Cố quên thầy Lê trí Viễn. – Nguyễn Liệu
Cố quên thầy Lê trí Viễn. Nguyễn Liệu
Posted by nguyenlieu01 on February 18, 2012 · 1 Comment

Cố quên thầy Lê trí Viễn.
Đọc bài “ Nhớ thầy Lê trí Viễn” của nhà văn Nguyễn hưng Quốc tôi mới biết thầy Lê trí Viễn mới qua đời.
Sáng nay tôi nói với người bạn trẻ, nhà thơ Võ Thạnh Văn, về Nguyễn hưng Quốc. Tôi bảo theo tôi hiện nay người viết tiếng Việt bình luận về văn học, có lẽ, Nguyễn hưng Quốc đứng hàng đầu. Mấy năm nay trang web của tôi dành một trang cho Nguyễn hưng Quốc .
Đọc đoạn đầu bài “ Nhớ thầy Lê trí Viễn” tôi hơi ngạc nhiên, chả lẽ người sâu sắc như Nguyễn hưng Quốc mà không hiểu Lê trí Viễn, không biết Lê trí Viễn, nhưng đọc hết bài tôi mới thấy rằng Nguyễn hưng Quốc là người nhận xét tế nhị và thẳng thắn, thẳng thắn đến đắng cay.
Nguyễn hưng Quốc học thầy Lê trí Viễn sau năm 1975 ở đại học Sài gòn. Tôi học thầy Lê trí Viễn năm 1950 tại trường trung học Lê Khiết ở tỉnh Quảng ngãi.
Tôi còn nhớ sau vụ Kim Chua, nhà thờ Bình Định, bị bắt, trong đó lãnh đạo là giáo sư Thoan giáo sư Lộc ( tôi quên họ ). Hai vị giáo sư này lãnh án tử hình vì tội “ làm gián điệp cho địch”. Trường Lê Khiết, các giáo sư bị xiềng tay dẫn ra khỏi lớp dạy là giáo sư Phạm đình Nghị, giáo sư Bùi đặng hà Phan, giáo sư Hoàng Vinh, gíáo sư Nguyễn Biên….thì giáo sư Lê trí Viễn ở đâu không biết được đưa về dạy Việt văn.. Có lẽ năm đó thầy trạc trên dưói ba mươi. Vóc người nhỏ thó, lùn tịt, nước da trắng xanh mét như người mới xuất viện, nhưng vẻ mặt vui tươi, nói rất nhiều. Thầy dạy Viêt văn hai lớp lớn là lớp 8 và 9 ( theo hệ 10 ). Tôi học lớp 8.
Trường Lê Khiết (danh của vị anh hùng người Quảng ngãi, trong phong trào Cần vương chống Pháp, bị án tử hình, chứ không phải là người làm cộng sản ) lúc đó là trường lớn nhất ở Liên Khu V có lớp 9, một số giáo sư chính bị bắt với tội phản động, cho nên Lê trí Viễn về có lẽ để ổn định tình thế để tăng cường với đảng ủy ở trường.
Trừ vài ba giáo sư, hầu hết hoảng sợ phải cố tỏ không có liên can gì đến các phần tử trí thức phản động. Họ cố chứng tỏ thấm nhuần tư tưởng Maxit, không xa rời quần chúng, nhất là thành phần bần cố nông. Họ cố nói tiếng nói của bần cố nông, ăn mặc, uống nước , hút thuốc, và nhất là suy nghĩ như bần cố nông….Thầy Lê trí Viễn làm gương cho cuộc “ cách mạng đổi mới” này. Thầy có hai bộ quần áo đi dạy hằng ngày, bộ đồ short vải cita cũ sờn, bộ bà ba đen bạc màu. Thầy sáng chế ra kiểu dùng chiếc khăn lông nội hóa nhỏ màu xanh cũng đã phai màu lót trên cổ dưới cổ áo chemise để dù mặc áo hàng tuần không thay cũng không đen gỉ vải cổ áo. Khi trời nóng đổ mồ hôi, khi rửa mặt rửa tay, rút chiếc khăn lót cổ ra lau rồi lót lại chỗ cũ cho khỏi hư khỏi ố cổ áo. Thầy sáng chế kiểu lót khăn suốt gần hết năm học, tôi không thấy có thầy nào bắt chước, có lẽ nó ghê quá, nó tố cáo sự ở dơ kinh khủng, nên các thầy khác dù cố gắng đến đâu cũng không theo kịp thầy Lê trí Viễn.
Mấy năm trước đó, chúng tôi thường lên văn phòng đứng ở phòng thơ ký để nghe một số thầy nói tiếng Pháp, có khi nói đùa hoặc bàn cãi bằng tiếng Pháp. Đó là những thầy có bằng tú tài trước năm 1945. Nhất là thầy Phan thầy Nghị hình như không nói tiếng Việt ở văn phòng giáo sư. Thật tình, tôi rất khoái, rất thèm nghe tiếng Pháp, vì trong lớp tôi là loại khá Pháp văn nên rất mến phục các thầy này.
Sự hiện diện cuả thầy Lê trí Viễn, văn phòng không còn nghe tiếng Pháp, chỉ còn nghe nói đến cách trồng bí ra trái to, cách tỉa bắp, cách ủ phân người, cách làm phân xanh. ..Một số thầy dùng bao bắp, không dùng giấy quyến, vấn thuốc hút. Bước vào văn phòng mùi mồ hôi, mùi áo quần lâu không giặt, nồng nực ói mửa, mùi của giai cấp tiên tiến bần cô nông, mà các thầy, dưới sự làm gương kiểu mẫu của thầy tiến bộ vượt bực, thầy Lê trí Viễn, đang quyết tâm sống theo cuộc sống mới, cuộc sống tiến bộ của người vô sản.
Thầy Lê trí Viễn biết anh Lê vinh Thiều, bạn tôi, học lớp 8 có khiếu văn chương nhất là thơ. Thầy hay bàn về thi ca với Lê vinh Thiều, do đó Thiều mời thầy nhân nghỉ lễ về Long Phụng quê chúng tôi chơi.
Long Phụng quê tôi một làng trù phú trên bờ sông Vệ gần biển. Một làng giàu có, nhiều người có học. Nho học có thủ khoa Trần Phan có cử nhân Trần Tuân có tú tài Lê Kỉnh sau làm giáo sư dạy Hán tự đại học văn khoa Sài gòn trước 1975. Có nhiều người có bằng thành chung ( 4 năm trung học qua một kỳ thi, lúc bấy giờ gọi là trí thức, có thể làm thầy thông thầy phán ). Có chợ lớn, có sân bóng đá, có đội bóng đá nổi tiếng trong tỉnh, và nhất là có nhiều thiếu nữ, nhiều người đẹp. Cho nên làng tôi luôn luôn được chọn làm điạ điểm triển lãm, địa điểm hội họp lớn của giáo dục và nhất là địa điểm dưỡng quân ….
Mặc dù trong lúc đói khổ nhưng gia đình chúng tôi tiếp đãi thầy rất đặc biêt đầy sự kính trọng. Thầy muốn có vợ ở làng tôi, thầy bảo mới vào Quảng ngãi đã nghe tiếng làng Long phụng “ có nhiều con gái đẹp con nhà giàu” ( chữ của thầy ). Chúng tôi đưa thầy đến thăm những gia đình có người đẹp. Nhưng những mỹ nhân đó không ai thành vợ của thầy vì họ tiểu tư sản quá. Lời thầy nói với chúng tôi sau đó.
Nhưng sau đó, thầy “ cúp cái rụp” không còn thân mật với chúng tôi với lý do “ Bọn thằng Thiều thằng Liệu lãng mạn quá và rặt tiểu tư sản”. Lúc bấy giờ bị chụp cho chữ tiểu tư sản, bồi thêm chữ lãng mạn, thì xem như một miếng giấy lộn không còn tái sinh (recycle) nữa.
Tôi học mỗi tuần 4 giờ văn của thầy, mỗi lần học là có ý kiến gần như phản bác, vì thứ nhất chúng tôi còn quá trẻ chưa biết cuối đầu im lặng, lại được bạn bè trang lứa gắn cho cái huy chương “ hiên ngang, bướng bỉnh, tài hoa, lãng mạn…” Cũng vì cái huy chương cao quí này mà tôi “ thân bại danh liệt” bị đuổi lên đuổi xuống, cuối cùng “ đuổi không được học tất cả các trường trong nước” lời phê của thầy hiệu trưỏng Lê Học trong học bạ ngày hôm nay tôi còn giữ làm kỷ niệm học trò.
Thứ hai, thầy mạt sát Thúy Kiều, Tự lực văn đoàn nhiều quá, làm chúng tôi ở tuổi bồng bột, dễ nóng mặt. Có lần thầy giảng câu “ Vầng trăng ai xẻ làm đôi, nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường” với câu “ Nhớ ai như nhớ thuốc lào, đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên”
Thầy bảo câu ca dao thứ hai hay hơn câu Kiều thứ nhất. Tôi phản bác, bảo rằng câu thứ nhất xưa nay ai cũng ca tụng là câu hay, vì nó là một bức tranh vẽ cảnh người đàn bà nhớ người thân ra đi và tưởng tuợng người yêu đang trên đường dưới trăng còn nàng đang cô quạnh nhìn trăng. Người đàn bà đó là Thúy Kiều người đàn ông ra đi là Thúc Sinh…” Thầy “ cúp” ngay khi nghe hai chữ Thúy Kiều. Rồi thầy thao thao bất tuyệt về người con gái thiếu lao động, chỉ sống trong màn the, và lãng mạn cá nhân, ích kỹ, không bằng người thôn mữ lao động sản xuất với tình yêu lành mạnh……v..v..
Tôi ngồi xuống muốn khóc, vì thầy chưởi Kiều mà sao như chưởi cá nhân tôi. Tôi thấy thầy cũng đỏ mặt, vì đang gặp một thằng học trò “mất dạy”
Sau đó đến kỳ thi, thầy ra đề đại khái so sánh hai đọan thơ, một trong Chinh phụ ngâm, đoạn người chinh phụ nhớ chồng đang ở chiến trường, và những câu nhớ thương của giai cấp tiên tiến, giai cấp bần cố nông. Những câu ca dao như “ Nhớ ai cơm chẳng muốn ăn, đã bưng chén xuống lại dằn chén lên” Nhớ ai bổi hổi bồi hồi như đứng đống lửa như ngồi đống than” “ Nhớ ai như nhớ thuốc lào đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên” …..
Tôi biết ý thầy, lập trường vô sản của thầy, nhất là lúc thầy đang làm gương cho giáo sư trường Lê Khiết.
Trong bài tôi không cần làm văn chưong, thẳng tay chưởi người chinh phụ vì là người đàn bà phong kiến, và ca tụng người bần cố nông. Cố nhiên ca tụng hết lời những câu ca dao mộc mạc . Và kỳ đó bài thi tôi đứng đầu, được thầy tuyên dương giữa lớp. Thầy hi vọng tôi tiến bô vì chịu sự giáo huấn của thầy.
Trong kỳ nghỉ hè năm đó, tôi cùng một số bạn bỏ trốn ra vùng Pháp chiếm đóng. Cũng vì lãng mạn cuộc ra đi bất thành, bị bắt bị toà án liên khu V xử án. Tôi bị trường đuổi học nhưng tên tôi thường được thầy nhắc tới để nói cho học trò biết tiểu tư sản lãng mạn là phản động là kẻ thù số một của giai cấp cách mạng.
Người em ruột tôi học cùng lớp tuy không dính dáng gì với sự đi trốn của tôi, nhưng nó cũng bi đuổi học.. Tuy vậy em tôi vẫn lên trường tự học tiếp, để cuối năm thi tốt nghiệp lớp 9. Nếu đậu được bằng này thì có thể ra liên khu IV ( Thanh hóa) học tiếp lớp 10.
Em tôi đứng ngoài cửa sổ học lén. Đứng ngoài cửa sổ nghe thầy giảng, nhất là các môn khoa học, toán học. Thầy cho bài làm tại lớp, bài thi, em tôi cũng làm và năn nỉ thầy chấm hộ. Thầy Lê trí Viễn từ chối không chấm. Và thầy Nguyễn thiện Tụng, cháu phía ngoại thủ tướng Phạm van Đồng, cũng không chấm . Nhưng cuối năm em tôi thi đâu bằng lớp 9.
Lúc tôi đi dạy ở Sài gòn, tôi có đem chuyện nhờ hai thầy chấm giùm bài của em tôi nhưng bị từ chối, kể cho một số giáo sư nghe họ không tin, vì họ nói làm sao có giáo sư nào mà bần tiện tới mức đó.
Sau 1975, cộng sản cai trị toàn quốc, vào tiệm sách tôi biết thầy Lê trí Viễn viết nhiều sách giáo khoa và hình như thầy được hai ba bằng tiến sĩ gì đó. Rồi tôi biết thầy thường làm giáo sư chính cho một số học sinh lấy bằng tiến sĩ văn chương. Và tôi cũng biết thầy được giới giáo dục ở Bắc Việt tôn trọng thầy như một bảo vật hiếm có.
Qua bài của Nguyễn hung Quốc tôi biết thầy có dạy văn trường đại học Sai gòn
Cũng trong Google cho tôi biết thành tích 60 năm tuổi đảng của thầy Lê trí Viễn:
-Huy chương hạng nhất chống Pháp
– Huy chương hạng nhất chống Mỹ
– Huy hiệu 60 năm tuổi đảng
Không cầm súng mà được huy chương hạng nhất chống hai đế quốc sừng sổ ( chữ của Vc) Mỹ Pháp, trong khi tôi biết rất nhiểu thanh niên hi sinh ngoài mặt trận nhưng không có huy chương cao quí như của thầy, đủ nói lên tài nghệ của thầy, sự lanh chân lẹ mắt của thầy, tính chất trí thức cộng sản của thầy.
Để chấm dứt bài này, tôi trích dẫn một đoạn ngắn của nhà khảo cứu nhà phê bình văn học Nguyễn hưng Quốc, để xác nhận thầy Lê trí Viễn, một bậc đại tài đại trí, có công đầu trong nền văn hóa cộng sản Việt nam :
“ Đến lúc cô thư ký hô: “Xong rồi!”, mọi người nhào đến chụp. Một lần, tôi cúi xuống lấy phần thịt gần nhất. Đó cũng là miếng thịt thầy Viễn ngắm nghía. Thầy gạt tay tôi một cách mạnh bạo để giành miếng thịt ấy. Tôi giật mình rụt tay lại. Lần ấy, tôi chờ mọi người lấy xong hết để nhận miếng thịt cuối cùng còn lại trên mấy mảnh giấy báo trên sàn nhà.” ( trích trong bài nhớ thầy Lê tri Viễn” của Nguyễn Hưng Quôc )