NHỚ BẠN TRI ÂM – Đào Đức Chương
NHỚ BẠN TRI ÂM
Thân tặng các bạn đã đến với nhau
trong những ngày trôi nổi ở Sài Gòn
Việt Thao Đào Đức Chương
“Tiễn Bạn Ra Đi” [1] thắm thiết lòng,
Lời thơ Nữ sĩ sáng và trong.
Hành trình cảm họa đôi vần đáp,
Gửi gấp quê nhà kẻo Chị mong.
H 1: Nữ sĩ Hoa Phương (Jan 1993),
phu nhân của Nhà văn Lam Giang.
[01] “Tiễn Bạn Ra Đi” là tên bài thơ của nữ sĩ Hoa Phương, phu nhân của nhà văn Lam Giang Nguyễn Quang Trứ, viết tặng trước 2 ngày tôi xuất cảnh.
***
Nhớ thuở An Nhơn bóng với hình [2],
Sự đời dâu bể kiếp sinh linh.
“Năm năm cổng khép người đây đó” [3],
Bài họa năm xưa rất đậm tình.
H 2: Cựu đồng nghiệp Hồ Sĩ Phùng
và tác giả (Jan 1993).
[02] Chúng tôi cùng trong Ban Giám Đốc Trường Trung Học Công Lập Đệ Nhị Cấp Đào Duy Từ, Bình Định (1972 – 1975).
[03] Trích câu thơ trong bài họa “Năm Mới Bạn Cũ Đến Thăm” viết năm 1980, của Hồ Sĩ Phùng, sau 5 năm, vật đổi sao dời, xa cách nhau.
***
Phú An cầu đúc đã làm xong,
“Tình Bút Duyên Thơ” kết bạn lòng [4].
Say cả hồn thơ vào cõi mộng,
Dệt tơ vàng óng dưới trời trong.
H 3: Thi hữu Hồng Tâm Vũ Đình Huyền (Jan 1993).
[04] “Tình Bút Duyên Thơ” là tên thi phẩm của Hồng Tâm.
***
Bạch Đằng rẽ phải, tới nhà Anh [5],
Kinh sử thi văn chuyện rất rành.
Dịch hết thơ Đường, thông địa lý,
Tuổi già kiến thức vẫn tinh anh.
H 4: Nhà văn Lam Giang Nguyễn Quang Trứ (June 1993).
[05] Tư gia của Lam Giang & Hoa Phương số 194/ 11G, đường Bạch Đằng, Phường 24, quận Bình Thạnh, Sài Gòn.
***
Rẽ đường Đề Thám tới Cô Giang,
Những buổi bình thơ ý bạt ngàn.
Đem cả “Tình Ru” vào lục bát [6],
Mai bên dòng suối véo von vang [7].
H 5: Thi hữu Mai Khê Lưu Đình Chại (Jan 1993).
[06] “Tình Ru” là tên bài thơ của Mai Khê.
[07] Mai Khê là bút hiệu của Lưu Đình Chại, cựu giáo chức.
***
Sông nước Thị Nghè mây vẫn trôi,
Nhìn qua Sở thú cả khung trời.
Tinh hoa gom hết trong “bình cũ
rượu mới” [8] thèm say “Vỡ Giọt Đời” [9].
H 6: Thi hữu Mặc Vị Nhân (Jan 1993).
[08] Mặc Vị Nhân tuân thủ thể Đường luật nhưng tứ thơ rất mới.
[09] “Vỡ Giọt Đời” là tên thi tập của Mặc Vị Nhân.
***
Nửa đêm thức giấc nhớ Văn Nhân,
Cầu Chữ Y qua rẽ một lần.
Dương Bá Trạc đường quen mến bạn,
Luận bàn tác phẩm quá trưa say [10].
H 7: Nhà văn Mộng Bình Sơn Phan Canh (June 1993).
[10] Tư gia Mộng Bình Sơn tức Phan Canh ở 169 đường Dương Bá Trạc, quận 8, Sài Gòn. Từ năm 1990 đến 1993 chúng tôi viết chung các tác phẩm: Nhà Văn Phê Bình, Thi Ca Việt Nam Thời Cần Vương (1885 1990), Thi Ca Việt Nam Thời Tiền Chiến.
***
Vừa mới quen nhau đã biệt ly,
Chị đưa tôi mượn sách cần ghi.
Dùng cho tài liệu trong biên khảo,
“Hiu Hắt Người Về” [11] tiễn bước đi.
H 8: Nữ sĩ Sâm Thương [12].
[11, 12] “Hiu Hắt Người Về” là đề bài thơ của nữ sĩ Nguyễn Thị Sâm, ký bút hiệu Sâm Thương (1993), sau đổi là Hoài Thu.
***
Suối reo vách đá dậy rừng hương,
Sang sảng lầu thơ ngọt giọng Đường.
“Dặm Khách Tình Quê” xin lại hẹn [13],
Mười bài liên họa vẫn còn vương.
H 9: Thi huynh Thạch Khê Lưu Đình Đàm (Jan 1993).
[13] “Dặm Khách Tình Quê” là tên loạt thơ của Thạch Khê mời họa, gồm 10 bài liên hoàn; nhưng tôi rất bận việc sắp xuất cảnh nên không họa được.
***
Chiều chiều nhớ bạn xuống Thanh Đa,
Hoa đã đơm bông đẹp cảnh nhà.
Quý khách, trọng hiền thêm nghĩa cả,
Vần thơ trên lụa vẻ yên hà [14].
H 10: Đồng hương Trà Thanh Châu (June 1993).
[14] Bài thơ “Hương Đào” của Thanh Châu, viết trên lụa qua thư pháp của Trần Thiên Trường, để tặng cho tôi trước ngày xuất cảnh.
***
Bình Triệu, đường xuôi thẳng tới nhà,
Dạo này anh viết đẹp thêm ra.
Tạo riêng bút pháp cho trường phái,
Nét chữ mê hồn sống dáng hoa [15].
H 11: Nhà văn Trần Thiên Tường (Jan 1993).
[15] Trần Thiên Tường, chuyên viết tiểu thuyết kiếm hiệp, cũng biết thư họa, nhưng khác với thư pháp của Vũ Hối.
***
Xa xứ không gì gặp cố nhân,
Câu thơ viết tặng vẫn tình thân [16].
Nào đây gồm cả sơn hà tận,
Thả chữ vào trong nét bút thần…
H 12: Danh họa Vũ Hối (người thứ hai, tính từ trái), June 1992.
[16] Khi tác giả bài này mới định cư tại San Jose, Vũ Hối từ tiểu bang Maryland viết hai câu thơ theo lối thư họa gửi tặng:
“Tha hương lại gặp cố tri
Bá Nha xưa với Tử kỳ là đây”.
San Jose, ngày 1- 9- 1993
(Trong tập Đời Viễn Xứ, Bài 5)
VIỆT THAO