Thầy tôi, giáo sư Edward Sherman, cựu Khoa trưởng (Dean) của Đại học Luật khoa Tulane, vừa tạ thế ngày 7/6/2022, hưởng thọ 84 tuổi. Lê Công Định
Thầy tôi, giáo sư Edward Sherman, cựu Khoa trưởng (Dean) của Đại học Luật khoa Tulane, vừa tạ thế ngày 7/6/2022, hưởng thọ 84 tuổi.
Tôi luôn nhớ về ông như một vị giáo sư và khoa trưởng hiền lành và mực thước. Các giáo sư và sinh viên Tulane đều thân mật gọi ông là Dean Sherman.
Ông dạy tôi môn Tố tụng Dân sự và ADR (Alternative Dispute Resolution, tạm dịch là Phân xử tranh chấp ngoại tư pháp) và môn Negotiation (Thương thuyết).
Điều làm các sinh viên luật Tulane khóa năm 1999-2000 kinh ngạc nhất khi học môn Thương thuyết là giáo sư Sherman đã cho chúng tôi xem các trích đoạn trong phim Mỹ về mafia, mà theo ông kỹ thuật thương thuyết của các ông trùm rất đáng để học hỏi. Tính thực dụng trong học thuật Mỹ chính là ở chỗ đó.
Vì là chuyên gia hàng đầu Hoa Kỳ về luật tố tụng dân sự và thương mại, nên năm 2003 ông được USAID mời sang Việt Nam tư vấn cho Chính phủ Việt Nam ban hành mới Bộ luật Tố tụng Dân sự 2004.
Năm đó, tôi nghe một quan chức cao cấp của Bộ Tư pháp Việt Nam kể lại rằng trong một phiên họp với Bộ Tư pháp, giáo sư Sherman đã đề nghị Chính phủ Việt Nam mời tôi vào ban soạn thảo Bộ luật Tố tụng Dân sự, vì theo ấn tượng của ông vài năm trước tôi là sinh viên giỏi môn này trong lớp của ông.
Vị quan chức của Bộ Tư pháp sau đó gặp riêng tôi và hỏi nếu ban hành Bộ luật Tố tụng Dân sự thì cần quan tâm điều gì nhất. Tôi trả lời rằng có nhiều điều để thay đổi luật tố tụng dân sự thời ấy, nhưng tóm tắt nhất nên chú trọng hai điểm căn bản mà luật Việt Nam còn thiếu sót. Đó là:
1) Phải xem tố tụng dân sự nói chung và thương mại nói riêng là thủ tục viết (Written), bởi tranh chấp dân sự được giải quyết chủ yếu dựa trên bằng chứng là tài liệu.
Mọi lập luận và tranh luận của các bên nguyên đơn và bị đơn phải được đệ trình đến tòa án trước phiên xử. Tại phiên xử hội đồng xét xử chỉ chất vấn những điều chưa rõ trong hồ sơ, chứ không phải là dịp các luật sư cãi nhau như trong tố tụng hình sự.
2) Phải chấp nhận thủ tục thông tri (Discovery), tức trao đổi bằng chứng giữa các bên tranh tụng trước phiên xử. Tránh tình trạng một bên giấu bằng chứng và để dành tung ra ở phiên xử để đối phương bất ngờ như xưa nay ở Việt Nam.
Bằng chứng giấu và chờ tung ra sau ở phiên xử như thế phải bị bác bỏ và không được sử dụng trong phán quyết của tòa án.
Ngoài ra, thủ tục tái thẩm trong tố tụng dân sự phải bị loại bỏ vì nó cho phép thay đổi kết quả vụ kiện do một bên xuất trình bằng chứng mới về sau.
Tái thẩm chỉ cần thiết trong tố tụng hình sự để minh oan cho bị cáo khi phát hiện tình tiết và bằng chứng mới của vụ án.
Vị quan chức Bộ Tư pháp đồng ý sẽ tìm cách đưa góp ý của tôi vào bản thảo Bộ Luật Tố tụng Dân sự 2004, nhưng tiếc thay điều đó đã không được chấp nhận vào lúc ấy.
Năm 2000, khi trường Tulane chọn tôi là nghiên cứu sinh Tiến sĩ luật (SJD) duy nhất năm đó của toàn trường, Dean Sherman đã tổ chức buổi tiệc nhỏ tại trường để chúc mừng tôi.
Hôm ấy, trước các giáo sư của trường, ông đã giới thiệu và khen ngợi bản đề cương chi tiết luận án tiến sĩ của tôi về một đề tài liên quan đến luật tố tụng dân sự và thương mại Việt Nam và luật trọng tài thương mại Việt Nam.
Nay Dean Sherman đã qua đời. Nhớ về ông đêm nay, bao nhiêu kỷ niệm cũ thuở còn học Thầy tại Tulane Law School bỗng ùa về. Mới đó đã 22 năm. Xin nghiêng mình tiễn biệt Thầy, Dean Sherman!
https://law.tulane.edu/…/edward-sherman-former-tulane…