàn ngàn năm về trước, từ cái thuở mà ta chưa phải là Giao Chỉ mà Tàu cũng chưa phải là Tàu!”
Thật vậy, các tiếng nói anh em gồm tiếng Miên, Lào, Thái, Chàm, Nùng Thổ, tiếng Mon bên Miến Điện, tiếng Miến nữa…và cả tiếng của 54 sắc dân thiểu số tại Việt Nam đều có chung nguồn gốc.
Nếu ai đi tìm nguồn gốc tiếng Việt từ tiếng Tàu là một sai lầm lớn. Một số tiếng Tàu sử dụng trong tiếng Việt chỉ là tiếng vay mượn, và chỉ có thể giúp ta tìm hiểu nguồn gốc của tiếng Nho Việt mà thôi.
Ngày nay, bằng phương pháp so sánh âm, vần, cách phát âm của khoa ngôn ngữ học so sánh, âm vận học so sánh, ngữ nghĩa học so sánh, có thể rọi sáng cho ta cái nhìn chính xác về nguồn gốc của tiếng Việt. Thí dụ:
Người Việt nói “trong trẻo trong veo” tiếng Thái nói “Trẻo veo”
Người Việt nói “băn khoăn sợ hãi” tiếng Thái nói “khoăn hãi”
Người Việt nói “chân mây, chân trời” tiếng Khmer nói “châng mêkh”
Người Việt nói “chân tay” tiếng Khmer nói “chân đay”
Người Việt nói “vắng vẻ” tiếng Lào nói “vằng ve”
Người Việt nói “quạnh quẽ” tiếng Lào nói “quành que”
Tiếng Chăm, có đến 20% tiếng đồng nguyên với tiếng Việt. Gọi là đồng nguyên, vì không phải tiếng Việt vay mượn tiếng Chăm, hoặc tiếng Chăm vay mượn tiếng Việt; mà cả hai (nói riêng) và các tiếng vùng Đông Nam Á (nói chung) có cùng nguồn gốc, cùng chung một mẹ Ngữ Hệ Nam Á.
Trung bình, câu nói của tiếng Việt, cứ 5 tiếng là có 1 tiếng đồng nguyên với tiếng Chăm. Ngoài sự đồng nguyên, ngữ pháp Chăm và Việt còn giống nhau đến 90%. Dưới đây, trình bày sự liên hệ giữa tiếng Việt Miền Trung và tiếng Chăm:
Người Việt nói “ông,” ở Huế gọi “ôn,” tiếng Chăm cũng nói “ôn.”
Người Việt nói “này,” ở Huế gọi “ni,” tiếng Chăm cũng nói “ni.”
Thí dụ (tiếng Việt bên hàng trái, tiếng Chăm ở hàng phải):
Ông mụ Ôn mu
Ông mụ già Ôn mu ta ha
Ông mụ già này Ôn mu ta ha ni
Ông mụ già này nói Ôn mu ta ha ni noi
Ông mụ già này nói giống nhau Ôn mu ta ha ni noi dâu gao
Ông mụ già này nói giống y changÔn mu ta ha ni noi dâu y chang
Ông mụ già này nói bá láp Ôn mu ta ha ni noi ba lap
Ông mụ già này nói mãi mãi Ôn mu ta ha ni noi mai mai
Ông mụ già này nói lâu Ôn mu ta ha ni noi blâu
Ông mụ già này nói vui vẻ Ôn mu ta ha ni noi bui pe
Ông mụ già này nói ba trợn Ôn mu ta ha ni noi ba trơn
Sui gia Sui bra
Yêu nhau Yêu gao.
Tóm lại, vùng đất thiêng Đông Nam Á đã chia xẻ cái nôi ngôn ngữ.
H 30: BS. Nguyễn Hy Vọng thuyết trình thế
cho GS. Nguyễn Cúc.
Đã đến giờ nghỉ trưa, Ban ẩm thực mời Diễn giả và Quan khách dùng cơm tại Viện Việt Học. Đúng 1 giờ 30, mọi người trở lại phòng họp bắt đầu cho cuộc thuyết trình buổi chiều.
05/ Phân Tích Và Đối Chiếu Giữa Anh Ngữ Và Việt Ngữ:
Giáo sư Lê Chính Long đến từ Fountain Valley, Nam California, trình bày đề tài Phân Tích Và Đối Chiếu Giữa Anh Ngữ Và Việt Ngữ. Diễn giả trình bày hai điểm chính:
H 31: GS. Lê Chính Long thuyết trình đề tài
“Phân Tích Và Đối Chiếu Giữa Anh Ngữ Và Việt Ngữ.”
– Dựa vào khoa Ngôn ngữ học liên quan tới cách phát âm (phonology), cách cấu tạo từ (morphology), cách đặt câu (syntax), cách diễn tả tư tưởng trong một bài luận văn (discourse) để trình bày những dị biệt giữa hai ngôn ngữ Việt và Anh.
– Nhấn mạnh tới lãnh vực âm học, giúp những Thầy Cô dạy Việt ngữ một phương pháp luyện giọng học sinh phát âm dễ dàng và chuẩn xác.
06/ Tiếng Việt Đôi Bờ:
Giáo sư Phạm Cao Dương đến từ Huntington Beach, Nam California, với đề tài Tiếng Việt Đôi Bờ. Diễn giả tóm lược bài thuyết trình như sau:
“Năm 1954 và 1975 là hai thời điểm quan trọng trong Lịch sử Việt Nam hiện đại. Hai thời điểm này không chỉ biểu hiện cho sự chia cách về lãnh thổ quốc gia hay lãnh thổ cư trú và sinh hoạt chính trị của dân tộc Việt Nam mà còn ảnh hưởng đến toàn bộ sinh hoạt của người Việt, trong đó có ngôn ngữ của họ. Tiếng Việt đã phát triển ở hai bờ khác nhau.
“Trong 20 năm đầu, 1954 – 1975, sự phát triển ở hai miền Nam và Bắc của sông Bến Hải. Hai bên hoàn toàn ngăn cách, không có ảnh hưởng gì tới nhau.
“Từ sau năm 1975, sự phát triển là ở trong nước và ở Hải ngoại với sự ngăn cách không hoàn toàn như thời trước, đặc biệt là ở Hải ngoại, qua đó người ta ghi nhận một khuynh hướng sử dụng các ngôn từ phát xuất từ trong nước, một sự sử dụng phần nhiều thiếu thận trọng. Hiện tượng này đã làm cho những người yêu mến tiếng Việt và lưu tâm đến tương lai tiếng Việt lo lắng không ít.”
H 32: GS. Pham Cao Dương thuyết trình
đề tài “Tiếng Việt Đôi Bờ.”
07/ Giọng Bình Định:
Giáo sư Đào Đức Chương đến từ San Jose, Bắc California, thuyết trình đề tài Giọng Bình Định. Dưới đây là Dàn bài của bài thuyết trình:
a/ Dẫn nhập: từ điều kiện phong thổ đưa đến giọng nói đặc trưng của mỗi miền.
b/ Thổ ngữ: kê khai, giải thích và dẫn chứng qua văn liệu. Gồm 56 thổ ngữ tiêu biểu như: beng (so sánh), chẹ (mà), dẫy na (vậy hả), dẹ (gớm), hử (ngửi), na (sao), nậu (dùng gọi nhóm người cùng hoàn cảnh, chỗ ở, sinh hoạt, nghề nghiệp), nẫu (dùng cả 3 ngôi: ta, mầy, nó), óng (xa quá), ờ hé (vậy à), quá (như, bằng), quải (cúng giỗ), rội (thêm vào), vời (biển khơi)… Ngoài ra, còn 16 thổ ngữ theo đà Nam tiến, từ Bắc vào Bình Định như: ghè (lu nhỏ), té ra (thì ra)…; và từ Bình Định vào Nam như: bậu (em, nàng), qua (tôi), cỏn (con vợ mày), thẵng (thằng chồng mày)…
c/ Thổ âm: Diễn tả giọng nói qua sự nhận xét trình bày và phân tích.
– Phát âm sai ở các vần: “Ôi” thành “âu,” “Oa” thành “a,” “Oe” (e,) “Om và Ơm” thành “ôm,” “Ươi” thành “ư,” “Ếp” thành “íp,” “Ơi” thành “quơi” ; phụ âm khởi đầu “V và D” thành “gi,” “Ngoại” thành “quại.”
– Phát âm biến giọng ở các vần: “A” thành “ea,” “Ăn” thành “en,” “Ảy” thành “ẻ.” Ngoài ra, ở miền núi phát âm “ơi” cộc và ngắn, ở miền biển vài nơi còn phát âm chả chớt.
– Phát âm lẫn lộn: phát âm không phân biệt phụ âm đầu D và G, các phụ âm cuối C và T, CH và T, N và NG, N và NH; không phân biệt các vần nguyên âm như IU với IÊU, UI với UÔI.
d/ Lối nói Bình Định: vừa độc đáo, ý nhị, ví von. Trình bày, phân tích, giải thích ba lối nói của Bình Định:
-Nói ví: Ngang quá ông Chảng, Ông xã Bình Thái lại nồi canh, Tướng Rái,…
-Nói lóng: Sáng sấn nay nân chúng chấn ta tân đi đân phố phấn.
-Nói lái, so sánh hai lối nói: Ở Bình Định: “Lọ tương” lái thành “Lượng to”
Ở Miền Bắc: “Lọ tương” lái thành “Tượng lo”
đ/ Nguồn gốc giọng nói: Dùng hoàn cảnh lịch sử và địa lý nhân văn qua hai cuộc di cư vào miền Bắc Vijaya để lý giải.
e/ Đặc điểm giọng nói:
– Xét về cấu trúc ngôn ngữ qua nguồn gốc, nhóm tiếng, âm tiết và thanh điệu.
– Về ngữ học: Giọng Bình Định buồn tẻ, lại có phần cứng và nặng, vì lười phát âm trọn tiếng và ít chú ý đến sắc âm. Nhưng tiếng nói Bình Định sang sảng, phát âm rõ ràng L với N, S với X, trong lúc một số miền không thể phát âm đúng.
g/ Tầm ảnh hưởng: Dẫn chứng sự liên hệ ít nhiều về thổ âm và thổ ngữ đến các tỉnh phía Nam (bên kia đèo Cù Mông) qua cuộc Nam Tiến.
h/ Phần kết: Bình Định nằm giữa và tương đối cách đều hai đầu của nước ta. Bình Định là nơi đón nhận dân định cư Miền Bắc và Bắc Trung Việt (thời Lê Thánh Tông), và cũng là nơi tuyến đầu của cuộc Nam Tiến (thời Chúa Nguyễn). Vì vậy giọng nói Bình Định mang vai trò gạch nối giữa giọng Bắc, Trung, Nam.
H 33: GS. Đào Đức Chương thuyết trình
đề tài “Giọng Bình Định.”
08/ Dạy Quốc Văn Ở Việt Nam, Dạy Tiếng Việt Trên Xứ Mỹ:
Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm trước 30 Tháng Tư năm 1975 giữ chức Thứ trưởng Bộ Văn Hóa Giáo Dục và Thanh Niên, Việt Nam Cộng Hòa.
Ông là diễn giả cuối cùng trong ngày 7- 7, đến từ Santa Ana, quận Cam (Ca). Thuyết trình đề tài Dạy Quốc Văn Ở Việt Nam, Dạy Tiếng Việt Trên Xứ Mỹ. Trong bài tóm lược, diễn giả trình bày:
“Sơ lược duyệt qua chương trình Quốc văn ở các lớp Trung Học Phổ Thông Việt Nam trước 1975. Tựa trên chương trình đó, giáo sư môn Quốc văn cần chú trọng vào những gì để có thể xây dựng vốn kiến thức vững chắc về tiếng Việt và văn chương Việt cho học sinh Trung học từ lớp Sáu (Đệ Thất cũ) đến lớp Mười Một (Đệ Nhị). Dạy chính tả, văn phạm, cú pháp, tả cảnh, tả tình, thuật sự, luận đề luân lý, luận đề văn chương, tất cả những bài văn của những văn thi sĩ nổi tiếng trong chương trình. Ở đây tiếng Việt là Quốc ngữ, là tiếng nói của Quốc gia, và văn chương Việt là Quốc văn, là văn chương của dân tộc Việt. Tiếng Việt là ngôn ngữ chính.
“Ở Mỹ, tiếng Việt là một sinh ngữ trong chương trình Trung học và Đại học. Các lớp tiếng Việt được xếp làm ba cấp: lớp bắt đầu hay sơ cấp, lớp giữa hay trung cấp, và lớp tiến xa hơn hay cao cấp, nương theo cách sắp xếp của những sinh ngữ khác. Dạy những gì trong các lớp này để xây dựng kiến thức vững chắc về tiếng Việt cho học sinh/ sinh viên ở đây, khi không có một chương trình ấn định rõ ràng.”
H 34: GS. Nguyễn Thanh Liêm thuyết trình
đề tài “Dạy Quốc Văn Ở Việt Nam,
Dạy Tiếng Việt Trên Xứ Mỹ.”
Xong một ngày thuyết trình trong tuần lễ thứ hai, Diễn giả và một số quan khách dùng cơm tại nhà hàng Cali do Ban Tổ Chức đặt sẵn.
VI – CHƯƠNG TRÌNH CHỦ NHẬT NGÀY 8- 7- 2007
01/ Giảng Dạy Tiếng Việt Tại Đại Học Hoa Kỳ:
Giáo sư Phạm Kim Dung, đến từ UC Riverside, Nam California, thuyết trình đề tài Giảng Dạy Tiếng Việt Tại Đại Học Hoa Kỳ.
Cộng đồng người Việt tỵ nạn tại Mỹ dù còn non trẻ (32 năm), nhưng đã khẳng định được chỗ đứng của mình trong dòng chính (main stream) của nước Mỹ. Sự thành công thấy rõ của lớp trẻ, ở nhiều lãnh vực khác nhau, nhất là trong đời sống nghề nghiệp và chuyên môn. Trước sự trưởng thành nhanh chóng của cộng đồng người Việt, trong những năm gần đây, chương trình giảng dạy tiếng Việt trong một số các trường Trung học và Đại học tại Mỹ, khởi đầu là tiểu bang California, đã được thực hiện.
Trong phần chính của bài thuyết trình, diễn giả lần lượt trình bày các vấn đề:
a/ Đối tượng học tiếng Việt:
– Trước năm 1975, tiếng Việt đã được dạy ở Mỹ cho các đối tượng sau đây:
* Cố vấn quân sự Mỹ, và nhân viên của Usaid, Usom, Juspao.
* Quân nhân Mỹ.
– Sau năm 1975, người Việt định cư tại Mỹ càng ngày càng đông, nhu cầu dạy tiếng Việt trở nên thiết thực:
* Thế hệ trẻ Việt Nam học tiếng Việt tăng nhanh.
* Người Mỹ và vài sắc dân khác học tiếng Việt như một nhu cầu ngoại ngữ.
b/ Động lực thúc đẩy học tiếng Việt, sau năm 1975:
– Đối với thế hệ trẻ Việt Nam
* Gia đình buộc con cháu họ học tiếng Việt để duy trì tiếng mẹ đẻ.
* Đòi hỏi của chương trình học, vì tiếng Việt là một trong các ngoại ngữ chọn lựa.
* Phát triển tiếng Việt để giao tiếp với gia đình và cộng đồng của mình.
* Ý hướng về nguồn, học tiếng Việt để biết Văn hóa Việt.
– Đối với người Mỹ và một số sắc dân khác:
* Tình yêu, hôn nhân, vì họ lấy vợ/ chồng là người Việt, cần học tiếng Việt để tăng hạnh phúc gia đình.
* Bạn bè, họ quen thân với nhiều người Việt.
* Nghề nghiệp, vì công việc làm ăn, họ phải học tiếng Việt.
* Du lịch Việt Nam, cần tiếp xúc, trao đổi với người bản xứ.
c/ Các trường dạy Việt ngữ tại Hoa Kỳ:
* FSI (Foreign Service Institute) của Bộ Ngoại Giao.
* DLI (Defence Language Institute) của Bộ Quốc Phòng. Ban tiếng Việt của trường này, vì nhu cầu không còn nhiều nữa, đã tạm đóng cửa vào cuối năm 2004. Hai trường trên, thuộc chính phủ Liên Bang, và đã có trước năm 1975.
* Các Trung Tâm Việt Ngữ, mở ra trong cộng đồng Người Việt.
* Một số trường Trung Học, nhiều nhất là ở quận Cam (CA).
* Các Đại Học Cộng Đồng (2 năm).
* Đại Học Tiểu Bang (4 năm).
d/ Những thuận lợi và khó khăn trong việc dạy và học tiếng Việt:
– Thuận lợi đối với người học:
* Gia đình là người Việt nên các em được sự hỗ trợ và khuyến khích.
* Các em học tiếng Việt bằng sự hăng hái và nhiệt tình.
– Thuận lợi đối với người dạy:
* Sách giáo khoa đầy đủ và khác nhau, thầy giáo có nhiều chọn lựa.
* Nhiều báo chí, phim ảnh trên internet.
* Cộng đồng Người Việt: Ở quận Cam cộng đồng người Việt lớn nhất, rất thuận tiện cho việc dạy tiếng Việt.
– Khó khăn đối với người học:
* Quán tính nói tiếng Mỹ, khi nói tiếng Việt trở nên khó khăn, nên lười.
* Kiểm soát dấu giọng. Có em từ nhỏ không hề nói tiếng Việt, khi học chữ Việt, phát âm ngọng nghịu như người ngoại quốc nói tiếng Việt, khó sửa cho đúng giọng Việt.
* Trở ngại khi phát âm các chữ có mẫu tự: “t,” “th,” “nh,” “ng-,” “-ng,” “u,” “ư,” “e,” “ê,” các em cảm thấy rất khó khăn.
* Lỗi chính tả, các em sinh trưởng trong gia đình người Bắc thì ít bị lỗi chính tả.
* Trao đổi với cha mẹ khó khăn, vì các em không đủ tiếng để trình bày những ý nghĩ cho cha mẹ rõ, mỗi khi có sự bất đồng. Trái lại, phụ huynh không đủ trình độ tiếng Anh, nói cho con cái hiểu rõ. Bởi vậy, giữa con cái và cha mẹ có sự tắc nghẽn, một khoảng cách khó thu ngắn.
– Khó khăn đối với người dạy:
* Người Mỹ học chung với người Việt.
* Thay đổi phương pháp và sáng tạo. Người đầu bếp cần thay đổi món trong mỗi bữa ăn. Dạy học cũng vậy, luôn luôn tìm cái mới, làm cho lớp học được vui vẻ, hứng thú, sự tiếp thu đạt nhiều hiệu quả hơn.
* Nhiều trình độ trong một lớp, có em mới từ Việt Nam sang, có em sinh đẻ tại Mỹ. Điều này thường xảy ra ở Đại Học Cộng Đồng (2 năm).
* Sĩ số đông, khó kiểm tra mức độ tiếp thu từng em một.
* Dạy những từ ngữ người Việt trong nước quen dùng, bị phụ huynh cho là dạy chữ Việt Cộng. Thí dụ: “Quần Jeans” nay người trong nước quen gọi là “Quần bò.”
đ/ Phương pháp dạy tiếng Việt ở Mỹ:
Lập Website, trong đó có bài giáo khoa, giảng giải đầy đủ, bài tập và hình ảnh minh họa. Ngoài việc học tại lớp, học viên có thể tải về (download) từ bài trên mạng mà dùng, khỏi phải mua sách.
g/ Thử tìm một phương pháp dạy tiếng Việt:
Ngôn ngữ và văn hóa phải đi đôi với nhau. Dạy tiếng Việt phải gắn liền với văn hóa Việt. Tất cả sách giáo khoa mà chúng tôi soạn đều không ngoài mục đích này.
Thí dụ: Bài học về chủ đề “Đi chợ mua sắm thức ăn,” cần phải dạy cho các em cách mua bán của người Việt ở trong nước: nói thách, trả giá, mua mở hàng, bán trái cây tính chục là 10 trái, có nơi tính là 12, hoặc 14…
Ở Việt Nam còn có cách nói phải hiểu theo một nghĩa khác: Đi đến phòng mạch cho bác sĩ khám bệnh, lại nói: “Khám bệnh Bác sĩ.”
h/ Học và dạy tiếng Việt, phát triển mạnh:
Vài con số thống kê, số người học tiếng Việt ở Hoa Kỳ:
Đại Học Cộng Đồng: Năm 1998 có 385 người, năm 2002 có 1185 người
Đại Học Tiểu Bang: Năm 1998 có 491 người, năm 2002 là 1003 người
Nghiên cứu tiếng Việt trong chương trình Tiến sĩ: Năm 1998 là 23 người, năm 2002 là 48 người.
Và cũng theo thống kê: Trong 16 ngôn ngữ, tiếng Việt đứng nhất về sự phát triển tại Mỹ.
H 35: GS. Phạm Kim Dzũng thuyết trình đề tài
“Giảng Dạy Tiếng Việt Tại Đại Học Hoa Kỳ.”
02/ Mấy Nét Đặc Thù Trong Ngữ Pháp Tiếng Việt: Cách Thể Hiện Thời Gian.
Giáo sư Đào Thị Hợi, đến từ Washington DC, thuyết trình đề tài Mấy Nét Đặc Thù Trong Ngữ Pháp Tiếng Việt: Cách Thể Hiện Thời Gian.
Ngữ pháp Việt Nam cũng là một phần của Văn Hóa Việt. Cú pháp của ta không chia động từ như tiếng Pháp và Anh. Thay vào đó dùng các chữ “đã, đang, sẽ” để minh định quá khứ, hiện tại và tương lai. Ngoài ra còn dùng các danh từ chỉ thời gian như: “hôm nay, hôm qua, hôm kia” biểu thị giới hạn từ hiện tại lui về dĩ vãng. Và “ngày mai, ngày mốt, ngày kia” biểu thị cho thời gian thuộc về tương lai từ gần đến xa dần. Còn danh từ “ngày nay” vẫn biểu thị cho hiện tại, nhưng có tính cách bao quát, không định vị thời điểm. Muốn biểu thị cái hiện tại, ta phải dùng từ ngữ “hôm nay.” Ngoài ra còn các tiếng chỉ thời gian như: “bây giờ, bao giờ, bấy giờ, vẫn, còn, mới, vừa, xong, rồi.” Tất cả những từ chỉ thời gian nêu trên, gọi là phân bố vị. Giáo sư Đào Thị Hợi đưa ra hai thí dụ về thời gian:
a/ Cách thể hiện thời gian: “Rồi, sẽ, xong, xong rồi”
Mẹ nói: Con ơi! Mang rác ra cho mẹ chưa? Con mang rác ra chưa?
Con đáp: Dạ chưa.
Mẹ nói: Sao lại chưa, làm cho nó rồi đi chứ.
Con đáp: Được mẹ. Con làm xong bài này, rồi con sẽ làm.
Người con mang thùng rác ra chỗ xe rác, rồi trở về.
Con nói: Mẹ ơi! Con làm rồi, xong rồi.
Mẹ đáp: Ngoan quá, con tôi ngoan quá!
b/ Cách thể hiện thời gian: “Bao giờ”
Một thí dụ nữa, bạn A hỏi bạn B quanh việc “bao giờ” đi du lịch Alaska. Họ đối đáp như sau:
A hỏi: Chị đi thăm Alaska bao giờ chưa?
B đáp: Chưa, chưa bao giờ.
A hỏi: Chưa bao giờ là làm sao! Bao giờ thì chị tính đi?
B đáp: Chả biết được. Chả biết được bao giờ?
A hỏi: Bây giờ đi được chưa?
B đáp: Dạ chưa. Cũng chưa biết là bây giờ đi được chưa. Để tính thử bao giờ thì có thể đi được. Đáp xong, B quay lại hỏi A:
Chị đi rồi hã. Chắc là đẹp lắm phải không? Chị đi bao giờ thế.
A đáp: Tôi đi tháng trước.
B hỏi: Thế thì bao giờ chị lại tính đi lại? Bao giờ chị muốn đi nữa thì tôi lại đi theo chị. Bao giờ chị đi thì tôi đi theo. Chị biết rồi mà, tôi đi theo.
Cuối cùng GS kết luận: Chúng ta có ngữ pháp để thể hiện cách tính thời gian trong tiếng Việt. Và đó là một nét đặc thù trong các nét đặc thù của tiếng Việt.
Để chấm dứt bài thuyết trình, GS ứng dụng ngay qua câu hỏi Ban Điều Hợp chương trình: “Bây giờ là bao giờ, đã đến giờ tôi được nghỉ chưa?”
Trong bài tóm lược, Gs. Đào Thị Hợi nộp cho Ban Tổ Chức, đã cô đọng bài thuyết trình “Cách Thể Hiện Thời Gian” trong tiếng Việt, dưới dạng công thức sau đây:
1/ Dùng động từ (hay thuật từ)
2/ Dùng động từ + trạng từ: có loại bắt buộc đặt trước động từ như “mới, chưa, vừa, hãy”. Có loại phải đặt sau động từ như “rồi, xong, hết”
3/ Dùng động từ + cụm từ chỉ thời điểm: lối ghép này được linh động hơn, có thể đặt trước hay sau động từ.
4/ Dùng trợ động từ (đã, sẽ, đang, đương, …) + động từ.
5/ Nguyên tắc tiết kiệm:
a/ Có sự phân biệt giữa động từ và thuật từ (copulative verbs). Trong thuật từ còn chia làm hai loại:
* Thuật từ chỉ trạng thái, ví dụ: Nếu năm ngoái cô ta đẹp và năm nay không còn đẹp nữa.
* Thuật từ chỉ bản chất, ví dụ: Hắn là con trai. Không có thời gian tính
b/ Tính bất biến từ dạng (non inflectional) của tiếng Việt đòi hỏi ta phải thêm từ, khi cần, để thể hiện những ý được chuyên chở trong các dạng biến của những ngôn ngữ có dạng biến (inflectional languages).
c/ Cần phân biệt giữa các thì (tenses), liên hệ đến thời điểm của động từ, với các dạng (aspects), liên hệ đến tính hoàn tất hay chưa hoàn tất của động tác.
d/ Cũng cần hiểu tiếng Việt biểu tỏ tâm thái (moods) như thế nào, đối với các tiếng: có lẽ, có thể, nên, chắc, phải, biết đâu đó, v.v…
H 36: GS. Đào Thị Hợi thuyết trình đề tài
“Mấy Nét Đặc Thù Trong Ngữ Pháp Tiếng Việt:
Cách Thể Hiện Thời Gian.”
03/ The Challenge of Teaching Vietnamese To Business Professionals in The Age of Globalization:
Prof. Wendy Dương tốt nghiệp Tiến sĩ Luật ở Đại Học Harvard năm 1980, là vị thẩm phán người Mỹ gốc Việt đầu tiên và là một trong những phụ nữ dân tộc thiểu số ở Mỹ tiên phong trong ngành tư pháp. Diễn giả đến từ Arizona, đăng đàn với đề tài The Challenge of Teaching Vietnamese to Business Professionals in the Age of Globalization. Về mục đích, nhu cầu và đối tượng học tiếng Việt ở Mỹ, trải qua ba thời kỳ khác nhau:
– Trong thời chiến tranh, cách đây 3 thập niên, việc học tiếng Việt của quân đội và nhân viên tình báo Hoa Kỳ nhằm phục vụ cho cuộc chiến.
– Sau năm 1975, người Việt Nam tỵ nạn định cư trên đất Hoa Kỳ, càng ngày càng đông. Nhu cầu dạy tiếng Việt cho người Mỹ gốc Việt, trong các trường quận hạt và cao đẳng, là cần thiết cho cộng đồng lưu vong, để bảo tồn di sản văn hóa và ngôn ngữ Việt, trong dòng chính nói tiếng Anh.
Ngày nay, trong thời đại toàn cầu hóa kinh tế. Sự cần thiết cho việc giảng dạy tiếng Việt, không phải cho người Việt lưu vong, mà cho người Mỹ. Với chiều hướng mới, đổ xô vào một thị trường tiêu thụ đầy hấp dẫn, một nước có 80 triệu người và dân số càng ngày càng tăng.
Diễn giả đệ nạp cho Viện Việt Học bài đúc kết sau đây:
“During the Vietnam War era more than three decades ago, systematic, pedagogical instructions of the Vietnamese language were provided to English-speaking military and intelligence personnel in the United States as part of warfare efforts. Then, when the refugees came after the fall of Saigon in 1975, the teaching of Vietnamese became developed and centered upon the need of the exile community to preserve its cultural and linguistic heritage in the vaster English-speaking mainstream, and especially to educate the younger generation of Vietnamese Americans in their home language. School districts and colleges in states heavily populated by Vietnamese also developed official curricula for teaching Vietnamese, enlisting the skills and expertise of Vietnamese linguists and educators who are native speakers. Part of these institutional efforts outside the efforts of the exile community was necessitated by states’ bilingual education policies to help bridge the linguistic gap of Vietnamese students integrated into U.S. public schools and university systems …
“Now, in the era of economic globalization and with recent developments in the economic relations between Vietnam and the outside world, the need for teaching Vietnamese to non-Vietnamese in the U.S. has taken on brand-new dimensions. With a growing population of 80 million plus, Vietnam becomes an attractive consumer market as well as manufacturing site for non-Vietnamese businesses. For professional and business reasons, non-Vietnamese speakers and higher institutions begin to recognize the need of teaching and learning this esoteric language (previously spoken only by native Vietnamese and rarely anyone else around the world). Hence, esoteric pedagogical considerations must come into play to fashion instructional programs and tests that meet the unique need of business learners. For one thing, the instructional and testing materials must be designed to match business and professional contexts, and the unique purpose of the individual learners must be taken into consideration to maximize the chance for effective learning.
“In this presentation and article, the author and speaker, a professor of law and expert in international business transactions and international studies, recounts how she was called upon by her teaching institution to design and implement instructional programs and testing tools in the United States in order to certify proficiency levels for non-Vietnamese speakers who are graduate students of international relations at the University of Denver. These graduate students are preparing for their career in international relations or as future consultants to businesses investing in Vietnam; some have lived and worked in Vietnam as interns or visiting scholars; some decide to learn Vietnamese due to personal interest and self-development. The author was called upon to do something outside of her field of expertise – law — by the Graduate School of International Studies to meet the needs of its graduate students – primarily MA and Ph.D. candidates. One major challenge in the author’s pedagogical tasks lies in the changing nature of the Vietnamese language due to the political divisiveness and cultural habits among Vietnamese speakers: The exile community adheres to the linguistic, semantic, and contextual usage of the defunct South, while the natives of Vietnam today adapt the language and word choices of the indoctrinated cadres of the Communist regime. This difference is more than just linguistic or skin-deep. The difference also reflects cultural behaviors and ideological divergence that persists. In addition, there is the birth of brand-new phraseologies, vocabularies, semantics and contextual usage resulting from the internet culture and globalization, as Vietnamese speakers are eager to join the global society. Accordingly, the instructor of Vietnamese today must face, not only the business and professional needs of the learners as needs arise, but also difficult pedagogical decisions: whether to teach the language of the South to restore a lost way of life and culture, or the language of the North, popularized yet still rejected by segments of the entrepreneurial South now instrumental in the economic life of the new Vietnam. The linguistic divergence persists decades after the end of the Vietnam War and the political unification of the country. The instructor must also consider the changing language — the emergence of new words, phrases, and expressions to reflect the Vietnamese adaptation of the global internet and e-commerce culture, and translations of Western languages that have been integrated into Vietnamese life. As the language is being reshaped, these pedagogical decisions also occasion the need to teach business professionals about the various layers of modern Vietnamese society, the changes, and those undercurrent forces that mark the cultural attitude of this hybrid society, including the position played by the exile community in the new Vietnam and in pockets of Vietnamese-speaking communities in the United States.
H 37: Prof. Wendy Dương thuyết trình đề tài
“The Challenge of Teaching Vietnamese
to Business Professionals in the Age of Globalization.”
“In conclusion, The author points out the critical need for further interdisciplinary studies by experts, integrating linguistics, ethnology, and education with other disciplines, as well as the need for modern Vietnamese teachers to update methods and to tailor instructional programs to the changing conditions of today’s learning environment.”
(By Wendy N. Duong. Sturm College of Law and the Graduate School for International Studies. University of Denver).
Diễn giả và Quan khách dùng cơm trưa tại Viện Việt Học. Đúng 1 giờ 30 chiều, mọi người trở lại phòng họp. Và đây là buổi thuyết trình cuối cùng, kết thúc 4 ngày Hội Nghị Quốc Tế Về Tiếng Việt.
04/ Ngữ Âm Và Âm Vị Tiếng Việt:
Giáo sư Đỗ Tú Anh đến từ Tây Đức, thuyết trình đề tài Ngữ Âm Và Âm Vị Tiếng Việt. Diễn giả lần lượt trình bày bốn điểm:
a/ Khái niệm tổng quát về tiếng Việt.
Trong phần khái niệm, Diễn giả đề cập đến 3 vấn đề:
– Quan hệ họ hàng của tiếng Việt trong các ngôn ngữ trên thế giới.
Ngữ tộc Nam Á phân bố một một vùng rộng lớn, chia làm hai nhánh chính:
* Nhóm Mun- da ở vùng Đông Bắc Ấn Độ, gồm 22 ngôn ngữ.
* Nhóm Mon- Khmer ở vùng Đông Nam Á, gồm 150 ngôn ngữ. Trong đó, tiếng Việt là ngôn ngữ đông dân nhất. Tại Việt Nam, chừng 80 triệu người; ở hải ngoại: vùng Bắc Mỹ chừng 1 triệu [18] người Việt, Châu Âu khoảng 1/2 triệu, và Úc Châu số người Việt định cư cũng đông đảo không kém.
– Tiếng hay giọng chuẩn: Tiếng nói của người trí thức Hà Nội được coi là giọng chuẩn. Năm 1954, lớp người này di cư vào Nam, và nay phần lớn họ định cư tại Mỹ.
– Những đặc điểm của tiếng Việt.
* Tiếng Việt là tiếng có thanh, một chữ nếu thay đổi dấu giọng sẽ có nghĩa khác. Thí dụ: Ba (số 3), bà (ông bà), bã (cặn bã).
* Tiếng Việt là ngôn ngữ cách thể, còn gọi là đơn lập, tức là tự nó không biến, không chia động từ. Thí dụ: Tôi ăn cơm, anh ăn cơm.
* Tiếng Việt đơn âm. Có người không đồng ý, vì có những chữ đa âm, như: “Tùm lum tà la”, nếu từng chữ tách ra, trở nên vô nghĩa.
* Câu văn tiếng Việt đặt xuôi, theo dạng: Chủ từ, động từ, túc từ.
b/ Ngữ âm và Âm vị tiếng Việt.
Đây là phần cốt lõi của bài thuyết trình, Diễn giả đi vào hai vấn đề:
– Ngữ âm học và Âm vị học là gì? Tìm hiểu đối tượng, để rồi phân tích về phương pháp nghiên cứu và nhiệm vụ của chúng.
– Những tiêu chuẩn để xác định và phân biệt nguyên âm với phụ âm.
Khảo sát bộ phận phát âm để xác định nguyên âm và phụ âm:
* Một nguyên âm phải có các yếu tố: khi phát âm luồng hơi không bị ngăn chặn, có khả năng tạo từ (a, e, i, o, u), khả năng nhận thanh (a, à, á, ạ, ả, ã). Ngoài ra còn tùy theo vị trí của lưỡi, sẽ tạo nguyên âm trước (nếu đưa lưỡi ra) và nguyên âm sau (nếu thụt lưỡi vào).
* Tất cả những chữ còn lại trong bảng chữ cái, đều là phụ âm. Ngoài ra, người ta còn dựa vào 3 tiêu chuẩn để tìm phụ âm: cách phát âm (âm môi), vị trí phát âm (âm răng), hữu thanh và vô thanh (nếu là đàn ông thì sờ ở xương yết hầu, đàn bà thì bịt hai tai để nhận biết).
c/ Hệ thống âm của tiếng Việt.
Trong phần này cũng quan trọng không kém, đây là phần việc hệ thống hóa các nhóm âm và thanh, để từ đó đi vào cấu trúc:
– Hệ thống nguyên âm, có 11, gồm: a, ă, â, e, ê, i, o, ô, ơ, u, ư.
– Hệ thống phụ âm, có 24, gồm: b, c, ch, d, đ, g, gh, h, k, kh, l, m, n, ng, ngh, nh, p, q, r, s, t, th, v, x [19].
– Hệ thống thanh, có 6 dấu giọng, gồm: ngang, huyền, sắc, nặng, hỏi, ngã.
– Cấu trúc âm tiết trong tiếng Việt.
d/ Vai trò của Ngữ âm học trong việc giảng dạy tiếng Việt và một vài đề nghị cho tương lai.
H 38: GS. Đỗ Tú Anh thuyết trình đề tài
“Ngữ Âm Và Âm Vị Tiếng Việt.”
05/ Vài Ý Kiến Về Phiên Âm Truyện Kiều:
Nhà Nghiên cứu Nguyễn Vinh Quang ở quận Cam, đăng đàn với đề tài Vài Ý Kiến Về Phiên Âm Truyện Kiều.
Các bản Truyện Kiều xưa mà hiện nay chúng ta còn thấy được, gồm có:
– Bản năm 1866, được coi là bản cổ nhất.
– Bản 1870 Nguyễn Hữu Lập, Giáo sư Nguyễn Văn Sâm sưu tầm và sao chụp tặng cho Viện Việt Học.
– Bản 1872, Học giả Hoàng Xuân Hãn sử dụng và Giáo sư Nguyễn Thạch Cẩn đi vào chi tiết trong việc phiên âm và chú giải.
– Bản 1874 của Giáo sư Đàm Quang Hưng, đã được Bác sĩ Nguyễn Duy Hùng phiên âm, và Viện Việt Học đưa lên trang mạng.
Theo ông, khi người ta phiên âm Truyện Kiều của Nguyễn Du từ chữ Nôm sang chữ Quốc ngữ (a, b, c…) có một số chữ đã nhận diện sai về cách đọc, cần sửa đổi cho đúng với tinh thần nguyên tác. Nếu căn cứ vào những bản phiên âm sai, dịch ra ngoại ngữ, thì còn tai hại hơn nữa. Người nước ngoài sẽ thất vọng về một thi phẩm, được gọi là nổi tiếng của Việt Nam. Ông đưa ra một vài trường hợp, cần sửa cho đúng tinh thần nguyên tác, và lý luận như sau:
Câu 29: Vương Quan là chữ nối dòng Nho gia
Theo Gia lễ của Tàu, tên tự chỉ được đặt khi đương sự được 21 tuổi. Trong gia đình nhà họ Vương, hai người chị là Thúy Kiều “xấp xỉ tới tuần cập kê”, và Thúy Vân đang tuổi “khuôn trăng đầy đặn”, còn Vương Quan là em trai “thứ rốt lòng”, đương nhiên chưa đến tuổi thành niên, thì làm sao có tên tự được. Ngay trong nguyên bản của Thanh Tâm Tài Nhân cũng viết: “Sanh tử Vương Quan” (Sanh thằng con là Vương Quan). Và theo ông Nguyễn Vinh Quang, tại vùng Thanh Hóa, gọi “trự” là thằng nhỏ. Người ta thường hỏi thăm nhau: “Anh được mấy trự ?” (Anh được mấy thằng con ?)
Vậy câu 29 trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, phải đọc: “Vương Quan là trự nối dòng Nho gia.”
Một trường hợp khác, câu thứ 190: Sen vàng lãng đãng như gần như xa.
“Lãng đãng” chỉ có trong Hán Việt Tự Điển, nghĩa là “Phóng lãng và du đãng; vô nghề nghiệp, vô gia cư.” Nhưng với tiếng thuần Việt, các tự điển cổ như Đại Nam Quốc Âm Tự Vị của Huình Tịnh Paulus Của (1896), Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức (1931), Việt Nam Tân Tự Điển của Thanh Nghị (1964) đều không có chữ “lãng đãng.” Nếu Nguyễn Du đã dùng chữ “lãng đãng” trong một thi phẩm nổi tiếng như vậy, thế tất trong các tự điển xưa, lập sau thời đại Nguyễn Du, lẽ nào từ ngữ ấy không có trong công trình biên soạn của họ. Thay vào đó, tự điển của Huỳnh Tịnh Của có chữ “lững đững,” nghĩa là “bộ lờ đờ không tới không lui, không phấn phát.” Và chữ “rủng rảng” với nghĩa “tiếng kêu thanh và dòn như lạc ngựa.”
Sau này, trong tiếng Việt, chữ “lãng đãng” mới có nghĩa, do câu thơ của Truyện Kiều vì phiên âm sai, người ta nhìn trong mạch văn rồi nghiễn ra nghĩa cho nó phù hợp với câu thơ, là “ở trạng thái di động chậm chạp, nhẹ nhàng, khi ẩn khi hiện, khi gần khi xa, mờ ảo.” Trong tiếng Anh, người ta gọi là “Ghost word,” vì phiên âm sai, hiểu sai nhưng đã quen, nên vẫn dùng.
Do đó, câu 190, phải phát âm đúng cách đọc của Nguyễn Du là: “Sen vàng lững đững như gần như xa.” Mới phù hợp với hồn ma Đạm Tiên hiện lên báo mộng.
Cũng theo phương pháp lý luận trên, ông đề nghị điều chỉnh cách đọc một số từ ngữ khác, trong các câu:
Xuân huyên chợt tỉnh giấc nồng. Sửa lại là: Thung huyên…
Đầy nhà vang tiếng ruồi xanh. Sửa lại là: Dầy nhà…
Vật mình bão (bào) gió tuôn mưa. Sửa lại là: Gào gió…
Nhạc vàng đâu đã tiếng nghe gần gần. Sửa lại là: Lạc vàng…
H 39: Nhà nghiên cứu Nguyễn Vinh Quang thuyết trình
đề tài “Vài Ý Kiến Về Phiên Âm Truyện Kiều”
Diễn giả đã nêu vấn đề này bằng lý luận vững chắc, mang tính thuyết phục. Và Ông là diễn giả cuối cùng của 4 ngày tham luận, với 27 đề tài được thuyết trình trong Hội Nghị Quốc Tế Về Tiếng Việt: Lịch Sử Và Giảng Dạy.
D – ĐÚC KẾT HỘI NGHỊ
01/ Về những bài tham luận:
– Tuy rằng mỗi bài thuyết trình nghiên cứu ở những khía cạnh khác nhau của tiếng Việt, nhưng đúc kết lại, vẫn là một kết luận chung: Tiếng Việt có nguồn gốc từ ngữ hệ Nam Á Cổ.
Giả thuyết xưa, cho rằng tiếng Việt bắt nguồn từ tiếng Tàu, đã bị bác bỏ từ 100 năm rồi. Càng ngày, người ta càng có nhiều bằng chứng và luận cứ vững chắc, phần lớn tiếng Việt đồng nguyên với tiếng Thái, tiếng Miên, tiếng Lào, tiếng Chăm, tiếng Mon của Miến Điện và cả tiếng Nùng, Thổ… vì cùng chung cái nôi Nam Á. Nói một cách khác, tiếng Việt cùng hệ phái Mon – Khmer nói riêng, và ngữ hệ Nam Á Cổ nói chung. Còn tiếng Hán, chỉ là tiếng ta vay mượn một số trong thời kỳ Bắc thuộc, nhưng đã hoàn toàn Việt hóa từ âm điệu đến cấu trúc hành văn, và chỉ để bổ sung cho tiếng ta thêm phần phong phú.
Vì thế, dù cho bị Tàu đô hộ 1000 năm, với chính sách Hán hóa, nhất là đồng hóa về văn hóa và ngôn ngữ. Nhưng với bản tính dân tộc ý hướng độc lập, và sức đề kháng mạnh, tiếng Việt và Văn Hóa Việt vẫn tồn tại cho đến ngày nay và mãi mãi về sau. Nhờ vậy, dân tộc ta vẫn giữ nguyên được tiếng nói, giữ nguyên cú pháp (câu văn đặt xuôi), giữ nguyên hệ thống số đếm có từ ngàn xưa, không hề bị sức đồng hóa của ngoại xâm làm mờ nhạt hay xóa tan.
– Vấn đề dạy tiếng Việt ở Hải Ngoại, càng ngày càng phát triển. Trước kia, việc dạy chữ Việt, có tính cách tư nhân, và chỉ xảy ra trong Cộng đồng Người Việt Tỵ Nạn. Nhằm mục đích, giúp cho con cháu họ, không quên tiếng mẹ đẻ. Ngày nay, thời đại toàn cầu hóa, không những người Việt học tiếng Việt để bảo tồn ngôn ngữ và văn hóa cố hương. Ngoài ra còn đông đảo người bản xứ học tiếng Việt, vì nhu cầu tiếp xúc, giao thương với 80 triệu dân Việt ở quốc nội, và khoảng 3 triệu người Việt lưu vong.
– Về phong trào học tiếng Việt, chỉ tính riêng ở nước Mỹ đến năm 2007, đã có 25/50 tiểu bang, các trường đại học mở lớp tiếng Việt, chính thức là môn học sinh ngữ. Và đáng kể nhất, các Trường Đại Học nổi tiếng của Mỹ đều có dạy tiếng Việt.
Hai mươi lăm tiểu bang dạy tiếng Việt, gồm: Alabama, Arizona, California, Connecticut, District of Columbia, Florida, Hawaii, Iowa, Kansas, Louisiana, Maryland, Massachusetts, Michigan, New York, North Carolina, Ohio, Oregon, Pennsylvania, Texas, Utah, Vermont, Virginia, Washington, Washington DC, Wisconsin.
Riêng tại tiểu bang California, đã có 31 trường dạy tiếng Việt. Không kể các trường mở tại chùa, nhà thờ, hay hội đoàn, hoặc tư nhân (như Chùa Điều Ngự ở Westminster, Chùa Đức Viên ở San Jose, Trung Tâm Văn Hóa Việt Mỹ ở San Jose,…)
Liệt kê một số trường trong California, chẳng hạn như:
Đại Học Tiểu Bang có: UC Berkeley, UC Irvine, UC Los Angeles, UC San Diego, Stanford University.
Đại Học Cộng Đồng có: Coastline Community College ở Fuontain Valley, Cosumnes River College ở Sacramento, De Anza College ở Cupertino, Evergreen Valley College ở San Jose, Golden West College ở Huntington Beach, Long Beach City College ở Long Beach, Mission College ở Santa Clara, Rancho Santiago College ở Santa Ana, Saddleback College ở Mission Viejo, San Joaquin Delta College ở Stockton.
Trường Trung Học có: Kennedy High School ở Richmond, Kearny High School ở San Diego.
Các trung tâm lớn của người Việt: Anh Minh ở Santa Rosa, Âu Cơ Vietnamese Cultural Center ở San Francisco, Hương Việt Language School ở Oakland, Trung Tâm Văn Hóa Việt Nam ở Westminster, Văn Lang Vietnamese Language & Culture Education Center ở San Jose.
02/ Nghi thức Tri ân và Cảm tạ:
Trước khi bế mạc, Giáo sư Viện Trưởng Trần Ngọc Ninh, kiêm Chủ Tịch Điều Hành ngỏ lời cảm ơn Ban Tổ Chức, Diễn Giả và Quan Khách tham dự. Ông trân trọng mời từng Diễn Giả và từng vị trong Ban Tổ Chức lên sân khấu trao Giấy Chứng Nhận đặt trong khung hình lồng kính.
Tuy rằng trong tuần lễ đầu, sau khi dự tiệc tại nhà hàng, Giáo sư Viện Trưởng có trao Giấy Chứng Nhận cho một vài Diễn Giả thuyết trình xong, cần về nhà sớm, không thể tham dự đến ngày cuối. Nhưng hôm nay, mới là buổi lễ Tri ân và Cảm tạ chính thức, tổ chức tại Viện Việt Học.
H 40: GS. Viện Trưởng Trần Ngọc Ninh trao Bằng Tưởng Lệ
cho GS. Nguyễn Ngọc Bích (đứng bên trái)
Tuy Hội Nghị có 4 ngày, nhưng chỉ sinh hoạt vào cuối tuần, nên kéo dài từ ngày 30- 6 đến 8- 7- 2007, một số diễn giả vì công việc riêng không thể đến dự lễ trao Bằng Tưởng Lệ vào lúc bế mạc (chiều ngày 8- 7- 2007). Ban Tổ Chức phải gửi cả khung hình lồng kính qua đường bưu điện.
H 41: Ban Giáo Sư Viện Việt Học trao Bằng Tưởng Lục
cho ông Nguyễn Minh Lân, đại diện Ban Điều Hành;
và cô Nguyễn Kim Ngân, đại diện Ban Điều Hợp của Viện.
Mẫu chứng nhận được trình bày đẹp mắt, nội dung gọn và đầy đủ, nền giấy có in biểu tượng của Viện Việt Học là tòa Khuê Văn Các (Văn Miếu Hà Nội) nổi bật trên hình địa cầu.
H 42: Mẫu hình một Bằng Tưởng Lục.
D – NHỮNG DỰ ÁN ĐANG TIẾN HÀNH
Sinh hoạt của Viện Việt Học đang bước vào năm thứ 11 với nhiều hứa hẹn. Tại cơ sở của Viện, tiếp tục tổ chức những buổi thuyết trình hàng tháng và lớp học tại chỗ. Ban Giảng Huấn vẫn mở các lớp học Online về Lịch sử, Ngôn ngữ, Văn hóa, Văn học, Văn minh Việt Nam. Viện cũng đã thiết lập Website mới, có tên viethoc.com, lưu trữ các bộ sách sử và các tài liệu về văn hóa.
Chương trình “Xứ Sở Và Con Người” là một dự án lớn, đã thực hiện 10 tỉnh: Cần Thơ (12- 12- 2004), Bắc Ninh (27- 3- 2005), Đồng Nai – Cửu Long (5- 6- 2005), Quảng Nam- Đà Nẵng (4- 9- 2005), Thái Bình (11- 12- 2005), Rạch Giá – Hà Tiên (26- 2- 2006), Bình Định (11- 6- 2006), Vĩnh Long (8- 10- 2006), Gia Định (18- 3- 2007), Bình Thuận (12- 10- 2008). Còn 57 địa phương nữa, sẽ tiến hành để hoàn thành bộ Địa Phương Chí cho toàn cõi Việt Nam.
Chương trình Việt Ngữ Thí Điểm, dự trù kéo dài trong 16 năm, kể từ mùa hè 2008. Ngoài ra, chương trình Vui Học Lịch Sử Văn Học Việt Nam, cũng là một hoài bão của Viện đang và sẽ thực hiện dài hạn.
H 43: Cầu thang lối ra của Viện Việt Học
San Jose, ngày 15- 10- 2010
Hoàn chỉnh ngày 20- 05- 2012
ĐÀO ĐỨC CHƯƠNG
Trong tập Giáo Dục Và Khoa Cử
GHI CHÚ
[1] Chủ nhân Xe Đò Hoàng là người quận Phù Mỹ tỉnh Bình Định, có nhiều xe bus, chạy trên tuyến đường San Jose (Bắc CA) – Littlle Saigon (Nam CA). Mỗi sáng, từ các nơi miền Bắc California như Sacramento, San Francisco (6:30 am), Oakland (7:00 am) có xe Minivan chở khách đến bến Xe Đò Hoàng trong khu Lion Plasa, 2525 King Road ở San Jose. Tại đây, khách sang xe bus 57 chỗ ngồi (ăn uống miễn phí và có Restroom trên xe) đi Nam California. Chuyến nhất khởi hành lúc 8 giờ 30 sáng, ghé Chinatown (2:00 am), El Monte (2:15 am) và đến Westminster (chợ ABC: 8970 Bolsa Ave., CA 92683) lúc 3 giờ chiều, khách đi San Diego có xe Minivan chuyển tiếp. Nếu đông khách đi Nam Cali, hãng có xe chuyến hai chuyển bánh sau nửa tiếng, ghé Los Angles và đến Westminster khoảng 4 giờ chiều. Ở Nam California, mỗi sáng cũng có hai chuyến xe bus khởi hành tại Westminster lúc 10 giờ 30 và đến San Jose lúc 4 giờ 30 chiều. Hằng tuần, các ngày thứ Năm, Sáu, Bảy và Chủ nhật còn tăng cường chuyến chiều, khởi hành lúc 5 giờ từ San Jose và Westminster.
[2] Khu vực Little Saigon bao gồm 4 thành phố: Westminster, Garden Grove, Santa Ana và Midway, được mệnh danh là Thủ Đô Tinh Thần Người Việt Tỵ Nạn.
[3] Sau chữ “Ngày” chừa trống bằng dấu 3 chấm, là để điền tên tỉnh của Hội Đồng Hương nào đã phối hợp với Viện Việt Học tổ chức thuyết trình chuyên đề về “Xứ Sở Và Con Người” của tỉnh đó. Chẳng hạn: “Ngày Bịnh Định, Xứ Sở Và Con Người” được tổ chức tại Hội Quán Regent West ở Santa Ana, Nam California, vào ngày 11- 6- 2006.
[4,5] Tâm Việt, Tường Thuật Hội Nghị Tiếng Việt, Trong Tuần Lễ Đầu, trang 2, 3. Đọc tại Hội Nghị lúc 9 giờ 30 sáng ngày 7- 7- 2007, trong mục Đúc Kết Nội Dung Tuần Lễ Thứ Nhất.
[6] Theo Bản Đúc Kết Sinh Hoạt của Viện Việt Học (từ tháng 2- 2000 đến tháng 9- 2007), nơi trang 17, đã chép: “Giới thiệu lớp chữ Nôm cấp 4 – Gs. Lê Văn Đặng.” Và ngay trong bài Tường Thuật Hội Nghị Tiếng Việt, Trong Tuần Lễ Đầu của ông Tâm Việt, nơi trang 3, cũng đề cập đến bài thuyết trình “Lớp Chữ Nôm On-line Cấp 4”, mà không nhắc gì đến đề tài đã ghi trong bản Chương Trình Hội Nghị Quốc Tế Tiếng Việt là: “Từ 2:55 đến 3:40 PM – Thỉnh Cô Hồn Văn – Gs Lê Văn Đặng.” (xem hình 5).
[7] Ban Biên Tập Tự Điển Chữ Nôm Trích Dẫn gồm các vị Giáo sư và Nhà Nôm học: Nguyễn Hữu Vinh, Đặng Thế Kiệt, Nguyễn Doãn Vượng, Lê Văn Đặng, Nguyễn Văn Sâm, Nguyễn Ngọc Bích, Trần Uyên Thi (Hoài Hương).
[8] Theo Bản Đúc Kết Sinh Hoạt Viện Việt Học (từ tháng 2- 2000 đến tháng 9- 2010), nơi trang 17 và 18, chép về các đề tài đã thuyết trình tại Hội Nghị Quốc Tế về Tiếng Việt, 2007, đã ghi: “Tones and Intonation in South Vietnamese: a study of pitch sequences…, Prof. Trần Mai Hương.” Và đúng trên thực tế, GS là người thuyết trình cuối cùng của chiều ngày 30- 6- 2007. Nhưng trong Bản Chương Trình, không thấy ghi, có thể Giáo sư Mai Hương gửi hồ sơ đến chậm, sau khi bản danh sách này đã công bố.
[9] Tâm Việt, Tường Thuật Hội Nghị Tiếng Việt, Trong Tuần Lễ Đầu, các trang: 4. Đọc tại Hội Nghị lúc 9 giờ 30 sáng ngày 7- 7- 2007, trong mục Đúc Kết Nội Dung Tuần Lễ Thứ Nhất.
[10] Đến thế kỷ 18, việc đơn tiết hóa hoàn tất, chỉ còn 1 mã và 1 âm. Nhưng vẫn tồn tại vài trường hợp song tiết như “bồ câu”, “cà lăm”, “ba trợn”, có khi tam tiết như “ba lăng nhăng”, bởi hiện tượng âm tiết “hóa thạch.”
[11] Hà Văn Thùy (tài liệu trên Net):
– Không Có Cái Gọi Là “Từ Hán Việt” (trích)
“Đó chính là chữ Việt, tiếng Việt được tổ tiên ta sáng tạo trong quá khứ. Việc khẳng định bản quyền tiếng Việt cổ là khám phá có ý nghĩa đặc biệt, nó giúp ta tự tin, làm chủ tài sản vô giá của dân tộc.”
“Cần một cuộc cách mạng loại bỏ thuật ngữ ‘từ Hán Việt’ khỏi ngôn ngữ Việt để thay vào đó tên gọi đúng: tiếng Việt cổ! Đồng thời dùng lại thuật ngữ chữ Nho để gọi văn tự của tổ tiên mà xưa nay vẫn lầm tưởng là chữ nước ngoài.” (hết trích)
– Chữ Việt Là Chủ Thể Tạo Nên Chữ Trung Hoa (trích)
“Phát hiện chữ viết của người Lạc Việt lần này sẽ viết lại lịch sử chữ viết ở Trung Quốc, chứng minh văn hóa Lạc Việt là một trong những nguồn gốc trọng yếu của văn hóa Trung Hoa.” (hết trích)
[12, 13, 14, 16,17] Tâm Việt, Tường Thuật Hội Nghị Tiếng Việt, Trong Tuần Lễ Đầu, các trang: 4, 4, 5, 5, 5. Đọc tại Hội Nghị lúc 9 giờ 30 sáng ngày 7- 7- 2007, trong mục Đúc Kết Nội Dung Tuần Lễ Thứ Nhất.
[15] Hà Văn Thùy (tài liệu trên Net), xem Ghi chú 11.
[18] Theo kết quả kiểm tra dân số năm 2010, người Việt Nam định cư ở Hoa Kỳ là 1.548.449 người, năm 2000 là 1.122.528 người. Vào thời điểm năm 2007, nếu tính cả vùng Bắc Mỹ (Hoa Kỳ và Canada) thì số người Việt định cư có thể dưới 1 triệu rưởi.
[19] Nếu tính cả phụ âm “ph” thì tiếng Việt có 25 phụ âm.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
01/ Việt Học – Bản Tin Liên Lạc số 1 tháng 06 năm 2000.
02/ Việt Học – Bản Tin Liên Lạc số 2 tháng 09 năm 2000.
03/ Việt Học – Bản Tin Liên Lạc số 3 tháng 10 năm 2003.
04/ Việt Học – Bản Tin Liên Lạc số 4 tháng 12 năm 2004.
05/ Việt Học – Bản Tin Liên Lạc số 5 tháng 01 năm 2007.
06/ Việt Học – Bản Tin Liên Lạc số 6 tháng 02 năm 2008.
07/ Tạp Chí Việt Học, số 1, tháng 2- 2005.
08/ Tạp Chí Việt Học, số 2, tháng 6- 2005.
09/ Bản Đúc Kết Sinh Hoạt Viện Việt Học từ tháng 2- 2000 đến tháng 9- 2010.
10/ Hồ sơ thuyết trình phát cho các diễn giả trong ngày 7- 7- 2007.
11/ Tâm Việt; Tường Thuật Hội Nghị Tiếng Việt, Trong Tuần Lễ Đầu; thuyết trình tại Hội Nghị lúc 9 giờ 30 sáng ngày 7- 7- 2007, trong mục “Đúc Kết Nội Dung Tuần Lễ Thứ Nhất.”
12/ Bộ DVD (11 đĩa) ghi lại hình ảnh và âm thanh 4 ngày Hội Nghị.
MỤC LỤC
Viện Việt Học Và Hội Nghị Quốc Tế Về Tiếng Việt
Dẫn nhập . . . . . . . . Trang 01
H 1: Viện Việt Học, Little Saigon, Nam California . . . 01
A – Vài nét sơ lược về Viện Việt Học . . . . . 01
H 2: Điển hình một Bản Tin Việt Học . . . . 02
H 3: Điển hình một Tạp Chí Việt Học . . . . 03
B – Hội Nghị Quốc Tế về Tiếng Việt . . . . . 04
I – Cơ cấu tổ chức Hội Nghị . . . . . . 04
H 4: Cố GS. Nguyễn Khắc Kham (1908 – 2007),
Chủ Tịch Danh Dự Hội Nghị 05
II – Quá trình thực hiện . . . . . . . 05
H 5: Chương trình Tuần lễ đầu, ngày 30- 6 và ngày 1- 7- 2007 . 06
H 6: Chương trìnhTuần lễ thứ hai, ngày 7 và 8- 7- 2007 . . 07
III – Nghi thức Hội Nghị . . . . . . . 07
H 7: Ban Tiếp Tân gắn huy hiệu cho Diễn giả
thuyết trình trong ngày . 08
C – Tiến trình Hội Nghị . . . . . . . 08
KHAI MẠC PHẦN A: LỊCH SỬ TIẾNG VIỆT . . . . 08
I – Chương trình Thứ Bảy ngày 30- 6- 2007 . . . . 08
01/ Thủ tục hành lễ khai mạc Hội Nghị . . . . . 08
H 8: Quan khách nghiêm chỉnh chào Quốc Kỳ VNCH . . 08
02/ Diễn văn khai mạc Hội Nghị . . . . . . 08
H 9: GS. Viện Trưởng Trần Ngọc Ninh đọc diễn văn khai mạc HN 09
03/ Thể thức Hội Nghị . . . . . . . 09
04/ Hệ Thống Chữ Viết Của Người Việt Nam . . . . 10
H 10: GS. Phạm Văn Hải, Khai mở thuyết trình . . . 10
05/ Địa Tầng Mã Lai Đa Đảo Trong Tiếng Việt . . . . 10
H 11: GS. Nguyễn Ngọc Bích thuyết trình . . . . 11
06/ Tiếng Và Vần . . . . . . . . 12
H 12: GS. Trần Ngọc Ninh thuyết trình Tiếng Và Vần . . 13
07/ Ảnh Hưởng Các Ngôn Ngữ Lân Cận Trên Tiếng Việt . . 13
H 13: BS. Nguyễn Hy Vọng thuyết trình . . . . 14
08/ Giới Thiệu Lớp Chữ Nôm Cấp 4 . . . . . 14
H 14: GS. Lê Văn Đặng thuyết trình . . . . 15
09/ Biến Âm Trong Việt Ngữ . . . . . . 15
H 15: Nhà nghiên cứu Đoàn Xuân, thuyết trình . . . 16
10/ Tones and Intonnation in South Vietnamese . . . . 16
H 16: Tiến sĩ Trần Mai Hương thuyết trình . . . . 17
11/ Dự án của Viện Việt Học và thân hữu . . . . 17
H 17: GS. Viện Trưởng Trần Ngọc Ninh tặng DVD NPTC cho ÔBà
Phạm Tuân, con trai útcủa Học giả Pham Quỳnh 18
II – Chương trình Chủ Nhật ngày 1- 7- 2007 . . . . 18
01/ Dự án của Viện Việt Học và thân hữu (tiếp theo) . . . 18
02/ Khoảng Cách Giữa Người Đọc Ngày Nay Và Câu Hát Câu Hò . 19
H 18: GS. Nguyễn Văn Sâm thuyết trình . . . . 19
03/ Những Chuẩn Thằng Nôm Học Của Nguyễn Trãi . . . 20
H 19: GS. Lê Hữu Mục thuyết trình . . . . . 21
04/ Ai Vẽ Được, Ai Xóa Được (Lần Theo Dấu Vết Âm Việt Cổ Từ
Song Tiết Và Phụ Âm Kép) . 22
H 20: Cô Hoài Hương Trần Uyên Thi thuyết trình . . . 23
KHAI MẠC PHẦN B: GIẢNG DẠY TIẾNG VIỆT . . 23
05/ Lời phát biểu của Chủ Tọa . . . . . . 23
H 21: GS.Nguyễn Văn Trường, Khai mạc Phần B . . . 24
06/ Tương Lai Tiếng Việt Tại Hải Ngoại . . . . . 24
H 22: GS. Kim Loan Hill thuyết trình . . . . 24
07/ Một Phương Pháp Dạy Tiếng Việt . . . . . 25
H 23: GS. Lưu Khôn thuyết trình . . . . . 25
08/ Các Lớp Tiếng Việt Tại Đại Học Cộng Đồng Đông Bắc Virginia 26
H 24: GS. Nguyễn Hữu Trí thuyết trình . . . . 26
09/ Thế Hệ Trẻ Việt Nam Và Nhu Cầu Giảng Dạy Tiếng Việt . . 26
H 25: Cô Hoàng Quế Trân, Nhà Giáo dục, thuyết trình . . 27
10/ Dạy Và Học Tiếng Việt Vỡ Lòng . . . . . 27
H 26: Ông Nguyễn Phước Đáng thuyết trình . . . 28
H 27: GS. Viện Trưởng trao Giấy Chứng Nhận cho
GS. Nguyễn Văn Sâm . . 29
III – Chương trình Thứ Bảy ngày 7- 7- 2007 . . . 29
01/ Đúc kết Hội Nghị Tuần Lễ Đầu, bài viết của Gs. Tâm Việt . . 29
02/ Tiên Hoa Lục, Một Văn Bản Mới Phát Hiện . . . . 29
H 28: GS. Đoàn Khoách thuyết trình . . . . 30
03/ Tiếng Việt Gốc Khmer . . . . . . . 30
H 29: GS. Nguyễn Hữu Phước thuyết trình . . . . 31
04/ Tiếng Huế Tiếng Chăm . . . . . . . 31
H 30: BS. Nguyễn Hy Vọng thuyết trình thế cho Gs. Nguyễn Cúc . 33
05/ Phân Tích Và Đối Chiếu Giữa Anh Ngữ Và Việt Ngữ . . 33
H 31: GS. Lê Chính Long thuyết trình . . . . 33
06/ Tiếng Việt Đôi Bờ . . . . . . . 34
H 32: GS. Phạm Cao Dương thuyết trình . . . . 34
07/ Giọng Bình Định . . . . . . . 34
H 33: GS. Đào Đức Chương thuyết trình . . . . 36
08/ Dạy Quốc Văn Ở Việt Nam, Dạy Tiếng Việt Trên Xứ Mỹ . 36
H 34: GS. Nguyễn Thanh Liêm thuyết trình . . . . 37
IV – Chương trình Chủ Nhật ngày 8- 7- 2007 . . . . 37
01/ Giảng Dạy Tiếng Việt Tại Đại Học Hoa Kỳ . . . 37
H 35: GS. Phạm Kim Dũng thuyết trình . . . . 40
02/ Nét Đặc Thù Trong Ngữ Pháp Tiếng Việt: Thể Hiện Thời Gian . 40
H 36: GS. Đào Thị Hợi thuyết trình . . . . . 42
03/ The Challenge of Teaching Vietnamese To Business
Professionals in The Age of Globalization . 42
H 37: Prof. Wendy Duong thuyết trình . . . . 44
04/ Ngữ Âm Và Âm Vị Tiếng Việt . . . . . . 45
H 38: GS. Đỗ Tú Anh thuyết trình . . . . . 46
05/ Vài Ý Kiến Về Phiên Âm Truyện Kiều . . . . 46
H 39: Nhà Nghiên cứu Nguyễn Vinh Quang thuyết trình . . 48
D – Đúc kết Hội Nghị . . . . . . . 48
01/ Về những bài tham luận . . . . . . 48
02/ Lễ Tri ân và Cảm tạ . . . . . . . 50
H 40: GS. Viện Trưởng trao Giấy Chứng Nhận
cho GS. Nguyễn Ngọc Bích . 50
H 41: Ban Tổ Chức Trao Giấy Chứng Nhận cho Ông
Nguyễn Minh Lân và Cô Nguyễn Kim Ngân . 51
H 42: Mẫu hình một Giấy Chứng Nhận . . . . 51
Đ – Những dự án đang tiến hành . . . . . 52
H 43: Cầu thang, lối ra của Viện Việt Học . . . . 52
Ghi chú . . . . . . . . . 53
Tài liệu tham khảo . . . . . . . 55
Mục lục . . . . . . . . . 55-58.