Thạch Đại Lang: Xem lại bộ phim Mississippi Burning – Gốc rễ hận thù

Thạch Đại Lang: Xem lại bộ phim Mississippi Burning – Gốc rễ hận thù

 Poster phim “Mississippi Burning” 
(1988)

Mississippi Burning là tên một cuốn phim – với 2 tài tử chính Gene Hackman, Willem Dafoe – lấy từ mật danh của một cuộc điều tra của cơ quan Cảnh Sát Liên Bang FBI về một biến cố có thật xẩy ra ở Neshoba County, bang Mississippi năm 1964.
Tháng sáu năm 1964, khi Lyndon B. Johnson đang là Tổng Thống Mỹ, Robert Kennedy là Bộ Trưởng Tư Pháp, thượng viện Mỹ với đa số của đảng Dân Chủ thông qua đạo luật công nhận quyền bình đẳng trong bầu cử của người da đen – đạo luật này là một sự thay đổi sâu rộng, cực kỳ quan trọng trong hiến pháp cũng như lịch sử Mỹ.

Hai ngày sau, ba người hoạt động dân quyền – hai người da trắng Michael Schwerner, Andrew Goodman ở miền Bắc, một người da đen James Earl Chaney ở miền Nam – mất tích ở Neshoba County, Mississippi, một bang cực hữu, đỏ rực.

Dưới áp lực của Tổng Thống Lyndon B. Johnson (Dân Chủ) cũng như của Bộ Trưởng Tư Pháp Robert Kennedy, cơ quan điều tra liên bang FBI được lãnh đạo bởi J. Edgar Hoover – một giám đốc cương trực, khét tiếng cứng rắn với tội phạm, đã ra lệnh thực hiện cuộc điều tra rộng lớn, quy mô sau khi Thống Đốc bang Mississippi lạnh lùng tuyên bố rằng, ba nhà hoạt động dân quyền đã bỏ chạy sang Cuba – Giám đốc J. Edgar Hoover cũng là người đã ra lệnh bằng mọi cách diệt bằng được John Dillinger, kẻ cướp nhà băng số 1 nước Mỹ.

Dù không hề có thiện cảm với phong trào dân quyền cũng như gọi Martin Luther King Jr. là một người cộng sản giả dạng, J. Edgar Hoover vẫn cho tiến hành cuộc điều tra một cách quy mô, tận tâm. Khởi đầu, cuộc điều tra gặp khá nhiều khó khăn, trở ngại. Đó là sự bất hợp tác của cảnh sát địa phương, sự sợ hãi bị trả thù của người da đen sinh sống trong khu vực.

Với sự giúp đỡ của quân đội, lực lượng tìm kiếm lên tới hàng trăm người cùng các máy nạo, xúc, vét…sau nhiều ngày đào bới, lục soát khu đầm lầy nhưng không có kết quả. Nhờ một sự tình cờ, cảnh sát đã tìm được 3 thi thể nạn nhân được chôn dấu ở một nông trại hoang vắng. Ngoài ra FBI đã khéo léo bỏ ra 30.000$ để mua một nguồn tin dẫn đến việc tìm bắt được thủ phạm, gồm 7 người, trong đó có cả một phó cảnh sát quận.

Vụ án kết thúc, thủ phạm bị bắt giữ, bị kết tội âm mưu phá hoại, chống lại phong trào dân quyền. Tuy nhiên vì được xét xử tại địa phương, bang Mississippi với bồi thẩm đoàn toàn những người cực hữu, dù mang tội sát nhân nhưng không ai trong số 7 thủ phạm bị án tù quá 5 năm. Đó là chưa kể sau khi George Wallace, một kẻ cực hữu, ngay sau khi nhậm chức Thống đốc bang Mississippi đã ra lệnh ân xá 5 trong số 7 tội phạm. Hai người không được Wallace ân xá lại chính là những nhân chứng đã đứng ra tố cáo đồng phạm.

Cuộc điều tra của FBI, kết quả vụ án đã làm sôi sục tình hình đấu tranh chống lại sự kỳ thị chủng tộc trong thập niên 60. Hàng triệu người đã theo dõi vụ án trên báo chí, truyền hình…Ku-Klux-Klan, kẻ chủ mưu trong vụ sát nhân đã bị phơi bày trước mắt công luận nhiều tuần liên tiếp như là một tổ chức tội phạm hình sự điên cuồng.

Cuốn phim dựa vào vụ án có thật, nhưng đã được thêm bớt nhiều tình tiết cho hợp với khẩu vị khán giả, tuy nhiên nội dung nói lên được một điều – đối với tội ác được khéo léo che đậy, bảo vệ, đôi khi cũng cần có những biện pháp bất chính để tìm ra thủ phạm – thỏa mãn tâm lý tội ác cần bị trừng phạt.

Cái chết của Michael Schwerner, Andrew Goodman, James Earl Chaney, của Martin Luther King Jr. cũng như sự đấu tranh bền bỉ của người da đen Mỹ đã đạt được những thành quả đáng kể, sáng chói nhất là khi ông Barack Obama trở thành Tổng Thống da đen đầu tiên trong lịch sử gần 250 năm của Mỹ. 

Tuy nhiên, gốc rễ hận thù chủng tộc trên đất Mỹ rõ ràng chưa hề chấm dứt, vẫn âm ỉ, ngấm ngầm đó đây trong xã hội, môi trường giáo dục không riêng gì tại các tiểu bang miền Nam cực hữu mà ở khắp nơi. Hơn thế nữa ở một số tiểu bang đỏ, sự kỳ thị màu da, chủng tộc còn được các lãnh đạo chính trị âm thầm khuyến khích dưới nhiều hình thức. Những vụ hành hung, tấn công người Mỹ gốc Á ở California, New York…cho thấy làn sóng kỳ thị chủng tộc có thể bộc phát bất cứ lúc nào, từ phía người dân cũng như từ chính quyền sở tại. 

Dù sao cũng có một điều lạc quan, bên cạnh sự kỳ thị chủng tộc, màu da, xã hội Mỹ có không ít những tổ chức dân sự, những phong trào hoạt động mạnh mẽ như HRW (Human Right Watch), ACLU (American Civil Liberties Union)…kiên quyết chống lại sự kỳ thị, màu da, giới tính, gây chia rẽ, bất ổn xã hội.

Là người Việt sống trên nước Mỹ, chúng ta phải làm gì để tham gia, đóng góp vào cuộc chiến đấu chống lại sự kỳ thị, màu da chủng tộc hay chỉ biết viết bài, status…chỉ trích, chê bai, lên án những yếu kém, bất cập của xã hội, vẽ lên những hình ảnh ảm đạm, tăm tối của đất nước đã cưu mang, cho chúng ta một chỗ dung thân khi chạy trốn chế độ cộng sản Việt Nam?

*********

Tham khảo:

https://www.spiegel.de/kultur/tief-im-sueden-a-d6076cf1-0002-0001-0000-000013494903?context=issue

https://de.wikipedia.org/wiki/J._Edgar_Hoover

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

%d người thích bài này: