CẢM NHẬN BÌNH THƠ VỀ BÀI THƠ “LÀNG QUÊ TÔI”.

CẢM NHẬN BÌNH THƠ VỀ BÀI THƠ “LÀNG QUÊ TÔI”.

CẢM NHẬN & BÌNH THƠ THEO PHONG CÁCH CỦA GS NGUYỄN ĐẠI HOÀNG. 

Tôi thật quá bất ngờ, bài thơ LÀNG QUÊ TÔI, Thi sĩ Bụi Đời TTN làm trong men rượu say đã đưa vào dòng trạng thái sau cuộc rượu hội ngộ bạn thơ xóm quê, vừa post lên trang Fb nhà đã liền lọt vào đôi mắt xanh tinh đời của người bạn trẻ tài hoa Anh Dung Hoang GS Nguyễn Đại Hoàng, và bạn đã tung hứng với bài tùy bút có một không hai, tôi xin trân trọng sao chép mang về trang nhà cho các bạn yêu thương cùng đọc vui đây!

Với đời làm thơ, sống hít thở thơ 60 năm, kể từ ngày tôi tập tễnh làm vần thơ đầu đời cho cô bé láng giềng năm học lớp 3 trường làng bị thầy giáo đánh cho một trận đòn đau quắn đít tôi xấu hổ quá đã bỏ trường bỏ lớp bỏ bạn ra

cho đến nay tôi vẫn chưa in được thi phẩm nào để tặng thi hữu thân thiết, nhưng qua ánh mắt xanh NĐH như đột nhất điểm khai thông toàn diện, chỉ qua bài thơ ngắn LÀNG QUÊ TÔI nầy! Bài thơ cũng liền được Nữ sĩ trẻ tài hoa Võ Thị Như Mai đã dịch sang thơ Tiếng Anh với Thi Ảnh đẹp!

Bạn NĐH ơi! Hư huyễn danh “Thi sĩ Bụi Đời” do các bạn văn nghệ thời trai trẻ tóc xanh ở phố núi sương mù Đà Lạt gọi vừa đùa vui vừa thương yêu, trong đó có người Bạn Vàng Đỗ Tư Nghĩa là cậu của bạn, về thằng sống lang bạt kỳ hồ bụi đời làm thơ hay và cùng đăng thơ chung chiếu thơ với Bùi Giáng, Phạm Công Thiện, Phạm Thiên Thư, Tuệ Sỹ… trên Tạp chí TƯ TƯỞNG của ĐH Vạn Hạnh năm tôi 20 tuổi xuân xanh, và cũng rất hợp với đời thơ tôi HẠT BỤI TRẦN GIAN 

“Tôi hạt bụi trần gian ai biết 

Gót hồng Em sương cỏ

Vâng, trong hồn thơ tôi, hình ảnh Tổ Quốc, Quốc Gia mình là nước Đại Việt như Đại Việt thời nhà Lý độc lập đã tách ra từ Bách Việt của sử lịch cổ đại xa xưa, trong thơ tôi có nhắc đến hay trong những comments tương tác cùng các bạn thơ. 

Đặc biệt tôi như sững hồn khi bạn nhắc đến những dòng thơ của Nhà thơ Thần bí nước Anh William Blake mà tôi yêu thích từ thời SV, tôi tiếc mãi tác phẩm Toàn tập William Blake, quyển sách gối đầu của tôi lúc đó đã để quên ở phòng sư Chân Pháp nơi ĐH Vạn Hạnh khi tôi lang thang Sài Gòn về tá túc và sư Chân Pháp Nguyễn Hữu Hiệu đã xin giữ để nghiên cứu khi viết tác phẩm Con Đường Sáng Tạo đã xuất bản ở Sài Gòn trước 1975. 

Trong thơ tôi cũng đã ảnh hưởng tư tưởng Thần bí ấy chút ít rất phù hợp tâm tưởng thơ hương thiền của tôi ngày ấy. Bài thơ Huyền Ngôn Thơ tặng Bùi Giáng ngày xưa có những câu thơ:

“Hạt bụi vàng lấp lánh thế gian

Đóa hoa nghiêng chao trời đất mơ màng

Vô biên xanh tay cầm khoảnh khắc

Chớp mắt sáng lừng vĩnh cửu mang mang

Đúng vậy, Người bạn trẻ tài hoa Nguyễn Đại Hoàng ơi, thực sự mẹ tôi sắp tròn 102 tuổi, do bi kịch của gia đình hiện giờ phải ở nhờ phía ngoại mà tôi đã về phụng dưỡng chăm sóc mẹ già ở xóm quê gần 2 năm nay đây! Trong đời thơ tôi có nhiều bài thơ về mẹ, năm 1974 tôi đã hình thành tập bản thảo TRƯỜNG CA MẸ TÔI (cùng với 2 thi phẩm SẦU CA TÓC XANH và THIÊN SỨ CA mà các bạn thân của tôi đã chuyền tay nhau đọc ngày ấy) đã tìm đến với sư Thanh Tuệ, NXB An Tiêm, nhưng tháng Tư đen 75 ập đến, tất cả đã bị ngọn lửa CS đốt cháy cùng 3 tủ sách tôi gửi ở 3 nơi: Bảo Lộc, Đà Lạt và quê nhà Quảng Ngãi đây! Hai câu thơ viết về MẸ TÔI mà nhiều bạn thích và thuộc:

“Dòng đời cát bụi lưu ly

Mẹ là vầng sáng diệu kỳ hồn con.”

Vâng, Thơ TTN chỉ là “hạt bụi thơ” ấy vậy thôi!

Trong 1 comment bạn NĐH cho rằng những lời đáp tình nầy là “tư liệu quý của văn học sử mai sau”, cũng như người bạn trẻ tài hoa Lê Văn Chung trong bài cảm nhận bình thơ về bài thơ THI SĨ BỤI ĐỜI đã có lời khen “TTN là nhà thơ lớn của văn học hiện đại Việt Nam”!

Xin thưa với người bạn trẻ tài hoa rằng: 

những người làm thơ, sống hít thở thơ thơm tho cuộc đời, hạnh phúc có thực trong những khoảnh khắc nhập hồn thơ sáng tạo quên mình đó! Trong đời thực sống hồn nhiên chân thành giữ nhân cách mình không xấu hổ cùng cát bụi cây lá trăng sao, với Con Người thương yêu dẫu lắm thị phi của sân khấu đời huyễn ảo nầy, để luôn mãi là Người Tình của Nàng Thơ Vĩnh Cửu! Lời đáp tình chân thành cùng bạn cũng vậy thôi, của một thuở trần gian ngắn ngủi phù du thôi, chứ không mơ ước khát vọng xa xôi phi tưởng bạn à! Tấm lòng thành ấy của mình cũng như của Người Bạn Vàng Đỗ Tư Nghĩa, cậu của bạn cũng vậy thôi, rồi ra đi thanh thản nhẹ nhàng như trái thông khô rơi rụng, đóa hoa quỳ vàng cuối mùa héo úa rụng rơi làm dưỡng chất cho cây cỏ trần gian xanh lên mãi… Ông Thầy dạy Triết từng cưu mang mình thời SV đói nghèo, Thầy Nguyễn Khắc Dương KT Văn Khoa Viện ĐH Đà Lạt ngày đó, cũng rất quý mến thương yêu ĐTN và dù ĐTN không học Thầy giờ nào cũng quý mến Thầy lắm lắm, gõ Google còn lưu nhiều bài giảng về Triết học, Tôn Giáo, Tâm linh…và lất phất thơ của Thầy! Trong bài thơ hay Sở Nguyện của Thầy có 2 câu kết mà mình và ĐTN đều hay đọc nhắc, chắc ai cũng trân quý:

“Một mai cát bụi hoàn nguyên thể

Nguyện lót êm chân khách vỉa hè.”

Hùm chết để da người ta chết để tiếng.  Như ĐTN ra đi để lại tiếng thơm cho con cháu và những người thân yêu là dòng đời An lành thêm nguồn vui trong trẻo rồi Nguyễn Đại Hoàng ơi!

Tôi muốn viết tỏ bày khâm phục người bạn trẻ tài hoa nhiều điều nữa và chép mấy vần thơ tặng bạn, nhưng lời đáp tình nầy đã dài quá, xin hẹn sẽ post lên vào dịp khác bạn nhé!

Chúc bạn vui khỏe gia đình hạnh phúc, vạn sự như ý, cảm hứng viết lách & giảng dạy ngày càng thăng hoa! 

Quý mến!

Trân trọng!

Tôi xin sao chép bài viết của bạn dưới đây, như tôi đã khen PHONG CÁCH CẢM NHẬN & BÌNH THƠ CỦA GS NGUYỄN ĐẠI HOÀNG!

TTN

▪▪▪▪▪▪▪▪▪︎ 

TRẦN THOẠI NGUYÊN – NGƯỜI ĐI TRONG SƯƠNG MAI 

Tuỳ bút Nguyễn Đại Hoàng

****

Bài thơ đến với tôi lúc nửa đêm hôm qua! Của Trần Thoại Nguyên – một nhà thơ cao niên, bình dị, khiêm ái, lễ nghi và hiếu để – mà tôi biết! 

Một tiếng lòng người Đại Việt đến với tôi nửa đêm hôm qua! Và tôi đã viết ngay trong đêm một tiếng lòng đáp lại. 

LÀNG QUÊ TÔI

Làng quê hỡi! Qua bao mùa chinh chiến 

Xóm ven sông theo năm tháng lở bồi

Người mấy lớp như dòng sông về biển

Yêu nước thương nòi lầm lũi quê tôi!

Thương mấy bậc tài hoa, người xuất chúng

Huyền thoại tên bia mộ địa mênh mông!

Gốc đa làng khói nhang không thầy cúng

Thần thánh đi hoang, nói cũng không cùng!

Tôi về với mẹ già trên trăm tuổi 

Ôi đứa con kiếp Thi sĩ Bụi Đời 

Gia tài của mẹ tan rồi mẹ hỡi!

Ở nhờ phía ngoại. Tội lắm mẹ ơi!

Làng quê tôi ơi! Đình làng đã mất!

Đường ven sông sạt lở phải đê cừ

Một mai mẹ về Trời, tôi lang bạt 

Vườn quê mình ủ rũ  biết bao thu!

……

Người đời gọi anh là Thi Sỹ Bụi Đời, nhưng tôi lại nghĩ, có lẽ đúng hơn là Bụi Đời Thi Sỹ! 

Vâng trước hết anh là Bụi Đời – nhuốm phong sương những hạt bụi trần gian của Đại Việt này! Rồi sau đó anh mới là Thi Sỹ. 

Cũng như ngày xưa tôi tự hỏi vì sao Bùi Giáng lại là Trung Niên Thi Sỹ vậy! 

——

Vâng! Anh TTN là thi sỹ của những hạt bụi, hạt bụi của một đời người, một đời thơ, và muôn đời đất nước. 

Bởi vậy, có lần nhà ngôn ngữ học trẻ tuổi Thomas Ferling hỏi tôi vậy thơ Trần Thoại Nguyên gọi là gì – tôi trả lời ngay : 

-Đó là những hạt bụi thơ! Nhỏ vô cùng mà cũng lớn vô tận! Đời vô cùng mà thanh tao vô tận! 

-Nghĩa là sao? 

-Nghĩa là nhà thơ đã đạt đến cảnh giới – một cảnh giới vũ trụ toàn ảnh (holographic universe) như năm xưa nhà thơ Anh William Blake (1757 – 1827) đã viết : 

To see a World in a Grain of Sand

And a Heaven in a Wild Flower,

Hold Infinity in the palm of your hand

And Eternity in an hour

Bạn có hiểu không? Theo lý thuyết này thì trong vật nhỏ nhất cũng chứa đựng cái vô cùng! 

Mắt ta có thể hình dung vũ trụ qua một hạt cát! Có thể hình dung bầu trời qua một cánh lan rừng. 

Tay ta có thể nắm lấy cái vô cùng. Và cũng có thể nắm bắt được thiên thu qua một khoảnh khắc! 

– ??? !!! Thầy có thể nói rõ hơn? 

– Trong thơ chẳng hạn, nhà thơ là gì? 

Nhà thơ chính là người có thể dùng một chữ, một câu, hay một bài thơ – vốn hết sức bình thường – để nói lên những tình cảm, những tư tưởng, những nỗi buồn, những niềm vui, hay cả những niềm hư không… đối với tình yêu, thiên nhiên, đất nước và con người – những thứ vốn vô hình và vô tận. 

Trần Thoại Nguyên chẳng hạn, trong bài viết tưởng nhớ một người bạn thân là cậu tôi – nhà thơ triết gia Đỗ Tư Nghĩa – anh đã dẫn 2 câu thơ của chính anh: 

Một bóng tài hoa sầu cuối mộ 

Hồn thơ còn động cõi thiên man…

Tôi nhớ ngày đó tôi đã phải đứng lên đi lại trong đêm khuya vì chữ CUỐI : 

Một bóng tài hoa sầu CUỐI mộ…

Một chữ nói lên được cả vũ trụ sầu đau, nhưng không nước mắt! 

Vì sao nhà thơ tìm được chữ này vẫn còn là một điều bí mật! 

Bí mật vì khả năng đó là do vô thức mà có được! Và để có một biển vô thức, nhà thơ phải trải qua một biển đời, hay một cõi thiên man…

Nhưng thôi, chúng ta hãy quay lại bài Làng Quê Tôi :

Làng quê hỡi! Qua bao mùa chinh chiến 

Xóm ven sông theo năm tháng lở bồi

Người mấy lớp như dòng sông về biển

Yêu nước thương nòi lầm lũi quê tôi!

Hai chữ lầm lũi – vốn chỉ hành động, tình trạng của một con người, nhưng trong khổ thơ này đã mang nghĩa bóng dáng của quê hương! 

Thương mấy bậc tài hoa, người xuất chúng

Huyền thoại tên bia mộ địa mênh mông!

Gốc đa làng khói nhang không thầy cúng

Thần thánh đi hoang, nói cũng không cùng!

Khổ thơ này là thương tưởng những cố nhân tài hoa bạc mệnh. 

Nhưng cả một cụm từ  “thần thánh đi hoang” đã mở ra một không gian làng quê thật gần gủi mà cũng thật xa xôi, hiện tại đó mà quá khứ cũng kề bên – và tương lai vô định. 

Vì sao trong giây phút tửu hứng, TTN lại có thể viết được cụm từ thiên tài này? 

Phải chăng là vì nhờ một đời thơ, một đời thi sỹ cũng “đi hoang” mà viết được? Bởi với nhà thơ, nhà thơ tài hoa nào cũng thế, chữ nằm trong vô thức! 

Có thể lắm chứ! 

Nhưng hoá ra sự đi hoang cũng có giới hạn trong đời thực, vì có tới 30% bài thơ, bài viết và thậm chí trong cả những câu nhắn tin của  TTN có nhắc đến Mẹ. 

Vâng trong trái tim Tình Yêu của thi sỹ – luôn có mẹ hiền, ngay cả trong cơn say một tối bay về chân trời làng quê cũ, mẹ vẫn hiện ra cụ thể chi tiết và thắm thiết yêu thương: 

Tôi về với mẹ già trên trăm tuổi 

Ôi đứa con kiếp Thi sĩ Bụi Đời 

Gia tài của mẹ tan rồi mẹ hỡi!

Ở nhờ phía ngoại. Tội lắm mẹ ơi!

Mẹ xuất hiện trong bài thơ ngụ ý hay ẩn dụ một điều gì chăng? 

Vâng, nhà thơ, trong cơn say, nghĩ về mẹ, lại liên tưởng đến thực tại:

Làng quê tôi ơi! Đình làng đã mất!

Đường ven sông sạt lở phải đê cừ

Một mai mẹ về Trời, tôi lang bạt 

Vườn quê mình ủ rũ  biết bao thu!

Khổ thơ này nói gì vậy? 

Nói đến điêu tàn, nói đến dấu vết và tác động của thời gian. 

Đình làng – biểu tượng tâm linh, văn hoá và cuộc sống của một làng Đại Việt xưa không còn nữa! 

Đường xưa lối cũ cũng mất dần! Và Mẹ nữa….khi đó nhà thơ vốn lang bạt kỳ hồ nay sẽ càng bể dâu chăng? 

Tôi nghĩ là có thể có, có thể không? 

Vì nơi mẹ sống là quê hương, và quê hương cũng có nghĩa là mẹ… nên làm sao rời xa được? 

Bởi thân tâm và thiên tài của người thi sỹ này là của Mẹ, do Mẹ và vì Mẹ mà đi dài theo cuộc sống – nên làng quê vẫn mãi mãi là nguồn cảm hứng và động lực sống của TTN. 

Trong bài thơ Bóng Chiều Không năm xưa, TTN đã viết: 

Đời anh soi bóng sông vô định 

Mênh mông khách lữ giữa hư chiều 

Vâng, Trần Thoại Nguyên mãi mãi là khách lữ của đời này, kiếp thơ này. Tài hoa và cao nhã! 

Nguyễn Đại Hoàng

▪▪▪▪▪▪▪▪▪

Ảnh 1: Thi Ảnh bài thơ trong bài viết của GS Nguyễn Đại Hoàng 

Ảnh 2: Thi Ảnh bài thơ dịch qua Tiếng Anh của Nhà thơ dịch giả Võ Thị Như Mai 

Ảnh 3: Chân dung GS Nguyễn Đại Hoàng 

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

%d người thích bài này: