THIẾU TƯỚNG LÊ MINH ĐẢO, NGƯỜI V.N. KIỆT XUẤT Trương Quang
THIẾU TƯỚNG LÊ MINH ĐẢO, NGƯỜI V.N. KIỆT XUẤT
Trương Quang
Thiếu tướng lê Minh Đảo đã vĩnh biệt cõi đời lúc 1giờ 15 trưa ngày 19-3-2020 tại bệnh viện Hartford, tiểu bang Connecticut, Hoa-kỳ.
Tang lễ của ông rơi vào dịch nạn COVID-19, cấm tụ tập đông người, ngoài gia đình tướng Đảo có mặt đông đủ, còn biết bao chiến hữu và người đồng hương kính mến ông phải nằm nhà gạt lệ.
27 năm trước, tướng Đảo đành rời bỏ quê hương đi tỵ nạn tại đất nước tự do, lần nầy ông vĩnh biệt cả thế gian, trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 87.
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản……..Nhật mộ hương quan hà xứ thị ?!
Quan điểm Sinh Tử của tướng Lê Minh Đảo phù hợp với tướng quân Nguyễn công Trứ vài trăm năm trước, rất đỗi hào hùng trong mấy câu thơ :
Nhân sinh tự cổ thùy vô tử
Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh.
Đã hẳn rằng ai nhục ai vinh,
Mấy kẻ biết anh hùng khi vị ngộ?
Đã lắm lúc mưa dồn sóng vỗ,
Quyết ra tay buồm lái với cuồng phong……..
Cô Lê Bích Phượng, con gái thứ 6 của tướng Đảo, hiện là phóng viên của đài STBN, về bệnh viện Hartford vấn an cha ngày 18/3; biết mình “sắp đi” tướng Đảo nói“Cha sắp đi hành quân đây”. Ông mãi là lính cả trong cõi Tử-Sinh.
Tướng Lê minh Đảo quen chạm mặt với tử thần bằng gươm súng, lần nầy chịu thua số phận, ông để lại di ngôn:”không phủ Quốc kỳ VNCH trên quan tài” vì ông tự trách đã không làm trọn chí trai, để Tổ quốc phải đổi ra màu cờ máu. Ông cũng từng từ chối danh hiệu ANH HÙNG; theo ông những chiến sĩ tay súng tay cuốc nổ lực tái thiết cầu đường đồng thời dũng cảm trong chiến đấu đến tử thương mới thật là Anh hùng.
Bản tính khiêm nhường ấy cũng dễ nhận thấy nơi tướng Đảo bận thường phục đến dự lễ hội (không bận quân phục, không bao giờ mang huân chương) giữa nhiều cựu sĩ quan bận quân phục đại lễ mang đầy mề đay, biểu chương.
Trước 1975 Tướng Đảo đã có 9 người con (gồm 2 trai và 7 gái) đều kẹt lại quê nhà sau 1975; vợ ông vội “Ôm cầm sang thuyền khác” khi ông bị tù cải tạo 17 năm nơi núi rừng Việt- Bắc. Đến năm 1989, các con ông vượt biên qua Mỹ, chúng thường than trách ông:” Khi ba có đủ cả trực thăng hay tàu Hải quân để đào thoát, ba đã không chịu đi cho các con cùng đi theo?” Tướng Đảo phải giải thích:”Dù có phương tiện mà ba không trốn đi vì ba không thể đem theo hết lính tráng của ba đươc. Ba không cho các con đi để mang tiếng xấu muôn đời cho ba và các con là đã trốn chạy trước quốc nạn”.
Rất nhiều lần, các Hội đoàn người Việt mời tướng Lê minh Đảo đến các thành phố từ Mỷ đến Úc và Âu châu cho họ diện kiến để nghe ông nói chuyện. Đây là dịp các thông tấn xã và đài truyền hình chất vấn ông về thái độ khoan dung cuả ông với cán binh Việt cọng và tình thương của ông dành cho dân chúng Bắc-Việt. Tướng Đảo giải thích với đại ý:”Bộ đội Bắc-Việt đều rất trẻ lối 16, 17 tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, dễ nghe theo lời phỉnh gạt của cán bộ VC để liều chết, rất tội nghiệp, đáng thương hại cho đám trẻ con bị đầu độc nầy. Khi các em bị thương, chúng tôi đã cứu chữa với lòng nhân đạo, nghĩa đồng bào. Người miền Bắc đã chịu nhiều đau khổ, còn bị Đảng CS tuyên truyền căm thù quân đội miền Nam. Phải lấy tình thương cùng dòng giống Lạc Hồng để hóa giải hận thù. Người Bắc-Việt tấn công người Nam-Việt gây thảm cảnh “nồi da nấu thịt”, họ đâu có Tự do Dân chủ, nên đáng thương hơn là căm ghét lớp người khốn khổ như con ngựa kéo xe bị che mắt hai bên”.
Trên cương vị 9 năm là Đại tá Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng, ông Lê Minh Đảo đã đi sát từng thôn xóm, hòa đồng và quí mến dân chúng các tỉnh ông đảm trách, ai cũng nhớ ân đức ấy. Khi là Thiếu tương tư lệnh sư đoàn 18, tuân lệnh rút khỏi Long -khánh, ông chạy bộ theo đoàn quân, đốc thúc giúp đỡ từng trung đội trong đêm tối, đến hôm sau đối phương mới biết, họ sững sờ.
Được biết, trong trại tù Việt-bắc, lần đầu tướng Đảo âm thầm nhận phép rửa tội từ linh mục tuyên úy Nguyễn Phát Hườn dù biết sẽ bị trù dập thêm; điều này ông không nhận như người Tân-tòng giáo dưới thời đệ nhất VNCH trong mưu cầu được biệt đãi . Ông trở thành tín hữu Ki-tô trọn đời, chúa nhật nào cũng thấy tướng Đảo và chị Thủy (người vợ chắp nối của ông) đến lễ tại Báp-tít church nơi thủ phủ Hartford với Mục sư Nguyễn đức Ích.
Đã đến lúc “cái quan định luận”: Thiếu tướng Lê minh Đảo có nhân cách cao cả đáng kính mến. Xin mượn mấy lời phúng điếu ông:
Một vì sao đã tắt,
Khi đêm còn rất dài.
Đất nước đang tăm tối,
Người đã xa trần ai!
Tướng Đảo lúc trẻ và lúc về gìà (do yêu cầu ông đàn hát bài Nhớ mẹ của ông sáng tác).
***
Cậu Lê Minh Đảo chào đời tại Sài-gòn năm 1933, lớn lên dưới thời Pháp thuộc, đến năm 17 tuổi là học sinh trung học Petrus Ký thi đỗ Tú tài bán phần. Sau đó, anh Đảo trở thành nghiệp dư của một ban nhạc, để có tiền phụ cấp cho gia đình. Trong ban nhạc anh thủ cây banjo, guitare là ông Minh đờn (sau nầy là trung tướng Nguyễn văn Minh, tư lệnh vùng 3, chef của anh năm 1972). Em kế anh Đảo là Lê Hằng Minh cũng là Guitarisme chuyên hòa tấu nhạc cổ điển.
Tay phải cầm bút tay tráí giữ đàn, anh Đảo thi đậu Tú tài II (BAC complet) năm 1952 hạng khá. Nâm 1953, theo lệnh Tổng động viên, anh Đảo tự nguyện vào trường Võ-bị Đà-lạt. Xuất thân từ khóa 10 Trần bình Trọng năm 1954 có 3 ông lên tướng Tư lệnh sư đoàn là chuẩn tướng Vũ văn Giai (gốc Dù) sư đoàn 3, chuẩn tướng Trần văn Nhật (gốc Thủy quân lục chiến) sư đoàn 2 và thiếu tướng Lê minh Đảo sư đoàn 18.
Trong 9 năm (từ 1962 đến 1972) Đại tá Lê minh Đảo làm Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng từ Long-an, lên Chương-thiện đến Định tường; nên có kẻ phát ngôn bừa bãi “ông Đảo là tướng văn phòng”. Lời phát ngôn của đầu óc ganh tị kém cỏi ấy có biết chăng là ngay từ khi Bắc-Việt xâm phạm VNCH năm 1961, chức vụ Tỉnh trưởng kiêm nhiệm Tiểu khu trưởng chịu trách nhiệm quân sự giữ an ninh cho tỉnh nhiệm sở. Dưới quyền Tiểu khu trưởng có quân số tương đương 1, 2 trung đoàn chính qui và nhiều đại đội Địa phương quân + Nghĩa quân (tùy theo diên địa mỗi tỉnh). Nghĩa là ông Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng Lê minh Đảo không chỉ ngồi Văn phòng ký giấy mà thôi, mà ông còn cầm quân “xuống Đông, Đông tỉnh; lên Đoài, Đoài yên”. Bằng chứng là trước khi làm tư lệnh sư đoàn 18, ông Đảo đã được tuyên dương với 48 huy chương, trong đó có các huy chương Đệ ngũ, đệ tứ và đệ tam đẳng (theo Chiến sử Quân lực VNCH trang 195 của Phạm phong Dinh). Đấy là VĂN phòng bàn giấy hay VÕ tướng chiến trường?
Làm rạng danh cho quân lực VNCH là Chiến thắng của Sư đoàn 18 ở Long-khánh do cuộc đọ sức giữa quân đoàn 4 Bắc-Việt do tướng Hoàng Cầm (chỉ huy 3 sư đoàn 6, 7, 341) tăng cường thêm sư đoàn 325. Việt-cọng soạn lại bổn cũ của Mao-xếnh-xáng “lấy thịt đè người” :4 chọi 1; môt sai lầm chiến thuật đã lỗi thời! Lần nầy không có “di tản chiến thuật”, không có “tái phối trí” như ở quân đoàn 2 và 1, nên tướng Lê minh Đảo kịp dàn quân 1 sư đoàn 18 đối mặt 4 sư đoàn dép râu nón cối. Tinh thần chiến đấu của tướng sĩ sư đoàn 18 lên cao, quyết chiến thắng để phục hồi danh dự cho chính thể VNCH đang bị phe phản chiến và đảng Dân chủ Hoa-kỳ lăng nhục.
Vào cuộc lấy máu địch quân “rửa mặt”, với sức hổ trợ của Lữ đoàn1Dù và không quân xuất phát từ Biên-hòa, đánh tan nát biển người quân Bắc cọng.
Sau 12 ngày tấn công cấp tập của 4 sư đoàn 6, 7, 341 và 325 phải mang đầu máu chịu trận; Bô Tổng chỉ huy ở Hà-nội ra lệnh thay tướng Trần văn Trà thế chân tướng Hoàng Cầm (ôm Cầm sang thuyền khác chơi!), Bắc quân đổi hướng, đánh Biên-hòa. Từ Sài-gòn, Trung tướng Nguyễn văn Toàn, Tư lệnh Quân đoàn 3, ra lệnh Sư đoàn 18 và các đơn vị bạn lui quân Long-khánh đến bảo vệ Biên-hòa và cố thủ Sài-gòn. Theo ước tính khiêm nhường của tướng Đảo, có chừng 8,ooo bộ đội “sinh Bắc tử Nam” vào mùa Xuân(lộc). Đây là chiến thắng lẫy lừng của Thiếu tướng Lê minh Đảo với Sư đoàn 18 trước ngày VNCH sụp đổ.
* * *
Một người VN kiêt xuất Lê minh Đảo, hơn 20 năm giữ những chức vư quan trọng trong Chính quyền và Quân đội, thế mà gia đình không ai nương tựa vào đó, như tình đời “một người làm quan cả họ được nhờ”. Ông có 4 em trai thì 2 là chiến binh tử trận: Lê hằng Minh, Lê quang Thạch; 2 phục vụ trong Quân lực VNCH là Đại úy TQLC Lê hằng Nghi và Lê nguyên Ánh (Văn phòng trưởng của Trần quốc Bửu/Tổng liên đoàn lao công VN).
Trung tá Lê Hằng Minh, chỉ huy “Tiểu đoàn 2 Trâu điên” Thủy quân lục chiến , gồm những Tiểu đoàn trưởng cừ khôi như Lê hằng Minh, Ngô văn Định, Robert Lửa Nguyễn xuân Phúc, Trần văn Hợp. Ông Minh sớm tử trận năm 1966, ông Phúc lừng danh, tử trận theo mệnh nước cuối tháng 3-1975, ông Hợp chết năm 1977 trong trại tù cải tạo của Việt cọng. Ông Định, đồng khóa võ bị với tướng Trưởng, là con voi của sư đoàn, Lữ đoàn trưởng của nhiều lữ đoàn. Kể vào hàng tuấn kiệt phải nhắc tên 2 anh em Đảo & Minh.
Có điều ngẫu nhiên trùng khớp về năm chào đời và năm từ giã cõi đời ( tháng 3 năm 2020) của 2 ngôi sáng trên vòm trời VN: một danh tướng Lê minh Đảo và một danh ca Thái Thanh.
Giai nhân tự cổ như danh tướng,
Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu.
Bài thơ sau đây lượm được trên Internet. Kính dâng hương hồn vị tướng kiệt xuất Lê minh Đảo và tiếng hát vượt thời gian Thái Thanh:
Tiếng ca, tiếng súng lên Trời
Chim THANH bặt tiếng giữa đời ĐẢO điên!
Tiếng nào cuối đáy con tim
Mang theo quá khứ bình yên trở về.
Hết rồi tiếng hát say mê,
Hết rồi tiếng súng, rừng che xác thù.
Hai hàng nến thắp âm u.
Mưa giăng Xuân-lộc, sương mù “Sông Xanh”.
Bên kia cửa Tử là Sinh.
“Thôi thì thôi nhé” thôi đành vẫy tay!
Tàu xa, ga khóc nơi nầy,
Cuối con đường đó cờ bay đón Người.
BP
Connecticut, 3/2020 TRƯƠNG QUANG