LỄ TIẾT THANH MINH TÌNH NGƯỜI CỦA TỘC VIỆT – PHAN TRƯỜNG NGHỊ
LỄ TIẾT THANH MINH
TÌNH NGƯỜI CỦA TỘC VIỆT
PHAN TRƯỜNG NGHỊ
NGÀY TIẾT THANH MINH
Xét về phép làm lịch Á Đông trong đó có Việt Nam đang sử dụng, Tiết Thanh Minh là một trong 24 tiết khí được sử dụng để phân định chu kỳ tuần hoàn thời tiết trong một năm. Yếu tố Dương Lịch thể hiện rõ qua các ngày Tiết khí, nên Lịch Việt Nam đang sử dụng là một loại Âm Dương Lịch, không phải lịch thuần Âm.
Lịch Âm của người Việt cổ, xưa có 10 tháng, sau được cải thành 12 tháng cho đúng chu kỳ tuần hoàn khí hậu, thời tiết. Dấu vết còn lưu lại qua cách đếm tháng từ 1 đến 10. Sau hai tháng được thêm vào là Chạp và Giêng. Người Việt gọi tháng theo thứ tự Môt, Chạp, Giêng, Hai. Tháng Một thời cổ, bây giờ là tháng 11 âm lịch.
Với 24 Tiết khí phân định cho 12 tháng, Khí nửa tháng đầu gọi là Tiết khí, Khí nửa tháng sau gọi là Trung khí. Các nhà làm Lịch thời xưa chia đường biểu kiến Hoàng đạo làm 12 cung, mỗi cung 300 tương ứng 1 tháng tiết khí. Khi mặt trời đi vào đầu cung tương ứng với ngày Trung khí, đi vào giữa cung tương ứng ngày Tiết khí. Ngày Tiết Khí xác định bằng cách nầy sẽ rơi vào một ngày Dương Lịch tương ứng (dung sai ±1). Nếu lấy Xuân phân (ngày 21 tháng 3 hằng năm) làm điểm gốc 00, Tiết Thanh Minh kề sau nó sẽ ở vị trí 150 tức 15 ngày sau sẽ rơi vào ngày 5 hoặc 4 hoặc 6 tháng 4 DL.
Với lịch âm, Tiết Thanh Minh nằm dao động trong khoảng hạ tuần tháng Hai bước sang thượng tuần của tháng Ba. Cụ thể Thanh Minh năm 2021 ngày 04/4 DL, là 23 tháng Hai âm lịch. Thanh Minh năm 2022 ngày 05/4 DL, là Mồng 5 tháng Ba âm lịch. Thanh Minh năm 2023 ngày 05/4 DL, là ngày Rằm – 15 tháng Hai nhuận.
Cũng vì vậy mà xưa cụ Tiên Điền đã mô tả trong Truyện Kiều:
Thanh Minh trong tiết tháng ba
Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh
Gần xa nô nức yến anh
Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân …
LỄ TIẾT THANH MINH
Tiết Thanh Minh, phía Bắc bán cầu vừa trải qua gian đoạn ẩm ướt của mùa Đông, bấy giờ cỏ cây bắt đầu nẩy lộc đâm hoa “cỏ non xanh tận chân trời / cành lê trắng điểm một vài bông hoa”… Tiết Thanh Minh ở tháng Kiến Thìn tức tháng Ba, người Hoa có “Lễ là Tảo mộ Hội là Đạp thanh”.
Tảo mộ, nói đơn giản là quét dọn (tảo) mộ phần cho sạch sẽ. Lúc nầy thời tiết đã là tháng 4 DL nên nhiệt độ đã ấm hơn, người Hoa lo quét dọn mộ phần của ông bà, tổ tiên, tổ chức lễ cúng, dâng phẩm vật, hương hoa cho người quá vãng để tỏ lòng tưởng nhớ. Bấy giờ tiết trời sau một thời gian ẩm ướt đã trở nên trong sáng (Thanh minh), đây cũng là cơ hội để nam thanh, nữ tú (yến anh) du xuân, ra đồng dạo chơi (đạp thanh – dẫm lên thảm cỏ xanh)…
Lễ cúng của người Minh Hương – người Hoa xưa ở Việt Nam họ chuẩn bị 2 mâm, một mâm cúng Thổ thần với lễ vật tam sanh (vật sống trên không, trên mặt đất, ở dưới nước – đại khái như trứng vịt, thịt heo luộc, con cá hoặc con tôm), một mâm cúng mộ phần với heo quay, hoa quả, hương đèn, và món đặc trưng không thể thiếu là giấy tiền vàng bạc. Sau lễ cúng, cùng quây quần ăn uống trên tinh thần cùng dự tiệc với ông bà. Thường thì lễ vật cúng tại đây dù còn thừa đều để lại tại chỗ, không mang về.
Thực ra, người Hoa ở gần phía xích đạo hơn như Quảng Đông, Hải Nam, họ giống như người Việt, không có tảo mộ ông bà vào Tiết Thanh Minh. Người Hoa phía Nam lấy ngày tiết Đông Chí (22/12 DL) làm ngày tảo mộ.
Người Việt xưa có lệ tảo mộ ông bà tổ tiên vào tháng Chạp, nên thường gọi đây là tháng Chạp mả. Người Việt cổ dùng lịch Kiến Tý, ăn Tết đầu năm vào tháng Tý, là tháng Một, tức tháng 11 âm bây giờ. Trong tháng 11 âm bao giờ cũng hiện diện ngày tiết Đông chí, người Việt và người Hoa phía Nam Trường giang có chung mối tương đồng quãng ngày tảo mộ. Có lẽ cũng từ cùng chung một cách sử dụng lịch xưa, có chung sự tương đồng thời tiết, khí hậu mà ra.
Ngày Thanh Minh với người Việt không có lệ tảo mộ ông bà, nhưng lại ra công quét dọn, dẫy cỏ những nấm mồ trong làng không ai chăm sóc, không có con có cháu tu tảo, lo ngày chạp mả.
+ Thanh Minh trong tiết tháng ba, Lễ là tảo mộ… Người Việt xưa theo truyền thống đã tổ chức tu tảo, sang sửa những nấm mồ vô chủ, tổ chức cúng kính người dưới mộ, không phân biệt đó là người khá hay hèn ngu, kẻ ăn mày hay tử tội…
+ Hội là đạp thanh… Hội đạp thanh trong Đoạn Trường Tân Thanh của Nguyễn Du mô tả sự kiện xảy ra thời trước bên Trung Hoa, còn Hội đạp thanh ở Việt Nam không còn mang ý nghĩa nam thanh nữ tú du xuân nữa, mà cả làng cùng ra đồng, ra bãi tha ma, chung sức nhau thể hiện ý thức cộng đồng, tình làng – nghĩa xóm.
TÌNH NGƯỜI TRONG NGÀY TIẾT THANH MINH
Lúc lập làng lập ấp, làng Việt Nam có thể chưa có Đình có Chùa, nhưng ít nhất ở mỗi xóm phải có Miếu (Miễu), có Am Chúng Sinh để làm nơi tế tự, nhang khói cho những nấm mồ vô chủ. Trong tâm thức người Việt, sống sao thì thác vậy, người dương thế đã não người cùng cuộc sống thì người cõi âm đâu có khác gì hơn… Như Tiên Điền Nguyễn Du mô tả trong Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh:
Lòng nào lòng chẳng thiết tha
Cõi dương còn thế nữa là cõi âm
Trong trường dạ tối tăm trời đất,
Có khôn thiêng phảng phất u minh
Thương thay thập loại chúng sinh
Hồn đơn phách chiếc lênh đênh quê người …
Dù là người trên dương thế hay người dưới âm cảnh, người Việt xưa đều mang trong tâm thức phải biết trút bỏ oán thù:
Rắp hòa tứ hải quần chu
Não phiền trút sạch oán thù rửa không …
(Nguyễn Du – Văn tế Thập Loại Chúng Sinh)
Với Miếu Thanh Minh, Am Chúng Sinh… Tiết Thanh Minh ở Việt Nam đã thể hiện rõ tình người, ý thức chúng sinh trong cuộc sống. Tổ chức Lễ tiết Thanh Minh là biết thương, lo nghĩ đến số phần hẩm hiu của người đã quá vãng. Thế thì với những người còn sống đang gặp bất hạnh, đang gặp khó khăn, sao lại không biết thương, biết đùm bọc, biết chia sẻ lẫn nhau… Làm chuyện cho người cõi âm, nhưng đó chính là việc làm cho người đang trên dương thế. Làm chuyện cho những nấm mồ vô chủ, lại càng nghĩ càng lo lắng thêm cho phần mộ tổ tiên.
Như Ức Trai Nguyễn Trãi ngày xưa trong ngày Tiết Thanh Minh đã bày tỏ nỗi lòng:
Thanh Minh
Nhất tòng luân lạc tha hương khứ,
Khuất chỉ thanh minh kỷ độ qua.
Thiên lý phần doanh vi bái tảo,
Thập niên thân cựu tẫn tiêu ma.
Sạ tình thiên khí mô lăng vũ,
Quá bán xuân quang tê cú hoa.
(…)
清明
一從淪洛他鄉去,
屈指清明幾度過。
千里墳塋違拜掃,
十年親舊盡消磨。
乍晴天氣模稜雨,
過半春光廝句花。
(…)
Tạm hiểu nghĩa:
Lưu lạc quê người tính đến nay
Bấm đốt tay mấy lần Thanh Minh đã trải
Nghìn dặm không coi sóc được phần mộ tổ tiên
Mười năm qua tiêu tán hết người thân thích
Trời chợt sáng sau khi tạnh cơn mưa mây
Đã quá nửa ánh xuân màu hoa bớt thắm…
Bên cạnh việc bày tỏ tình người đối với tha nhân, nỗi lòng người Việt thường đau đáu khi phải xa nhà, khi thấy tuổi xuân cứ mãi trôi qua mà chưa làm gì được cho đời, phải gượng mà cầm chén rượu như Ức Trai Nguyễn Trãi:
聊把一杯還自彊,
莫教日日苦思家。
Liêu bả nhất bôi hoàn tự cuỡng,
Mạc giao nhật nhật khổ tư gia.
Hãy cầm lấy chén rượu mà gượng uống,
Ðừng để ngày ngày phải khổ vì nỗi nhớ nhà.
(Thanh Minh – Nguyễn Trãi)
Hoặc như Tiên Điền Nguyễn Du trong bài Thanh Minh Ngẫu Hứng:
清明偶興
東風晝夜動江城,
人自悲悽草自青。
春日有身非少壯,
天涯無酒對清明。
村歌初學桑麻語,
野哭時聞戰伐聲。
客舍含愁已無限,
莫敎茅草近階生。
Đông phong trú dạ động giang thành,
Nhân tự bi thê, thảo tự thanh.
Xuân nhật hữu thân phi thiếu tráng,
Thiên nhai vô tửu đối thanh minh
Thôn ca sơ học tang ma ngữ,
Dã khốc thời văn chiến phạt thanh.
Khách xá hàm sầu dĩ vô hạn,
Mạc giao mao thảo cận giai sinh
Bản dịch nghĩa của trang Thi Viện:
Gió đông thổi qua tòa thành bên sông suốt ngày đêm.
Người buồn thì cứ buồn, cỏ xanh thì cứ xanh.
Ngày xuân, mình có thân nhưng không còn trẻ nữa,
Ở góc trời, không có rượu uống trong tiết thanh minh.
Câu hát thôn dã giúp ta hiểu được tiếng nói của kẻ trồng gai, trồng dâu.
Ngoài đồng nội thỉnh thoảng nghe tiếng người khóc như buổi chiến tranh.
Ở nơi lữ xá đã buồn quá rồi,
Chớ để cỏ săng mọc gần thêm!
Trong ngày Thanh Minh, Nguyễn Trãi cũng như Nguyễn Du với tâm sự đè nặng, cả hai đều cần chén rượu sưởi ấm cõi lòng. Giống như nhà thơ Đỗ Mục, cũng trong ngày tiết Thanh Minh đang trên đường mà hồn như đứt đoạn. Lộ thượng hành nhân dục đoạn hồn / Tá vấn tửu gia hà xứ thị, giữa bãi tha ma bên vệ đường hỏi nơi nào có quán rượu. Mà ai đâu ở đấy! Người Hoa đâu có truyền thống lo cho những nấm mồ vô chủ mà có mặt ở đây! Cay đắng thay, có đứa mục đồng chỉ cho biết về phía ngôi làng mang cái tên khá là thơ mộng: Hạnh Hoa thôn!
Tảo Mộ – Tranh vẽ của Trường Mỹ Thuật Gia Định
Tình người trong ngày Tiết Thanh Minh. Không chỉ riêng bản thân mình lúc nào cũng ray rứt đời, người Việt còn có tấm lòng thiện lành ra công đối với người đã mất. Khác gì hơn là từ xưa người Việt đã luôn biểu lộ Tâm Từ Tâm Bi đối với chúng sinh.
PHAN TRƯỜNG NGHỊ