Vớt vát Đến Vạn Lý Trường Thành. NL

Vớt vát Đến Vạn Lý Trường Thành.

Bốn chữ Vạn Lý Trường Thành tạo nên một hình ảnh dữ dội. Tiếng Anh chữ Great Wall không tạo được hết cái hình ảnh dữ dội kinh khủng vĩ đại như 4 chữ Vạn Lý Trường Thành.

Ngồi trên xe bus từ Bắc kinh đến nơi đó chừng một tiếng đồng hồ, thật sự tôi nôn nao xúc động vì không nghĩ rằng trong đời có dịp đến tận nơi này để đặt chân trên một công trình vĩ đại của người Trung hoa từ trước Tây lịch.

Vào quãng 3 giờ chiều, gió hơi lạnh, tôi và Kim Sơn, con trai út của tôi đứng trên Vạn Lý Trường Thành.

Tại hạ là môn đồ của môn phái Thề Thao Thề Dục nên dù bát tuần tại hạ lên tới đỉnh khỏe như tắm.

12 năm trước Kim Sơn đã đến đây rồi, nay đến đây là vì tôi vì nó biết, với cái tuổi của tôi,  có lẽ tôi không đi chuyến này thì khó có dịp đến đây.

Phải, đây là Tràng Thành, là nơi người lính biên cương canh gác đêm ngày và khi thấy hình bóng quân giặc xâm lăng thì đốt khói làm dấu báo động chuyền về kinh đô và tiếng trống dập dồn liên tục thúc dục xuất quân ra nghênh chiến với quân thù. Đó là những câu mở đầu của kiệt tác Chinh Phụ Ngâm của Đặng trần Côn và nữ sĩ tài hoa Đoàn thị Điểm diễn nôm.

Trống Tràng Thành lung lay bóng nguyệt,
Khói Cam Tuyền mờ mịt thức mây.
Chín tầng gươm báu trao tay,
Nửa đêm truyền hịch định ngày xuất chinh
.

Cam Tuyền là một trạm báo động trên Vạn Lý Trường Thành khi hửu sự thì đốt lửa lên, ban ngày thì thấy khói bay cao thấu trời, ban đêm thì ánh lửa làm cho quân canh gác ở xa có thể nhìn thấy.

Trường Thành đã có từ thời Xuân Thu vào khoãng thế kỷ thứ 7 trước Tây lịch, lúc đó là những thành lũy nhỏ của những nước nhỏ để bảo vệ bờ cõi của nước mình. Mãi đến đời Chiến quốc, từ thế kỷ thứ 5 trước Tây lịch, Tần thủy Hoàng diệt được lục quốc năm 214 trước Tây lịch, thống nhất thiên hạ được rồi, bằng cho xây nối các thành ấy lại thành một trường thành từ Đông sang Tây.

Hãy tưởng tượng Trường Thành dài từ giáp Bắc Triều Tiên đến giáp sa mạc Gobi ở phía Tây, có trên 5000 km. Nó dài từ Miami ở Florida đến Seatle ở Washington tức đường chéo nước Hoa Kỳ.

Có nhiều cửa ải có những tên thật hay như ải  “Sơn Hải quan,” đứng ở đó thấy núi thấy biển. Hoặc là “ Nương tử quan,” vì công chúa Bình Dương sắc nước hương trời đời Đường, tinh thông võ nghệ, nàng thường kéo quân trấn ải này, nên mới có tên Nương tử quan. Cũng như  “Ngọc môn quan,” vì bao nhiêu ngọc quí ở Tân cương, xứ nhiều ngọc quí, thường chở qua cửa ải này để vào Trung hoa. Nhưng tại hạ khoái nhất là tên ải “  “Nhạn môn quan.” Nơi này núi non cao vút san sát với nhau, cực kỳ hiểm trở, một con chuột cũng không chun qua được , duy chỉ có chim Nhạn bay qua được nhưng phải bay lách các nơi hiểm hóc. Cho nên mới có tên Nhạn môn quan.

Đến đời nhà Minh thế kỷ 14, trường thành được sửa chữa xây cất thêm để biến thành nơi bảo vệ bờ cõi chận đứng sự xâm chiếm phá phách của các nước lân bang. Thành làm bằng những tản đá cứng, cao hơn đầu người có chừa những lỗ châu mai, bề rộng độ 8 mét. Du khách có thể đi xem được 32 km thành, những nơi khác không đi được, phần lớn bị hư hỏng.

Nhìn những tảng đá lớn đưa lên đỉnh núi cao mới biết đã tận dụng biết bao sức con   người. Tốn biết bao xương máu của con người để làm nên một công trình kinh khủng như thế này. Chắc chắn chỉ có lớp người nghèo khổ mới bị bắt đi làm công trình điên cuồng của những tên bạo chúa. Bọn giàu có chắc chắn đút lót hối lộ bọn quan quân để tránh được công việc lao dịch khủng khiếp này. Người ta bảo Vạn lý trường thành là một

“ nghĩa điạ dài nhất trên địa cầu.” Để diễn tả sự chết chóc thê thảm của những người xây trường thành này nhà thơ Đỗ Phủ đời Đường đã viết “ Cổ lai bạch cốt vô nhân thu”   (xưa nay xương trắng không có ai hốt ). Và trong dân gian còn truyền tụng chuyện   “Nàng Mạnh Khương khóc chồng”. Truyện kể Mạnh Khương có chồng bị bắt đi làm phu xây Trường Thành. Chồng đi lâu ngày không về, nàng nhớ thương lặn lội ra biên cương nơi xây trường thành tìm chồng. Tìm mãi không thấy chồng nàng khóc than thảm thiết. Nước mắt nàng chảy xuống chân thành làm cho một đoạn thành sụp đổ vì linh hồn của chồng nàng còn u uất lấp dưới chân thành.. Câu chuyện đó đủ nói lên sự đau khổ của lớp dân nghèo bị áp bức đi làm phu xây trường thành dưới sự đói khổ, khí hậu ác nghiệt, nhớ nhà nhớ cha mẹ vợ con xóm làng, dưới sự đánh đập hành hạ của bọn quan lại trông coi trực tiếp xây thành.

Đứng trên Vạn lý trường thành, nhìn mút tầm mắt, chập chùng những dãy núi cao san sát chân trời.Trường Thành quanh co, lên cao tột đỉnh, rồi đổ dốc, rồi lên cao, ngoằn ngoèo, khi ẩn khi hiện. Tôi lẩm nhẩm mấy câu thơ trong kịch Kiều Loan của Hoàng Cầm :

“ Hôm nay tôi mới gặp Tần Thủy Hoàng

Bạo chúa  như ông sướng hay khổ

Trời đã sang Thu lá đã vàng

Ông cười hay khóc trong nấm mộ ( thơ Hoàng Cầm )

Trời ơi ! dưới chân chỗ tôi đang đứng đây là mồ chôn những dân nghèo thất thế bị bắt đi khổ dịch. “ Cổ lai bạch cốt vô nhân thu”. Chôn hàng ngàn hàng trăm vạn bộ xương để được công trình Tràng Thành kinh khủng như thế này. Tần Thủy Hoàng đúng là một bạo chúa :

“Bạo chúa như ông sướng hay khổ

Ông cười hay khóc trong nấm mộ”

Tôi chắc ông không khóc, ông chỉ biết cười trước thành công vĩ đại của ông, Vạn Lý Trường Thành. Có nhà độc tài nào hối hận đâu vì ở họ không có trái tim của chúng ta có.
Tôi nghĩ nếu biết nghe lời bàn của bạn bè của người cộng tác đừng nói chi đến dân chúng, thì không có vạn lý trường thành, không có nghĩa địa dài nhất thế giới.

Hằng ngày du khách đổ về Tràng Thành đông lắm.

Chiều xuống rồi.  Thôi.  Về !  Tôi đưa cao tay vĩnh biệt Vạn Lý Trường Thành….núi non trùng trùng điệp đìệp. Buồn quá đi thôi, một kiếp người.

SHARE THIS:

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

%d người thích bài này: