Gió ViVu: Maria Ressa Được Trao Giải Nobel Hòa Bình – 2021
Gió ViVu: Maria Ressa Được Trao Giải Nobel Hòa Bình – 2021

Maria Ressa By Joshua Lim (Sky Harbor) – Own work, CC BY-SA 3.0 ph, Wikipedia |
Maria Ressa – một phụ nữ Mỹ gốc Philippine – một nhà báo – một nhà tranh đấu cho quyền tự do ngôn luận – đã được trao giải Nobel hòa bình. Bà Ressa là người đàn bà đầu tiên đoạt giải Nobel năm 2021. Cùng nhận giải với bà Ressa còn có nhà báo Dmitry Muratov, người đứng đầu tòa báo độc lập “Novays Gazeta”ở Nga.
Bà Maria Ressa sinh ngày 2 tháng 10 năm 1963 tại thủ đô Manila – Philippine. Cha mất lúc bà lên một tuổi. Bà theo mẹ đến Hoa Kỳ sống từ nhỏ. Bà tốt nghiệp tại Đại Học Princeton với hạng danh dự về tiếng Anh.
Đoạt giải Nobel về hòa bình là một vinh dự và cũng là một thắng lợi lớn lao của bà Ressa với sự tranh đấu không ngừng cho quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận ở Philippine. Hội nhà báo hải ngoại của Philippine cũng hy vọng với giải thưởng danh dự này sẽ làm dư luận thế giới quan tâm đến sự đấu tranh đầy khó khăn, gian khổ của họ là hằng ngày luôn bị tấn công và đe dọa trên mạng thông tin xã hội. Những tòa báo trong nước bị kiểm duyệt, những nhà báo bị đánh đập, bắt bớ, tù đày và giết hại.
Philippine là một quốc gia thật đáng sợ đối với những nhà báo trên thế giới, vì những kẻ giết người rất ngang nhiên và không hề bị xét xử trước pháp luật.
Hội Nhà Báo Thế Giới đã xếp hạng: Philippine đứng hàng thứ ba trên thế giới là một quốc gia chuyên đàn áp, gây hại cho giới báo chí, chỉ thua sau Iraq và Mexico.
Trụ sở báo của Philippine ở Brussels, Bỉ đã đưa tin có 159 nhà báo đã bị giết ở trong nước Philippine từ năm 1990 đến 2020.
Đoạt giải Nobel về Hòa Bình – bà Maria Ressa đã thề quyết đấu tranh cho sự thật, cho quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận tại Philippine và cho nền hòa bình lâu dài. Đối với bà Maria, việc thu thập tin tức là quan trọng hàng đầu và những người đưa tin phải được tự do nói lên sự thật, được luật pháp bảo vệ, và không nhượng bộ trước mọi bạo lực chống đối hay ngăn chận của chính phủ đương quyền muốn bưng bít sự thật.
Một ngày trước khi nhận giải Nobel, bà Ressa, trưởng ban điều hành của Rappler – một trang thông tin lớn của Philippine với hơn 100 nhà báo – đã nói chuyện với CNN từ quê nhà của bà. Bà Ressa đã trình bày và phân tích về cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 5 năm 2022. Bà đã bị kết tội vì viết những bản báo cáo phỉ báng, phê bình, chỉ trích Duterte – tổng thống đương nhiệm của Philippine. Với chiến dịch chống ma túy một cách quá khích, tàn bạo, Duterte đã vi phạm nhân quyền vì ra lệnh thẳng tay bắn giết hơn 27,000 người mà không xét xử. Những vụ giết người mà không xét xử này đã khiến nhiều người vô tội bị chết oan, hoặc bị giết vì tư thù, ganh ghét; vì thế dư luận quần chúng kêu than, phẫn nộ trước sự bất công, không dân chủ.
Vào năm tới, hy vọng Philippine sẽ có một cuộc bầu cử dân chủ trong đó có những tin tức chính xác, không gian dối, không xuyên tạc vì thù hận hay ghét bỏ. Dân philippine sẽ có một cuộc bầu cử thật sự, đầy chính nghĩa và đó là cuộc đấu tranh cho chân lý, công bằng và lẽ phải. Sẽ còn nhiều khốn khó đến với người dân philippine, bởi vì nếu không có những cơ sở, những dữ kiện vững chắc để đưa sự thật ra công chúng thì coi như sẽ không có nền dân chủ, tự do nữa. Nhưng bà Ressa tin tưởng rằng trên thế giới hiện nay, hệ thống truyền thông là cửa ngõ, là sức mạnh của nhà báo.
Bà Ressa nói thêm “Tôi đã trở về quê hương, lý do tôi trở thành nhà báo vì tôi không muốn bị bịt miệng, tôi không thể im lặng mà phải làm những gì nên làm. Tôi tin vào luật pháp của những nước dân chủ vì nếu không có luật pháp đó thì quốc gia sẽ dễ bị đưa đến một thể chế độc tài, phát xít và như vậy nhà cầm quyền sẽ có trong tay quyền sinh sát: ai sống, ai chết…!
Trước khi cùng sáng lập Rappler, bà Ressa đã trải qua hai thập niên với tư cách là phóng viên trưởng điều tra và săn tin cho CNN, báo cáo những tin tức nóng sốt của vùng Đông Nam Á. Bà Ressa nói “Tôi rất may mắn vì đài CNN là một mạng thông tin lớn có thể giúp chúng tôi chống trả… tôi không chỉ chống đối lại chính quyền của Duterte mà tôi còn đấu tranh cho quyền tự do của tôi. Tôi vẫn mang hoài bão và lý tưởng dành cho một nước Philippine tự do và độc lập.
Tự do, độc lập và nói sự thật của ngành báo chí để đấu tranh chống lại sự lạm dụng bạo quyền, và dối trá trong cuộc chiến tranh báo chí đầy cam go, thử thách.
Là một nhà báo, một trưởng ban điều hành của Rappler, Ressa luôn tỏ ra cứng cỏi, tự do phát biểu và bà chống đối việc chế độ cầm quyền độc tài, tàn bạo của Duterte; tội giết nghi phạm mà không xét xử trong chiến dịch bài trừ ma túy. Vì thế Rappler luôn luôn phải đương đầu với những tin giả tung ra để bao che cho sự độc tài chuyên chế và nạn tham nhũng của chính quyền Duterte. Trong suốt cuộc đời làm báo, ngay từ thời tổng thống Ferdinand Marcos, chưa bao giờ những nhà báo phải trải qua những vấn nạn như hiện nay. Trong vòng hai năm, Ressa đã bị 10 lần gởi giấy gọi hầu tòa, trong khi bà vẫn viết những bài tường thuật, báo cáo như trước đây bà đã từng viết. Vào tháng 8 năm 2021, tòa án Philippine đã bác bỏ tội phỉ báng chính phủ Duterte của Ressa; nhưng bà vẫn là cái “gai nhọn” được để ý nhiều nhất. Tuy được bãi tội trước tòa, bà Ressa cho rằng “đây chỉ là một thắng lợi tạm thời; vì những sự quấy nhiễu, đe dọa, chống đối bà Ressa và Rappler sẽ còn tiếp diễn.”
Đoạt giải Nobel về hòa bình – 2021, Maria Ressa đã được thế giới biết đến và bà trở thành một biểu tượng đấu tranh cho tự do ngôn luận, tự do báo chí; hy vọng cho một nền hòa bình lâu dài và công lý không chỉ ở Philippine mà còn ở khắp nơi trên thế giới.
Gió ViVu
Nguồn Tài Liệu:
https://www.cnn.com/2021/10/08/media/maria-ressa-nobel-peace-prize-interview-intl/index.html
https://www.voanews.com/a/press-freedom_journalist-maria-ressa-were-losing-battle-our-rights-philippines/6208492.html
https://www.channelnewsasia.com/asia/philippines-press-freedom-maria-ressa-rappler-nobel-prize-2231376
https://en.wikipedia.org/wiki/Maria_Ressa