Chừng nào thả tay lái ? – Bài của Nguyễn Liệu ( Bài này tôi viết gần 10 năm rồi, nhưng với tôi vẫn còn giá trị vì hiện tại tôi chưa thả tay lái)

Chừng nào thả tay lái ?  Bài của Nguyễn Liệu ( Bài này tôi viết gần 10 năm rồi, nhưng với tôi vẫn còn giá trị vì hiện tại tôi chưa thả tay lái)

Đó là một câu hỏi khó trả lời đối với người lái xe về già, nhất là trên 80 tuổi như tại hạ. Ở Mỹ lái xe đến trên 70 tuổi bắt phải thi lại bằng viết, có khi bắt thi lại bằng lái. Rồi cứ 5 năm lại phải thi lại bằng viết. Hôm nay tại hạ thì bằng viết,  lần này là lần thứ hai,  lần trước cách nay 5 năm. 

Người định cư tại Mỹ sau khi xong các giấy tờ cần thiết, việc quan trọng phải làm là thi lấy bằng lái xe hơi. Thi lấy bằng lái xe hơi có hai phần, thi viết tức thi về luật đi đường và thi lái. Thập kỷ 60 (1960 )tại hạ thi lái xe ở Sài gòn, hoàn toàn khác thi ở Mỹ. Cái lối thi ở Sài gòn năm nọ người ta gọi là thi theo kiểu người Pháp , kiểu thuộc địa Pháp.

Thi lý thuyết, tức thi luật đi đường. Trên cái bàn người ta vẽ sẵn những ngã tư những dấu đi đường. Năm bảy chiếc xe hơi bằng nhựa như đồ chơi trẻ con. Trong đó có xe truck có xe du lịch ( ô tô con) xe cứu hỏa , xe đổ rác xe cứu thương. Họ cho hai xe đụng nhau rồi hỏi người thi xe nào lỗi. Nếu mình trả lời đúng như luật thì mình đậu phần lý thuyết. Đến khi thi thực hành tức thi lái mới kinh khủng. Không có cuộc thi nào nó hồi họp như thi lái xe. Bạn muốn thi lái xe bạn phải ghi danh đóng tiền học nơi dạy lái xe. Khi đi thi dùng chiếc xe ( hầu hết là xe Jeep cũ ) của nơi dạy lái, và cũng thường anh chủ trường chỡ học trò thi đến nơi thi. Lúc bấy giờ trường thi là nơi sân vận động Cộng hòa. Một tuần vài ngày tổ chức thi, có cảnh sát canh gác không cho xe cộ chạy vào khu này và chấm thi là những người ở sở công chánh Đô Thành.  Thi lái điều khó nhất là lui xe vào 4 cây trụ được đặt sít sao với chiều ngang chiếc xe.  Chỗ này tập người thi phải chấp nhận gian lận, vì nếu không gian lận thì không đậu.  Sự thật muốn lui xe vào 4 cây trụ này người lái xe phải thuộc loại khéo léo và sớm lắm phải có kinh nghiệm lái hàng năm mới lui được.  Nhưng nhờ anh chủ trường gian lận nên thí sinh trúng tuyển.  Chiếc xe chủ trường chở người đi thi thường là chiếc xe Jeep ngắn, gọn, dễ quan sát,  và rất khó tắt máy.  Khi lui xe người lái luôn nhìn người chủ trường để biết nên đưa tay lái bên trái hoặc bên phải, hoặc giữ ngay tay lái tuỳ dấu hiệu của chủ trường dặn dò trước.  Ví dụ người chủ trường đưa cái nón vãi đang đội lên cao khỏi đầu tức lui thẳng hoặc gải tai phải thì nhích tay lái bên phải ….Nhờ gian lận đó mới lui xe không đụng 4 cây trụ và thi đỗ. Mà khi đỗ mới trả tiền cho chủ trường, nếu rớt thì thi lại cho tới khi đậu chủ trường mới nhận được học phí.  Ngoài ra còn những mẹo gạt như khi đang lái xe chạy đều đều, người chấm thi ngồi một bên bảo “ Dừng lại” nếu thí sinh vội vã dừng ngay chỗ bảng “ cấm dừng” thì xem như đi đoong, tức lần sau thi lại. Thi thật là khó nhưng khi đậu chưa có thể lái xe được vì thực chất người thí sinh chưa quen lái trên  đường có nhiều xe qua lại.  Phải một thời gian sau mới dám lái ngoài lộ.  Điều này khác cách tập và cách thi ở Mỹ.  Ở Mỹ thi  ngay trên lộ có xe qua lại thường lệ.  Lái xe đi thẳng, quanh trái, quanh phải theo đường.  Dừng ở bảng Stop, ở đèn đỏ. Ghép xe vào lề đường, lui xe lấy lề đường làm chuẩn ( không có chuyện lui vào 4 cây trụ).  Khi sang lane phải ngoảnh đầu về phía sau quan sát kỹ. Điểm này quan trọng nhất, nếu thí sinh sang lane  hoặc quanh trái quanh phải mà không ngoảnh đầu quan sát thì bị đánh rớt.  Bởi vậy khi người chấm thi cho đậu thì thí sinh có thể lái tự nhiên trên đường lộ xe qua lại vì khi tập vì khi thi thi ngay trên đường lộ có xe cộ qua lại bình thường.

Mới đến Mỹ nhìn dòng xe lưu thông nhất là lúc cao điểm phần nhiều nghĩ rằng không dễ dàng lái chiếc xe nhập cuộc với dòng xe chen chúc.  Nhưng thực tế lái xe ở Mỹ dễ dàng thoải mái hơn gấp nhiều lần lái xe ở Sài gòn ngày nay.  Bởi vì ở Mỹ người lái tuân hành luật đi đường.  Tuy quá nhiều xe nhưng đâu ra đấy,  nhất nhất đều theo luật đi đường.  Nhớ hôm về thăm quê nhà, tại hạ dù đã cầm tay lái trên 40 năm, nhưng súyt rớt trái tim xuống sàng xe vì tại hạ ngồi trên chiếc xe đò ghế bên tài xế.  Nhiều lúc tưởng đạp nghiến những chiếc xe hai bánh chạy ngang sát bánh trước của xe đò.  Người tài xế thắng gấp rung xe,  nhưng anh ta không bực mình vì quá quen với cảnh này, trong khi tại hạ phản xạ tự nhiên chân cũng nhấn mạnh xuống sàn xe để thắng xe tránh một tai nạn.  Tại hạ cũng đã đi nhiều nước nhưng không đâu lái xe khó khăn và tài giõi như lái xe ở các thành phố ở Việt nam.  Vì ở xứ sở này có thói quen không cần luật lệ, và mọi người ai ai cũng tranh dành ưu tiên trên đường. Người đi bộ dành chỗ người xe đạp, người xe hai bánh dành chỗ xe bốn bánh, đèn xanh đèn đỏ không quan trọng,  miễn sao lên trước là tốt, nếu “ dại dột “nhường chỗ cho người khác thì suốt ngày không băng được qua bên kia đường.  Cho nên mạnh được yếu thua, ẩu đả thành công, e dè chịu thiệt.  Nội một việc trật tự lưu thông ở Việt nam,  nếu còn cộng sản trị vì,  thì hàng triệu năm nữa cũng không kịp Mỹ không kịp Nhật và các nước văn minh.

Tại hạ có một nhận xét về tai nạn lưu thông ở Mỹ và ở Việt nam. Theo tại hạ tai nạn xe hơi ở Mỹ do ngu dại, ở Việt nam và những nước kém mở man còn nhiều lý do khác.  Vì sao vậy, vì ở Mỹ đường sá được làm kỹ lưỡng đúng tiêu chuẫn ví dụ độ quanh độ dốc đúng luật vật lý để cho xe chạy an toàn, hơn nữa xe, dù xe cũ nhưng độ an toàn của xe vẫn còn.  Bởi vậy gây tai nạn là do người lái ẩu ( như lái khi say rượu, lái quá tốc độ, lái vượt đèn đỏ, lái không ngừng hẳn ở bản stop, lái trong lúc buồn ngủ, lái không theo bản chỉ dẫn về gió, tuyết, sương mù, trời mưa…) chứ không phải do xe do đường.  Trái lại ở Việt nam tai nạn nhiều khi do xe quá cũ do đường không đúng tiêu chuẫn, do luật đi đường không hợp với thực tế v..v..

Tuy vậy thống kê ở Mỹ cứ 12 phút có một người chết vì tai nạn xe hơi. Thì ra số người chết vì tai nạn xe hơi nhiều hơn số người chết vì chiến tranh, vì…Bây giờ tại hạ quanh lại vấn đề chính là “ chừng nào nghỉ lái xe ?” Tại hạ sinh năm Nhâm Thân, 1932, tính theo âm lịch tại hạ lên 84 sau cái Tết sắp tới.  Năm vừa rồi có hai tai nạn của hai cụ già trên 80 lái xe.  Một cụ lái ở thành phố Sanfrancissco mà cụ nhấn ga cho xe chạy trên 80 miles/ giờ xe ủi vào trụ đèn cụ chết ngay tại chỗ. Một cụ nữa thay vì lái trên lộ cụ lại lái xuyên qua 10 lều bán trái cây nhân buổi chợ trời.  Đó là hai tai nạn khủng khiếp gần chỗ ở của tại hạ.  Vì những tai nạn khủng khiếp đó mới có vấn đề “ chừng nào nghỉ lái”.  Có người trả lời ngay “ khi cảm thấy lái không được thì nên nghỉ lái”.  Câu trả lời đó cũng như không trả lời.  Vì khi cảm thấy lái không được thì e muộn mất.  Ngườì già lái xe rất chủ quan, lúc nào cũng thấy mình còn ngon lành, sếm sếm cái chủ quan của nhà văn nhà thơ, và không thua cái chủ quan của các vị nguyên thủ quốc gia.  Bởi vậy cặp vợ chồng già thường hay cãi nhau trên xe, ông lái thì bà bảo sao ông lái bên lane người ta, sao ông vượt đèn vàng sao ông .. sao ông…Khi bà nắm tay lái thì ông phàn nàn sao bà sang lane trước mặt xe người ta sao bà chạy nhanh quá….Vì cả hai “ tim yếu” thiếu tin tưởng với nhau và do đó cũng dễ gây tai nạn.  Ngày xưa, những gia đình giàu có mới sắm xe hơi và thường mướn tài xế, do đó không đặt vấn đề như tại hạ đang đặt vấn đề trong bài này. Thường thường người ta đăng báo cần tài xế có kinh nghiệm trên 40 tuổi.  Ở Mỹ, trừ những vị có chức tước trong chánh quyền trong quân đội, có tài xế riêng. Tại hạ chưa thấy những anh nhà giàu nào mướn tài xế.  Bởi vì lái xe cũng là một lý thú như chơi thể thao, như đọc sách,  như hút thuốc lá,  như uống rượu.  Đang kim tổng thống, ông Obama, ổng thú thật với bạn bè sáu năm nay không lái xe ông thèm lái xe quá sá.  Nếu bạn mua một chiếc xe loại ngon lành mà nhờ tài xế lái bạn ngồi bên cạnh,  thì có khác gì bạn ngồi bên người bạn đang ăn tô phở ngon còn bạn thì ngồi uống nước trà.  Nó vô duyên trọn. 

Thế cho nên bỏ lái xe cũng là một điều khá thiệt thòi dù tuổi trên bát thập. Bạn xét cho, tuổi già phải bỏ ăn thịt ba chỉ, bỏ uống rượu, bỏ hút thuốc, bỏ cái đó, bây giờ bỏ luôn lái xe thì còn cái mẹ gì nữa đâu.  Nhưng phải bỏ, nhưng không biết chừng nào bỏ.  Xin bạn một lời khuyên cho thực tế,  xin đừng nói khi cảm thấy lái không được thì bỏ.

Tuy vậy, tại hạ có một giải pháp “ trung dung” bỏ mà chưa bỏ.  Nghiã là, khi đi với người nhỏ tuổi hơn thì nhường tay lái cho anh bạn hậu sinh đó. Khi đi một mình (độc hành) hoặc đi với người không biết lái xe, thì mình nắm tay lái.  Ví như có rủi ro thì một mình mình lãnh không hại đến người khác tội nghiệp. Giải pháp này mong manh quá giống như mong manh của hiệp định Paris năm nọ.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

%d người thích bài này: