Nhất Linh: Giòng sông Thanh Thủy

Nhất Linh: Giòng sông Thanh Thủy

CHƯƠNG TÁM

Nam tiễn ba người ra tận Cổng Đông để lên đường về Ma-Lì-Pố. Lúc ba người qua, cái cầu đá còn hơi ngập nước. Nam dừng lại, đợi ba người sang bên kia cầu rồi giơ tay vẫy:

“Hẹn các anh hai tháng sau và chúc mọi việc may mắn. Cà-phê nước cốt của tôi đặc lắm, đợi khi thật khát hãy uống, còn dọc đường không thiếu gì hàng quán. Có cả rượu ngon, anh Tứ đừng uống say quá sợ đi không nổi hay là mê cô hàng rượu nào đó ở lại thì hỏng việc đấy. Thôi chào các anh đi.”

Nam quay trở lại và tiếp tục đời sống nữ y tá và cô đỡ. Nàng tin Ngọc sẽ thành công và chắc chỉ độ vài ba ngày nữa Ngọc sẽ trở về Văn Sơn. Lúc đó nàng sẽ đánh điện về Mông Tự và giữ Ngọc ở lại Văn Sơn dăm ba ngày. Lòng nàng tự nhiên thấy yêu đời và vui vẻ.
Đường còn trơn nên rất khó đi. Có lắm chỗ sũng nước hay lầy lội quá, đi có khi ngập bùn tới đầu gối, nên Ngọc phải cõng Tứ và Nghệ qua.


Ngọc cố ý chọn con đường thấp vì con đường lên cao có nhiều phong cảnh đẹp chàng để dành khi nào được cùng đi với Thanh. Vì con đường thấp cứ xuống dốc mãi mà trời lại nắng to nên Tứ cứ đòi cho được cái bi-đông nước cốt cà-phê Nam đã pha. Ngọc nói:

“Anh không nhớ lời chị Nam dặn à. Lát nữa đến một cái suối trong anh tha hồ uống. Từ Văn Sơn về nước không có chỗ nào bán cà-phê nữa.”

Tứ nói:

“Cà-phê để lâu sợ hỏng.”

Ngọc đáp:

“Cái đó anh không lo. Lần nào tôi qua Văn Sơn chị Nam cũng pha nước cốt, cho thật nhiều đường, để lâu ngày uống vẫn ngon như thường.”

Mọi người đã khô cả cổ lại sắp lên một cái đèo cao, đường lên dốc độ nửa cây số và không có bóng cây nào. Lên khỏi cái dốc, Tứ lại đòi uống cà-phê. Ngọc giữ chặt lấy cái bi-đông đeo ở dây lưng, bảo Nghệ:

“Xuống hết đèo này có chỗ suối trong, anh khuyên anh Tứ chịu khó gắng đợi. Các anh có biết cái đèo này là cái đèo gì không? Đèo này gọi là đèo ông Tháo.”

Rồi Ngọc giải thích:

“Đồng chí Tháo người đã nhiều tuổi lại yếu vẫn hay đi công tác ở biên giới. Anh Tháo phải bẻ cành cây làm gậy vừa chống vừa đi. Lên tới đỉnh đèo, anh Tháo bỏ gậy xuống rồi chắp tay vái cái dốc này mấy vái, miệng lẩm bẩm: ‘Trời phù hộ cho tôi không phải lên dốc này một lần thứ hai nữa’. Anh em đồng hành vì thấy cử chỉ của anh Tháo như vậy nên mới đặt tên đèo này là ‘đèo ông Tháo’ hay ‘dốc ông Tháo’.”

Đến ngay Nghệ cũng phải tỏ ý:

“Trong đời tôi, tôi cũng chưa từng trèo một cái dốc dựng ngược như thế này, mà lại dài đến nửa cây số.”

Lên tới đỉnh ba người lại phải xuống đèo, đường dốc hơn và ngắn nhưng vẫn không có một bóng cây nào. Tứ không xuống đèo quen sợ ngã nên lắm chỗ phải ngồi bệt xuống nắm từng ngọn cỏ hay gốc cây nhỏ lê dần xuống.

Tới chân đèo quả nhiên có một lạch suối chẩy bên mặt bãi cát rộng. Nước khá trong. Tứ vục mặt xuống dòng suối uống sùm sụp, lúc ngửng lên nước chẩy cả xuống cằm. Chàng nói:

“Nước suối này ngọt mát quá.”
Rồi chàng lấy hai tay vốc nước rửa mặt, vỗ lên trán hói, miệng cười hì hì có vẻ khoái trá lắm.

“Hay ta tắm một cái.”

Ngọc can:

“Đương đi nắng tắm ngay cảm chết. Để tôi đưa các anh vào một chỗ gần đây có bóng mát, các anh nằm nghỉ một lát đã rồi có tắm hãy tắm.”

Quả nhiên đi một quãng tới một bụi cây xoè tán, bóng râm rợp cả một vùng cỏ phẳng. Ba người tháo túi vải ở trên vai ra làm gối rồi ngả lưng nằm nghỉ. Ngọc ngẫm nghĩ:

“Chỗ này đã ra tay được chưa?”

Sau chàng thấy chỉ có một chùm cây không đủ kín đáo và ở xa xa vẫn có bóng người làm ruộng. Tâm trí chàng lại nghĩ đến Thanh, có lẽ lần sau cùng Thanh đi, chàng cũng đi theo con đường thấp này cho Thanh trèo thử ‘đèo ông Tháo’. Má nàng chắc sẽ đỏ hồng lên vì nắng như quả lựu ở vườn nàng: chàng sẽ rủ Thanh đến dưới chùm cây mát này, cùng nằm bên nhau trò chuyện. Chắc Thanh không dám tắm trước mặt mình nhưng thế nào nàng chẳng vén quần ngâm chân vào nước suối mát. Hai người sẽ ngồi cạnh nhau trên những tảng đá kia, cùng lấy chân nghịch khoắng nước chẩy trên lòng cát trắng. Chàng rút thuốc lá đưa mời Tứ và Nghệ; chàng cũng hút và ngửng nhìn làn khói nhẹ đưa lên cành lá rồi tan vào các khe trời xanh biếc, ngẫm nghĩ:

“Còn thích bằng mấy ngồi ở gác nhà Thanh nhìn ngắm hoa lựu nở. Và Thanh chắc cũng cảm thấy đúng như mình.”

Ngọc mỉm cười, quên cả Tứ và Nghệ nằm bên cạnh. Lúc đó chàng mới nhận rõ lòng mình đã yêu Thanh từ lâu mà không tự biết. Nếu Thanh quả là cán bộ Việt Minh như Ninh nói, và Thanh có bỏ thuốc độc vào cà-phê bảo chàng uống, chàng cũng sẽ uống ngay, sung sướng mà uống thuốc độc của con người tàn ác muốn giết chàng; chàng thấy trước vẻ mắt cuối cùng trong đời là vẻ mắt chàng âu yếm nhìn người đã giết chàng, và hình ảnh cuối cùng trong đời chàng là hình ảnh một thiếu phụ tàn ác mà chàng đã yêu và càng yêu vì thế. Thuý đối với chàng bây giờ là một người xa lắc xa lơ, nằm trong lòng đất lạnh, chàng vẫn yêu nhưng yêu bằng một thứ tình khác. Còn Phương? Phương đẹp thì có đẹp nhưng Phương tầm thường lạt lẽo; có lẽ nếu chàng định lập gia đình thì chàng sẽ lấy Phương làm vợ, sống một cuộc đời hiền lành yên ổn. Bây giờ trong cuộc đời cách mệnh vất vả, đầy nguy hiểm chàng thấy cần một thứ tình khác thường oái oăm; đôi mắt đen sắc sảo và tâm hồn bí ẩn của Thanh tuy chàng hơi rờn rợn sợ nhưng có một sức mạnh quyến rũ lạ lùng khiến chàng mê đắm.

Ngọc để mặc Tứ và Nghệ ra suối tắm, chàng vẫn nằm yên hút thuốc lá. Thỉnh thoảng chàng lại lắc đầu không ngờ mình đã yêu Thanh đến như vậy. Còn Thanh có yêu lại chàng không, điều đó chàng không hề nghĩ tới, vì chàng cho việc khó nhất là lòng mình yêu tha thiết; người khác yêu mình mà mình không yêu lại thì chỉ là một cái tội nợ.

Tứ và Nghệ tắm xong đã cho túi lên vai và đứng chờ Ngọc. Tứ nói:

“Ngọc ‘châu chấu’ mà cũng mệt à? Sao anh bảo phải đi gấp sợ tối chưa tới được quán ngủ trọ.”

Ngọc đứng dậy, quàng túi lên vai, nói:

“Tôi đi trước các anh cố mà theo.”

Chàng đi mau quá nên Tứ và Nghệ theo không kịp.

Độ một giờ trưa, khỏi một hàng rào tre thì tới Sin-Chang. Ngọc đưa Tứ và Nghệ vào một quán ăn có hai cô người Thổ rất xinh và đều chưa có chồng. Hai cô thấy Ngọc tới thì hỏi bằng tiếng Việt:

“Anh Ngọc, lâu lắm mới lại gặp anh.”

Ngọc nói:

“Tôi giới thiệu với cô hai ông bạn quý.”

Chàng nhìn cô lớn và đẹp hơn, tiếp theo:

“Nhà có rượu ngon không? Cô cho ít đồ nhắm. Phải tự tay cô làm mới vừa lòng hai ông bạn quý của tôi.”

Cô đon đả mời ba người ngồi vào cái bàn sang nhất. Nàng nhìn ba người đều mặc quần áo nhà binh Tàu, đội mũ Tàu nhưng không có phù hiệu rồi mỉm cười nói tiếng quan hoả:

“Chuân pu sư chuân, mỉnh pu sư mỉnh, sư an nan cơ mỉnh.” [1]

Rồi nàng nói tiếp bằng tiếng Việt:

“Cầu mong cách mệnh Việt Nam thành công, để tôi chóng được về Việt Nam. Quê tôi ở Thanh Thuỷ.”

Nàng cười tình rồi đem rượu ra:

“Đối với các anh em, phải tính giá thật rẻ hay không lấy tiền cũng được, nếu các anh bằng lòng.”

Có đồ nhắm ngon, rượu hảo hạng Tứ mềm môi uống mãi. Chàng say quá, nói đùa bỡn lả lơi với hai cô Thổ, rồi cứ đòi nằm lăn ra phản làm một giấc ngủ trưa. Ngọc phải kéo dậy:

“Anh phải đi cho sớm, kẻo chiều không kịp đến trạm ngủ hôm nay. Đêm không có trăng, tôi cũng chịu không mò được đường. Anh phải ngủ rừng, trời lạnh, cọp tha hay thổ phỉ đến, tôi không chịu trách nhiệm nữa. Anh Nghệ…”

Nghệ đến giúp sức Ngọc kéo Tứ dậy rồi hai người, mỗi người một bên, vực Tứ đi cho khỏi ngã.

Hơn năm giờ chiều, qua một cái cầu đá rồi đến làng Chong-Sin-Kiều.

“Đêm ta ngủ ở đây. Hơi phiền là phải nằm ổ rơm, nhiều bọ chó lắm.”

Trong khi đợi cơm, Ngọc rủ riêng Tứ đi thăm làng. Chàng đưa Tứ xuống một cái suối ở chân làng có rất nhiều tảng đá rất bằng phẳng. Chàng bảo Tứ, giọng thân mật:

“Tôi chưa có vợ. Mà con gái ở Vân Nam đều ‘ôi’ cả. Khi nào cách mệnh thành công, nhờ anh làm mối cho một người. Quê anh ở đâu?”

Tứ đáp:

“Tôi quê vùng xuôi nhưng thầy tôi lên buôn bán ở Tuyên Quang đến bẩy tám năm rồi.”

“Nhà anh vẫn ở Tuyên Quang chứ? Anh đã lập gia đình chưa?”

Tứ lấy cái kính cận thị ra lau rồi chậm rãi nói:

“Nhà tôi hiện giờ ở Tuyên Quang.”

Muốn cho Tứ không ngượng giãi bày tâm sự riêng với mình nên Ngọc đem chuyện đời mình kể ra trước.

“Tôi có yêu một người con gái ở làng bên cạnh, sau cô ấy chết nên tôi buồn, bỏ đi Vân Nam gia nhập cách mệnh. Đến bây giờ đã gần ba năm, cỏ trên mồ Thuý – tên cô gái tôi yêu – chắc bây giờ đã lên xanh um. Tôi cũng muốn được như anh về nước thăm lại mộ Thuý, thăm chị tôi, nhưng anh Ninh không cho. Anh thật là may. Chuyến này về chắc thế nào chẳng ghé qua nhà thăm chị ấy. Anh xa chị đã mấy năm rồi?”

Tứ nuốt nước bọt, yết hầu lại đưa lên đưa xuống. Ngọc biết là Tứ cảm động lắm. Tứ nói:

“Tôi xa nhà cũng gần ba năm như chú. Gọi chú là chú tiện hơn. Tôi có hai đứa bé chúng nó kháu lắm. Khi nào chú được anh Ninh phái về, chú lại thăm hai cháu; để hôm nào tôi viết địa chỉ và mấy lời giới thiệu.”

Trời đã sâm sẩm tối hai người mới trở về quán trọ. Nhà trọ lợp tranh và thấp có trải hai cái ổ rơm trên phủ chiếu. Nghệ ngồi ở trên cái bàn thấp có bầy sẵn đồ ăn và đọc sách dười ánh đèn dầu lù mù.

“Hai anh đi đâu mà về muộn thế?”

“Chúng tôi ra suối chơi. Có những hòn đá phẳng ngồi quên cả về.”

Chủ hàng đem rượu lên. Ngọc cũng cố uống để tiếp Tứ vì Nghệ không uống rượu. Lúc đi ngủ Ngọc nằm chung một chiếu với Tứ, để dành riêng cho Nghệ một chiếu. Ngọc bảo Nghệ:

“Anh nằm riêng tha hồ ngáy. Ở Văn Sơn em đã nhiều lúc không ngủ được vì anh ngáy to quá.”

Lần đầu tiên Ngọc xưng em với Nghệ. Chàng tiếp theo:

“Em đã say rồi đi ngủ đây mai phải dậy sớm đi Ma-Lì-Pố cho khoẻ.”

Ba giờ sáng, Ngọc thức giấc và nghe tiếng Nghệ ngáy đều đều. Thấy Tứ cựa quậy người, chàng hỏi nhỏ:

“Anh thức đấy à? Để em ra bàn lấy nước anh xơi cho đỡ khát.”

Hai người vừa uống nước vừa thỏ thẻ nói chuyện. Ngọc khơi trước:

“Mỗi lúc đang đêm sực tỉnh em lại nhớ đến Thuý. Mối tình đầu có khác. Em nhớ có ai đọc cho nghe câu thơ mà em thấy hợp cảnh em lắm: ‘Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy. Ngàn năm chưa dễ đã ai quên’”.

Tứ nói ngay:

“Tôi biết câu ấy từ lâu, đấy là câu thơ để ở đầu cuốn Đôi bạn của Nhất Linh. Tôi lấy nhà tôi cũng là do một mối tình đầu, mỗi ngày một đằm thắm. Xa cách mấy năm, về nước tôi chỉ ao ước được về qua nhà một bận. Lâu năm chắc chẳng có mật thám nào để ý canh chừng nhà tôi nữa. Này chú, cái bi-đông cốc cà-phê đâu, lấy ra mỗi người làm một tợp.”

Ngọc nói:

“Tôi cũng muốn uống lắm nhưng phải để dành đến chỗ nào nắng mà không có nước hãy hay.”

Tứ lại kể chuyện vợ mình cho Ngọc nghe. Ngọc tỏ ý thương hại mối tình đầu đằm thắm của vợ chồng Tứ:

“Đi đường này thế nào anh chẳng về qua Bắc Giang, rồi xuống Tuyên Quang. Chị nhà tha hồ mừng. Còn em có về được cũng chỉ thấy cái mồ cò xanh, còn người cũ thì…”

Ngọc để tay lên ngực mình, chỗ quả tim.

“Người quê cũ chỉ còn ở trong lòng em mà thôi.”

“Tình cảnh chú đáng buồn hơn tôi nhiều. Khi thành công rồi tôi sẽ làm mối chú lấy người em gái của nhà tôi năm nay cũng vào trạc tuổi chú. Người rất ngoan và đẹp có tiếng ở Tuyên Quang.”

“Cảm ơn anh.”

Ngọc ghé vào tai Tứ nói rất nhỏ:

“Hai tháng nữa anh ra, em sẽ giới thiệu anh với Thanh ở Mông Tự. Cô ta người rất xinh, mắt đẹp. Vì có tính đĩ thoã nên em không muốn lấy làm vợ. Nhưng đối với anh có vợ rồi, đâu có phải việc trăm năm mà cần. Cô ta lại ở nhà có một mình, xem chừng có vẻ thành thạo lắm. Anh chắc sẽ vừa ý những lúc xa nhà…”

“Sao chú biết cô ấy đĩ thoã và thành thạo?”

“Em thú thật với anh chưa có gì giữa em với Thanh, em chỉ nghe người ta đồn. Vả lại một cán bộ quèn như em thì ăn thua gì. Điển trai như anh lại cao cấp nữa, anh chỉ muốn là được. Hẹn anh hai tháng sau, nhớ tới Mông Tự anh đến tìm em ở nhà đồng chí Việt, em sẽ đưa anh lại hàng cà-phê. Anh tán chắc ăn câu.”

Dưới ánh đèn lù mù, Ngọc thấy Tứ nuốt nước bọt và yết hầu đưa lên đưa xuống hai ba lần. Tứ nghĩ thầm đi chuyến này về nước không bao giờ trở lại Mông Tự nữa nhưng miệng vẫn nói:

“Làm cách mệnh đâu có nghĩ gì đến chuyện đó. Dẫu sao khi ra, tôi cũng muốn làm quen với Thanh, được tên ấy giúp sức Đảng sẽ mạnh thêm.”

Ngọc đã biết chắc ý Tứ muốn lắm. Chàng thầm nhủ với Thanh:

“Xin lỗi chị đã nói xấu chị. Nhưng công việc phải thế. Tứ đã hoàn toàn tin cậy nơi mình rồi; Tứ chỉ là một tay thân Việt Minh, còn Nghệ mới đáng sợ. Nghệ mới thực là chính cống cộng sản, có lẽ là một cán bộ cao cấp già giặn và nguy hiểm. Nếu mình không khéo, có thể chết vì tay này.”

[1]Quân bất thị quân, dân bất thị dân, thị An-Nam cách mệnh. (Quân không phải quân, dân không phải dân, ắt là người cách mệnh An-Nam)

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

%d người thích bài này: