Liễu Trương: Thuyết hiện sinh từ triết học đến văn chương

Liễu Trương: Thuyết hiện sinh từ triết học đến văn chương

Ở Pháp, sau Đệ nhị Thế chiến, từ năm 1945 đến khoảng năm 1960, học thuyết hiện sinh được phổ biến rộng rãi trong dân chúng, làm nảy sinh một trào lưu tư duy tràn qua lĩnh vực văn chương, và một lối sống ngoài xã hội.

I. Một hiện tượng xã hội

Về mặt xã hội, thuyết hiện sinh gây nên một lối sống có thể nói là ngông cuồng của một tuổi trẻ hiếu động, tập trung ở Paris, xung quanh khu Saint-Germain-des-Prés. Những hầm rượu của Saint-Germains-des-Prés bỗng dưng nổi tiếng vì giới trẻ tấp nập lui tới. Dư luận thiếu suy xét và được một thứ báo chí ham cái mới thúc đẩy, nên liên kết tên của các nhà hiện sinh : Sartre, Simone de Beauvoir, với những nơi chốn có tính huyền thoại như các tiệm cà phê Flore, Les Deux Magots, Le Tabou, với nhạc jazz, với lối khiêu vũ be bop, với loại ca nhạc của Juliette Gréco. Tuổi trẻ này chống chủ nghĩa theo thời một cách ồn ào, và có một lối cư xử khiêu khích, độc đáo.

Những người theo truyền thống lên tiếng chỉ trích những biểu lộ này, nhưng họ lẫn lộn những ý muốn làm mới tư duy và lối viết với lối sống lập dị ồn ào.

Nhìn chung, lối sống này chỉ là một hiện tượng xã hội có tính nhất thời. Nó biến đi trước lâu đài của học thuyết hiện sinh.

II. Lịch sử của thuyết hiện sinh

Thuyết hiện sinh bắt nguồn từ thời xưa, và với thời gian đã tiến hóa đến mức chia ra nhiều phương hướng. Những nhà triết học báo trước trào lưu hiện sinh đã có từ thời cổ đại, đó là những nhà triết học theo khuynh hướng khắc kỷ, rồi đến thánh Augustin (354 – 430), Pascal (1623 – 1670). Đến thế kỷ 19, các nhà triết học khởi xướng tư duy hiện sinh là : Nietzsche, Stirner và nhất là nhà triết học Đan mạch Soren Kirkegaard.

Soren Kirkegaard (1813 – 1855) được xem là nhà triết học hiện sinh đầu tiên, ông tự cho mình là một nhà triết học chủ quan, sự hiện hữu của con người được đặt ở trung tâm những suy nghĩ của ông.

Chính ở thế kỷ 20, tư duy hiện sinh được khẳng định bởi các nhà triết học Đức như Heidegger, Jaspers và Husserl. Sartre bị hiện tượng luận của Husserl gây ấn tượng sâu xa.

Nhà hiện tượng luận Husserl (1859 – 1938)

Hiện tượng luận là sự miêu tả những hiện tượng, nghĩa là những gì đến tức thì trong tâm thức. Hiện tượng được hiểu biết qua trực giác, và trực giác có trước mọi phê phán, mọi suy nghĩ. Hiện tượng là cái tự tỏ ra với tâm thức. Hiện tượng luận là phương pháp hướng sự tra vấn về tính hiện thực của sự kiện đối với tâm thức, nghĩa là hiện tượng luận hướng tính hiện thực của sự kiện về những ý nghĩa của cái mà chúng ta có trong trí óc. Những ý nghĩa đó tạo nên hiện tượng. Do sự trở về với cái cụ thể, Husserl muốn « vượt khỏi sự chống đối giữa chủ nghĩa duy tâm và chủ nghĩa hiện thực ». Ông muốn xác định quyền tối thượng của tâm thức và đồng thời xác định sự hiện diện của thế giới như thế giới đến với chúng ta.

Tâm thức có thái độ hữu ý (intentionnalité). Thái độ hữu ý có nghĩa là hủy bỏ cách phân chia chủ thể/vật thể của quan niệm thời xưa. Điều đến trước tiên là « sự tương quan hữu ý » của tâm thức với đồ vật. Tâm thức chỉ có hình thức của một tương quan với một đồ vật. Đồ vật không phải là một sự vật tự nó mà nó là một sự vật cho một chủ thể, tức nó là cái nghĩa đối với chủ thể.

III. Thuyết hiện sinh ở Pháp, một trào lưu triết học

Thuật ngữ « Hiện sinh » xuất hiện ở Pháp vào đầu những năm 1940, được phổ biến rộng rãi sau Đệ nhị Thế chiến. Các nhà hiện sinh Pháp dựa vào tư duy của nhà Triết học Đan Mạch Soren Kirkegaard, và chịu ảnh hưởng của các nhà triết học Đức : Heidegger, Jaspers và Husserl. Thuyết hiện sinh khẳng định vị trí hàng đầu của sự hiện sinh. Thuyết hiện sinh chia ra nhiều nhánh :

1/ Thuyết hiện sinh Kitô giáo với hai nhà triết học Emmanuel Mounier và Gabriel Marcel.

Emmanuel Mounier (1905 – 1950) là người đã thành lập tạp chí Esprit năm 1932. Tạp chí này tìm một con đường thứ ba giữa chủ nghĩa cá nhân tự do và chủ nghĩa Mác Xít. Emmanuel Mounier và tạp chí Esprit đương đầu với cuộc khủng hoảng của con người ở thế kỷ 20. Emmanuel Mounier khởi xướng trào lưu tư duy về thuyết nhân vị (personnalisme).

Gabriel Marcel (1889 – 1973) là tác giả nhiểu tiểu luận triết học mà tiểu luận được biết nhiều nhất là Être et Avoir. Gabriel Marcel theo Kitô giáo năm 1929, một biến cố quan trọng đánh dấu một khúc quanh trong tác phẩm của ông. Gabriel Marcel được xem như một bậc thầy về thuyết hiện sinh Kitô giáo.

2/ Triết học của Maurice Merleau-Ponty

Maurice Merleau-Ponty (1908 – 1961) đi một con đường khác với Sartre. Merleau-Ponty và Sartre là hai người bạn học ở ngôi trường nổi tiếng École Normale Supérieure, đường Ulm, quận 5 Paris. Cả hai về sau trở thành hai nhà triết học lỗi lạc. Họ bất hòa với nhau ; họ đoạn giao về chính trị năm 1950 và đoạn giao về tình bạn năm 1953, khi Merleau-Ponty từ giã tạp chí Les Temps Modernes mà ông đã thành lập với Sartre và Simone de Beauvoir, tạp chí này được giới trí thức khuynh tả ủng hộ.

Merleau-Ponty giảng dạy về thuyết hiện sinh tại Đại học Sorbonne, rồi tại Viện Cao học Pháp (Collège de France). Ông là đồ đệ của Husserl.

Merleau-Ponty mất sớm, năm 1961, khi ông 53 tuổi, ông mất ngay trên bàn làm việc của ông. Ông để lại những biên khảo, tiểu luận phong phú về hiện tượng luận và về chính trị-lịch sử sau đây :

La structure du comportement (1941) (Cấu trúc của tập tính)

Phénoménologie de la perception (1945) (Hiện tượng luận về tri giác)

Sens et non-sens (1948) (Nghĩa và vô nghĩa)

Les Aventures de la Dialectique (1955) (Những cuộc phiêu lưu của Biện chứng). Trong tiểu luận này, Merleau-Ponty xét lại phép biện chứng Mác xít.

Humanisme et Terreur (1947) (Thuyết nhân bản và sự Khủng bố). Một tiểu luận về vấn đề cộng sản.

Trong cuốn Phénoménologie de la perception (1945), Merleau-Ponty lấy lại khẩu hiệu của Husserl : « trở lại chính những đồ vật », tìm thấy trong tri giác cái trải nghiệm đầu tiên về thế giới, trải nghiệm đó tạo nên cái bệ của tất cả toà nhà của con người. Sự trở về với tri giác khước từ sự phân chia sự kiện với ý nghĩa, chất liệu với hình thức.

Đối với Merleau-Ponty, trên bình diện triết học, vấn đề là trở về với cái thế giới có trước khoa học, mà từ đó khoa học đã sinh ra, và chính khoa học đã đẩy xa cái thế giới đó. Khoa học, và một cách khái quát, những ý nghĩa của văn hóa tùy thuộc cái « thế giới của sự sống », cũng như địa lý tùy thuộc cái phong cảnh, nơi mà chúng ta được biết thế nào là một khu rừng, một cánh đồng, hay một con sông. Theo Merleau- Ponty, nên miêu tả đồ vật chứ không giải thích, không phân tích, nên đến tận con người bị hiến cho thế giới ; làm sáng tỏ trải nghiệm của con người, đó là cái nguồn tuyệt đối, bất khả quy.

Dẩn dẩn Merleau-Ponty đi vào con đường của bản thể học, với những khái niệm « thân xác » và « thịt » (la chair). Qua thể xác và thịt của mình, con người ăn sâu vào một môi trường, môi trường này đẩy con người đi xa hơn cái hữu hạn của mình, đó là Bản thể. Bản thể là cái khái niệm bí ẩn, khó định nghĩa đã ám ảnh Merleau Ponty, ông cho rằng Bản thể là cái vừa ẩn vừa hiện.

Merleau-Ponty là một nhà triết học độc đáo. Ông trình bày trong một ngôn ngữ tinh tế, trước một cử tọa thu hẹp, một học thuyết thanh thản hơn học thuyết của Sartre, và ông cho thấy rằng thuyết hiện sinh có thể là cái điểm quy tụ những trào lưu của tư duy đương đại.

3/ Triết học của Jean-Paul Sartre

Tên tuổi của Sartre (1905 – 1980) gắn liền với thuyết hiện sinh. Ông trình bày học thuyết này trong các tiểu luận, và những trải nghiệm trong những tác phẩm văn chương của mình.

Trước hết Sartre định nghĩa thuyết hiện sinh như một triết học của « cái chết của Thượng đế », đã được Nietzsche tuyên bố trong cuốn Ainsi parlait Zarathoustra (Zarathoustra nói như thế). Nếu không có Thượng đế thì không có những giá trị thiêng liêng cưỡng bức sự tự do của con người.

Sartre có cái tài đưa ra những phương thức gây ấn tượng như : « L’existence précède l’essence » (Hiện hữu có trước bản chất), có nghĩa chúng ta sinh ra trước khi là một cái gì ; sự hiện thực của hiện hữu, sự trải nghiệm của con người không thể đến sau một khái niệm trừu tượng là bản chất. Thuyết hiện sinh (existentialisme) chống lại với thuyết bản chất (essentialisme). Con người tự định nghĩa mình bằng toàn bộ những trải nghiệm và bằng khả năng của mình biết sáng tạo với những cái ngẫu nhiên của cuộc đời. Đối diện với cuộc đời đó, con người phải tự do chọn con đường của mình và đảm nhận những hậu quả của cái tự do đau đớn đó. Không còn những giá trị cao siêu để hướng dẫn sự lựa chọn của con người. Con người tự do và bị bỏ mặc. Mỗi con người phải lựa chọn cái nghĩa mà mình muốn cho sự hiện hữu của mình : con người tự xác định bản chất của mình. Sự nhận thức tình trạng này có thể là cái nguồn của mối lo sợ siêu hình hay lo sợ sự hiện hữu.

Sartre đã minh họa triết học của ông bằng những tiểu luận, tiểu thuyết, kịch bản, và ông đã cụ thể hóa triết học đó bằng việc tỏ thái độ chính trị và hoạt động chính trị.

Hai tác phẩm chính của Sartre về triết học là : L’Être et le Néant (Bản thể và Hư vô) (1943), và Critique de la raison dialectique (Phê phán về lý trí của biện chứng) (1960).

Và các tiểu luận chính : Situations (1947 – 1949), L’existentialisme est un humanisme (Thuyết hiện sinh là một thuyết nhân bản) (1946), L’étude sur Baudelaire (Nghiên cứu về Baudelaire) (1947), Les Réflexions sur la question juive (Suy nghĩ về vấn đề Do thái) (1947).

Trong lĩnh vực văn chương, ngay từ năm 1938, Sartre đã đem lại cái mới trong thể loại tiểu thuyết với tác phẩm La Nausée (Buồn Nôn). Qua năm 1939, tập truyện ngắn Le Mur (Bức Tường) được viết một cách mạnh dạn, táo bạo, có thể gây khó chịu.

Vào thời hậu chiến, cùng với Raymond Aron, Maurice Merleau-Ponty, Simone de Beauvoir, Sartre thành lập tạp chí Les Temps Modernes (Thời Hiện Đại), với mục đích phổ biến thuyết hiện sinh qua văn chương cận đại, tạp chí này có ảnh hưởng lớn trong giới trí thức.

Từ năm 1945 đến năm 1951, Sartre cho xuất bản một bộ sách 3 cuốn nhan đề : Les chemins de la liberté (Những con đường của tự do).

Sartre cũng là một kịch tác gia với những kịch bản : Les Mouches (Ruồi) (1943), Huis clos (Đóng kín) (1944), Mort sans sépulture (Chết không mộ phần) (1946), La P… respectueuse (Cô điếm lễ độ) (1946), kịch bản này nói về vấn đề kỳ thị màu da ở Mỹ, Les Mains sales (Bàn tay bẩn) (1946), nói về người trí thức trong hành động, Le Diable et le Bon Dieu (Quỷ và Thượng Đế) (1951).

Kịch bản Huis clos được xem như một tác phẩm quan trọng, gồm 1 hồi và 5 màn. Đây là một kịch bản biểu tượng cho thuyết hiện sinh. Có ba nhân vật khi chết xuống địa ngục. Họ ở trong cùng một căn phòng. Đó là Garcin, một nhà báo, Inès, một nữ nhân viên Bưu điện và Estelle, một phụ nữ giàu có. Cả ba nhân vật không quen biết nhau, thuộc về những giai cấp khác nhau trong xã hội và có những lập trường, sở thích khác nhau. Trong căn phòng bắt đầu một cuộc tranh tụng kín, mỗi nhân vật xét xử và bị xét xử về những hành động của cuộc đời mình. Sartre miêu tả cái « địa ngục » trong đó không có đao phủ cũng không có dụng cụ tra tấn, nhưng « địa ngục là kẻ khác », có nghĩa là đời sống được cảm thấy, được tiếp nhận qua những kẻ khác, không có gì hơn là những con người khiến chúng ta phải ý thức về chính chúng ta, về cái hiện thực buồn bã của con người, ba diễn viên chính đó không ngừng tranh cãi để thoát khỏi cái hoàn cảnh của mình, nhưng cuối cùng địa ngục vẫn thắng.

Sartre đã tạo nên dấu ấn mạnh mẽ trong văn học Pháp. Tư duy triết học của ông làm sống động tiểu thuyết và làm mới kịch nghệ. Tuy nhiên,trong những tác phẩm của Sartre, đôi khi khó phân biệt những gì thuộc về triết học của ông, những gì do ảnh hưởng của tiểu thuyết Mỹ, và những gì thuộc tính khí của ông.

Nếu suốt đời Sartre trung thành với những giá trị của tự do mà ông đã đề xướng, thì tác phẩm của ông không ngừng tiến hóa, từ hiện tượng luận đến thuyết Mác xít, từ triết học đến văn chương. Ông từ chối không muốn bị giam cầm trong bất cứ một cái khung nào. Ông luôn luôn chấp nhận sự liều lĩnh đưa ra một tư duy mới, một thách thức mới.

Vì thế phải nhìn nhận tác phẩm của Sartre rời rạc, đồng thời không đầy đủ. Rời rạc vì sự tiến hóa trí thức của Sartre gây nhiều cắt đứt, nhiều lật ngược. Không đầy đủ vì phần nhiều những dự án tạo nên tác phẩm còn lỡ dở. Ví dụ dự án một cuốn sách về đạo đức học để nối tiếp cuốn L’Être et le Néant, không có cuốn sách đó, hoặc dự án về tiểu sử của Flaubert, cũng không được thực hiện.

Nhưng cũng do đó, tác phẩm của Sartre có thể được xem như một trong những tác phẩm đã bao gồm cả thế kỷ 20. Sartre đã cho thấy ông không chỉ là một nhà triết học, ông còn là một tác giả tiểu thuyết, một kịch tác gia, một nhà phê bình, một nhà báo, một kẻ chiến đấu. Ông có mặt trong mọi cuộc chiến đấu của thế kỷ, mà có khi ông sai lầm.

4/ Lập trường của Simone de Beauvoir (1908 – 1986)

Simone de Beauvoir suốt đời hoạt động bên cạnh Sartre, và chia sẻ thuyết học hiện sinh của Sartre. Tuy nhiên triết học của Simone de Beauvoir không hoàn toàn giống triết học của Sartre.

Simone de Beauvoir là tác giả của nhiểu tiểu luận triết học, một số tiểu thuyết, truyện ngắn, và một bộ tự truyện.  

Trong các tiểu luận, Simone de Beauvoir tỏ rõ lập trường của mình, bà đứng về phía cộng sản, bà theo chủ nghĩa vô thần và thuyết hiện sinh. Tiểu luận của Simone de Beauvoir được đọc nhiều nhất trên thế giới là Le deuxième sexe (Nữ giới) (1949). Do tiểu luận này, Simone de Beauvoir được xem như một nhà lý thuyết lớn của nữ quyền. Tiểu luận được viết theo trào lưu hiện tượng luận và theo thuyết hiện sinh.

Tiểu thuyết của Simone de Beauvoir được nhắc đến nhiều nhờ được giải Goncourt, năm 1954, với cuốn Les Mandarins.

Trong cuốn đầu của bộ tự truyện : Mémoires d’une jeune fille bien rangée (Hồi ký của một cô gái nền nếp) Simone de Beauvoir kể lại từ thời thơ ấu của tác giả đến lúc thi đỗ thạc sĩ triết học. Tác giả là một cô gái được hấp thụ một nền giáo dục tiểu tư sản. Rồi Simone de Beauvoir đi đến một chỗ rẽ, và đổi hướng nhờ văn chương và triết học.

Bà có ý chí mạnh mẽ muốn tỏ lập trường xã hội và triết lý của mình, bằng sự mong muốn cuộc đời mình có ích lợi, mong muốn tự chọn lựa định mệnh của mình. Khi còn ở đại học Simone de Beauvoir gia nhập nhóm sinh viên triết do Sartre cầm đầu. Toàn thể tác phẩm của bà chống đối chủ nghĩa theo thời.

Albert Camus được xem như một nhà văn thuộc trào lưu hiện sinh, nhưng triết học của Camus chủ yếu là sự phi lý.

IV. Triết học và văn chương, ảnh hưởng qua lại

Với Sartre, triết học đã tràn qua lĩnh vực văn chương một cách hiển nhiên. 

Theo nhà biên khảo Jacques Lecarme (1), bầu không khí do triết học hiện sinh tạo nên đưa đến sự bi thảm, sự lo sợ, với sự ưa thích những cái khó hiểu, những cái nghịch lý, những cái đứt rời, bầu không khí đó của triết học hiện sinh không thích hợp với những hình thức cổ điển của diễn ngôn triết học.

Triết học hiện sinh gần gũi với những hình thức văn chương hơn. Những điểm được nêu lên trong thuyết hiện sinh trở thành những chủ đề trong những tác phẩm văn chương. Vậy có sự tương quan giữa triết học và văn chương.

Ngược lại, vẫn theo Jacques Lecarme : « Nếu triết học vẫn giữ được hệ thống thuật ngữ và tính chuyên biệt của nó, đồng thời hướng về văn chương như thế, thì văn chương về phần nó trở thành tra vấn về siêu hình. » (1)

Cá tính mạnh mẽ của Sartre khiến ông tạo nên những tác phẩm về triết học cũng như về văn chương, và Camus với số đông độc giả cũng ở giữa hai lĩnh vực triết học và văn chương ; cả hai tác giả đều ưu đãi việc sáp nhập triết học hiện sinh vào văn học sử Pháp thế kỷ 20.

Những phương hướng của thuyết hiện sinh cho thấy triết học có thể nuôi dưỡng văn chương :

Tự do của con người

Trong thuyết trình của Sartre, năm 1945, Sartre tuyên bố : « Chúng ta sống một mình, không có lỗi gì. Đó là điều tôi sẽ phát biểu khi tôi nói rằng con người bị đày phải tự do. Bị đày, bởi vì con người không tự tạo ra mình, và tuy nhiên lại tự do, bởi vì một khi bị vứt vào thế giới, con người có trách nhiệm về tất cả những gì mình làm. »

Tiểu thuyết và kịch bản phải trình bày hoàn cảnh đó, bằng cách tố giác những sự hèn hạ và nói dối, như trong kịch bản Huis clos, bằng cách thể hiện con người đối diện với những chọn lựa hay những trách nhiệm của mình, như trong Les MouchesLe Mur của Sartre, L’ÉtrangerCaligula của Camus, bằng cách miêu tả sự áp bức và những con đường ra khỏi áp bức, như trong tự truyện Mémoires d’une jeune fille bien rangée hay tiểu luận Le deuxième sexe của Simone de Beauvoir.

Quan hệ với thế giới và xã hội

Merleau-Ponty viết : « Sự hiện sinh theo nghĩa hiện đại là sự chuyển động theo đó con người hiện hữu trên thế giới, dấn thân vào một hoàn cảnh vật chất hay xã hội, hoàn cảnh đó trở thành cái quan điểm của con người về thế giới. » (2)

Văn chương hiện sinh suy nghĩ về mối quan hệ giữa con người và thế giới, giữa con người và xã hội. Con người bị vứt vào cái thế giới chưa có hình thù và còn nguyên sơ. Con người phải biến đổi thế giới đó thành một vũ trụ đặc thù, có thể được nhận ra, được thích ứng với con người và tâm thức của con người. Tha nhân là một thành phần của thế giới đó, cái thế giới định hướng cho hành động của mỗi người theo sự ngẫu nhiên. Tha nhân không chỉ là kẻ phê phán, tha nhân cũng có thể là kẻ độc ác, là hiện thân của cái ác.

Sự phi lý

Việc khám phá những giới hạn của con người đối diện với một thế giới chống đối hay mờ mịt đưa con người đến tình trạng chơ vơ cô quạnh, từ đó sinh ra một nỗi đau khổ về sự hiện hữu, một nỗi lo sợ dưới hình thức « buồn nôn ». Đối với Sartre, người phát triển chủ đề đó, nỗi đau khổ lo sợ là kết quả của sự ngẫu nhiên có thể được so sánh với sự ngẫu nhiên của một rễ cây dẻ…

Ở Camus, sự bi quan, hết ảo tưởng, có cái hình thức mà ông gọi là cái phi lý, một cảm xúc do sự đứt đoạn giữa con người và thế giới, vấn đề này được Camus trình bày trong tiểu luận Le Mythe de Sisyphe (1942), trong tiểu thuyết L’Étranger (1942), và trong các kịch bản Caligula (1945), Les Justes (1949). Dần dần Camus tiến về một bi quan ít tuyệt vọng hơn trong tiểu thuyết La Peste (1947), và trong sự hứng khởi của cơn nổi loạn trong tiểu luận L’homme révolté (1951). Vào cuối đời, Camus có cái nhìn đen tối hơn với cuốn tiểu thuyết ngắn La Chute (1956).

Dấn thân

Đối với các nhà hiện sinh, văn chương không phải là công việc hướng về mỹ học. Để chống lại những biểu lộ của cái Ác, như chiến tranh chẳng hạn, để làm bổn phận của con người tự do, để có trọng lượng trong một thế giới mà mình chỉ là một kẻ được mời đến, nhà văn phải dùng ngòi bút của mình để phụng sự một chính nghĩa về xã hội và về chính trị, như Sartre đã viết : « Một trong những lý do của sáng tạo nghệ thuật chắc chắn là sự cần thiết để chúng ta tự cảm thấy mình thiết yếu đối với thế giới. (…) Viết là một cách nào đó muốn có tự do ; nếu bạn đã bắt đầu viết, dù vui lòng hay miễn cưỡng, bạn cũng đã dấn thân rồi. » (3)

Camus, trong bài diễn văn lúc ông nhận giải Nobel, năm 1957, cũng đưa ra những ý tương tự.

Sự dấn thân không riêng gì cho các nhà hiện sinh ; dấn thân cũng là đề tài của các nhà văn như Nizan, Aragon, Malraux. Đề tài cần thiết cho nước Pháp hồi đó đang trải qua một thời kỳ biến loạn từ 1930 đến 1960 với chủ nghĩa phát xít đang lên, với chiến tranh thế giới, chiến tranh lạnh, với quyền bá chủ của chủ nghĩa Mác xít, với việc chống đối chủ nghĩa thực dân. Sự nổi loạn mà Camus đòi hỏi để đáp lại cái phi lý là một cách khác để từ chối sự dửng dưng trong thế giới.

Những hình thức văn chương được dùng cho thuyết hiện sinh

Thuyết hiện sinh được trình bày qua ba thể loại : tiểu luận, tiểu thuyết và kịch.

Hình thức của tiểu luận thích hợp với triết học. Tiểu luận được dùng cho L’Être et le Néant của Sartre, Phénoménologie de la perception của Merleau-Ponty hay L’homme révolté của Camus.

Hình thức được ưa thích nhất của trào lưu hiện sinh là tiểu thuyết. Dưới ảnh hưởng của Franz Kafka (1883 – 1924), một nhà văn có thiên tài, gốc Áo–Hungari, đã nói lên, qua các tác phẩm, sự thiếu vắng niềm hy vọng và cái phi lý, và dưới ảnh hưởng của tiểu thuyết Mỹ, Sartre, Camus, Simone de Beauvoir và vài tác giả khác, đã đặt ra một loại tiểu thuyết đánh dấu thập niên 1945-1955.

Nhân vật trong các tiểu thuyết đó là những con người tầm thường, thiếu tham vọng, cuộc đời của họ thấp kém, bần tiện, họ phải nói ra hết, phải gây tai tiếng. Lối viết trơ trụi, một lối viết « trung tính » (écriture blanche) như lối viết của Camus trong tiểu thuyết L’Étranger, một lối viết trực tiếp, gần với khẩu ngữ, thậm chí dung tục. Những đặc điểm đó có thể được nhận thấy trong các truyện của Sartre : La Nausée, Le Mur, và bộ truyện Les Chemins de la liberté, trong các tiểu thuyết của Simone de Beauvoir : L’Invitée, Les Mandarins, trong các truyện của Camus : L’Étranger, La Peste, La Chute, và những truyện ngắn : Noces, L’Exil et le Royaume.

Lối viết của các tác giả vừa kể đã thoát khỏi nguồn hứng của thuyết hiện sinh để đạt đến sự thuần khiết của văn chương.

Về kịch nghệ, thuyết hiện sinh không đưa đến việc làm mới môn nghệ thuật này. Các nhà hiện sinh chỉ đặc biệt đưa lên sân khấu những ý tưởng, những luận đề. Kịch bản của Sartre là cái phần phong phú và vững bền của tác phẩm của ông ; những kịch bản đó đã nêu lên vấn đề tự do đạo đức, sự chiến đấu giữa thiện và ác và những vấn đề xã hội hay chính trị. Kịch bản của Camus tìm cách nêu lên triết học của phi lý.

V. Phản ứng và tổng kết

Trào lưu hiện sinh được đồng hóa với gương mặt biểu tượng của Sartre. Trào lưu đó đã chế ngự giới trí thức ở Pháp từ sau Đệ nhị Thế chiến đến cuối những năm 50. Qua trào lưu đó, văn chương phục vụ hệ tư tưởng của tả phái, trở thành một dụng cụ của sự chiến đấu trong những cuộc tranh chấp.

Tác dụng tiêu cực của trào lưu đó nhanh chóng xuất hiện. Có những phản ứng chống lại văn chương dấn thân, chống lại sự lo sợ có tính siêu hình, chống lại sự thuyết giáo. Một số nhà văn khuynh hữu muốn trả lại cho văn chương những tính đặc thù của văn chương, họ được xem là những đối thủ của thuyết hiện sinh. Người ta gọi họ là « Nhóm kỵ binh » (les Hussards), họ không tập hợp thành trường phái, họ là các nhà văn : Roger Nimier, Michel Déon, Jacques Laurent, Antoine Blondin, Bernard Frank. Nhân vật của họ trẻ trung, yêu đời, ngổ ngáo và tỉnh ngộ.

Vậy vào cuối những năm 50, sự rạng rỡ của thuyết hiện sinh bị đặt lại vấn đề. Những tranh luận về hệ tư tưởng bắt đầu gây nhàm chán, cái mẫu cộng sản cho thấy những điểm yếu, chủ nghĩa cá nhân và sự tiêu thụ trong xã hội bắt đầu thắng thế. Ngôi sao của thuyết hiện sinh mờ dần, nhường chỗ cho thuyết cấu trúc và Tiểu thuyết Mới.

Chú thích :

  • (1) Jacques Lecarme, La Littérature en France depuis 1945, Bordas, 1970.
  • (2) La querelle de l’existentialisme, Sens et Non-Sens, Nagel, 1948.
  • (3) Jean-Paul Sartre, « Pourquoi écrire ? » ; Qu’est-ce que la littérature ? Gallimard, 1948.

Tài liệu tham khảo :

Sartre, Qu’est-ce que la littérature ? Nxb Gallimard, 1948

Collection Littéraire Lagarde et Michard, XXème siècle, Éditions Bordas, 1968.

Jacqueline Russ, La Marche des idées contemporaines, Un panorama de la modernité, Nxb Armand Colin, 1994.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

%d người thích bài này: