CÒN  MƠ  ƯỚC – Nguyễn Liệu ( Nhân ngày lễ Martin Luther King Jr tôi post lại bài này )

 CÒN  MƠ  ƯỚC

I have a Dream…

Hôm nay ngày 18 tháng 6 năm 2030  tại nhà ông ngoại, cháu viết thư cho ông ngoại. Cháu xin dông dài một chút vì sao để tới năm này mới viết thư cho ông ngoại. Rất giản dị là cháu chờ cháu đủ tiếng Việt để đọc và hiểu hết cuốn Hồi ký và những tác phẩm của ông ngoại, cháu mới dám hạ bút viết cho ông ngoại. Lúc lên bốn tuổi ba má cháu cho anh em cháu học giáo lý bằng tiếng Việt và các lớp học tiếng Việt. Học nói thì dễ nhưng học để đọc thông suốt sách tiếng Việt và nhất là viết bằng tiếng Việt cực kỳ khó đó ông ngoại. Một số sách của ông ngoại cậu Út có dịch ra Anh văn nhưng tánh bướng bĩnh cháu ưng đọc nguyên tác nên cháu chăm chỉ học tiếng Việt. Thì ra có đọc được tiếng Việt mới thấy Việt nam từ xa xưa có một nền văn minh, văn hóa rất giá trị. Một truyện Thúy Kiều một cuốn tiểu thuyết của Khái Hưng của Nhất Linh…những bài thơ của Tản Đà của Nguyễn công Trứ của Thế Lữ của Vũ hoàng Chương….và những nhà thơ nhà văn đồng thời với cháu đây…vô cùng giá trị, mà theo cháu , một người có học kỹ nền văn hóa Mỹ , cháu dám nói rằng nền văn chương Việt nam vô cùng giá trị. Sở dĩ cháu viết cho ông ngoại còn một lý do nữa là má cháu thường hay nhắc lại chính ông ngoại,  nhất là bà ngoại thương cưng cháu nhiều nhất. Má cháu rất thật khi nói rằng bà ngoại ông ngoại dành tình thương quá đặc biệt cho cháu. Cháu tự hào chưa có bà ngoại nào trên thế gian này thương cháu như cháu đã được thương. Má cháu kể lại và cháu cũng còn nhớ tuy không rõ ràng từ lúc mới sinh đến mười tuổi bà ngoại dành công việc chăm sóc cháu vì lúc còn nhỏ cháu là đứa ốm yếu không chịu ăn không chịu uống s ữa thế mà ngoại ẳm cháu cả ngày dỗ cháu bằng mọi cách để cho cháu ăn. Má bảo có khi suốt ba tiếng đồng hồ ngoại làm đủ chuyện , ca hát làm trò chơi, múa nhảy cho cháu cười vui để nuốt cho được muỗng cháo muỗng sữa. Bà ngoại cười lớn vui vẻ khi cháu nuốt được miếng cháo. Má cháu rơm rớm nước mắt nói rằng nhiều lúc bà ngoại cầu nguyện thà bà giảm thọ để cho cháu được mạnh khỏe vì ngoại thấy cháu không ăn uống gì hết. Bà ngoại la lớn nạt nộ những người nào làm cháu khóc dù người đó là bà nội là ba là bất cứ ai. Ngoại bảo vệ cháu tuyệt đối. Phải lái xe vài chục phút ngày bốn bận bà ngoại đưa cháu tới trường sắp hàng cùng với cháu chờ khi cháu vào lớp cô giáo vào lớp và khi cô giáo đóng cửa ngoại mới ra về nhưng lòng không yên vì sợ bọn học sinh thấy cháu nhỏ ăn hiếp cháu. Lúc lên năm rồi mà cháu còn dại quá thấy ngoại cưng chiều nên khi xuống xe vào nhà cháu thích bà ngoại cõng cháu vào, rồi rửa mặt, thay áo cho cháu, đút cháu ăn cả vài giờ rồi chờ cháu ngủ ngoại mới ra xe về nhà. Điều này thì suốt đời cháu không quên,  cũng lúc lên năm tuổi học lớp một, cố nhiên là ngoại chở đi chở về hàng ngày…hôm cháu được cái award đầu tiên trong đời, ông ngoại bà ngoại mừng quá. Bà ngoại phải hỏi đi hỏi lại cô giáo mấy lần có chắc chắn như vậy không. Ông ngoại còn bảo ông ngoài mừng như khi được tin trường Havard nhận cậu cả vào học. Hôm phát phần thưởng ông ngoại bà ngoại mừng hớn hở năm ấy ông ngoại đã già yếu rồi mà còn gắng cầm máy hình lấn lên hàng đầu bất kể lễ nghi trật tự chụp những tấm hình khi cháu nhận phần thưởng. Cháu nguyện dù không phải là nhà văn cháu cũng viết một cuốn sách nói về bà ngoại nếu viết tiếng Việt không hết ý thì cháu sẽ viết bằng tiếng Mỹ. Cháu tạm ngưng chỗ này để cháu vào ý chính  của lá thư này.

Mãi mãi không bao giờ cháu quên được hôm ông ngoại qua đời. Năm ấy cháu đúng tám tuổi, năm ông ngoại, nghe má nói, đúng tám chục tuổi. Lúc ấy cháu chưa biết chết là gì chưa cảm được nỗi buồn của sự qua đời của một đời người. Có một điều cháu ngạc nhiên là có nhiều người khóc quá, kể cả một vài ông đã già như ông ngoại vẫn khóc. Cháu ngạc nhiên nhất là cậu Cả và má cháu khóc quá  nhiều khóc như điên cuồng. Cậu cả khóc như một đứa bé và má cháu cũng vậy. Sau đó cháu có hỏi má tại sao lạ vậy má không trả lời và mãi tới lớn lên trung học cháu mới hiểu tại sao cận Cả và má cháu khóc nhiều như vậy. Cháu thấy cậu Út mím môi nén khóc nhưng sau đó cháu thấy cậu buồn quá buồn suốt cả năm sau. Còn bà ngoại gần như không còn vẻ tươi tắn nữa và như không dùng ngôn ngữ một thời gian khá lâu. Cháu không dám đối diện với ngoại vì vẻ mặt ngoại tiêu điều quá.

Năm nay năm 2030 ngoại đúng tám mươi tư, tuy ngoại đi lại hơi yếu nhưng còn lái xe được nhất là còn minh mẩn và cực kỳ sạch sẽ. Ngoại còn đọc sách còn xem phim trong computer. Mới vừa rồi gia đình cậu Út cùng với ngoại du lịch Nam Phi ngoại bảo khi sinh thành ông ngoại với bà với gia đình cậu Út, lúc ấy hình như cậu mới có vợ chưa có con, đã đi châu Âu đi châu Á nhất là Trung quốc để xem Vạn lý trường thành, nhưng vì an ninh nên không đi xem Kim tự tháp, nghe nói ông ngoại   muốn thấy tận mắt công trình vĩ đại của người xưa. Ngoại ưng ở một mình nên weekend má cháu dì Hai thường về thăm ngoại. Các cậu thuê người đến chăm sóc ngoại có một bà già tối tối đến ở với ngoại cho vui. 

Bây giờ cháu sơ lược kể về các cháu. Trước hết nói về con dì Hai. Dì có hai người con gái người đầu xuất thân trường thuốc Havard vừa bác sĩ vừa PhD. Hiện đang dạy trường thuốc Harvard và mới có chồng cũng một bác sĩ cùng trường cùng sở làm. Người con gái thứ hai năm nay đúng 28 tuổi, là một luật sư vừa dạy trường luật ở Stanford vừa làm chủ một hãng quảng cáo. Chị này giàu lắm ông ngoại ơi . Chồng chị làm dean trường luật ở Texas. Hai vợ chồng chưa có con. Con quên chị đầu chị Ali là nhà văn nghiệp dư đó ông ngoại chị viết nhiều truyện ngắn loại best seller đấy. Chị không đọc được tiếng Việt. Có lúc cháu phải làm thông dịch cho các chị khi về thăm Saigon. Dì Hai gần về hưu rồi còn dượng Hai thì làm business.

Cậu cả có lần làm đại sứ ở một nước châu Phi nghe nói nước mà hồi còn trẻ cậu đi Peace Corps làm việc ở đó. Hiện làm giám đốc một bịnh viện ở Baltimore. Nguời con trai Alec của cậu,  nó khỏe như voi. Nó chơi football cho đội Maryland và hiện nó sắp tuất nghiệp trường luật Havard,  chưa chịu có vợ. Cậu cả cưng nó quá và lúc nào cũng xem nó như còn con nít. Mợ thì ở nhà đọc sách và thích chơi hoa lan hoa loa kèn, cẩm chướng. Có lần con hỏi cậu cả tại sao không cho Alex học thuốc như cậu, cậu cười bảo nó thích thứ gì học cái đó cậu không xen vào tư tưởng của nó. Con của dì út người đầu, tên Feli,  đang học trường thuốc John Hopking, người em trai còn đang học bậc trung học gần nhà. Có thể nói dì dượng út là người giàu có nhất ở trong vùng. Còn gia đình cậu Út, cậu mợ chỉ có một con trai còn đang học trung học. Nó hiền lành, ít nói và học hành rất xuất sắc. Nó biết làm thơ biết viết văn. Cháu hỏi lên đại học theo ngành nào, nó trả lời ngay không cần suy nghĩ , học văn chương triết lý. Cháu hi vọng tên nó được liệt vào danh sách những nhà văn của Hoa Kỳ. Không phải như cháu đâu nó viết tiếng Anh hay lắm đó ông ngoại .

Bây giờ  đến anh em cháu. Anh cháu hơn cháu có một tuổi mà trưởng thành hơn  nhiều lắm và giỏi lắm. Anh là MD PhD của UCSF đang học chuyên về mổ tim. Anh sắp sửa cưới vợ. Vợ anh cũng là một bác sĩ lại là bác sĩ chuyên sửa sắc đẹp, có phòng mạch và khách đông không đủ chỗ cho họ ngồi chờ. Là một cô gái rất đẹp người Mỹ gốc Ý.

Bây giờ đến phiên cháu. Ba cháu thường bảo “ con hư tại mẹ cháu hư tại bà”. Như vậy là nếu cháu có hư thì do bà ngoại cưng cháu quá chứ không phải má vì má đâu có cưng cháu. Nhưng má cháu hay dùng nước mắt để ép cháu theo ý của má. Năm đang học đại học cháu drop out vì ngồi nghe nói lãm nhãm chán quá, không thấy cái gì đổi mới hứng thú nên cháu bỏ học. Ba cháu la má cháu khóc khuyên bảo cháu. Thương má cháu trở lại học và má hứa cho tiền cháu đi du lịch các  nước châu Âu. Má cháu khuyên cháu, dùng từ chính xác, năn nỉ thì đúng hơn, nên học thuốc. Má thuyết trình một thôi dài “ cái lợi của học thuốc” rồi má nói thêm hồi còn nhỏ ông ngoại cũng khuyên má học thuốc mà má lười quá không học nên má hối hận vì không nghe lời ông ngoại làm ông ngoại buồn. Để má nói ngán, nói hết ý, rồi cháu mới nói ông ngoại khuyên má học thuốc là đúng vì thế hệ của ông ngoại nghề thuốc cao quí, nhưng má từ chối là má sáng suốt quá, con phục má hồi đó mà má không học thuốc là đúng vì không thể nào hàng ngày phải đối diện với người bịnh người sắp chết. Thấy bịnh viện con đà ngán rồi bảo cả ngày nhìn người bịnh thì khô héo tâm hồn má ơi, má khôn quá mà sao má nỡ bắt con phải bước vào con đường má đã tránh. Má cháu cười bảo thôi con muốn học gì thì học, nhưng phải đi học vào trường học đàng hoàng đừng liberal quá má chịu hết nỗi. Con nghe má và các dì nói lại không biết có như vậy không,  là khi cậu Út lên đại học cậu muốn học physics,  cậu mơ không gian. Nhưng bà ngoại cũng dùng nước mắt năn nỉ cậu nên học thuốc. Sao lạ quá người mẹ nào cũng muốn con học thuốc, cháu không hiểu tại sao. Và nước mắt của người mẹ có một sức mạnh dữ dội,  khiến các đứa con dù ngang bướng như cháu chẳng hạn cũng phải chịu khuất phục. Trong khi đó thì ông ngoại muốn cậu Út học luật học chánh  trị để theo con đường dang dở của ông ngoại. Câu Út làm thinh yên lặng, cậu có những cái im lặng cái bình tĩnh dễ sợ, và cuối cùng cậu làm vừa lòng cả hai, cả ông và cả bà,  cậu tốt nghiệp trường thuốc danh tiếng nhất và cũng tốt nghiệp trường chánh trị danh tiếng nhất là trường Harvard. Cháu chắp tay bái phục, bái phục. Cháu kể cho bạn bè cháu và cho ông thầy cưng cháu nhất mà họ bán tín bán nghi, họ tưởng cháu joke. 

Cháu vừa mới ra trường luật ở Yale, hôm cháu ra trường má cháu vừa mừng ( mừng vì cháu chịu học) vừa ứa nước mắt khóc,  nhắc lại ước gì ông ngoại còn sống ông vui lắm khi thấy con cháu học thành công môn luật, mà mỗi lần nhắc đến ông ngoại là má cháu rơm rớm nước mắt,  làm cháu có cảm tưởng má là con một. Cháu đang làm part- time cho một văn phòng luật sư ở San Francissco. Cháu dành thì giờ để viết sách. Cháu đang viết về “công pháp quốc tế” nói công pháp quốc tế nhưng một phần nhỏ thôi cháu viết về “ hải phận”. Để rồi ông ngoại coi, trước sau gì cháu cũng có văn phòng luật tại New York, cháu sẽ làm những điều mà bình sinh ông ngoại ưa thích. Cháu sẽ là một lawyer, một luật gia đúng với cái nghĩa của nó. Cháu sẽ viết sách chuyên về luật, nói trước cho ông ngoại rõ.

Bây giờ cháu nói qua về nước Việt vì cháu biết, qua cuốn Đời Tôi của ông ngoại, ông luôn luôn ray rứt về nước mất năm 1975,  phải ra đi sống cuộc đời lưu vong. Nước Việt nam hiện nay không còn là nước độc quyền cộng sản nữa mà là một nước tự do dân chủ và kinh tế đứng thứ ba sau Nhật và Tàu. Hiện trong nước có hai đảng chánh trị mạnh thay phiên nắm chánh quyền, một đảng Dân chủ phần lớn người theo Phật giáo và đảng Cộng hòa phần lớn người theo Thiên chúa giáo. Các đảng Đại Việt, Quốc dân đảng, Duy Dân v..v..vẫn hoạt động. Kể cả đảng cộng sản, mỗi đảng đều có người trong nghị trường. Hiện nay đảng Dân chủ đang nắm chánh quyền và cậu Út là ngoại trưởng được các nước khác kính nể lắm vì cậu là người có lòng và có hiểu biết thật sự. Làm chánh trị mà cậu không nói láo không hứa hảo, đó là bí quyết thành công của cậu. Cháu học hỏi và theo chân cậu, tuy thế hệ của cháu có phần khác cậu, nhưng ‘ tiểu dị đại đồng mà’(ông ngoại thấy chưa cháu tuy ngôn ngữ chánh của cháu là tiếng Anh mà cháu biết dùng các thành ngữ Việt ngon lành hả ông ngoại !). Vụ Trường Sa Hoàng sa đương thời của ông ngoại tranh chấp mãnh liệt, mãi bây giờ hai mươi năm sau mà vẫn chưa yên. Cháu nguyện dùng luật pháp quốc tế để dành lại chủ quyền cho nước Việt nam, cháu tin chắc thắng trăm phần trăm. Thật là sai sót nếu cháu quên kể cho ông ngoại một thành tích đáng kể của cậu cả và cậu út và bạn bè của cậu đã thành lập một đại học y khoa tại Quảng ngãi, trên một ngọn núi đối diện với Quảng ngãi nghĩa thục của ông ngoại ngày xưa. Trường y khoa này lớn lắm không thua trường y khoa ở Hà nội và Sài Gòn. ( bây giờ tên Sai gòn trở lại một cách hợp pháp rồi ông ngoại ). Do đó người ở Quảng ngãi bây giờ nhiều bác sĩ hơn đâu hết.

Còn nhiều chuyện con sẽ báo cáo lên ông ngoại trong các thư khác.  Bây giờ cháu xin hỏi ông ngoại ở thế giới đó có vui không, có tự do không và ông ngoại còn viết truyện chứ.?

Nguyễn Liệu

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

%d người thích bài này: