Nguyễn Văn Tuấn: Buôn bán hy vọng trong y khoa

Nguyễn Văn Tuấn: Buôn bán hy vọng trong y khoa

Một người bà con tỏ ý muốn được điều trị bằng một thuốc mà báo Tuổi Trẻ đưa tin. Nhưng khi tìm hiểu thì mới biết đây là một loại thuốc mới được thử nghiệm trong giai đoạn đầu. Bài học là đưa tin về y học đòi hỏi sự cẩn thận để không bị xem là buôn bán hi vọng. 

Mỗi ngày, không biết bao nhiêu tin tức về khoa học được truyền đi, và tất cả đều là tin mừng. Khác với tin tức về chánh trị xã hội thường mang tính tiêu cực, tin tức liên quan đến khoa học chỉ là tích cực, nhứt là trong ung thư. Khám phá một protein mới có thể điều trị ung thư. Khám phá một chữ kí gen có thể phát hiện ung thư sớm và điều trị tốt hơn. Phát hiện một loại thuốc mới có thể trị dứt bệnh X (mà X có thể là ung thư, tim mạch, tiểu đường, viêm phổi, thoái hoá khớp, loãng xương, v.v.) Những tin quá tốt lành như vậy làm cho bệnh nhân đặt kì vọng quá lớn. 
Đa phần là dỏm. 

Vấn đề là tuyệt đại đa số những ‘tin mừng’ trong y học, đặc biệt liên quan đến thuốc men điều trị, chỉ là sản phẩm của PR, chứ không thật. Là người trong cuộc, tôi phải ‘đau lòng’ nói như vậy.

Cái ‘không thật’ có thể là từ nhà báo, nhưng đa phần là từ giới khoa học. Giới khoa học khi họ mới phát hiện một phân tử nào đó, họ cần tài trợ để làm thêm, nên họ nhờ báo chí PR. Mà, đã là PR và qua tay nhà báo thì ngôn ngữ sử dụng trở nên rất ‘hoa mĩ’, thậm chí cảm tính, nếu không muốn nói là ‘ngoa ngôn’. 

Họ buôn bán hi vọng. Có khi thuốc chỉ mới thử nghiệm trên vài con chuột nhưng nhà khoa học đã tự tin cho rằng sẽ điều trị dứt ung thư! Lạy Chúa tôi! 

Hôm nọ, một anh bạn bác sĩ đề cập đến một ‘chữ kí gen’ có thể báo cho bệnh nhân ung thư biết nên dùng thuốc gì để có hiệu quả cao. Tôi kinh ngạc và hỏi một đồng nghiệp bên chuyên ngành ung thư học đang làm về gen, thì anh ấy chỉ cười và khuyên đừng quan tâm. Nghiên cứu về việc dùng gen để xác định thuốc thì có rất nhiều, nhưng ứng dụng trong thực tế thì chỉ … một hai. Ấy vậy mà có người chỉ mới làm một vài biến thể gen rất sơ đẳng, mà họ đã dám nói rằng sẽ tiên lượng ai sắp bị ung thư và ai sẽ đáp ứng thuốc ABC! Lạy Chúa tôi!

Vấn đề tái lập 

Sự thật là hầu hết những ‘tin mừng’ liên quan đến thuốc mới đều là … dỏm. Trước đây có một phân tích cho thấy tuyệt đại đa số các phát hiện được công bố trên các tập san khoa học là sai. 

“Sai” ở đây có nghĩa là phát hiện đó không thể lặp lại ở nhiều nghiên cứu khác dù sử dụng cùng phương pháp và chất liệu. Tình trạng này được gọi là ‘vấn đề tái lập’ (reproducibilty problem). Tình trạng này là một khủng hoảng trong khoa học hiện nay. Khủng hoảng lớn. 

Có nhiều nguyên nhân mà các kết quả nghiên cứu không thể tái lập. Các nguyên nhân bao gồm giả thuyết không có cơ sở khoa học vững vàng, sai lệch trong thiết kế nghiên cứu, cỡ mẫu quá thấp, sai trong phân tích dữ liệu, sai trong diễn giải kết quả. 

Thậm chí có những cái sai cố ý: chỉnh sửa dữ liệu thí nghiệm, ‘tra tấn dữ liệu’ để có kết quả mình mong muốn. Có người còn làm chuyện tày trời hơn: nguỵ tạo dữ liệu để có kết quả ‘dương tính.’ 

Lại có những cái sai vì nhà khoa học quá … ngây thơ. Nhiều khi họ mới thử nghiệm trên chuột với kết quả chỉ mang tính ‘tín hiệu’ mà đã tiến lên thử nghiệm lâm sàng. Lại có khi thử nghiệm trên vài bệnh nhân, không có nhóm chứng, mà đã tuyên bố thành công. Đó là sự ngây thơ. Mà, rất nhiều nhà khoa học rất ngây thơ, họ nghĩ người giống như … chuột. Họ xây lâu đài trên cát. Biết bao nhiêu thảm hoạ đã xảy ra vì những cái lâu đài trên cát.

Quá trình thử nghiệm thuốc men 

Quay lại bản tin được đề cập trên, đó là một loại thuốc mà nhà khoa học nghĩ là có thể dùng để điều trị ung thư não. Theo họ báo cáo, kết quả thử nghiệm trong giai đoạn đầu trên bệnh nhân ung thư não, cổ tử cung, ruột, tuỵ, v.v. cho thấy thuốc này an toàn. 

Và, nay họ tiến sang giai đoạn 2. Thường, thử nghiệm giai đoạn 2 có mục tiêu chánh là đánh giá hiệu quả của thuốc. Thử nghiệm thuốc ở giai đoạn 2 cần có hàng trăm bệnh nhân. Đó chính là lí do của bản tin: các nhà nghiên cứu đang tìm bệnh nhân cho thử nghiệm. 

Sẵn đây, cũng cần nói thêm rằng một loại thuốc chỉ được phê chuẩn cho sử dụng trong điều trị lâm sàng phải qua thử nghiệm giai đoạn 3 với kết quả khả quan. Thử nghiệm giai đoạn 3 cần hàng ngàn bệnh nhân, và phải có một nhóm chứng (tức là nhóm không được điều trị hay được điều trị bằng một loại thuốc hiện hành). Chỉ khi nào kết quả cho thấy thuốc thử nghiệm có hiệu quả cao hơn nhóm chứng thì mới được xem xét cho điều trị bệnh nhân. (Xin nhấn mạnh là chỉ ‘xem xét’, chứ chưa phê chuẩn). 

Đa số thuốc có triển vọng trong thử nghiệm giai đoạn 2 bị thất bại ở giai đoạn 3, và điều này là khá bình thường. 

Nói như vậy để các bạn thấy thử nghiệm thuốc điều trị rất nhiêu khê và công phu, và để đặt bản tin trên Tuổi Trẻ trong bối cảnh. Thuốc mà Tuổi Trẻ đưa tin chỉ mới xong thử nghiệm giai đoạn 1, chưa biết kết quả giai đoạn 2 ra sao (vì chưa xong), càng chẳng biết có cơ may sang giai đoạn 3. Chúng ta có quyền hi vọng, nhưng đừng quá hi vọng. 

Và vai trò của báo giới 

Tôi nghĩ giới báo chí đừng quá lệ thuộc vào những bản tin liên quan đến y tế từ nước ngoài, vì nó thường là sản phẩm của PR hơn là thật. Nếu tin tức liên quan đến thuốc men, càng cần phải cân nhắc rất nhiều: 

* nghiên cứu đã được công bố trên một tập san khoa học? Tập san nào?

* nghiên cứu thực hiện trên chuột hay người? Nếu trên người, bao nhiêu người? 

* nghiên cứu đạt chất lượng cao? 

* hiệu quả thấp hay cao? Chi phí điều trị bao nhiêu, có ‘xứng đáng đồng tiền bát gạo’?

* cơ quan nào ra thông cáo báo chí? 

* có mâu thuẫn lợi ích trong bản tin? 

Tiến bộ trong khoa học rất chậm. Lâu lắm mới có một phát hiện ‘đột phá’, và những phát hiện như vậy thường cần thời gian dài mới tới bệnh nhân. 

Nếu không rõ thì phóng viên nên tìm đến những nhà khoa học độc lập để có ý kiến khách quan. Nếu chỉ đơn giản dịch bản tin từ tiếng Anh sang tiếng Việt thì rất dễ rơi vào cái bẫy PR, tiếp tay cho những chiêu trò ngoa ngôn trong khoa học, và buôn bán hi vọng.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

%d người thích bài này: