DẬY ĐI CON – Truyện của Nguyễn Liệu
DẬY ĐI CON
Nguyễn Liệu
Viết cho Hoà Đàm con gái đầu của tôi
– “ Dậy đi con, con gái, dậy đi con, me thương, Dậy đi con..” Chị vỗ nhè nhẹ vào đứa lớn nhất nằm sát bìa giường. Con bé ngủ say nghiêng qua rồi nghiêng lại mắt vẫn nhắm kín . Chị kéo phần đắp của con bé đắp thêm lên ba đứa em của nó. Đứa nằm ngang, đứa nằm lộn đầu, ngủ mê. Bốn mẹ con chị nằm trên cái giường rộng. Chị nằm dọc dưới chân ba đứa bé, đứa nhỏ nhất chưa đầy một tuổi nằm sát chị, vì sợ các anh chị nó ngủ quên gát chân lên đứa em út .
Con bé vẫn ngủ mê chị ôm xốc nó lên, nó dựa đầu vào ngực chị ngủ tiếp. Chị lấy khăn ướt lau mặt con bé phát mạnh vào đít nó la lớn :
“ Dậy đi Bé, me đi để trể rồi , dậy đi” Bé mở mắt rồi nhắm lại ngủ tiếp.
Chị bực mình đặt con bé nằm lại lên giường, vổ nhè nhẹ vào má nó :
“ Dậy đi con, dậy coi em cho me đi con.” Con bé mở mắt, ngơ ngác lật đật ngồi dậy :
“ Me chưa đi chợ, để đó, con coi, me đi đi”. Chị cười. Vài giọt nước mắt lăn trên gò má chảy xuống miệng mặn mặn :
“ Con đi rửa mặt cho tỉnh táo rồi me mới yên tâm đi chớ, con ngủ lại thì sao”
Con bé có má núng đồng tiền cười thật dễ thương, xuống giường đi ra ảng nước.
Chị đi theo con bé dặn :
Me nấu cơm chín rồi, chút nữa em dậy, con cho em ăn. Bình sữa em me để trên bàn, em nó dậy, con cho nó bú. Bảo thằng Tèo ráng dỗ và đút cho con Xiếu nó ăn, đừng la đừng đánh em, rồi me về me mua cho túm chè. Con bán thuốc ngoài ngõ nhưng phải chạy ra chạy vào trông chừng em, nghen con. Bé đổ nước vào cái chậu thau đồng rửa mặt cẩn thận như người lớn, vốc một ít nước lên mái tóc vuốt nhẹ nhẹ cho tóc nằm ngay ngắn, Bé cười :
Thôi me đi để nhà con lo cho em mà, có gì mà mẹ dặn hoài.
Chị hôn bé rồi dắt xe đạp ra đi. Trời chưa sáng hẳn.
Trời đang mùa hè nhưng còn sớm quá, mát mát dễ chịu. Hôm nay là lần thứ ba chị đi tìm xác chồng chị. Tuần trước thật sớm chị mười Sóc gõ cửa, chị giật mình mở cửa. Khi hôm tôi nghe người ta nói bên nhà bà Chi, bọn nó đã bắn thầy ở sân vận động Thu xà. Cả đêm tôi không ngủ được trông mau tới sáng lên cho chị hay, chị xuống Thu xà xem thử như thế nào. Chị chỉ kịp ré lên tiếng “ Trời ơi !” rồi ngất xỉu. Chị mười Sóc đở chị vào giường, xoa dầu cạo gió cho chị một hồi lâu mới tỉnh lại.
Trưa ngày hôm đó ban đầu chị tính đến nhà mấy người bạn thân của chồng chị tin cho họ biết, và nhờ họ đi với chị xuống xin xác đem về nhà tẩm liệm chôn cất. Nhưng chị lại thôi vì chưa chắc những người bạn mà chồng chị xem như những đứa em thân thích, tin tưởng nhất, còn đủ can đảm để gặp chị, vì từ ngày đó , ngày đổi đời, không có một bóng nào đến nhà chị. Kinh khủng thật, chị nghĩ, mới tháng trước đây bạn bè học trò ra vào nhà chị tấp nập, bữa ăn nào cũng có vài ba người bạn ăn uống vui vẻ với chồng chị, nhưng bây giờ hoàn toàn vắng lạnh. Một người bạn nhận chiếc honda của chồng chị để bán, chị hi vọng số tiền đó chị buôn bán vặt vãnh ngoài chợ có thể kiếm đủ gạo nuôi con, gia tài chị, tài sản của chồng chị có chừng đó, nhưng người bạn cả tháng nay vắng bóng và có lẽ cũng không còn muốn gặp chị và con cái chị. “ Trời ơi ! sao mau đổi thay như thế !” chị than thành tiếng , nước mắt chảy dài trên gò má.
Thu xà xưa là phố Tàu, nhưng chiến tranh tàn phá, người Tàu tản cư rải rác, trở thành nơi hoang vắng. Những năm 60 chồng chị lập chiến dịch Về Làng đưa dân làng trở lại làng cũ làm ăn sinh sống, Thu xà dân chúng về đông đúc. Nhưng sau đó biến thành nơi chiến địa, nhà cửa tan tành, một số dân di tản một số ở lại.
Chị đến thẳng sân vận động nhưng không còn sân vận động nữa, người ta đã làm nhà sơ sài chung quanh và cả một khoảnh đất rộng trồng mì. Chị ghé quán bán cháo của bà già bên góc sân vận động mua chén cháo và hỏi thăm bà chủ quán. Thì ra tin không xác thực, nhưng bà già cho biết người ta đồn có xử tử bọn Việt gian tại làng La hà chứ không phải Thu xà, có lẽ người ta nói lộn
Sáng sớm hôm sau chị đến làng La Hà, nhưng vẫn là tin đồn không xác thật. Chị vui vẻ đạp xe về nhà tiếp tục bán chuối với chị Mười Sóc.
Chiều hôm qua, mặt trời gần lặn, đứa cháu trong họ của chị làm nghề lái xe Lam chở khách, dừng xe trên quốc lộ, hấp tấp chạy vào nhà, tin cho chị hay, sáng nay bọn nó xử bắn dượng rồi, có dân chúng mít ting chứng kiến tại sân vận động Sa huỳnh. Tin xong người tài xế vội vã ra xe đưa khách ra bến xe thị xã. Chị không kịp hỏi thêm. Lần này chị không xỉu như nghe tin lần đầu, nhưng chị nghĩ rằng như thế là đích thực rồi, có lẽ thằng cháu có chứng kiến cảnh xử tử này, vì thường đưa khách từ Sa hùynh ra Sông Vệ có khi ra đến thị xã như chiều hôm qua.
Đường quốc lộ vắng quá không một bóng người. Chị đạp chiếc xe đạp cũ kỹ tiếng kêu lạch cạch nặng nề. Chiếc xe đạp đã mười lăm năm lúc chị còn là học trò trường quận. Nhiều lần chị không cho bởi vì nó là kỷ niệm của chú chị mua cho chị trong hoàng cảnh vô cùng khó khăn. Bây giờ nó có giá rồi, bây giờ phải xử dụng nó. Chị mỉm cười chua chát, tại mình lãng mạn quá nên luôn luôn gặp hết khổ này đến khổ kia. Mình thua ảnh gần mười lăm tuổi. Ảnh là người gồ ghề không phải là loại đẹp trai bạch diện thư sinh mà sao mình lại thích ảnh ghê, và từ ngày làm vợ ảnh chưa bao giờ mình được sung sướng. Anh ta nào biết gia đình là cái gì, phó thác hết cho mình ảnh chỉ lo những việc đâu đâu ngoài xã hội, bỏ phế gia đình. Suốt năm năm trời ảnh đi làm từ sáng sớm đến chiều tối, nhưng chẳng có một đồng bạc lương, trăm thử đổ lên đầu mình với đồng lương thấp kém. Nhìn bốn đứa con thiếu thốn, nhiều lúc mình không ăn no, định nói thẳng cho anh biết, nhưng lạ quá, mỗi khi gần ảnh thì mình lại thương quá quên mất những nỗi bực rọc oán trách, và do đó không bao giờ ảnh hiểu nỗi buồn khổ của mình. Bây giờ ảnh chết rồi, trời ơi, bỏ mình bơ vơ, bỏ bốn đứa con bơ vơ. Làm sao đây anh ! Mắt cay mờ, xe loạng quạng, chị đưa tay áo lau nước mắt tiếp tục đạp thu ngắn đoạn đường ba chục cây số. Ánh nắng ban mai chiếu trên ngọn cây, trên cánh đồng, trên con đường chị đang đi, nhưng chị chẳng hay biết gì chị cảm thấy đời chị là một đêm dài vô tận, chị nặng nề, chán nản.
Út giật mình khóc lớn tiếng làm Xiếu tỉnh giấc . Bé lẹ làng đút bình sữa vào miệng em, đứa bé mắt nhắm nghiền nút sữa chùn chụt, im lặng, nhưng Xiếu lại khóc lớn “ Me tao đâu, me tao đâu. Um me. Um me, me tao đâu…” Một tay đỡ bình sữa cho em bú, một tay vỗ nhẹ nhẹ vào mông Xiếu, Bé hát ru em khe khẻ : “ Chiều chiều ra đứng ngõ sau nhớ về quê mẹ ruột đau chín chiều, ù ơ, chiều chiều…” Lặp đi lặp lại câu hát ru em buồn buồn đó Xiếu nín khóc ngũ lại. Bé rút bình sữa khỏi miệng em vì con bé đã ngủ. Ánh nắng chói chang trên hàng dừa trước ngõ, người qua lại ngoài đường, cảnh sinh hoạt buổi sáng bắt đầu.
“ Tèo Tèo dậy đi Tèo. Dậy ăn cơm rồi coi em cho tao dọn dẹp, rồi bán thuốc chớ.” Bé lắc mạnh hai chân Tèo nhưng thằng nhỏ vẫn ngủ say. Bé đập mạnh vào mông đít thằng nhỏ giật mình ngồi dậy tay dụi vào mắt “ Me tao đâu ?” Me đi hồi sớm, chiều tối me mới về me bảo mầy cho con Xiếu ăn me mua cho túm chè”
Chè để đâu ?
Chiều tối me mới đem về
Chị đừng ăn của Tèo đá, Tèo ăn một mình không cho chị, không cho con Xiếu
Tao đâu có thèm
Không thèm mà lần nào cũng ăn của Tèo
Thôi đi rửa mặt đi, rồi coi em, tao dọn dẹp
Ba lâu về quá.
Ba bị bắt làm sao mà về
Me lên dẫn ba về
Đừng nói bậy họ bắt mầy đó.
Họ bắt Tèo me đánh họ.
Đồ ngu, im miệng, đừng nói bậy.
Tèo ngồi dậy đi rửa mặt. Thụt tay vào vò nước, xoa sơ cái mặt, trở lại : “ Rửa rồi, cơm Tèo đâu ?
Chén cơm tao để sẵn cái muỗng trên bàn đó. Tao chan nước cá rồi đó, ăn đi đừng cho đổ cơm xuống chiếu em nằm nghen. Tèo ốm nhách như con nhái, cái đầu vồ cái bụng phình to, cái đít beo riết, hai chân như hai ống sậy, mặc cái quần đùi hơi chật có hai cái viền trắng dọc theo ống, quần ngày trước me nó mua cho nó lúc sinh nhật lên hai tuổi. Nó thường chạy chứ không đi, mỗi khi chị nó gọi, là lập tức nó đến liền.
Tao coi hai đứa trong nhà, mầy ngồi coi thuốc, ai có mua thì bán cho họ, hay kêu lớn tao chạy ra. Mầy không được bẻ chuối ăn, me la đá nghen, để bán me mua gạo nghen.
Tèo thích chè chứ không thích gạo
Đồ ngu, không có gạo thì đói chết.
Bé bợ cái bàn nhỏ bằng ván ép, trên mặt bàn vừa để được hai nãi chuối hai ba bao thuốc lá. Tèo xách cái đòn ghế theo làm ghế ngồi. Một tấm bìa cứng ghi câu : Xin các bác các dì trả cho cháu theo giá ghi dưới đây, cháu không biết tính, không biết thối tiền. Hàng dưới ghi giá 1 điếu thuốc , 1 gói thuốc. Hàng dưới nữa ghi giá 1 trái chuối, giá một nãi chuối.
Chị dặn con họ mua mấy trái chuối con bẻ đưa cho họ, mua mấy điếu thuốc con đếm đưa cho họ, tiền họ đưa con bọc vào túi áo, và ghiêm lại. Bé làm thành thạo khéo léo, nhưng Tèo chưa làm được, nên Tèo chỉ ngồi coi tạm cho chị, hoặc ngồi chơi với chị chứ không biết bán. Những ngày đầu hai đứa vui mừng dành bán, nhưng sau này Bé sợ mẹ la nên cố gắng, còn Tèo thì hết thấy vui. Mỗi khi có người qua thì Bé mời đàng hoàng ; “ mời bác mời chú mua thuốc mua chuối” Tèo thì nói ngọng nói đớt :
“ Mời chú mua “ uốc” mời bà mua “ uốc” . Tèo không biết bán nhưng nó mời liên hồi mời nhiều hơn chị nó. Kẻ qua người lại nhưng ít người để ý lời mời liên hồi của thằng bé ở trần lòi xương sường “ mời chú mua uốc !”. Phần nhiều cả ngày không bán được đồng nào. Một hôm me nó vừa vào nhà Bé reo lên : “ Nay con bán nhiều tiền, me nó đếm đúng tiền ba gói thuốc nhưng kiểm thuốc vẫn còn nguyên. Me nó hỏi :
Người ta mua tới 3 gói thuốc sao con không đưa cho người ta, Bé bảo ông đó đưa tiền con bỏ vào túi, ghiêm lại, khi nhìn lên ổng đi xa rồi thằng Tèo chạy theo nói ổng quên lấy thuốc, ổng bảo để đó ổng sẽ lấy sau, nhưng không thấy ổng trở lại. Chị biết đây là người quen giúp cho đứa bé chứ không mua thuốc. Chị cảm thấy vui vui vì ít ra cũng còn người còn nghĩ đến hoàng cảnh khốn cùng của chị.
Chị đạp xe đến gần trưa mới tới Sa huỳnh. Trời nắng nhưng gió biển thổi vào man mát dễ chịu. Chị ngồi nghỉ bên gốc cây vệ đường. Mồ hôi trán lấm tấm chị lấy cái nón vải phe phẩy. Chị cảm thấy đói bụng, rút bình đông nước hớp mấy hớp cho đỡ khô cổ. Một bà già gánh gánh xoa xoa trong hai cái thúng chai dừng lại dưới bóng cây gần chị, bà già không còn cái răn nào cười thấy hai hàng lợi trắng phếu, mời chị “ Mời cô ăn xoa xoa đỡ khát nước”
Dạ cháu mới ăn no ra đây, cảm ơn bà.
Mới đây mà đổi đời hết, hồi trước chỉ có một mình tui nghèo, bây giờ ai ai cũng nghèo, cũng khổ như nhau, không biết rồi ít hôm nữa ra sao. Cô nghĩ làm ăn thế này thì có chết tui không, ngày truớc mặt trời đứng đầu, con bóng quấn chưng, là tui bán hết gánh, về lo làm rau câu nấu cho ngày mai, bây giờ từ sáng giờ, đi rao mỏi miệng, chẳng có con ma nào ỉa vào miệng tui, một gánh bán ba ngày chưa hết. Thấy bà già ưa nói vui vẻ, chị hỏi :
Nghe nói hôm qua biểu tình ở sân banh đông lắm để coi bắn Việt gian bà có đi coi không.
Đâu có họ nói bậy đá, tui ở trước cổng vào sân banh có thằng ma nào đến đó đâu vắng như gò mã. Ngày xưa sân đó lính họ đá banh luôn, tui gánh gánh xoa xoa ra đó là họ xoa tay hết sạch, bây giờ nó vắng như ma.
Chị mừng, lạy trời, thì ra lại một tin láo nữa rồi, chị muốn hỏi thêm nhưng sợ bà già nghi ngờ thì lôi thôi nên chị qua chuyện khác, chị hỏi về cá ngừ, bà bảo năm nay mất mùa cá ngừ, dân làm biển cũng kêu trời không thấu. Thôi cô ngồi nghỉ, tôi về nhà kiếm ít hột gạo luộc rồi gánh đi nữa. Bà cười trơ hai lợi trắng phếu, gánh gánh xoa xoa đi. Chị dắt xe theo chân bà già đến sân vận động. Y như lời bà già, khu này nhà cửa tiêu điều và nhìn gương mặt người nào cũng lo lo buồn buồn, hay là tại mình buồn lo rồi thấy người khác cũng vậy. Chị lẩm nhẩm câu Kiều “ Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ.” Không mình không phải buồn mà là người sắp chết vì tuyệt vọng vì nhớ thương. Nghĩ đến 4 đứa con chị thương nó quá. Đứa lớn con Bé mới học chưa hết lớp mẫu giáo. khi sinh con bé anh không có nhà anh đang trong lính ở Biên hòa.
Đạp xe về chưa được nửa đường nhưng trời đã xế chiều. Mỏi mệt, cả ngày không ăn chị ghé vào quán bên đường, không thấy chè, mua túm kẹo về cho mấy đứa nhỏ. Thôi mình gắng đạp xe về nhịn ăn, mua quà cho sắp nhỏ. Chị cảm thấy vui vui con chị đang chờ me nó về có quà cho nó.
Tối nay là tối thứ ba và cũng là tối cuối cùng đòan chiếu phim trung ương về chiếu tại sân trường tiểu học bên nhà chị. Bán hết vé, vì đoàn thanh niên giải phóng đến tận nhà bán vé. Đoàn bán vé có đến nhà chị nhưng chỉ thấy đám con nít khóc lóc ồn ào không có người lớn nên họ đi ra. Tiếng loa réo gọi, tiếng kèn tiếng trống ồn ào Bé nôn ruột quá trông me nó về sớm nó xin phép đi xem chiếu phim. Trời tối điện sáng rực rỡ khu sân trường nơi chiếu bóng, người ta chen lấn vào trước chiếm chỗ tốt. Con Xiếu con Út ngủ say thằng Tèo lệ nhệ “ Me tao không về Me tao không về . Chị đi choi ( coi) cho Tèo theo choi. Mầy con nít biết gì mà coi , mầy ra cho họ lấn dẹp ruột đá. Me về me dẫn Tèo đi choi. Mầy ở nhà coi em, ông bị đứng ngoài đường ra ổng bắt ráng chịu. Tèo đi choi, hổng sợ ông bị đâu . Miệng đòi đi coi nhưng cặp mắt lờ đờ buồn ngủ. Nằm nhắm mắt miệng vẫn, Tèo đi choi me tao đâu tao đi choi với me tao….Bé mừng ba đứa ngủ yên. Đóng cửa sau, đắp mền cho ba đứa em, vặn lu ngọn đèn bóng hột vịt trên bàn, nhìn qua một lược, Bé nhè nhẹ khép cửa, ra sân chạy nhanh qua khu chiếu phim bên kia đường.
Người đông quá . Điện sáng chói mắt. Người đi xem chăn lấn vào cổng trường nơi soát vé cho vào. Bên trong tiếng loa tiếng nhạc ồn ào náo nhiệt làm nôn nao cả một khu trường rộng. Từng gia đình, già trẻ nắm tay kéo theo sợ lạc. Tiếng trẻ con khóc, tiếng gọi ơi ới vì lạc mất người thân. Bé cố chui, cố lấn lên cổng trường nơi soát vé. Bộ đội đứng hằm hằm giũ trật tự nơi cổng trường. Thấy lính bé sợ không dám chui vào nữa.
“ Dì dì, cháu đây dì, cháu con bà Ảnh đây dì, dẫn cháu theo dì” Người đàn bà giật mình nhìn đứa bé, ngừng lại, rồi lại tiếp tục theo hàng.
“ Chú ơi chú, cháu con ông Liệu đây chú, cho cháu theo vào coi chú, chú ! người thanh niên đứng hẳn lại nhìn, Bé mừng rỡ bước tới, nhưng không kịp, ông ta đã đi vào cổng.
“ Dì dì, dì Hai, cháu Bé đây, con bà Ảnh đi dạy với dì đó, cho con vào với. Hình như bà không nghe đi thẳng.
“ Ông, ông, cháu con ông Liệu đây ông, cho cháu theo ông vào, cho cháu theo ông vào.
Ông ông, chú chú, cháu con ông Liệu, cho cháu theo vào cổng, dì dì , bà bà, cháu con bà Ảnh cho cháu theo vào cổng.
Bên trong sân trường vọng ra tiếng thuyết minh e é giọng Bắc kỳ làm cho những người chưa vào kịp, vội vã lấn vào cổng. Bé khóc thành tiếng, chụp tay người đàn bà năn nỉ “ Cô ơi cô con là con cô Ảnh đây, cô đến nhà con hoài mà, cho con theo cô vào xem đi cô, cô cho con theo. Người đàn bà đi với gia đình, bực bội đánh mạnh vào tay Bé, làm con bé đau điếng hoảng hốt ré lên lui ra . Đau quá, Bé khóc, không dám xin vào nữa, đứng nhìn đoàn người ùn ùn chen lấn vào cổng .
Nguyễn Liệu
Tháng 11 năm 2009