ĐÁM GIỖ – Truyện ngắn của Nguyễn Liệu 

ĐÁM GIỖ

Truyện ngắn của Nguyễn Liệu 

Cứ đến cuối mùa thu năm nào nhà ông Thiện cũng tổ chức một đám giỗ lớn. Hình như ông cúng lúc tờ mờ sáng vì khi trưa khách đến không thấy bàn thờ nhang đèn chỉ thấy một bàn tiệc linh đình . Ông Thiện có bút hiệu là Vãn Độ, thi sĩ Vãn Độ. Có người bảo ông nhớ đến làng chánh quán  mà ông đặt bút hiệu, vì làng ông cũng là một thắng cảnh ở quê nhà. Trừ vài người bà con còn đa số khách đến dự đều là bạn thơ với ông đều là thi sĩ. Thi sĩ Vãn Độ có chân trong các hội thơ lớn của người Việt hải ngoại. Vừa rồi tập thơ đầu tay của ông ra mắt rất thành công. Mười tám tờ báo Việt ngữ, các đài truyền thanh truyền hình Việt nam,  đều có bài phê bình ca ngợi tập thơ,  và đặc biệt là buổi ra mắt tập thơ tại thung lũng Hoa vàng, thành phố San Jose. Tập thơ của ông có thu âm vào các CD do các tài tử ở quê nhà thực hiện.  Mỗi tập thơ đều có kèm theo CD.

Tập thơ của ông với cái đề rất lãng mạn “ Tiếng Sáo Đêm Khuya”. Trong buổi ra mắt tập thơ ông nói xuất xứ của đề tài tập thơ. Trong thời học trò, đêm nào ông cũng thức đến 3 giờ sáng để nghe tiếng sáo réo rắc từ xa. Những kỷ niệm đó, tiếng sáo kỳ diệu trong đêm khuya đó,  ông không quên được, và nay nó là đề tài tập thơ, đứa con tinh thần quí báu của ông.

Đám giỗ năm nay đặc biệt ông tặng tập thơ cho những người đến dự. Khách đến dự có tới vài chục người. Ông Thiện, ngoài tài sính làm thơ,  ông còn là một tay tửu đồ có hạng. Ông thường nói trong đời binh nghiệp ông chưa gặp một đối thủ từu đồ nào đáng sợ. Ông đã chiến thắng vẻ vang trong các tiệc rượu lớn. Năm nay ngoài sáu mươi nhưng tửu lượng  chưa thấy giảm sút, ông thường tự hào như vậy.

Ông Thiện thích tổ chức tiệc tùng vì ông có nhiều bạn bè biết uống rượu, biết làm thơ. Ông có ngôi nhà lớn, có phòng ăn lớn,  và nhất là có khu vườn rộng trồng nhiều loại hoa nhiều cây ăn quả, đặc biệt một thủy tạ trên cái hồ rộng nước xanh biếc. Nơi ông uống rượu, ông tìm cảm hứng cho những vần thơ. Thêm vào đó một điều quan trọng,  là ông có người vợ nhan sắc rất lộng lẫy, vui tính, lịch thiệp,  và nấu ăn làm bánh vào hạng cao thủ.

Bạn bè thân của ông nhiều khi nói, anh có một kiệt tác hơn cả thi ca,  cần gì anh phải làm thơ nữa. Nhà thơ Vãn Độ cười một cách thỏa thích : “ Tuy vậy vẫn phải có thơ vì thơ là tiếng lòng mà”

Đến hiệp rượu thứ ba thì bắt đầu có ngôn ngữ của giới tửu đồ. Trừ khổ chủ, nhà thơ Vãn Độ, tất cả thực khách mặt đỏ như lên cơn sốt. Vãn Độ lệnh gọi người nhà đem thêm  rượu.  Trên bàn tiệc,  9 chai Whisky loại đắt giá, không còn một giọt. Vãn Độ vẫn bình thản như chưa uống một hớp nào, “ Rót đầy ly cạn, uống cạn ly đầy” nhà thơ vừa đọc vừa châm đầy các ly rượu của thực khách.

Có người đã lè nhè “ Rượu đâu, rót cho tui, ai không uống nổi… thì… đưa tui uống…giọt rượu là giọt máu…” Cả bàn tiệc bắt đầu ồn ào. Bỗng dưng người anh trong họ của Vãn Độ lên tiếng, sặc mùi rượu : “ Anh em cho tui nói, cho tui nói, tui nói,… không phải rượu nói,  tui có vấn đề tui nói trước, im lặng cho tui nói,” Cả bàn ồn ào mạnh ai nấy nói không còn phân biệt gì nữa. Vãn Độ cầm cái muỗng nhom gõ beng beng vào ly rượu,  nói lớn : “ Xin anh em im lặng, im lặng để cho đại ca tui có vài lời”.

Tất cả đều im lặng.  Người anh họ đứng dậy đưa cao ly rượu, “ Trăm phần trăm , trăm phần trăm, xong tôi mới nói”

–        Năm chục phần trăm, tui mệt rồi,  xin năm chục phần trăm

–         “ Không ! Tửu lệnh trăm phần trăm, chết bỏ,  uống !  dô ! dô ! dô !” Nguời anh họ ực một hơi cạn ly rượu. Mặt anh đỏ như gà trống đá.  Người nóng phừng phừng như ngồi bên lò lửa.  Ngồi xịu xuống ghế,  tay vẫn cầm ly cạn rượu,  bắt đầu lên tiếng:

–        “ Tôi buồn lắm… nay tôi mới nói, không nói thì buồn trong ruột… thì ức lắm. Mà không nói thì không được. Mà nói mới hả dạ. Mà chú em phải nghe tui nói cho hết ý của tui. Mà anh em nghe tui nói… có phải tui nói đúng không”.

–         “ Nói đi,  nói đi,  rồi tới tui nói”. Một người trong bàn lớn tiếng thúc dục.

Người anh họ lè nhè tiếp : “ Tui nói hết rồi,  tui bỏ…. tui không có ghiêm gút như người ta. Phải, không phải, tui nói thẳng vào mặt,  không thèm chơi trò bần tiện mướn người viết chưởi, ký tên ma đăng lên báo, hoặc làm thơ nặc danh nói xấu. Tui người quân tử chơi đẹp theo giới giang hồ. Chịu hông.”

–          “ Chịu chịu chịu, nói nhanh lên”. Cả bàn ồ ồ lên tiếng.

–        Chú Thiện, chú em của tui, chú khi người,  khi vợ chồng tui, khi gia đình tui

–        Khinh như thê nào nói đi, nói lớn lên cho anh em nghe.

Người anh họ cầm chai rượu rót đầy ly nốc một hơi cạn. Thân hình như co xụm lại,  tay run run,  anh tiếp tục : “ Chú cho tui tập thơ cái đề…tiếng sáo…. gì đó. Tôi đếm tới 124 bài thơ,  chú tặng… cho đủ thứ người,  đàn bà có,  đàn ông có,  người chết có, người sống có,  có người đề không tên mà cũng được tặng,  chỉ có tui,  thằng anh của chú, mà chú đéo tặng cho tui một bài, một câu cũng không có. Thế là nghĩa lý gì. Anh em xem thử thế là gì,  có phải khi tui quá hay không , nói đi,  nói đi.”

“ Ồ, Ồ,..”..Cả bàn nhôn nhao lớn tiếng. Trong khi người anh họ gục đầu trên bàn khóc.

Vãn Độ bối rối xúc động, đứng dậy, định phân bua thanh minh trước nỗi buồn giận của người anh họ, nhưng một ông bạn đập bàn lớn tiếng : “ Để tui nói, tất cả im lặng, để tui nói, tui cũng vậy, tui là người lên tận núi cao thăm nuôi anh Vãn Độ,  mà ảnh cũng không ngó ngàn gì đến thằng chó này, ảnh không thèm tặng cho tui một câu, không cần một bài. Đáng lẽ tui giận hôm nay tui không đến,  nhưng nghĩ lại tôi lại đến. Tôi buồn còn hơn ông anh buồn.”

Cả bàn tiệc im lặng hình như mọi người đang tìm ý để phê phán tập thơ này. Trong khi đó người vợ nhà thơ đem đến bàn tiệc  thêm một dĩa to,  đầy chả giò mới chiên thơm phức nóng hổi. Nhưng không ai đụng tới.  Họ tiếp tục nốc cạn ly. Một người kéo cái ghế thừa phía sau lên sát bàn tiệc mời : “ Kính mời chị, mời bà chủ ngồi, để cho chúng tôi thưa một chuyện”

–         “ Cho phép em đứng để hầu chuyện quí anh.” Người vợ duyên dáng vui vẻ từ chối ngồi.

Một người đứng lên lễ phép nói : “ Thưa chị nếu tôi có gì sai chị bỏ qua”

–         “ Dạ không dám. Mời anh có ý kiến”. người vợ nói trong tiếng cười.

–         “ Tôi có đọc kỹ tập thơ của anh, nhà chị,  tôi thấy tội nghiệp cho chị,  vì chị là người vợ hiền suốt cuộc đời lo cho chồng, lo cho con. Trong khi anh ở tù, chị là người có nhan sắc, người đẹp,  và lúc ấy còn rất trẻ, xin lỗi chị, mà chị không mang tiếng như một số người đẹp khác , chúng tôi rất kính trọng chị, nhưng ông thi sĩ nhà chị, nhà thơ Vãn Độ,  chỉ viết cho chị vẻn vẹn có bốn câu thơ gọi là tặng riêng cho chị. Tôi là bạn  anh Vãn Độ,  nhưng tôi rất bất bình điểm này.” Chị đưa cao tay như muốn trả lời, “ chị cho tui nói hết , trong khi đó,  tôi đếm không sai trong tập thơ 124 bài có đến trên hai chục bài tặng cho đàn bà con gái, đó là tui chưa kể những bài viết lơ lửng, tặng cho một người, tặng cho người không tên, tặng cho người không bao giờ quên v..v….Điều đó đủ nói lên nhà thơ Vãn Độ đã đối với chị như thế nào. Những người đàn bà khác, xin lỗi chị, được ân cần âu yếm tặng thơ,  là có phải là người tình,  người yêu hay không.”

–        Thưa quí anh,   thật tình em không biết đến thơ, và chồng em tuy ảnh viết và tặng lung tung như anh nói,  nhưng thật lòng chồng em lúc nào cũng thương quí em và các con em. Cảm ơn anh đã có ý kiến.”.  Nói xong chị đi vào trong nhà.

–        Lập, mầy nói như vậy là có ý gì. Mầy muốn phá nát gia đình tao hả, may vợ tao là người có hiểu biết có sự xét đoán, nếu như người đàn bà khác, thì sẽ ra sao.

–        “ Đúng đúng nó nó nó nói tầm bậy, rượu nói, chứ không phải nó nói. Tao đây mới hỏi thẳng mầy, tại sao hai tập thơ của tao đã xuất bản, mỗi tập tao có tặng cho mầy vài bài,  mà khi mầy in thơ lại quên tao nghĩa là sao, hay là mầy nghĩ thằng thi sĩ này không đáng đọc thơ của mầy.”

–        Không, anh Tâm,  anh thông cảm…

–        Thông cảm cái chó gì , mầy là thằng khinh người như ông anh mày nói là đúng

–        Anh nói gì tui cũng chịu nhưng nhân đây tui hỏi anh, có phải anh viết bài nói xấu tui đủ thứ xấu, ký tên giả rồi mướn báo in. Có vài người quả quyết là chính anh viết bài đó, có không, anh dám nhận sự thật không.

–        Tao thề có trời chứng giám tao không viết,  nếu tao viết tao ký tên thật,  không hèn nhát ký tên ma, có người nói chính thằng Vạn đây viết,  sẵn đây hỏi thử nó.

–        Ai nói vã miệng bỏ mẹ nó. Thằng này anh hùng chứ không bần tiện như vậy, hơn nữa tôi với anh Thiện ở như bát nước đầy,  không va chạm cái gì,  can chi mà phải làm việc tồi bại như vậy.

–        Thì ganh tị chứ gì, thấy người ta làm được mình không làm được đâm ra ghét rồi nói xấu, dẹp cái trò bận tiện đó đi,  thì mới ngồi uống rượu với nhau được, nếu không thì ra bến xe uống với bọn côn đồ.

–        Mầy nói ai côn đồ.

–        “ Tao nói mầy là côn đồ, làm gì tao.” Thục,  người lầm lì uống chứ không nói,  bây giờ mới nói. Anh đứng dậy tóc như dựng đứng,  mắt trừng trừng, tay bóp nát ly rượu,  máu chãy thành giòng trộn vào rượu đổ vãi xuống bàn. Ồn ào rối loạn, anh Năm Thìn, thi sĩ tập thơ Mây Buồn,  đứng dậy, bứt mạnh hàng nút áo, lồ lộ bộ ngực nở vồng đầy lông lá,  hét lớn : “ Đ. m. bọn ngụy quân tử, bữa nay tao giết hết rồi tao đi tù đéo sợ chó gì.”  Chụp tay Vãn  Độ bẻ trật ra sau mọi người vội vàng đứng dậy can ngăn, la ó.

–        Tại sao anh thô bạo như vậy, thi sĩ mà như bọn đá cá lăn dưa ngoài chợ” 

Vãn Độ nói lớn rồi đi vào nhà.

Nghe lớn tiếng ồn ào như có đánh lộn chị chủ nhà chạy ra năn nỉ “ Xin tất cả các anh bớt nóng xin các anh nể thương vợ chồng em bớt nóng. Mọi người im lặng kẻ đứng người ngồi,  người nào cũng loạng quạng say túy lúy. Chị bân bó bàn tay chảy máu của người khách bóp bể nát ly rượu. Từng người từng người chị dìu vào nhà nằm la liệt ở phòng khách,  ở hành lang.

“ Các anh nằm yên,  em đi nấu nước đậu xanh các anh uống giải rượu,  tỉnh hẳn không sao.

Đến gần khuya người khách chót ra về. Chị dọn dẹp bàn ghế,  làm vệ sinh nơi ói mửa và rửa hết chén dĩa . Công việc xong thì trời cũng vừa sáng.

Nguyễn Liệu

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

%d người thích bài này: