ĐOẠN TRƯỜNG HƯ THANH – phù hư dật sĩ VÕ THẠNH VĂN ( 1 )

Screen Shot 2019-05-12 at 9.05.36 PM.png

phù hư dật sĩ

VÕ THẠNH VĂN

 

ĐOẠN TRƯỜNG THANH

 

[5000 câu lục bát]

 

Phù Hư Am

 

 

ĐOẠN TRƯỜNG HƯ THANH,
CUỘC TAO NGỘ VĂN CHƯƠNG TUYỆT VỜI

Bùi Lê-Dung

(A). “ĐOẠN TRƯỜNG TÂN THANH” (còn thường được gọi là  “TRUYỆN KIỀU”) của đại thi hào NGUYỄN DU, vốn là kiệt tác văn học, một trong những thành tựu tiêu biểu nhất của nền Văn Học Việt Nam. Truyện Kiều và câu tự vấn nổi tiếng trong “Độc Tiểu Thanh ký” của Nguyễn Du: “Bất tri tam bách dư niên hậu / Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?” vẫn mãi là những nỗi niềm băn khoăn cho hậu thế. Và có chăng trong thế giới chữ nghĩa văn chương đẹp đẽ, vẫn luôn đồng điệu hiệu ứng những giai âm!?… Bởi, 300 năm sau, 500 KHÚC ĐOẠN TRƯỜNG HƯ THANH của Phù Hư Dật Sĩ VÕ THẠNH VĂN đã xuất hiện, giải mã rõ ràng minh bạch khúc chiết những ẩn số trong toàn tác phẩm Truyện Kiều!

500 Khúc Đoạn Trường Hư Thanh đã triển khai, chi tiết hoá, cụ thể hóa, hình tượng hóa 500 tình tiết vốn cô đọng trong nguyên tác KIỀU TRUYỆN của Thanh Tâm Tài Nhân và Đoạn Trường Tân thanh của Nguyễn Du. Những câu lục bát lại tiếp tục sứ mạng của mình, mỗi giòng chữ đầy cảm xúc dồn nén ở Truyện Kiều giờ đây được mở ra mênh mang vô tận hải hà. Những câu thơ mang sức dội từ tấm lòng tương tri của “người đời sau Võ Thạnh Văn,” giúp người đọc vừa thẩm thấu sâu sắc, vừa  nhận chân cảm xúc, vừa theo dõi những hình ảnh đã được khai phóng. Dường như không có khoảng cách nữa, giữa người xưa và hậu thế kế thức. Mai sau? Chưa biết!

Khả năng cảm nhận là điều riêng tư, rất chủ quan của mỗi chủ thể; nhưng Tình Tri dường như không có vách ngăn, không có khoảng cách. Thời gian, không gian hữu hình, đôi khi mang sức mạnh hủy diệt thật đáng sợ! Nhưng thời gian, không gian cũng có thể vô hình, vô ảnh, không ranh giới, khi trái tim con người chợt nhận ra nhau, biết có nhau. Ngay giây phút tương thông và tỉnh thức ấy, tâm thức khai sáng, bừng vỡ và cùng lúc, không gian và thời gian chợt biến mất… Có thể nói, chính đởm phách, tài hoa, tấm lòng tri ngộ của hậu sinh Võ Thạnh Văn đối với các bậc tiền bối Thanh Tâm Tài Nhân và Tiên Điền Nguyễn Du, một lần nữa, đã làm thức dậy những trang Kiều, đã lay động làm thổn thức hồn người thiên cổ và những thế hệ mai sau.

(B). Tổng thể, xét về hình thức, tác phẩm trường thi lục bát “500 KHÚC ĐOẠN TRƯỜNG HƯ THANH” dài 5 nghìn câu thơ, bao gồm : 

— 500 KHÚC HƯ THANH, mỗi khúc gồm 10 dòng thơ lục bát, mang sức mạnh khai phóng, chi tiết hoá, hình dung hóa, mỹ cảm hóa mỗi tình tiết cô đọng trong bản gốc Truyện Kiều, nguyên tác của Thanh Tâm Tài Nhân, song song với hơn 3 nghìn câu thi hoá lục bát của Nguyễn Du.

Phần thay lời kết :

–05 Khúc Dòng Thơ Chung Cuộc Gởi Người Nghìn Xưa
–05 Khúc Tâm Tư Thao Thức Gởi Người Nghìn Sau

Với hơn 5000 câu lục bát, tác phẩm đã chuyển tải một dung lượng kỳ vỹ. Bắt đầu từ lời tuyên ngôn ở Khúc [001], từ nguyên tác và triển ý từ câu thơ Nguyễn Du: “Trăm năm trong cõi người ta,” lục bát Võ Thạnh Văn xung trận:

[001] NGHÌN NĂM MÂY TRẮNG 
ĐOẠN TRƯỜNG HƯ THANH

Nghìn năm mây trắng vờn bay

Hoa mê động khẩu. Hương say cõi trần

 

Sương giăng. Tuyết rụng. Trăng ngần

Tịch nhiên đá ngáp. Bần thần thác sa

 

Nghìn năm (gió quyện) sương nhoà

Mộng gần một cõi. Mơ xa nghìn trùng

 

Phấn rây. Nhụy rắc. Mật lừng

Dấu chân hải phố. Bước chùng hải phương

 

Ưu nhiên giữa cõi vô thường

Trần gian (lệ đẫm tình trường) khởi nguyên

 

Để chuyển hóa thành: 

 

[002] ÂM DƯƠNG ĐẠI ĐẠO 
KỲ VỸ, DIỆU MẦU

 

Im lìm. Tịch mặc. Như nhiên

Sông. Hồ. Biển. Núi. Thác. Triền. Rừng. Khe

 

Sắc không (lặng lẽ) cận kề

Biến. Sinh. Hoá. Diệt. Đi. Về. Tụ. Tan

 

Vô thường từng niệm mong manh

Vô âm. Vô hưởng. Vô thanh. Vô ngần

 

Bỗng nhiên biến hoá vạn lần

Núi cao. Biển rộng. Non ngàn. Vực khơi

 

Muôn năm động. Vạn kiếp dời

Âm dương kỳ bí. Đất trời kỳ hương

 

Lục bát vỗ sóng, khởi tuôn 500 khúc (mỗi khúc 10 câu), đi từ giải mã các triết thuyết:  [003] ÔNG TRỜI (THƯỢNG ĐẾ) — HỌC THUYẾT NHO GIA, “Có Trời mà cũng có ta” / [004] HỒNG NHAN BẠO THUYẾT – TẠO VẬT ĐỐ TOÀN, “Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen…” cho đến các triết thuyết diệu vời khác:  [006] TRIẾT THUYẾT NHÂN QUẢ – THIỆN ÁC ĐỐI ĐẦU, “Nghiệp duyên cân lại nhấc đi còn nhiều”…vv…  Thử xem một tấu khúc về hình ảnh của “Chữ tài, chữ mệnh khéo là ghét nhau” – chỉ một câu thơ, đã được triển khai nên 10 dòng lục bát:

 

[005] TÀI MỆNH TƯƠNG ĐỐ
ĐẤT TRỜI TƯƠNG PHÂN

Nghìn xưa (dâu bể) âu đành

Vòm xanh ngạo vật. Khuôn xanh ghẹo người

 

Tài nhụy rụng. Phận hoa rơi

Thân danh lâm lụy. Mệnh trời nghiệt oan

 

Tình lận đận. Kiếp đa đoan

Hoa trôi (bèo giạt bẽ bàng) thiên thu

 

Rằng trời hận. Rằng đất thù

Trăm năm đứt ruột. Nghìn thu đoạn trường

 

Rằng đức hạnh. Rằng cương thường

Trời dìm cho dại. Đất chường nên khôn

 

…  đến  khúc thứ [015] VƯƠNG ÔNG (VIÊN NGOẠI) – YÊN, HÀN, THANH, TAO – “Đạo khả đạo, phi thường Đạo” / rồi [016] VƯƠNG ÔNG AN MỆNH – TRIẾT THUYẾT NHO GIA – “Thuận thiên, an mệnh” / hoặc [017] VƯƠNG ÔNG DẬT LẠC – TRANG, LÃO VÔ VI – “Vô vi bất như vô vi”… để thấy trường tư tưởng dòng nối dòng, sóng tiếp sóng, sáng rỡ lên nguồn mặc khải ngôn từ bất tuyệt, cùng vẻ đẹp uyên nguyên mang nguồn sinh lực bất tận diệu kỳ.

Dung lượng mà 500 Khúc Đoạn Trường Hư Thanh mang đến, quả thật kỳ vỹ đáng sợ! Người đọc có thể bồi hồi, bối rối theo những niềm hạnh phúc tràn sắc xuân tươi, hoặc nơi hiên Lãm Thúy, nơi cuộc hợp hôn mà Thúy Vân một đời mong ngóng… hoặc đắm mình trong cái đẹp lãng mạn mê say theo một khắc du xuân rũ bóng chiều tà, dòng hạnh phúc lưu chuyển trao tình, giao duyên của đôi trai tài gái sắc Kim Trọng – Thúy Kiều!

 

Những lát cắt tâm trạng đa hình đa dạng của từng nhân vật chính phụ trong mỗi tình tiết, được chuyển tải thật tinh tế. Chưa hết ngại ngần thương cảm trước cuộc chuyện trò âm dương giao thoa giữa Thúy Kiều – Đạm Tiên! Thoắt cái, lại ngây sững trước vẻ đẹp hào sảng về cuộc hạnh ngộ của bậc phong trần anh thư kỳ nữ Thúy Kiều với đấng bậc trượng phu kiêu hùng Từ Hải!  Và trên những trang thơ, vẫn nguyên vẹn nỗi bàng hoàng trước cảnh sắc bướm ong mỹ lệ của hành viện, của hý viện, của kỹ viện, của lầu xanh, của phấn hồng… có cái đẹp sắc dục tình trường mê mải giữa Thúc Sinh – Thúy Kiều! 

 

Khúc [203] TẠI LẦU NGƯNG BÍCH — KIỀU TẮM KHOẢ THÂN, được  triển ý  từ câu “Dày dày sẵn đúc một toà thiên nhiên” (ND):

Phòng niêm. Trướng rũ. Nến ngần

Mang mang bão giật. Lâng lâng sóng cuồng

 

Mưa. Phùn. Lũ. Lụt. Thác. Truông

Rừng (tràn) bí ẩn. Suối (tuôn) nhiệm mầu

 

Môi nổng hạ. Má gò thu

Khơi khơi suối chiếc. Mù mù dốc đôi

 

Nước ngừng chảy. Mây ngừng trôi

Băng sa lãng đãng. Tuyết rơi mịt mùng

 

Sương vờn. Gió trở. Bụi tung

Núi cao. Thung rậm. Khe chùng. Đèo hoang

 

Chưa bao giờ thiên nhiên được vẽ nên rất bí ẩn gọi mời, mang cái đẹp luân chuyển của vũ trụ một cách quyến rũ nồng nàn say sưa như thế!

500 Khúc Đoạn Trường Hư Thanh còn mở toang cánh cửa địa ngục trần gian đã được khắc họa dồn nén ở Truyện Kiều: Cái địa ngục chốn quan trường thất nhân, vô đạo, bất chính, những đòn roi vùi dập thân phận hồng nhan của mảnh đời hồng phấn, tiếng khóc oan ức đẫm lệ trời xanh, nỗi đau bất tận chìm sâu cuối giòng Tiền Đường oan nghiệt… Trong dòng chảy bất tận của 5000 câu lục bát, chốn an cư đạo trời rộng tay từ ái nơi những trang Kiều xưa, giờ đã được tô thắm hơn với những chính sắc đẹp ngời. Từ nỗi đau nơi Gác Kinh, Viện sách đến một mái cong nơi ngôi cổ tự che đỡ cho Thúy Kiều, vệt nắng tinh khiết chốn thảo am Kiều nương phận ru mình, trên bờ đê sông Tiền Đường, chờ cuộc tái hợp kết thúc thân phận đoạn trường, sau bao nhiêu năm lưu đày biệt xứ tha phương lưu lạc đất người… Tất cả lần lượt được tái sinh rực rỡ và vô cùng phong phú mà chân thật trên những trang thơ.


 

Dung lượng choáng ngợp kỳ vỹ mà Đoạn Trường Hư Thanh mang lại, còn ở sự tái hiện sinh động trùng trùng nhân ảnh từ những nhân vật trong nguyên tác Truyện Kiều! Đọc 500 Khúc Đoạn Trường Hư Thanh, những nhân diện ngày qua, lại trở về trên mạch văn chương, đánh thức những cảm xúc trần gian cuộc lữ nơi mỗi chúng ta, nơi từng người đọc… Từ những nhân vật phản diện như gã bán tơ, bọn Ưng Khuyển, sai nha, đến Hoạn Tiểu Thư, Hoạn Bà, rồi đám tham quan xử kiện, bộ mặt lũ trọng thần bất tài thất đức giả danh giả nghĩa… những câu thơ phơi rõ thêm tội ác của bọn cướp ngày mượn bóng pháp đình làm nơi dung dưỡng trú thân chà đạp lên nhân phẩm và thân phận con người một cách vô luân, bọn buôn thịt bán người Tú Bà, Mã Giám Sinh, Sở Khanh, Bạc Bà, Bạc Hạnh… từ những Khúc Hư Thanh đoạn trường đứt ruột, cái ác chợt lừng lững hiện về, gieo rắc oan khiên, hé lộ sức mạnh hủy diệt kinh hoàng của luân lý baị hoại, đạo đức suy đồi… làm nên lòng người thất tán.

 

Không dừng lại ở đó, thoắt cái, mỗi  đoạn thơ lại đưa người đọc đến những cuộc hiện diện của phận người: Từ những nhân vật  dẫu mờ nhạt thoáng qua như hình ảnh cái thây vô chủ ven sông thế mạng Thúy Kiều, bóng dáng một người hầu trong phủ Thiên Quan Chủng Tể, đến những Vương ông Vương bà, bước vân du thoắt ẩn thoắt hiện của Tam Hợp Đạo Cô, hình ảnh bè lau nhỏ nơi giòng Tiền Đường định mệnh có bàn tay Giác Duyên gợi nhắc đến công đạo ở lòng người! Mỗi nhân vật đều được tái hiện cụ thể, xương thịt rõ ràng: 

Thử ngắm qua hình ảnh của Vương Ông:

[014] Vương Viên Ngoại (tự Tử Trinh)

Khiêm nhu thơm ngát hương quỳnh nở khuya

 

(Lương Tùng tên chữ mệnh chia

Tương lai ấm lạnh mai kia mốt nầy)

 

Và:

[015] Đường xuất xử. Lẽ tuỳ nghi

Trung Dung gối sách. Kinh Thi họa vần

 

Một miền thơm toả hương lân

Điền viên (vui thú yên hàn) Nho gia

 

Một vườn (đầy ắp) hương hoa

Một nhà sớm tối chan hoà mực thơm

 

Đức trồng. Hạnh cấy. Phúc ươm

Dạy con nuôi vợ giữ khuôn phép hiền

 

Hay hình ảnh Vương Bà: 


[014] Vương Bà (họ Hạ) lành ngay

Sớm hôm canh cửi. Tối ngày tằm tang

 

Ruộng vườn. Rẫy bái. Điền trang

Bàn tay mẫn cán xanh hàng dâu tươi

 

Nét bút tài hoa của Võ Thạnh Văn đã làm hình ảnh các nhân vật ngày qua của mấy trạm năm trước chợt trở về gần gũi, sống động, thân thuộc… Ví như hình ảnh Đạm Tiên, nhân vật dường có dường không, liêu trai mệnh khổ đã được họa lại, ấm áp nóng bỏng trên mỗi phân vuông da thịt:

[033] Một thời thu sắc, xuân hương

Bồng bềnh (váy lộng nghê thường) xiêm phơi

 

Tóc mây (gió chải) rêu ngời

Sợi trêu ngọc huệ. Sợi mời mẫu đơn

 

Thân hạc múa. Vóc bướm vờn

Quỳnh non đãi nguyệt. Đào mơn đợi mùa

 

Đèn chong. Trầm toả. Hương đưa

Thơ khuya. Rượu xế. Trà trưa. Cờ chiều

 

Vương tôn (công tử) dập dìu

Kẻ đưa. Người đón. Kẻ chìu. Người nuông

 

và khổ thơ:

[037] Nghìn thu (bia đá) lạnh dờn

Mơ hồ linh khí. Chập chờn cõi âm

 

Và cái mong manh của phù hoa lụy thế:

[032] “Đạm Tiên Chi Mộ Hiệu Thư”

Rêu tà huy (úa). Cỏ triêu ảnh (sầu)

 

Ruộng dâu (tang hải) dàu dàu

Hồng nhan bi ký nhạt màu thời gian

 

…..

[030] Nghìn thu (bia đá) lạnh dờn

Mơ hồ linh khí. Chập chờn cõi âm

….

[036] Tiếc phù hương. Khóc phù dung

Trầm lơi kết trước. Tơ chùng quyện sau

 

Cạn lòng vắt giọt hờn đau

Nén hương nhả khói. Ngọn sầu thắp trăng

 

…..

[034] Dẫu không (lên xuống) thác ghềnh

Hồng nhan ngoảnh lại buồn tênh tháng ngày

 

Suối vàng nối kiếp sầu cay

Xót xa (bao nỗi đoạ đày) thảm thương

Các liên khúc ([341] và [343]) là những trường đoạn về vẻ đẹp kiêu hùng của Từ Hải, chỉ một câu Kiều “Năm năm hùng cứ một phương hải tần” (ND), lục bát Đoạn Trường Hư Thanh đã vỗ nhịp đồng hiệu ứng những giai âm tung hoành: 

GIANG SAN NHẤT KHOẢNH
RIÊNG MỘT GÓC TRỜI:”

[341] Dẫm nát đất. Đạp sập đèo

Vó, băng tuyết núi. Bờm, đeo trăng rừng

 

Máu đã trải. Rượu đã từng

Pha chung. (Máu hận. Rượu mừng). Uống chung

 

Yêu tướng soái. Thương ba quân

Đồng lòng cự bí. Chung lưng tịch tà

…..

[342] Doanh hùm. (Trướng hổ). Dinh beo

Ngựa phi rợp đất. Thuyền neo bạt ngàn

 

Thành lộng gió. Cờ lộng trăng

Đao rờn khí thép. Thương ngần chí gan

 

Vó tung. Bụi cuốn. Quân tràn

Núi phơi thương dựng. Biển gầm đao nghinh

…..

[343] Từ ngoại trấn, đến biên duyên

Thanh gươm đại định vỗ yên núi ngàn

 

Cương thuỳ (một cõi) thênh thang

Thành (liền) lớp lớp. Cờ (hàng) giăng giăng

 

Gò cao. (Lũng thấp). San bằng

Một phương đại định. Bao phen thái bình

 

Vũ. Uy. Chính. Đại. Quang. Minh

Riêng (trời) một góc. Riêng (mình) một khung

Hoặc chỉ cần một câu thơ “Sắc đành đòi một, tài dành hoạ hai” (ND), tác giả Đoạn Trường Hư Thanh đã mở rộng thế giới ấy bằng những chi tiết cụ thể, sống động, giúp người đọc vừa thỏa mãn trí tưởng tượng vừa cảm thấu thật sự cụ thể trước bức tranh gia phong tràn ngập cảnh với tình:

 

MỘT NHÀ ĐỨC HẠNH 
TÀI SẮC PHƯƠNG VIÊN:

[019 Một nhà sực nức hương ngâu

Thuý Kiều: Sắc sảo, tươi màu tài hoa

 

Thuý Vân: Hiếu, hạnh, thảo, hoà

Vương Quan: Nghiên, bút, thi, ca, triết, thiền

 

Một nhà (phong kiệm) phương viên

Chung lòng giữ sạch nếp hiền gia phong

 

Hạnh tô ngoài. Đức chuốc trong

Ngày đêm (sách gối đèn chong) miệt mài

 

Hạnh có một. Đức không hai

Hạnh (say sưa) chuốt. Đức (mài miệt) chuyên

 

Bàng bạc trong 500 Khúc Đoạn Trường Hư Thanh, là bản hợp tấu âm thanh của sóng lòng với sóng đời, của mỗi nét cảnh sắc họa theo từng lát cắt tâm tình… Từng cung bậc tâm trạng của nhân vật, đã thành những trường đoạn hoặc cận cảnh hoặc viễn cảnh… được hình dung hóa thật nhuần nhị, chân thật, đầy sức thuyết phục – Trong cảnh Kiều hầu đàn Hoạn Thư, chỉ một câu Kiều “Lĩnh lời nàng mới lựa dây” (ND), hãy cùng ngắm xem và lắng nghe Đoạn Trường Hư Thanh của Võ Thạnh Văn triển khúc: 

 

[261] Mê tơi (từng ngón) tay trần

Nỉ non (từng sợi dây thần) vút cao

 

Biển dâng. Sóng trút. Thuyền chao

Núi nghiêng. Thác chảy. Suối trào. Mương khai

 

Bốn dây (rỉ máu) tài hoa

Đài trang (từng sợi tóc dài) buông lơi

 

Kiều ngồi (dáng mộng) chơi vơi

Năm cung tức tưởi, châu rơi, ngọc chìm

 

Biệt mù (tăm cá) bóng chim

Tuyết tan. Giá vữa. Gió im. Băng rời

 

Những câu thơ vàng trau ngọc chuốt trên, phải chăng đã nói rõ: Nỗi đau nghìn đời ấy, đã có người hôm nay tận thấu, xẻ chia, tâm cảm, tương thông, tâm đắc?!

Tài hoa uyên bác hơn, độc đáo diệu kỳ hơn, phải chăng còn là 10 khúc “ĐOẠN TRƯỜNG” mà kỷ nữ Lưu Đạm Tiên gửi Thúy Kiều “Nầy, mười bài mới, mới ra” (ND). Đó là 10 khúc gì ? Ra sao? Mãi mãi là một ẩn số đối với nhiều người đọc! Trong khi nơi tác phẩm Truyện Kiều, Nguyễn Du đã khẳng định “Thì treo giải nhất chi nhường cho ai.”

Có lẽ duy chỉ Võ Thạnh Văn, người biết mang “Dòng thơ chung cuộc gởi người nghìn xưa” mới hiển lộng 10 khúc đoạn trường uyên thâm ảo diệu: 

— [056] Đoạn trường khúc (#1): Tích Đa tài (Tiếc Đa Tài)
— [057] Đoạn trường khúc (#2): Liên Bạc Mệnh (Thương Mệnh Bạc)
— [058] Đoạn trường khúc (#3): Bi Kỳ Lộ (Thương Hoạn Nạn)
— [059] Đoạn trường khúc (#4): Ức Cố Nhân (Nhớ Người Xưa)
— [060] Đoạn trường khúc (#5): Niệm Nô Kiều (Nhớ Cô Hầu)
— [061] Đoạn trường khúc (#6): Ai Thanh Xuân (Xót Tuổi Xuân)
— [062] Đoạn trường khúc (#7): Ta Kiển Lộ (Thanh Cảnh Ngộ)
— [063] Đoạn trường khúc (#8): Khổ Linh Lạc (Khổ Lưu Lạc)
— [064] Đoạn trường khúc (#9): Mộng Cố Viên (Mơ Vườn Xưa)
— [065] Đoạn trường khúc (#10): Khốc Tương Tư (Khóc Tương Tư)

Hiển nhiên phải là bậc tài hoa trác lạc mới triển phóng chi tiết chính xác được như thế. Đến đây, không thể không bàng hoàng trước ngòi bút kiêu lộng mà uyên bác thâm thuý lịch lãm của Võ Thạnh Văn, tác giả trường thiên thi lục bát “Đoạn Trường Hư Thanh.”

Dung lượng kỳ vỹ trong 500 Khúc Đoạn Trường Hư Thanh, còn ở sự miêu tả tinh tế mỗi sắc thái tâm trạng nhân vật, trong mỗi tình huống, mỗi cảnh trạng bi hoan, tan hợp. Tiếng khóc, tiếng cười của gia đình Vương Ông, của Từ Hải, Kim Trọng, trong ly biệt, trong đoàn viên… Tiếng khóc, tiếng cười trong Công Lý được thực thi mà 3 thước gươm hùng tài của Từ Hải đã tìm lại cho Thúy Kiều. Đó cũng chính là tiếng khóc, tiếng cười của Công Đạo của trời đất, của xã hội công bằng, trong lòng người công chính! 

Cứ thế, những trường đoạn trùng trùng nhân ảnh trong 500 Khúc Đoạn trường Hư Thanh cứ dẫn dắt, đẩy đưa người đọc khởi đi từ những trang Kiều (từ Cựu Thanh đến Tân Thanh) lại tiếp tục theo mạch khí văn chương, phác thảo bức tranh nhân gian với những hí lộng số phần…
Phải bằng tâm thức tri giao, bằng tấm lòng của hậu bối biết “khấp Tố Như,” cùng với bút lực thâm hậu, năng lực ngôn từ cuộn sóng của bậc tài hoa trác lạc, Võ Thạnh Văn, mới có thể chi tiết hoá, hình dung hóa, cụ thể hoá, mỹ cảm hóa, giải mã những ẩn số trong Truyện Kiều nguyên tác của Thanh Tâm tài Nhân và qua Đoạn Trường Tân Thanh của Nguyễn Du…

Quả là một cuộc rong chơi chữ nghĩa thật hấp dẩn và đầy sức thuyết phục! Giàu chất phóng tưởng nhưng không ảo mộng, xa rời chi tiết gốc – mà bám sát, thể hiện chân thực, theo từng thực thể nơi tác phẩm. Nói cách khác, mỗi Khúc Đoan Trường Hư Thanh là một trường đoạn phim giúp người đọc hình dung một cách tường tận hơn cho thỏa ý khát khao tưởng tượng của chính mình trước những chi tiết tự sự đã nêu một cách cô đọng ở Truyện Kiều nhiều điển tích hàn lâm… 

[C]. Nguyễn Du đã từng viết: “… Chi phấn hữu thần liên tử hậu / Văn chương vô mệnh lụy phần dư” (Son phấn có thần chôn vẫn hận / Văn chương không mệnh đốt còn vương). Thần phách ấy, từ nỗi lòng đau của cụ Tiên Điền 300 năm trước, nay đã có tấm lòng hậu thế gửi theo:

[V] MỘT NÉN HƯƠNG MUỘN

GỞI NGƯỜI NGHÌN XƯA

 

Nén tâm hương gởi người xưa

Nghìn thu một thoáng cũng vừa chiêm bao

 

Trong chiêm bao, ngỡ chiêm bao

Tưởng người về mộng lao xao gió vờn

 

Tâm tư suối mạch chảy dồn

Trầm hương (khói toả chập chờn) bay đi

 

Vần thơ (khép mở) huyền vi

Tân toan. Cay đắng. Hợp ly. Phân lìa

 

Tên người (đá tảng) khắc bia

Nghìn thu (ngọc sáng từng khuya) trang đời

Và một tấc lòng, người ngày nay, phù hư dật sĩ Võ Thạnh Văn, trân trọng gởi gắm và để lại ngàn sau: 

THỐN TÂM THIÊN CỔ
GỞI NGƯỜI NGHÌN SAU

[IX] Ai nghìn sau, có nghe chăng
Thốn tâm thiên cổ đời dằng dặc đưa
Người nghìn sau, đã thấu chưa
Nỗi niềm nghìn trước đong đưa giấc sầu
…..
Một nghìn sau. Vạn kiếp sau
Muôn sau, nghìn trước nhiệm mầu tri âm

Để nhận ra vì sao gọi là Hư Thanh? Phải chăng, rồi như tất cả chỉ là “BÓNG CON TIÊN HẠC CHẬP CHỜN TRỜI KHUYA

[X] Chiều nghiêng (ráng tía) Giang Hà

Chập chờn cánh hạc bay qua mộng trường

 

Nhưng dẫu trước bất cứ triết thuyết biến ảo nào, dẫu có là “Chập chờn cánh hạc bay qua mộng trường” thì riêng tư trong mỗi cảm nhận nơi người thưởng ngoạn, giữa thiên thu hí lộng muôn mặt nhân gian, phải chăng cuộc giao thoa tri tình giữa thần phách văn chương là có thật? Là như tác giả vẫn khẳng định mạnh mẽ: 

Một nghìn sau. Vạn kiếp sau
Muôn sau, nghìn trước nhiệm mầu tri âm

Cảm ứng của những tâm hồn đồng điệu đã thực sự vượt thời gian, từ 300 năm của Nguyễn Du, đến 3000 năm của Homère (một thi sĩ thiên tài, tác giả 2 thiên anh hùng ca Illiad và Odessy); và vượt cả không gian từ Hy Lạp đến Tiên Điền / Nghi Xuân,

(IV) Mượn điền dã, giữ cô trung

Hoang sơn dã lĩnh cội nguồn tâm can

 

Tiên Điền. Hồng Lĩnh. Nghi Xuân

Núi sông linh tú. Huân thần anh khoa

 

đến Viên Sơn (núi Tròn), Cẩm Thuỷ Khê (phụ lưu của sông Giang), Giang Hà (khúc sông Trà, chảy qua miền tây Sơn Tịnh, người dân nơi đó gọi là Sông Giang). Nguyễn Du tiền bối có 99 ngọn Hồng Lĩnh, thì hậu sinh Phù Hư Dật sĩ cũng lặn lội 12 năm quanh 100 đồi núi Vùng Bắc Vịnh / Đông Vịnh của miền bắc tiểu bang California để hoàn thành “Đọan Trường Hư Thanh.”

(X) Một đời (mộng ước) hanh hao

Viên Sơn. Cẩm Thuỷ. Rừng đào. Suối hoa

 

Chiều nghiêng (ráng tía) Giang Hà

Chập chờn cánh hạc bay qua mộng trường

 

*   *   *

Tóm lại, tác phẩm trường thiên thi “ĐOẠN TRƯỜNG HƯ THANH” đã thực sự khẳng định tài năng của một đại thần lực (đại bút lực) thi từ! Hơn 5000 câu lục bát đã ôm gọn thế giới chữ nghĩa – tâm thức – vẻ đẹp trong Hồn Bút, cái tinh hoa lồng lộng một cõi Chữ, một cõi Tình trong một Con Người điều hiện hữu thần kỳ cuối cùng còn giữ lại, còn sống mãi, đó chính là:  

Trước một kiệt tác văn học Đoạn Trường Cựu Thanh (TTTN), Đoạn Trường Tân Thanh (ND), khó ai đủ dũng lực để tiếp nối — May mắn đã có Đoạn Trường Vô Thanh của Phạm Thiên Thư – và giờ đây 500 Khúc Đoạn trường Hư Thanh của Phù Hư Dật Sĩ Võ Thạnh Văn tiếp nối truyền thừa để hợp thành tấu khúc đẹp đẽ hiếm hoi khó gặp lại của một giai thoại sáng tác Văn Học nước nhà… Phải chăng chính cái nhiệm mầu tri âm đã tạo nên những cuộc tao ngộ văn chương (vượt không gian và thời gian) để hoàn thành sứ mệnh tuyệt bích này? Phải chăng, giờ đây, câu hỏi “Bất tri tam bách dư niên hậu” đã có người “khấp Tố Như.” Phải chăng, giờ đây, hồn Tố Như đang mỉm cười nơi chín suối?!

Melbourne, July 2015.

(1) : Chưa post hết được, xin post lời giới thiệu của tiến sĩ Bùi Lê Dung. NL

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

%d người thích bài này: