XÓM MỚI – Nguyễn Liệu
XÓM MỚI
Nguyễn Liệu
Xóm Mới, một xóm nghèo nhất trong làng Long phụng. Chừng ba bốn chục nóc nhà lụp xụp trên bãi biển cát trắng, lẩn lộn với loài cây dứa dại, cây xương rồng, giống lưỡi long những cây có thể sống trên cát nóng . Nói nhà nhưng không phải nhà, chỉ vài ba tấm tranh cùn hoặc những chiếc mo nan, những tàu cau, hoặc miếng mê rách …bất cứ thứ gì có thể lợp trên mái nhà và làm vách chung quanh nhà. Bãi biển rộng mênh mông nhưng mỗi nền nhà độ bốn mét vuông. Nhà chỉ có một cửa ra vào và thường hướng về hướng Đông Nam để tránh ngọn gió lạnh ác nghiệt hướng Đông Bắc thường gọi là gió Bấc. Mưa dầm gió Bấc là lúc khí hậu ác nghiệt nhất cho người miền Trung nhất là người nghèo khổ. Mùa lạnh, mùa mưa phùn gió Bấc là mùa bịnh hoạn, mùa đói, mùa chết, của lớp người cùng khốn nghèo nàn.
Người ta bảo có được Xóm Mới này do lòng tốt của Lý trưởng làng Long phụng. Người ta cũng bảo có cái Xóm Mới này do sự hẹp hòi kỳ thị của Lý trưởng làng Long phụng vì ông không muốn trong làng ông có người ăn xin ăn mày ban ngày làm xấu hổ trong làng ban đêm ngủ bờ ngủ bụi, ngủ bậy bạ ở chợ ở dinh miếu đình làng. Nên ông xin lệnh quan tri phủ cho phép lập một xóm cho các loại người nghèo hèn rách nát đó. Từ đó có tên Xóm Mới. Ban đầu hội đồng chức việc làng phải ép buộc và giúp đỡ mới có người về tạm trú trong xóm này. Lý trưởng có sáng kiến đó được quan trên ban cho sắc tiền hiền xóm Mới. Người trong làng gọi là xóm ăn mày, vì là nơi dung chứa đám ăn mày ăn xin. Buổi sáng họ đùm túm gậy bị ra đi, buổi chiều tối họ về nơi túp nhà tạm bợ của họ.
Đứng trước cổng nhà thầy lý trưởng, chú Sáu ngần ngại, lấy cặp kiến đen ra khỏi mắt bọc vào túi áo, chậm rãi bước vào nhà.
Thầy xã đang uống trà buổi sáng vui vẻ bảo :
– Chú Sáu vào nhà
– Dạ không dám con chào thầy. Chú Sáu cúi đầu vòng tay khúm núm chào. Đặt hai gói trà lên bàn trước mặt thầy xã, :
– Thầy gọi con lên để dạy bảo, nhân tiện con xin kính biếu thầy cặp trà gọi là sự kính trọng của tôi tớ đối với bậc trưởng thượng.
– Chú Sáu bày vẽ quá, có gì mà phải quà biếu. Chú ngồi uống với tôi chén trà để tôi có vài việc cần nói với chú.
– Dạ, không dám, thầy cho phép con được đứng để hầu thầy và nghe lời dạy bảo của thầy
Thầy xã rót trà đưa cho chú Sáu :
– Uống với tui chén trà.
– Dạ không dám, con vô phép. Chú Sáu đưa hai tay đỡ chén trà nơi tay thầy xã nhưng chú không dám uống, đặt chén trà nóng lên mặt bàn. Thầy xã rít một hơi thuốc lào, nhả khói, hãm một hớp trà nóng, thầy bắt đầu nói :
– Tôi gọi chú lên đây để nhờ chú mấy việc.
– Dạ xin thầy dạy
– Tôi nhờ chú trông coi dạy bảo dân trong xóm chú đang ở. Thứ nhất, tự hậu, gọi xóm đó là Xóm Mới, đúng với cái tên tôi làm đơn trình xin quan trên, và cũng đúng với tên quan trên ban sắc về cho tui.
– Dạ con xin tuân lời.
– Không được gọi bậy bạ như trước, làm mất cái thể diện của nơi mình đang cư trú, đang thờ ông bà tổ tiên, chú hiểu chứ.
– Dạ bẩm, con hiểu
– Chú phải chịu trách nhiệm giáo dục dân cư ngụ trong xóm Mới
– Dạ
– Tôi sẽ trình lên quan phủ chấp nhận cho chú làm chủ xóm và xóm Mới của chú có đầy đủ quyền lợi bổn phận như những xóm khác trong làng của chúng ta, chú hiểu rồi chớ
– Dạ con hiểu, xin thầy dạy bảo.
Thầy xã nói tiếp :
– Tôi có lệnh cho anh trùm Ta, anh hương kiểm Toản, và các chủ xóm truy lùng những người ban đêm vô gia cư gặp đâu ngủ đó, ngủ ở xó bờ xó buị, ở chợ, ở đình, ở dinh miếu.. đều bắt đem về giao cho chú, để chú an cư cho họ, nếu chú có cần sự giúp đỡ gì, xã chúng tôi phụ giúp chú. Chú nghe lọt tai không, hiểu chưa.
– Dạ bẩm thầy con hiểu,
Chú Sáu người ta còn gọi là chú Sáu Chim. Thời bấy giờ người Việt Nam tìm người cao to như chú cũng thật hiếm. Vóc người cao to như người châu Âu. Da ngăm ngăm đen, mũi cao. Mái tóc hớt thấp, hơi quăn, và lúc nào cũng chải ngay thẳng. Chú thường mặc bộ bà ba lụa mỡ gà, đeo kiến đen, chiếc đồng hồ đeo tay mặt lớn dây vàng tây chói sáng. Chú đeo ở cổ dây chuyền vàng và ở cổ tay một chiếc vòng cũng bằng vàng. Chú hút thuốc lá cắm vào trong cái cán bằng ngà. Đội nón nỉ đen, mang giày sơn- đanh, chú có cái phong độ một tay ăn chơi giàu có.
Cách ăn mặc của chú xa cách người trong làng, nhưng dân làng không oán ghét chú vì chú rất lễ độ, rất kính trọng mọi người. Một đứa bé trong làng chào chú, lập tức chú trả lại bằng nụ cười thân thiện dỡ nón chào. Hơn nữa, chú rất hào hiệp. Những người khốn khổ trong làng thường được chú giúp đỡ.
Chú Sáu giàu có nhờ đánh bạc. Người ta đồn chú chưa bao giờ thua. Vì chẳng những chú rất cao trong nghề này, nhưng chú còn có ngón trong nghề, nên khi gặp khó khăn trong canh bạc chú liền trổ ngón, bí quyết làm cho đối phương phải thua cháy túi. Người ta còn đồn rằng chú vào tận các sòng bài lớn ở Sài gòn Chợ lớn sát phạt với các công tử từ Hồng kông từ Ma cao sang. Có khi chú thắng cả một bao tải đựng đầy bạc. Ở chú có rất nhiều chuyện, thêm thắc thế nào không rõ, nhưng chung qui ai ai cũng mến chú, vì chú biết sống hòa với anh em nghèo khó. Người ta nói tổ tiên của chú rất nghèo khó, phải đi ăn mày ăn xin, bây giờ trên bàn thờ kín đáo bên trong nhà chú có thờ cây gậy cái bị tượng trưng cho nghề hành khất. Chú tin rằng ngày nay chú trở thành người giàu có trong làng cũng nhờ biết thờ cúng ông bà và không dám khinh khi xem thường nghề nghiệp khổ nhọc của ông bà, tổ tiên.
Nhà chú có từ lâu toạ lạc ở một góc của xóm Mới. Nhà ngói ba gian, có hè rộng lát gạch vuông nhiều màu. Giàn thờ của chú chạm trổ công phu nghe nói chú mua từ Hải phòng sau một canh bạc thắng lớn, mướn một chiếc ghe bầu chở về quê cho chú có cả bộ lư lớn bằng đồng, cặp đèn, lư xông trầm, dĩa đơm quả tử, và hai con hạc lớn cũng bằng đồng đứng hầu trên bàn thờ. Người ta còn quả quyết cái bàn thờ của chú cổ kính sơn son thếp vàng, có cẩn xa cừ, con cháu cụ Cần khi sa cơ bán lại cho chú. Chú có hai cái độc bình đời nhà Minh bên Tàu, chú thường tự hào ngay dinh quan đầu tỉnh cũng chưa chắc có cặp độc bình cổ quí giá như thế này. Trong cùng bàn thờ một tấm màn vải đỏ che khuất, bên trong chú thờ cái bị cây gậy. Khách đứng phía ngoài không thể thấy được nơi thờ kín đáo mầu nhiệm này.
Sân trước có hồ non bộ, có hoa sen hoa súng trong hồ. Tuy đất cát nóng bỏng khi mùa hè, gần như không có loại cây gì tồn tại ngoài loại dứa dại xuơng rồng. Nhưng vườn chú vẫn có cây ăn quả có cây cổ thụ bóng mát sum suê. Chú Sáu tốn nhiều tiền để duy trì các loại cây quí này.
Gần như năm nào cũng vậy, trưa 30 Tết chủ cúng tất niên đãi dân trong xóm Mới. Có khi các hương chức trong làng có cả thầy lý trưởng và bạn bè của chú đến dự. Người trong xóm Mới đứng ra tổ chức, làm heo làm bò, và sắp xếp theo thứ bậc trong xóm trong bữa tiệc tất niên tại tư thất của chú Sáu. Có giàn cổ nhạc ở phố Thu xà đến làm cho lễ cúng tất niên trang trọng hơn. Và có pháo Tết tưng bừng, tống cựu nghinh tân. Tiệc xong mỗi gia đình còn được đem ít nhiều đồ ăn về nhà. Dân trong xóm Mới no say trong ngày cuối năm cũng nhờ lòng hào hiệp của chú Sáu.
Trong xóm Mới nhà nào bị sập vì mùa gió lớn, chú Sáu giúp cho sửa lại, người nào đau ốm không tiền chữa trị, chú Sáu giúp cho chút ít, và người chết không có tiền mua hòm chôn cất, chú Sáu giúp cho “ tấm ba bìa”, tức cái hòm gỗ xấu. Vì lòng hào hiệp, vì tánh ưa giúp đỡ người khốn khổ, nên dù chú Sáu ở nhà sang trọng bề thế, dù chú ăn mặc sạch sẽ gọn gàng, nhưng không xa rời dân nghèo khổ trong xóm Mới, đo đó người ta kính trọng chú và nghe lời chú.
Có lẽ một niềm vinh dự lớn cho chú Sáu là khi chú được bắt tay quan tri phủ, cụ phó bảng Nguyễn Hà Hoằng, trong lúc cùng với thầy Lý trưởng tham quan xóm Mới. Khác với điều mong muốn của thầy Lý, chú Sáu để cho dân làng tự nhiên sinh hoạt không che dấu sự nghèo khổ cùng cực kể cả nghề hành khất chiếm đa số trong xóm. Quan tri phủ xúc động trước những túp nhà tồi tàn lụp xụp, nhất là trước dám dân cùng khốn mang bị gậy đi ăn mày ăn xin. Thầy Lý giận tím mặt trước cảnh bôi bác của chú Sáu nhưng thầy không dám nói ra trước mặt quan phủ.
Quan phủ rất hài lòng khi nghe chú Sáu có cả một chương trình cải thiện đời sống dân trong xóm Mới. Chú Sáu quả quyết, nếu có dịp quan phủ trở lại nơi đây, sẽ không còn cái cảnh dân làng bị gậy đi xin ăn nữa, và người lớn tìm việc làm ăn, trẻ con bắt phải đi học. Thấy quan phủ có vẻ hài lòng và tán đồng ý định đổi mới trong xóm nghèo khổ này thầy Lý yên tâm không sợ bị quở phạt, nên thầy cũng vui cười tán đồng nói theo chú Sáu. Thầy lý hớt lời :
“ Chúng tôi có ý định cải thiện như thế nhưng chưa dám trình lên quan lớn, nay nhân tiện ông xóm trưởng trình bày, xin quan lớn miễn trách và chấp thuận cho.
– “ Được, được, tốt lắm, bản phủ lúc nào cũng chấp nhận và giúp đỡ cho việc cải cách tốt cho dân đen”, quan phủ nói tiếp, “ thầy Lý biết lựa người cai quản xóm Mới này, tôi khen thầy đấy.”
– Dạ, bẩm quan lớn, không dám.
Trời chưa sáng hẳn, chú Sáu giật mình nghe tiếng khóc trẻ con mới sinh trước cửa. Chú lật đật mở cửa sổ nhìn ra ngoài trời đầy sương. Trong sương mù dày đặc trong vườn một người đàn bà quần áo tả tơi, tóc bỏ xỏa, hai tay bợ một hài nhi cuốn trong chiếc áo rách. Đứa bé khóc thét.
Người đàn bà đó trong làng ai cũng biết tên là bà Lịnh. Một người đàn bà khoẻ mạnh chuyên làm thuê, gánh cá chạy từ bãi biển làng Kỳ Tân, lên các chợ miền núi trên dưới mười cây số mỗi buổi chiều. Khi ghe đánh cá về đến bờ, bọn “ nội rổi”, người mua cá gánh đi bán dạo trong dân làng, vội vã trút cá còn tươi vào những cái rổ lớn dựng các loại cá. Mỗi đầu gánh chừng ba bốn rổ chồng lên nhau đặt trong chiếc gióng làm bằng mây sợi, hoặc bằng dây kẽm. Dùng chiếc đòn gánh cong như chữ C, hai đầu cao lên trên móc vào hai chiếc gióng có sắp rổ cá. Dùng đòn gánh cong để mỗi đầu gánh được nhiều rổ cá không bết sát mặt đất. Người ta còn bảo, đòn gánh cong khi chạy nhún lên xuống theo nhịp chạy làm cho người gánh cảm thấy nhẹ hơn và dễ chịu hơn. Nhưng phải tập quen mới xử dụng được đòn gánh cong, nếu vô ý đòn gánh lật đập mạnh vào cổ người gánh có thể gây thương tích. Chạy cá phải dùng đòn gánh cong. Lịnh gánh gánh cá chạy trước, người chủ gánh cá chạy theo sau. Dưới ánh nắng như lửa vào mùa hè, người chạy cá và người chủ chạy theo, áo quần ướt sũng, như dưới sông mới lên, thở hổn hển, nói không ra tiếng. Một nghề buôn bán khá vất vả.
Để phân biệt với bà Lịnh bán thịt heo trong làng, người ta gọi Lịnh khùng chuyên nghề chạy cá. Lịnh khùng trạc ngoài ba mươi tuổi, dáng người to lớn khỏe mạnh. Trời mưa trời nắng Lịnh không bao giờ đội nón. Tóc vàng hoe như râu bắp. Quần áo rách tả tơi khâu vá nhiều miếng màu sắc khác nhau. Lịnh chỉ có một bộ quần áo trăm tấm mặc trong người suốt bốn mùa. Nên lúc nào cũng có vẻ dơ dáy nhớp nhúa. Vì chuyên nghề chạy cá nên thân người lịnh nở nang khỏe mạnh như môt lực sĩ thể thao. Về mùa hè Lịnh gần như không mặc áo để lồ lộ bộ ngực cao vồng như hai quả bưởi, làm cho người đứng tuổi bực mình chưởi thầm “ đồ quỉ cái” lập tức ngó chỗ khác. Nhưng đã gọi là Lịnh khùng nên không ai chấp nê gì đến chuyện ăn mặc tả tơi lồ lộ của người đàn bà chạy cá đặc biệt này.
Người ta mướn Lịnh chạy cá không trả tiền công, chỉ cho ăn hai bữa trưa và tối mà thôi. Lịnh chỉ cần ăn thật no, cơm với ít hột muối đủ rồi, không cần đồ ăn. Lịnh ăn bằng ba người ăn. Bọn nội rổi, dành với nhau mướn Lịnh, nhất là chạy lên chợ xa trên miền núi vì càng xa giá cá càng cao. Lịnh không biết nói chuyện, chỉ biết hét, biết la lớn tiếng, biết lắc đầu, gục đầu khi không ưng hay ưng thuận, thường ấm ứ trong miệng, hoặc phát ra những âm thanh gì người ngoài nghe không hiểu. Lịnh chỉ biết chưởi và nhiều khi chửi đổng không nhắm vào đối tượng nào. Vì thế nên mới có tên là Lịnh khùng. Không nhà không cửa không bà con họ hàng. Người trong làng cũng không quan tâm đến lai lịch của người đàn bà khùng này. Mùa mưa ngủ trong lều chợ, mùa nắng Lịnh ngủ trên bải biển. Lịnh ngủ sớm dậy trưa và ngủ mê như người chết. Nhiều khi người chủ lều chợ đến dọn hàng thấy Lịnh còn ngáy khò khò, phải dùng cây đánh vào người Lịnh mới tỉnh dậy, cũng như nằm ngoài bãi biển, khi ánh mặt trời lên cao chiếu nóng, Lịnh mới tỉnh giấc. Mấy người lớn tuổi trong làng thường chê trách “ Đồ vô tư nằm đâu ngủ đó”
Thỉnh thoảng có những buổi sớm Lịnh dậy sớm la hét chưởi bới tùm lum, vì trong đêm có tên đàn ông nào đó lợi dụng Lịnh ngủ mê, ngủ với Lịnh. Khi tỉnh giấc thì kẻ đàn ông vụng trộm đã “ quất ngựa truy phong” nên Lịnh chưởi thấu trời thấu đất. Lâu lâu có một trận chưởi như vậy, và hình như những ngày đó Lịnh chạy cá mệt mỏi phải nghỉ giữa đường mất sức quá nhiều. Câu chuyện ban đêm của Lịnh biến thành một pho chuyện vui của những người vừa lao động vừa kể cho vui quên bớt nặng nề mệt nhọc. Câu chuyện của Lịnh lan truyền ra khỏi làng, sang cả bên kia sông, và thường được kể lại thêm thắc cho ly kỳ trong các chòi canh gác ban đêm của thanh niên trong làng. Câu chuyện có vẻ khích động tình dục, làm cho những đàn ông bất sá, trong đêm khuya, tìm tới ngủ lén với Lịnh, và chạy trốn mất dạng trước khi trời sáng.
Chú Sáu vội vã gọi người nhà chạy ra mới biết Lịnh xin giúp đỡ cho đứa bé trai mới sinh khi hôm. Những người giúp việc nhà chú Sáu ẳm đứa bé vào nhà bếp hơ lửa cho đở lạnh cho Lịnh tắm rửa và thay quần áo sạch. Chú Sáu cho mẹ con Lịnh ở tạm với người giúp việc ở nhà bếp.
( tiếp theo )