RÌNH BÁC SĨ – Truyện ngắn Nguyễn Liệu
RÌNH BÁC SĨ
Bỏ dở ly cà phê, Thanh đứng phắt dậy chạy qua đường gặp vợ :
“ Cái gì mà hớt hải dữ vậy ?”
-“ Về gấp thằng Thiên sốt quá nặng, nó mê sảng em sợ quá .” Hồng nói trong giọng nước mắt. Hai vợ chồng băng đường hẽm chạy gấp về nhà. Nói nhà nhưng thực ra đó là túp lều lợp lá dừa dựng sau nhà người em gái Thanh, ẩn núp dưới tàng cây trứng cá.
Thanh thường an ủi vợ tuy chỗ ở quá tồi tệ, nhưng nó che mắt được người đi đường vì ai ai cũng nghĩ đó là cái chuồng heo chứ không phải nơi cư trú của con người ở Sài Gòn. Thằng Thiên tuy gần mười tuổi nhưng nó ốm và lùn như đứa bé lên sáu, nằm thở pheo pheo trùm kín trong cái mền rách. Thanh hớt hải bảo:
“Đem gấp ra bác sĩ !” Hồng nước mắt chảy trên gò má ôm chầm đứa con cuốn trong cái mền đáp:
“ Bác sĩ Tích dặn hôm qua nếu nó nóng quá thì đem gấp vào bịnh viện đừng đem đến ông nữa vì chỉ có bịnh viện mới có phương tiện cứu chữa.”
Ra đến đường nhựa không thấy chiếc xe xit- lô nào, Thanh vãy tay gọi chiếc xe ba- gác đang dừng bên đường. Chiếc xe quành lại, Thanh vội vã như ra lệnh :
“ Em ôm nó lên ngồi nắm chặt thành xe anh đẩy phụ.”
Thằng nhỏ đạp xe ba gác chắc dưới hai mươi tuổi vẻ mặt non tong như cậu học trò trung học, nó ngỡ ngàng không hiểu gì hết, vì nó chưa gặp cảnh ấy bao giờ, nó chỉ nghe tiếng hét lớn : “ chạy !”, nó rướn người đạp xe lên dốc cầu chữ Y. Thanh hai tay bám vào yên xe đẩy mạnh và cho thằng nhỏ biết đi bịnh viện:
“Đạp nhanh nếu không con chú chết, nhanh lên !”. Tuy gần 9 giờ sáng nhưng đường vắng vẻ, toàn người đi xe đạp và đi bộ, không thấy một chiếc xe hơi nào và vì ngã ba ngã tư không có đèn đường, nên chiếc xe ba gác chạy như điên. Thanh và thằng nhỏ đạp xe thở hổn hển, áo ướt đẫm như dầm dưới nước. Đến cổng bịnh viện nhi đồng, xe vừa dừng Thanh vội bế con chạy thẳng vào một bên cổng chính, nói với vợ :
“ Em tính tiền rồi về anh vào phòng cấp cứu .”
Tiếng còi của những người gác cổng réo lên, mặc, Thanh chạy nhanh vào hành lang bịnh viện. Không có bản chỉ dẫn, không có bản trên các cửa ra vào các phòng, Thanh hai tay bợ đứa con cắm đầu chạy trong lòng khấn vái : “ Lạy Trời Phật Thánh Thần, lạy ông bà phù hộ cho con tôi được sống .” Một phòng lớn nghe tiếng nói ồn ào, Thanh ôm con chạy đại vào; “ Xin quí bà làm ơn cứu con tôi chỉ cho tôi phòng cấp cứu .”
Vào khoảng trên mười người đang ngồi nói chuyện gì không biết, cười đùa ồn ào. Bổng một bà có lẽ lớn tuổi hơn và chức vụ quan trọng hơn sầm nét mặt hét lớn :
“Ông làm gì, quấy rối à, phải tôn trọng nội qui trật tự chứ !”
Thanh vội vã thưa :
“ Dạ xin lỗi bà, con tôi nó gần chết nên tôi hoảng hốt xin bà tha thứ cho .”
Người đàn bà nghiêm nét mặt lên giọng :
“Đây không phải là nhà của ông, muốn làm gì thì làm , quen cái thói xô bồ của Mỹ ngụy. Ông vác cái bệnh truyền nhiểm chạy khắp nơi tai hại như thế nào có biết không, phải biết nếp sống vệ sinh và văn minh chứ, chúng tôi ngồi đây để phục vụ nhân dân chứ đâu phải ngồi đây tán dóc, anh ở quận nào, đã làm hồ sơ nhập viện chưa…” Thanh mong bà ngức câu, tức khắc chạy ra ngoài, nhưng bà không ngưng. Trong khi Thanh không biết phải làm cái gì cho bà câm miệng lại, một cô gái bước vào nói “ Bác qua bên trái vào đó là phòng cấp cứu.”.
Phòng cấp cứu là một phòng rộng đang có bốn đứa nhỏ nằm hấp hối trên bốn cái giường sắt có nệm trắng. Thằng Thiên được đặt vào giường thứ 5. Cô y tá nhỏ nhẹ nói : “Mời bác ra ngoài chờ bác sĩ sắp đến” Thanh bước ra cửa đứng ngoài hành lang dòm vào chiếc giường thứ 5. Anh lấy làm lạ tại sao còn có người nhỏ nhẹ và lễ độ như cô y tá đó. Anh hơi an tâm. Người y tá đo nhiệt độ đứa nhỏ bước ra ngoài hành lang hỏi tên ghi vào tấm bản treo nơi chân giường. Thanh thấy người y tá có vẻ dễ chịu đánh bạo hỏi :
“ Thưa cô có lẽ cô làm ở đây lâu năm “
– “ Dạ, trên mười năm, hồi còn chế độ cũ .” người y tá trả lời nho nhỏ vừa đủ nghe.
– “ Bác sĩ chế độ cũ còn nhiều không cô ?” Thanh hỏi với giọng hồi họp. Người y tá trẻ nở nụ cười thông cảm :
– “ Dạ còn nhưng không nhiều..” cô còn muốn nói thêm điều gì đó nhưng bác sĩ bước vào cô y tá vội vã vào phòng theo chân bác sĩ. Bác sĩ còn trẻ khó đoán biết cỡ tuổi, người mập trắng, đầu tóc hớt thấp chải cẩn thận, đeo cặp kiến trắng, người có vẻ chững chạc. Nhìn qua cửa sổ Thanh thấy từ giường số 1 rồi số 2 bác sĩ nói gì đó với y tá rồi đến giường số 5, giường Thiên nằm, bác sĩ để ống nghe lên ngực đứa bé, ngón tay giữa bàn tay trái đặt lên cổ tay đứa bé…Thanh hồi họp gần như nín thở theo dõi từng cử chỉ trên nét mặt của người thầy thuốc. Người y tá theo sau ghi lìa lịa vào cuốn sổ nhỏ. Cặp lông mày bác sĩ cong xuống làm cho cặp mắt to trở thành hẹp lại như cố theo dõi một triệu chứng gì trong người bịnh nhân. Thanh hốt hoảng, hai tay bám chặt vào thành cửa sổ như bất động. Người y tá cởi hết quần áo đứa bé, còn như một bộ xương nằm trên giường dưới chiếc quạt trần quay chầm chậm. Đứa bé mắt nhắm nghiền như một cái xác không hồn. Bác sĩ lấy cây viết trong tay cô y tá viết trên miếng giấy để dưới chân giường rồi vội vã ra nhanh. Theo sau bác sĩ hình như vài ba người sinh viên thực tập. Thanh định hỏi bác sĩ về bịnh của con nhưng không kịp. Không lâu sau đó, cô y tá đẩy cái xe vào thẳng giường số 5 chuyền nước biển đắp nước đá trên trán bịnh nhân. Nghe tiếng người quát tháo từ đầu dưới hành lang, Thanh vội lui ra ngoài vườn bịnh viện ngồi dưới bóng cây cổ thụ. Thanh hơi yên tâm vì thằng bé được chuyền nước biển được đắp nước đá trên đầu.
Qua ba tiếng đồng hồ bây giờ Thanh mới cảm thấy nhức mỏi nơi chân vì phải chạy bộ đẩy chiếc xe ba gác. Quấn điếu thuốc rê hút, Thanh cảm thấy yên tâm. Thanh ra tù được 5 tháng. Thường thường trong tù đến các ngày lễ lớn anh em tù nao nức hi vọng, rồi thất vọng, rồi lại hi vọng, vì không biết từ đâu anh em luôn luôn đồn đãi số người tù ngày mai được ân xá . Có khi lời đồn cũng đúng sự thật cho nên người nào cũng mong ước cũng hi vọng ngày mai có tên mình.Duy có Thanh chưa bao giờ được cái hồi họp trông đợi như anh em, vì biết mình khó được về, vì mình bị liệt vào loại tù có “ nợ máu”. Mỗi khi có tù về, thường thường anh em bỏ lại quần áo, thuốc Tây, có khi cả một cái mền còn tốt cho Thanh, vì anh em ai cũng nghĩ Thanh còn phải ở lâu lắm, và không có thăm nuôi tiếp tế. Nhưng Thanh được về, và thay vì về nơi quê quán ở miền Trung, anh về Sài gòn, vì anh muốn tránh sự khó khăn có thể xảy ra ở quê anh. Thế là từ đó Thanh sống một cuộc sống bất hợp pháp. Thanh giả dạng một người nông dân già lẩm cẩm, nghèo khổ, dốt nát. Tóc bạc râu dài, quần áo rách rưới, dơ dáy, nét mặt có vẻ đờ đẫn khù khờ. Quấn điếu thuốc rê bằng giấy báo, phì phà lượm thượm. Thế mà Thanh qua trót lọt các bóp gác của cảnh sát, các trạm soát giấy nghiêm nhặt. Có một lần đi lên cầu chữ Y mới biết cảnh sát đang xét giấy tờ từng người qua lại, một số thiếu giấy tờ tình nghi bị đứng qua một bên có người canh gác, Thanh bình thản, ngu ngơ, tay cầm điếu thuốc mới quấn, đến thẳng người cảnh sát, có lẽ là người trưởng toán : “ Cháu cho bác xin chút lửa .” Người cảnh sát giật mình, vội vã hai bàn tay đập vào túi áo túi quần như tìm không thấy máy lửa, liền nói : “ Bọn bay đứa nào có diêm cho ông già đốt thuốc bay .” Một người cảnh sát quẹt máy lửa, ông già phì phà hơi khói ung dung đi qua. Thanh mỉm cười, giả trẻ giả đẹp giả trí thức thì khó, chứ giả già, giả ngu ngơ dốt nát thì dễ. Thấy cô y tá đi qua có lẽ đi về vì đội chiếc nón lá vai mang cái xách, Thanh đuổi theo : “ Thưa cô ! thưa cô !” Người y tá dừng lại nhận ra ông già : “ Bác chưa về à ?” Thanh lễ độ : “ Dạ thưa cô chưa, dạ chừng nào bác sĩ đến khám cho cháu ?”
-“ Còn chờ kết quả thử máu mới biết có phải sốt xuất huyết hay không, bác sĩ có đến sớm lắm cũng phải khoảng 11 giờ khuya.” Cô y tá trả lời một cách ân cần rồi tiếp tục đi.
Thanh lẩm nhẩm “ 11 giờ khuya”. Trở lại gốc cây cổ thụ thì người em rể Thanh vừa đến :
“ Cháu ra sao anh, ở phòng nào, em đi từ dưới kia phòng nào cũng dòm nhưng không thấy”. Thanh đáp có vẻ mệt mỏi:
“ Phòng trước mặt đây, số mấy tôi không biết, đang thử máu chưa biết kết quả, lạy trời đừng sốt xuất huyết, sáng nay họ chuyền nước biển đắp nước đá, có lẽ nó sốt nhiều.” Thanh vừa nói vừa đến gốc cây cổ thụ, nơi ấy kín đáo ngồi hút thuốc không ai thấy. Người em rể hỏi tiếp : “Bác sĩ khám cháu bác sĩ tập kết về hay bác sĩ Sài Gòn ?” Thanh giật mình như biết người em rể của anh hiểu được điều lo lắng của anh từ sáng đến giờ, đáp với giọng không tự nhiên :
“ Tôi không biết, nhưng cô y tá cho biết sáng nay ông bác sĩ chế độ cũ còn lại, nhưng dượng nghĩ như thế nào mà hỏi vậy ?” Người em rể hơi bối rối :
“ Không không, em hỏi vu vơ vậy thôi.” Thanh ngắt lời : “ Không, dượng hỏi đúng, đúng cái điều tôi đang lo lắng, nhưng không biết làm sao, tôi phải hỏi ý kiến dượng :
“ Nếu không may ông bác sĩ tập kết về khám cho thằng nhỏ thì sao ?”
-“ Thì sao nghĩa là sao ? ý anh muốn hỏi mình có để cho ông ta khám không, có phải anh thắc mắc như vậy hả ?” người em rể hỏi lại chậm rãi một cách thận trọng.
– “Đúng, không phải thắc mắc mà chính là điều lo âu của tôi từ sáng đến giờ.”. Hai anh em im lặng. Thanh hít hơi thuốc thật dài rồi từ từ nhả, luồng khói trắng bay quyện vào gốc cây chậm chạp nặng nề như không muốn bay lên cao. Người em rể đầu cuối xuống, tay cầm chìa khoá xe vẽ vẽ viết viết những hình những chữ vô nghĩa dưới mặt đất như cố tìm một quyết định quan trọng. Bỗng Thanh lên tiếng:
“ Dượng à, trong suốt thời gian đi cải tạo, anh em nói nhiều rất nhiều về bác sĩ Việt cộng tôi không tin, nghĩ rằng vì căm hận cộng sản nên cái gì xấu đều trút lên đầu cộng sản. Họ nói đủ thứ, nào bác sĩ đọc tên thuốc bằng tiếng Pháp, tiếng Anh không được, thậm chí cho toa viết chữ Aspirin họ viết không được, họ nói đủ thứ tệ nữa tôi thật tình không muốn nghe. Mãi cho đến khi tôi đọc bài báo của bác sĩ Tôn thất Tùng, viết đề nghị bác sĩ học các trường trong nước vì chiến tranh nên học rất thiếu, bây giờ phải học lại một số vấn đề, và người nào không học lại, hoặc học lại mà thi rớt, thì không được hành nghề…Và có một lúc tôi ở chung phòng với đám tù chung thân, trong đó có một cán bộ ngoài Bắc tập kết về nhưng bị kết án tử hình, sau đó vì xét có công với cách mạng trong suốt ba mươi năm, nên ân giảm còn chung thân khổ sai, vì anh ta giết một đứa nhỏ cướp chiếc xe Honda hai bánh, anh ta cho biết bác sĩ ngoài Bắc kém lắm, nhiều khi chỉ là y tá nhưng nhờ đảng giới thiệu có thể được vào trường thuốc học bác sĩ, do đó họ làm bậy chết chóc nhiều lắm, nhưng không ai dám khiếu nại. Tôi hỏi nghe nói lấy gan tim của người chết dầm rượu uống, có không. Anh ta bảo, dầm rượu thì có từ lâu, nhưng người ta còn đem nhúng tái trong nước sôi, rồi nhậu với loại đế cắt hớt 90 chữ thì tuyệt, vừa bổ vừa khoái khẩu, nhưng không dễ gì có, vì thân nhân họ canh người hấp hối còn hơn canh tù. Bác sĩ vừa nói “ không xong, chết rồi .” thì thân nhân không kịp khóc, chụp xác chết vác chạy ra khỏi bịnh viện ngay, không kịp chờ có giấy xuất viện. Chỉ có bịnh nhân nào tứ cố vô thân, không anh em, không bà con thân thích, không bạn bè, hoặc có mà đến trễ, thì bộ lòng người bịnh nhân vừa tắt thở biến mất dạng. Nói thật với dượng, vì nghe người bạn tù kể lại, nhất là bài báo của ông bác sĩ Tùng, làm cho tôi từ sáng giờ lo lắng quá, không biết phải tính như thế nào đây !”.
Nguời em rể lên tiếng :
“ Anh Tám, vì Thanh người con thứ tám nên anh em bạn thường gọi là anh Tám, em nói dại miệng anh đừng la, em không sợ bác sĩ tập kết chữa bịnh, anh đừng lo, vì bịnh viện không có thuốc, nhất là cháu không phải con một ông lớn thì được bình nước biển là may lắm rồi, không bao giờ cháu được cho thuốc đâu mà anh sợ trúng thuốc trật thuốc, em chỉ sợ nếu cháu nó… có điều nào… mà cơ thể không toàn vẹn, thì tội cho nó lắm, và xót xa cho bọn mình lắm…”Người em rể nghẹn lời, mặt cúi gầm xuống đất. Một cái gì nghèn nghẹn trong cổ Thanh, vài giọt nước mắt rơi lên má, cắn chặt môi dưới Thanh nói với vẻ quyết liệt như thách đố:
“ Dượng đừng lo, tôi thức suốt đêm ở đây, tôi chăm chú canh chừng, nếu bác sĩ tập kết bước vào định cho nó uống thuốc hay chích thuốc, tôi sẽ nhào vào ngăn cản ngay, họ hành hung tôi không sợ “ đã cùi rồi sợ gì ghẻ”. Nếu con tôi xấu số họ ra tay làm bậy, tôi sẽ ra tay trước, tôi thí mạng với họ để tôi bảo toàn xác chết thằng bé. Dượng tin đi, tôi thừa sức triệt hạ bọn chúng.”
Hít hơi thuốc thật dài, cảm thấy hơi nhẹ người, Thanh hỏi :
“ Nhưng mà làm sao biết họ là bác sĩ tập kết ? họ có đeo bảng đeo cờ gì không ?” Người em rể cười vì câu hỏi ngộ nghĩnh nhưng khó trả lời của Thanh:
“ Em đã vào bịnh viện nhiều lần, thăm đau, thăm chết, thăm đẻ …nên em biết …nhưng mà tự nhiên anh nhìn là biết ngay đó là bác sĩ tập kết hay bác sĩ ở Sài Gòn. Trực giác cho anh biết liền. Thường thường bác sĩ Việt cộng ốm thó, hai gò má cóp gần sát với nhau, thỉnh thoảng có anh tra răng vàng, tóc hớt cao và như luôn luôn mới hớt, hay mặc chemise cụt tay màu trắng, đeo đồng hồ giây bằng vàng chói sáng, trên túi áo chemise lúc nào cũng dắt ít nhất ba cây viết Bic màu xanh đỏ, ép chặt với cuốn sổ tay dày cộm làm cho thân áo trước sệ mạnh về phía trước,… À, chemise thường bỏ ra ngoài không bỏ trong quần, đi giép đế xe hơi gọi là giép bác Hồ, cái bao kiến bằng da thường đánh bóng đeo vào dây nịt bên hông như một bảo vật hiếm có, còn một điều quan trọng nữa, vẻ mặt lúc nào cũng khinh khỉnh làm ra như như một nhà bác học uyên thâm .Gương mặt nghiêm nghị khắc khổ không có nụ cười và rất ít nói. Nói tóm lại, anh nhìn là anh biết liền, đàn bà ở tỉnh lên mà họ nhìn còn phân biệt được huống chi anh.”. Thanh nghe người em rể mô tả ông bác sĩ ngoài Bắc hay hay, cảm thấy bớt bực bội, anh cười nói:
“Dượng nói vậy mà sao hồi trong tù, có đoàn bác sĩ và toán nữ sinh y khoa thực tập bịnh viện Bạch Mai ở ngoài Bắc vào, chích ngừa cho bọn tui, bọn nó ăn nói dễ thương lắm nhất là các cô gái Bắc không khác gì ở Sài Gòn, chẳng những không hận thù gì chúng tôi mà còn có cảm tình nữa là khác.” Người em rể cười:
“ Anh nói lạ chưa, vì bọn nó còn con nít, nghe được đi công tác miền Nam mừng bỏ mẹ, nghe đám sĩ quan ngụy thích bỏ cha, chứ có đâu như mấy anh bác sĩ già cà chớn !” Thanh đứng dậy nói với người em rể :
“ Thôi, dượng về để nhà trông, ngày mai nếu cháu nó bớt sốt và không phải sốt xuất huyết thì tôi đem đại nó về.”
-“ Sao được, an ninh ngoài cổng nó chận ngay nhất là anh không có giấy ra viện, nếu anh có ‘ bao ba con 5’ thì may ra nó cho về.”
-“ Không, tôi đi ngõ tắt , khi trưa tôi thấy cô y tá đi qua chỗ cây trứng cá kia ( Thanh đưa tay chỉ), tôi sẽ ôm thằng nhỏ ra hướng đó, hay là sáng mai độ mười giờ mười rưởi gì đó, dượng để Honda bên kia rào chỗ đó, tôi cặp thằng bé qua đó, dượng rồ ga, thế là xong.” Người em rể trước khi về hỏi :
“ Sáng giờ anh ăn gì chưa ?”
-“ Chưa ăn gì nhưng không sao, tôi quen chịu đói mà, mấy năm trong tù đứng cũng đói, đi cũng đói, ngồi cũng đói, nằm càng đói, làm việc cũng đói, ở không cũng đói, chưa ăn thì đói, ăn xong càng đói” Người em rể vét hết các túi áo quần còn đúng 4 đồng đưa cho Thanh :
“ Anh xuống câu lạc bộ góc đằng kia mua cơm ăn đỡ để có sức thức khuya rình bác sĩ chứ”.
Tuy gần giờ ăn tối mà câu lạc bộ vẫn vắng vẻ. Thanh vừa bước vào nghe giọng nói the thé của người đàn bà có lẽ người chủ quán in hệt như giọng la rầy buổi sáng khi anh bế con chạy thẳng vào phòng:
“ Vào làm gì mà sớm quá, chưa ai ăn mà vào làm gì, có mắt mà không thấy à .” Ngạc nhiên trong giây phút đầu, nhưng liền đó Thanh hiểu hết, và anh lấy làm lạ sao chỗ nào cũng hất hủi anh. Thanh vẫn đi, thẳng đến người con gái đang đứng ở quày hàng :
“ Cô bán cho tôi ít đồng bạc cơm !”
Người con gái lặng lẽ đưa bàn tay ra nhận mấy tờ giấy bạc rồi bước vào phía sau.
“ Cơm đây chú, chan nước tương đừng cho bà chủ thấy, ngồi ở bàn đó ăn” Thanh đở lấy tô cơm mấy tờ bạc kín đáo nằm gọn trên lòng bàn tay anh, người con gái đi vội vào trong. Thanh ngơ ngác, ngồi đại nơi cái bàn gần nhất, xúc động, anh không cần nước tương, vớ cái muỗng trong ống đũa trên bàn, ngấu nghiến trong vài ba phút, rồi đứng dậy đi ra. Trong quày hàng chỉ có mình bà chủ nói gì đó với người khách đang trả tiền. Trời nhá nhem tối, những ánh điện vàng yếu ớt như để vừa đủ báo hiệu một ngày chấm dứt. Thanh châm điếu thuốc, lững thững về gốc cây cổ thụ. Bây giờ trên hành lang tối thui thui, chỗ nào mở cửa ánh sáng lọt ra ngoài, hình như có người nằm ở đó chắc là thân nhân của người bịnh. Thanh thấy đỡ trống trải và lát nữa anh sẽ nhập cùng bọn họ.
Trời ban đêm như thấp lại, mù mịt không có một vì sao. Dựa lưng vào gốc cây, phì phà điếu thuốc, chuông đồng hồ bịnh viện gõ 8 tiếng, Thanh nghĩ còn phải ba giờ nữa mới biết bác sĩ nào. Bài báo của bác sĩ Tùng cứ ám ảnh Thanh, càng xua đuổi càng hiện ra rõ rệt….các bác sĩ trong giai đoạn đó đều phải học lại…Về khuya trời hơi lạnh, Thanh vào hành lang nhưng chĩ ngồi ở bậc cấp lên xuống để dễ hút thuốc. Tiếng ngáy đều đều của một số người nằm ở đó làm cho cảnh đêm càng tịch mịch buồn thảm. Đồng hồ điểm 11 giờ vẫn không thấy gì hết.
Nhìn xuống câu lạc bộ tối om om, Thanh nghĩ đến con bé bán cơm khi chiều, có lẽ con bé từ thiện này thường hay giúp đỡ những thân nhân bịnh nhân tá túc chung quanh đây, làm việc thiện mà phải lén lút …Thanh buồn buồn : “ Cuộc đời con bé sẽ cô đơn !” Chuông đồng hồ điểm một tiếng khàn khàn cộc lốc làm cho Thanh trở về thực tại : “ Hay là đêm nay không có bác sĩ ?” Thanh vừa nói thì đằng xa ánh đèn pin chớp chớp báo hiệu có người đang đi. Nhìn kỹ hình như ba bốn người đang đi chầm chậm, họ vào phòng một lúc, rồi ra đi, rồi lại vào phòng, cứ thế khá lâu mới đến gần chỗ Thanh ngồi. Tắt điếu thuốc bước lên hành lang ngồi trong đám người đang thản nhiên ngáy, tim đập mạnh : “ Bác sĩ đến!”Thanh hồi họp muốn kêu người nằm bên cạnh thức dậy, nhưng anh lại thôi. Bốn người từ phòng bên cạnh bước ra Thanh súyt la to : ‘ Trời ơi !, bác sĩ tập kết !”. Ánh đèn pin tuy mờ mờ nhưng gần quá Thanh thấy rõ y như những điều người em rể mô tả hôm qua chỉ có khác là chiếc áo blouse trắng che khuất phần trên thân thể, và đôi sandal chứ không giép đế xe hơi. Điện trong phòng được bật sáng lên càng thấy rõ, con người gần sáu mươi ốm như cây sậy, hai gò má nhô cao làm cho cái mặt như làm toàn bằng xương, cặp mắt lờ đờ ngái ngủ. Ba người nhìn lướt giường số 1, nhanh qua các giường kế tiếp, đến giừơng thứ 5 dừng lại. Thanh nhớm người nín thở mắt trừng trừng dán vào người bác sĩ. Đo áp xuất máu, đặt ống nghe lên ngực thằng bé đang nằm bất động. Bác sĩ cầm cái bảng dưới chân giường bịnh nhân đưa lên tầm mắt đọc, đọc kỹ quá, rồi đặt cái bảng vào chỗ cũ. Như một khúc phim câm không lời, bác sĩ vớ cái bảng lần nữa đưa lên đọc ra chiều suy nghĩ, rồi chầm chậm, cẩn thận, đặt cái bảng vào chỗ cũ. Bốn người bước ra sang phòng khác, không nói một lời…
Nguyễn Liệu