Hổ – Truyện ngắn của Nguyễn Liệu

Hổ

Chuyện xảy ra năm 1951 ở Bình Định.

Nguyễn Liệu

“ Làm chiến sĩ là làm gì chú ?” Mây đứng khúm núm không dám ngồi, tay trái gãi gãi đầu, tay phải dựa vào thành ghế.

“ Thì mầy ngồi cái đã, chuyện đâu còn đó, từ từ rồi tao nói cho rõ”. Ông Thừa, thợ hớt tóc ở góc chợ,  vừa quấn điếu thuốc vừa nói với Mây. Ông đẩy cái ví đựng thuốc rê sát Mây, nói :

“ Thuốc đây, làm điếu đi, số hên tới mầy rồi.”

Mây,  hai tay đỡ gói thuốc rồi để yên trên bàn,  không dám động đến thuốc. Sự có vẻ trang trọng của ông Thừa làm Mây đâm ra bối rối,  không hiểu tại sao được ân cần đến mức đó.  Ông Thừa chậm rãi kéo mấy hơi thuốc,  rồi mới bắt đầu :

“ Chánh quyền xã họ chọn lựa cháu làm chiến sĩ xuất sắc, bởi vì theo họ, cháu là người thành phần tốt, thành phần vô sản bị bóc lột, cháu là người yêu nước, cháu là người đứng đắn có đạo đức cách mạng, nên cháu xứng đáng là chiến sĩ xuất sắc.”

“ Chú nói cháu không biết gì hết” Mây trố mắt ngơ ngác. Ông Thừa hơi bực mình, tại sao mình không nói ngắn, dễ hơn, để nó bớt sợ,  thì nó mới đồng ý, nếu không, nó sợ nó không dám nghe lời.

“ Ờ, như vầy, xã họ lựa cháu làm người tốt,  vì cháu là người nghèo khổ, cháu là chiến sĩ thi đua của xã. Họ sẽ đưa cháu lên quận để làm chiến sĩ thi đưa quận,  rồi lên nữa. Cháu được các ổng tin cậy, nên các ổng lo cho cháu ăn uống, cho áo quần lành tốt,  để cháu đi dự các cuộc hội. Cháu có hiểu chú nói cái gì không ?

“ Dạ cháu rõ, nhưng cháu không biết làm đâu chú, hồi cha sinh mẹ đẻ giờ,  cháu đâu có biết cái gì đâu , cháu sợ lắm.”

Ông Thừa cười, quấn điếu thuốc rê đưa cho Mây bảo :

“ Thì mầy hút cái đã,  rồi từ từ tao nói cho mầy rõ việc mấy ổng nhờ mầy làm”

Mây đưa hai tay nhận điếu thuốc. Ông Thừa đưa điếu thuốc ông đang hút cho Mây mồi. Hít vài hơi thuốc, Mây cảm thấy khoan khoái, thưa :

“ Dạ chú nói cho cháu rõ đi”

Ông Thừa nheo một mắt,  suy nghĩ cách diễn tả sao cho thằng Mây nó hiểu việc nó sẽ làm, mà chính ông cũng không biết nó làm cái gì. Làm chiến sĩ thi đua là làm cái gì, ông chỉ hiểu lờ mờ, tuy ông bí thư xã, ông Mẹo, nói với ông rất nhiều, nhưng nói tràn lan,  nói thiên điạ đâu đâu, không dính dáng gì đến ý nghĩa của chiến sĩ thi đua.

“ Ừ, thì như vầy, mầy là thằng nghèo nhứt trong làng, mầy không cha không mẹ không ruộng không vườn, không nhà không cửa, không vợ không con, không biết chữ….mầy không có cái gì hết. Vì vậy các ổng lựa mầy làm chiến sĩ thi đua, nghĩa là người tốt, thành phần tốt nhất,  để các ổng dẫn mầy lên quận, để đọ với các người ở xã khác, rồi chọn người đưa lên tỉnh. Việc đó là việc của mấy ổng , không phải việc của mầy. Theo các ổng nói thì các ổng may áo quần mới cho mầy, cho tiền mầy hớt tóc, lo chỗ ăn chỗ ở cho mầy. Ừ thì mầy hiểu bấy nhiêu là được rồi. Mầy nên nhớ,  các ổng nhắm tới mầy vì mầy nghèo khổ, nghèo khổ nhứt trong làng. Mầy còn nghèo hơn bà Chung, nghèo hơn thằng Rổ, dù sao hai người này còn có cái xum ít tấm tranh cùn,  để chun ra chun vào, còn mầy chỉ nhờ vào các lều chợ nên mầy nghèo nhứt, mà nghèo nhứt là tốt nhứt,  là trung kiên nhứt. Mầy rõ rồi chớ.

“ Dạ, cháu.. cháu.. cháu rõ” Mây trả lời nho nhỏ trong miệng, ấp úng, làm cho ông Thừa chăm chú nhìn vào mặt nó  nghi ngờ không biết nó có rõ điều mình nói hay không.

Cái lai lịch của thằng Mây không ai biết. Có người nói nó từ bên kia sông sang, có người nói  từ bên kia đèo sang, nhưng không quan trọng, vì nó không làm phiền đến ai. Người ta bảo đói như thằng Mây,  nhưng nó chưa bao giờ ăn cắp ăn nảy, chưa đụng đến ai cây kim sợi chỉ, chưa hái dưa trộm, chưa bẻ bắp trộm của ai. Người trong làng thường kể chuyện thằng Mây được cái ví đựng tiền của người bán hàng xén bỏ quên trên cái sạp. Được cái ví thằng Mây ngồi ngay trên cái sạp đó chờ. Chừng hút chưa hết điếu thuốc, hai vợ chồng người bán hàng xén hớt ha hớt hải chạy vào chợ, khóc lóc hỏi có ai thấy cái ví của bà mới rớt trong chợ, cho bà xin chuộc lại. Thằng Mây la lớn : “ Có phải cái này của bà không ?” đưa cao cái ví lên khỏi đầu. Người đàn bà mừng quá chạy đến nhận cái ví, mở ra thấy bạc tiền còn y nguyên, bà đưa cho Mây một số tiền nhưng Mây không nhận còn nói “ Mẹ tôi bảo không phải của mình thì mình đừng lấy, nay bả chết rồi, nhưng tôi không dám quên lời bả dạy”. Câu chuyện đó lan tràn trong xóm làng, lan sang bên kia sông, bên kia đèo,  kể đi kể lại thêm thắt thế nào, làm cho câu chuyện đạo đức khuyên người nghe lý thú. Người ta dùng câu chuyện thằng Mây đó để chưởi khéo bọn nhà giàu có mà bất lương. Rồi từ đó,  có câu tục ngữ trong làng  “ Thiệt thà hơn thằng Mây”, để chỉ người thiệt thà. Thằng Mây, trong làng thường gọi là thằng Mây, được người tin cậy nên nó vào bất cứ nhà nào,  không bị người ta canh chừng mất vặt. Ngày giỗ chạp người trong làng thường gọi thằng Mây đến cho ăn giỗ. Từ đó thành thói quen, hể đến ngày giỗ là Mây tìm đến nhà để giúp lặt vặt,  rồi ra đi sau khi ăn một bữa ăn thật no chung với mâm đàn bà ở nhà  dưới. Mỗi năm có chừng ba bốn chục cái giỗ Mây thuộc đúng ngày tháng theo âm lịch và chưa lẫn lộn lần nào. Nhà của Mây là lều chợ. Ban ngày Mây phụ giúp mấy người quét chợ, dọn vệ sinh trong chợ. Ban đêm  ngủ trong các sạp hàng xén. Mây bảo ngủ ở các sạp này sạch sẽ hơn hàng cá hàng rau hàng thịt. Năm ấy Mây đúng hai mươi bảy tuổi.

“ Anh cứ tiếp tục hớt đi cho xong, tôi đọc tờ báo” ông bí thư Mẹo vừa bước vào tiệm hớt tóc vừa nói. Mở cái cặp da đã cũ mòn, rút tờ báo Nhân Dân. Đó là tờ quân đội nhân dân, nhưng chữ quân đội viết nhỏ, hai chữ Nhân Dân lớn chữ,  nên người ta thường gọi tắt là tờ Nhân Dân. Ngồi trên cái giường thấp có bày sẵn bộ cờ tướng, ông bí thư đọc tiếp bài báo khi hôm đọc lở dở vì buồn ngủ nên đi ngủ sớm. Bài báo chính, trang một,  nói về cách bình bầu cá nhân xuất sắc. Làng ông bầu xong cá nhân xuất sắc về nông nghiệp về giáo dục,  nhưng chưa tìm ra chiến sĩ diệt Pháp xuất sắc,  nên ông mới nhờ ông Thừa, người bạn nối khố với ông lúc còn nhỏ, lúc còn là  hai đứa chăn trâu ngày nào cũng gặp nhau trên gò mã rộng trong làng.

 Ông bí thư lúc nhỏ vì gia đình nghèo, cha mất sớm,  mẹ đi lấy chồng, ông ở với ông bác cũng nghèo khổ,  nên ông bác cho ông đi ở chăn trâu nhà ông địa chủ  thủ sắc Hồi trong làng. Có sức khỏe, siêng năng, thiệt thà, được gia đình ông thủ sắc thương, xem như con cháu trong nhà. Cậu cả Tình, con ông thủ sắc học trường Tây nơi cố đô Huế, nghỉ hè về nhà dạy cho đứa ở chăn bò, biết đọc biết viết chữ quốc ngữ. Đến tuổi 18, thành đinh, ông thủ sắc gả đứa ở gái, người có họ hàng xa với ông nhưng cha mẹ cũng đều qua đời, cho Mẹo, và cho ăn riêng, cho làm nhà trên khoảnh vườn bỏ hoang của ông.

Năm khởi nghĩa 1945, dân làng nổi lên đánh đổ điạ chủ, cha con ông thủ sắc bị bắt và bị đem xử chém vì tội Việt gian phản quốc. Mẹo làm chủ tịch xã, nghĩ tình ông thủ sắc đối xứ tử tế với ông, nhất là cưới vợ lập gia đình cho ông, nên tha chết cho ông thủ sắc nhưng không cứu nổi cậu hai vì tội biết tiếng Tây,  tức làm mật thám cho Tây. Nhiều lúc ông Mẹo kín đáo nói chuyện với ông Thừa, về nỗi ray rứt của ông vì không cứu được cậu cả Tình, người đã dạy cho ông biết viết biết đọc.

“ Ngày nay tôi biết được ba chữ,  đọc được tờ thông cáo tờ chỉ thị,  cũng là nhờ ơn cậu Tình, nhưng tôi không cách gì cứu cậu, vì tôi đã hết sức mới cứu được ông thủ sắc, nên không thể cứu cả hai cha con. Thế mà ông biết không, ông Từ Ty chủ tịch huyện chưỡi tôi như tát nước vào mặt,  bảo tôi chưa có lập trường giai cấp đúng mức, còn cả nể, còn ơn nghĩa với bọn phong kiến phản động. 

Xét tuổi đảng của tui, thành tích cách mạng của tui,  không hủ hóa, không trai gái bậy bạ, tui không phát ngôn bừa bãi, có lần tỉnh đề bạt tôi lên làm phó bí thư huyện, nhưng lãnh đạo huyện lại bát ngay, bảo tui vì ở mướn cho địa chủ lâu quá nên nhiễm thói hư tật xấu, tật ban ơn trả ơn, điều tối kỵ của cách mạng đấu tranh giai cấp vô sản. Nếu tui làm ngơ đi, để tụi  nó giết ông thủ sắc, thì lập trường giai cấp tui vững vàng, uy tín đảng lên cao, và không chừng tui đã lên tới cán bộ tỉnh rồi,  chứ không còn bị đì mãi ở xã nhà. Tui với ông là bạn nối khổ hồi còn ở truồng, ông còn có bà già bắt cua mò ốc nuôi ông học được cái bằng sơ học yếu lược,  nên chữ nghĩa ông khá, còn tui,  nếu không có gia đình ông thủ sắc, thì biết đâu  phải đi xin ăn, và chết đói trong những năm đói đó rồi, thế mà bảo tui phản bội ông thủ sắc thì làm sao  làm được, làm cách mạng làm cộng sản cũng phải biết ơn nghĩa,  chứ mình  phải gỗ đá gì đâu.  Vui miệng tâm tình với ông như vậy, xin ông kín miệng dùm cho tui.”

Ông Thừa người hiền lành, nhiều lúc ông Mẹo muốn nâng đỡ ông,  khuyên ông nên vào đảng để có anh có em, và nhất là để đỡ khỏi  phải vất vả lao động kiếm sống. Ông Mẹo nói thẳng với ông Thừa, vào đảng rồi vào làm cán bộ xã,  tà tà cũng đủ kiếm sống, nuôi miệng mình, và nuôi cả gia đình. Đằng nào cũng có đồng ra đồng vào, đằng nào cũng có quà biếu kín đáo trong ngày lễ ngày Tết, luôn luôn lãnh đạo cho những đợt bồi dưỡng cán bộ, nói dấu gì ông, tôi để dành để để, bà nhà tôi mua được chút ít vàng phòng khi sớ lỡ, phòng xa ông ạ. Nhưng ông Thừa một mạch từ chối, bảo ông không thích chánh trị,  ông chỉ mong ngày kiếm vài cái tóc đủ ăn, rồi đánh cờ tướng cho vui. Bà vợ ông nuôi con heo nái đủ chi tiêu phải trái, tết nhứt, sửa nhà cửa, ông không dám mong gì hơn, trời cho bao nhiêu nhận bấy nhiêu, không dám than van đòi hỏi.

 Tuy vậy,  khi có điều gì không biết phải giải quyết như thế nào,  thì ông Mẹo thường hỏi ý kiến của ông Thừa, vì thế xã ủy đang gặp khó khăn bầu cá nhân xuất sắc, chiến sĩ diệt thực dân Pháp, nên ông kín đáo xin ý kiến của ông Thừa. Và ông Thừa nghĩ ngay đến thằng Mây, muốn nhân cơ hội hiếm có này, cho thằng nhỏ kiếm bộ quần áo lành lặn, ăn no được ít bữa, và biết đâu,  trời Phật phù hộ,  nó trở thành cán bộ thì hay biết bao.

Hớt tóc xong,  ông Thừa ngồi vào giường bên kia bàn cờ, ông bí thư xếp tờ báo bỏ lại vào cặp, và sắp con cờ,  xem như hai người đang đánh cờ, để có ai ra vào tiệm hớt tóc, tưởng hai người đang sát phạt xe pháo mã.

“ Ông uống chén trà rồi tôi báo cáo sự việc ông rõ” ông Thừa vừa rót nước vào hai chén trong cái kỷ đặt giữa giường, bên trong bàn cờ, vừa mời ông bí thư.

“ Tôi nói có thể nó nghe, nhưng có vấn đề để nhân đây mình bàn thử”

  • Vấn đề gì ? hay là nó sợ không dám làm như mấy đứa đã chọn mà không được
  • Không, nó chịu nghe lời chúng ta chứ , nhưng như ông đã biết, nó không biết chữ không biết đọc, không biết viết, thậm chí nó không biết ký tên thì làm sao.

Ông bí thư cười lớn tiếng như đớp được con xe trong bàn cờ, 

 “ Trời ơi, đó mới là hay chứ, ông nên nhớ,   đứa nào càng dốt thì càng được cách mạng tin, được đảng tin, nên thằng nhỏ không biết chứ là điều tốt nhất, nó không cha không mẹ, không nhà không cửa, không ruộng không vườn,  không có đồng xu dính túi, là điều tốt nhất,  là đạt tiêu chuẩn, cao hơn tiêu chuẩn nữa. Nói thật với ông,  nếu mà tui được cái lý lịch tốt như nó,  thì có lẽ tui làm bí thư tỉnh ủy không chừng. Cách mạng vô sản chuyên chế mà ông không biết à !”

       -Nhưng nó biết cái gì mà nói khi có ai hỏi nó, rủi có bọn báo chí nó lém miệng nó hỏi thì thấy mẹ,  lòi xì hết, nên tôi rất lo điểm này, không khéo lòi mặt ếch hết, thì ông gánh đủ.

  • Không sao,  mình tập cho nó nói ít câu … tỏ rõ nó có lập trường là được.
  • Ít câu sao được, tôi đọc báo, tờ Nhân Dân hôm qua hôm kia gì đây, có đăng lời nói của bà chiến sĩ trên bảy chục tuổi, mà bả nói dài nhằng, đâu ra đấy, được nhân dân hoan hô học tập về kinh nghiệm thiến heo của bà.  Khi gà bị dịch,  bà ta không chôn cất,  mà bà sáng tạo,  đem muối gà chết dịch thành nước mắm ngon, cho nên trại nuôi gà kháng chiến của đảng giao bà phụ trách, mùa đông gà dịch, bà biến trại gà thành xưởng sản xuất nước mắm nguyên chất,  để biếu lên huyện lên tỉnh,  được các ông lãnh đạo khen thưởng. Bây giờ thằng nhỏ của mình đây phải nói nó được thành tích gì mà xã chọn nó chứ,  chả lẽ nói vì không có ai nên đưa đại nó vào danh sách à”. Hai ông đều cười to tiếng.

Ông bí thư chững chạc rút tập giấy đánh máy sẵn  :

Ông đọc nho nhỏ, chầm chậm,  vừa đủ để ông Thừa nghe. Thành tích xuất sắc của chiến sĩ  Mây, là đào hầm đêm ngày chung quanh chợ, cho đồng bào núp khi máy bay địch bay đến, đồng chí  Mây đánh kẻng báo động, còn giúp người già cả người tàn tật xuống hầm. Trong một đêm,  đồng chí Mây đã vượt chỉ tiêu, đào được mười ba cái hầm chông để chờ địch đánh địch…..đại khái là vậy, tôi sẽ kèm tài liệu này với bản lý lịch của nó,  rồi báo lên tuyên huấn huyện,  để chỉ đạo họ đọc tuyên dương nó . Cho nên anh khỏi lo, chúng tôi lo trước, anh yên tâm,  bài báo bà chiến sĩ nuôi heo cũng do các ảnh viết,  hoặc do ban biên tập nó viết,  chứ bà già đó mà viết cái chó gì.

  • Ừ,  nhưng thằng nhỏ này không có họ, nó cũng không biết lai lịch nó ở đâu ra, thì mình làm sao.
  • Thì đặt cho nó cái họ, anh lấy họ Ngô của anh cho nó gọi là Ngô Mây, nghe ổn đấy.
  • Được, nó lấy họ Ngô của tui, nhưng rủi khi họ mời chiến sĩ diệt thực dân Pháp lên phát biểu ý kiến thì làm sao, thánh mà đứng ở đó nhắc như nhắc tuồng cho nó nói được.
  • Tôi đã bảo mà, càng câm miệng càng tốt,  đã dốt mà mở miệng thì lòi xì hết,  chết cả lũ,  nhưng anh bày cho nó thuộc làu câu như “ Tôi là Ngô Mây nhờ đảng vĩ đại nhờ bác Hồ vĩ đại, nhất định thắng lợi.” chỉ cần nói bấy nhiêu đủ rồi,  trúng lập trường rồi,  không cần nói nhiều, hóa ra nói bậy. Thôi bây giờ tôi về đi họp, anh nhớ sáng mốt tôi tới đây, chừng nửa buổi , tôi chở nó lên xã rồi đưa lên huyện. Ngày kia huyện mít- ting lớn lắm, chúng tôi đều đến dự, để học tập các chiến sĩ thi đua các xã đưa về đó.  Nghe nói có cán bộ khu về dự. Huyện dự trù làm hai con bò, năm con heo,  để phục vụ đại hội. Tôi mệt ná thở ông ơi.

Ngay tối hôm đó ông Thừa gọi thằng Mây về nhà ông, cho nó biết nó họ Ngô,  và bày cho nó thuộc làu câu nói ông bí thư đã dặn. Ông Thừa dặn dò rất tỉ mỉ,  bảo nó luôn luôn câm miệng, khi nào cần nói mới nói, và nếu được mời phát biểu trong cuộc họp hay trước đám đông,  thì chỉ nói một câu ruột “ Tôi là Ngô Mây, nhờ đảng vĩ đại,  nhờ bác Hồ vĩ đại, tôi nhất định thắng lợi”. Nó hỏi vĩ đại là gì, ông Thừa cho nó biết ý nghĩa câu nói quan trọng đó, và tập đi tập lại nhiều lần. Ông  rất vừa lòng vì Ngô Mây nói được câu nói đó với giọng hùng hồn đầy căm hờn.

Sáng hôm sau, ông bí thư đem đến cho Ngô Mây hai bộ quần áo nhà binh bằng vãi xi ta mốc, một bộ cũ và một bộ mới nguyên, chiếc nón vãi tai bèo và đôi dép cao su gọi là dép bác Hồ.

Đại hội chiến sĩ thi đua được tổ chức trong một trường trung học miền rừng núi. Vì máy bay địch, thực dân Pháp, thường hay bắn phá , nên trường phải dời về ven rừng. Các lớp học lợp bằng tranh núp dưới các tàng cây lớn rậm rạp.

Cán bộ mười sáu xã trong huyện, cùng số chiến sĩ thi đưa được bình bầu ở xã đều kéo về dự đại hội. Các chiến sĩ xuất sắc về nông nghiệp về giáo dục phần nhiều những người lớn tuổi, có những người ở tuổi trên dưới 70, có một số đàn bà. Riêng về chiến sĩ diệt địch phần nhiều trẻ tuổi, Ngô Mây là người lớn tuổi trong đám đó.  Nhưng 16 xã  chỉ bình bầu được có 10 chiến sĩ,  và như thế  có 6 xã không có chiến sĩ xuất sắc về diệt địch. Các chiến sĩ thi đua được ở trong các lớp học, mỗi người một giường bố nhà binh,  có mền gối, tấm đắp mới,  gọn gàng sạch sẽ. Ngoài phòng có lính gác bảo vệ an ninh. 

Trong hai ngày đầu, các bí thư xã, cán bộ huyện và cán bộ tỉnh,  duyệt xét hồ sơ cá nhân các chiến sĩ xuất sắc. Căn cứ vào các bản thành tích xuất sắc, cùng thành phần giai cấp, để chọn lựa chiến sĩ xuất sắc của quận. Sau khi bình chọn tỉ mỉ còn được mười cá nhân xuất sắc về nông nghiệp, hai cá nhân xuất sắc về giáo dục, và hai cá nhân xuất sắc về diệt địch. Ngô Mây được chọn lựa.

Chiều hôm đó vào quảng 5 giờ, nhưng nắng tháng Năm còn gay gắt. Cảnh rừng u tịch nhưng chiều nay bỗng ồn ào náo nhiệt vì những bài ca “ Chiến sĩ thi đua” do các đoàn thanh thiếu niên lân cận kéo về dự lễ. Những câu khẩn hiệu viết trên những tấm đan bằng lá cói, bề một mét bề 5 mét, Hoan hô chiến sĩ thi đua, Hồ chủ tịch muôn năm, Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi, Đảng lao động muôn năm v..v..Nam phụ lão ấu, tất cả theo đoàn ngũ chỉnh tề nô nức kéo về khoảnh đất trống gần bìa rừng dự lễ bình bầu chiến sĩ thi đua xuất sắc của huyện . Đoàn văn công của tỉnh về giúp vui, có máy phóng thanh, nên tiếng hát náo nức từ xa đã nghe vang  “ …Chiến sĩ thi đua từ bốn phương về…Từ miền núi, từ đồng quê, từ cực Nam, Miên Lào về đây….”

Một khán đài cao, sát bìa rừng,  nhìn ra đám đông đang chen chúc ngồi chờ. Phía trong khán đài trên cao, treo cờ đỏ sao vàng,  xen những lá cờ búa liềm màu máu.    Ảnh các vị lãnh tụ Staline, Mao và Hồ chủ tịch. Ba hàng ghế học sinh trên kháng đài, phía trước sắp hai hàng ghế có chỗ dựa. Phía trước khán đài bên trái bên phải mỗi bên một cái bàn vuông, trên có micro để điều hành buổi lễ, và để cán bộ nói chuyện đọc diễn văn với dân chúng.

Hơn mười cán bộ lần lược từ huyện lên liên khu ra dọc diễn văn nói về ý nghĩa của phong trào thi đua sản xuất và thi đua diệt giặc xâm lược . 

Tiếng loa phóng thanh kêu gọi mọi người im lặng giữ trật tự để nghe trình bày danh sách cá nhân xuất sắc từng xã và danh sách cá nhân xuất sắc của quận. Đồng chí Ngô Mây, cá nhân xuất sắc diệt địch của quận được ngồi ghế có chỗ dựa phía trước trên kháng đài. Dáng người to lớn vặm vỡ,  mặc bộ quần áo nhà binh, đội nón vãi,  ngồi nghiêm chính như pho tượng không nhúc nhích,  tạo một vẻ hùng mạnh, khác hẳn với những chiến sĩ thi đua khác phần nhiều già nua ốm yếu bạc nhược.

Một số chiến sĩ xuất sắc được mời lên phát biểu cảm tưởng. Phần nhiều đọc những bài viết sẵn trước,  nên na ná với nhau. Khi Ngô Mây được mời ra máy micro, anh chậm chạp bước ra, đứng lặng người,  nhìn chăm chú vào đồng bào đang lắng tai nghe. Giây phút nặng nề im lặng, bỗng người chiến sĩ hai bàn tay cương quyết nắm chặt tung lên trời, anh hét lớn : “ Tôi….là Ngô Mây, nhờ đảng vĩ đại, nhờ bác vĩ đại, tôi nhất định thắng lợi !” Anh cuối đầu chào. Những tràng vỗ tay  như pháo nổ, tiếp theo tiếng hoan hô nồng nhiệt vang dội trong khu rừng, trong đám đông trước khán đài.

Ông bí thư Mẹo vui vẻ thuật lại cho ông Thừa :

  • Tôi toát mồ hôi, lạnh xương sống,  cứ nghĩ rằng thằng nhỏ quá khớp truớc đám đông, nhưng không ngờ địệu bộ hùng dũng của anh ta tung lên trời hai nắm tay cương quyết, hét lớn câu ruột,  nhờ đảng nhờ bác thắng lợi. Tiếng vỗ tay tiếng hoan hô long trời lỡ đất, nói dấu gì ông, tôi mừng run người, tôi không ngờ thành công tới mức đó. Một thắng lợi lớn. Hay quá, xã nhà nhất định được khen thưởng, được đăng trên báo, cả nước đều biết đồng chí Ngô Mây, một chiến sĩ xuất sắc diệt địch. Rồi ông xem, Ngô Mây sẽ là một anh hùng kháng chiến, sẽ được ra Bắc thăm bác Hồ vĩ đại.
  • Thế thì chừng nào nó về
  • Chưa,  còn lên tỉnh để so đọ  chọn lựa cá nhân xuất sắc của tỉnh. Tôi hi vọng thằng Mây sẽ được tỉnh chọn. Nói ông biết mà thôi, tôi có nhờ anh em tuyên huấn tỉnh, họ cũng như tôi nhưng không bị chèn phá như ở địa phương chó đẻ của mình, tôi có đãi họ một chầu bún riêu, ở đời phải vậy,  phải xã giao rộng mới được việc,  chứ được đồng nào cất kín đồng đó,  thì có nước đi ăn mày chó chứ làm gì mà thắng lợi được. Đảng dạy khôn cho tui nhiều lắm ông ơi.
  • Mấy bữa nay thằng Mây no say chứ gì.
  • Sướng hơn vua nữa đó ông. Tôi tuy vào tù ra tội, tuy tuổi đảng cao, nhưng chưa bao giờ được cái phút sướng như vậy. Đảng nâng đỡ chìu chuộng đãi ngộ chiến sĩ thi đua, ông tính, ăn thịt mệt nghỉ, cá bỏ đầu, ăn  thừa thải. Nói phát thèm, buổi sáng có người hầu cà phê, nửa buổi ăn chuối, trưa ăn như ăn giỗ, xế ăn chè, tối như tiệc đám cưới, ăn khuya trước khi đi ngủ. Để vài tháng nữa thằng Mây nó về ông coi, mập ú như con heo, trắng như Tây.

     Trời chưa sáng, ông bí thư Mẹo gõ cửa tiệm hớt tóc gọi ông Thừa dậy xem báo :

  • Mừng quá cả đêm không ngủ được, trông mau sáng đến cho ông xem báo ca tụng thằng chiến sĩ Ngô Mây.
  • Ông ngồi, tôi chế trà uống, rồi đọc báo, thành quả lớn này do ông là chính. Thằng Mây đời đời phải nhớ ơn ông, nói dại miệng, ông chết nó phải bịt cho ông hai cái khăn tang mới xứng cái công của ông.
  • Ông biết đùa, chính ông mới là người có công với nó, ông cho nó mượn cái họ Ngô mà. Cả hai cười vui vẻ,  uống trà.

Cả hai tờ báo tờ Nhân Dân và tờ Cứu Quốc đều đồng loạt đăng những bài bình luận về anh hùng diệt địch Ngô Mây.  Về tỉnh,  sau khi chọn lựa kỹ,  Ngô Mây xứng đáng là chiến sĩ thi đua diệt địch của tỉnh. Tờ Cứu Quốc còn phong Ngô Mây là vị anh hùng diệt địch của giai cấp vô sản. Câu nói của Ngô Mây, vì đảng vĩ đại vì bác Hồ vĩ đại tôi nhất định thắng lợi, trở thành cái đề tài lớn của hai tờ báo, trở thành bài học tập quan trọng cho đảng và cho nhân dân . Nhiều bản nhạc, nhiều bài thơ,  ca tụng ý chí tranh đấu kiên cường của chiến sĩ Ngô Mây, người con của tổ quốc của dân tộc, của  giai cấp tiên phong, của giai cấp vô sản tiên tiến.

Không khí chiến tranh căng thẳng. Quân thực dân Pháp xâm lược vừa chiếm thành phố Qui Nhơn và đang mở mặt trận Tây nguyên. Chiến dịch Attland trong mấy ngày chiếm trọn các thị trấn từ Ninh hòa ra Qui Nhơn. Quốc lộ 19 nối liền Qui nhơn lên An khê lên Cao nguyên bị uy hiếp. Quân kháng chiến Nam Ngãi rút về bảo vệ trục lộ 19, con đường chiến lược cho cả một vùng Cao nguyên quan trọng. Ông bí thư nói với ông Thừa, cả tuần nay trong nội bộ đảng mất ăn mất ngủ trước tình thế cực kỳ nguy hiểm. Tuy không cho dân chúng biết sự thật khá bi đát như thế, nhưng dân chúng được tổ chức đội ngũ. Tập tản cư cho lớp người già cả, trẻ con, phụ nữ, còn thanh niên phải bám trụ,           ở lại làng xóm để chiến đấu.  Ông còn nói nhỏ với ông Thừa, lệnh tối mật, chú ý những thành phần bất hảo,  thành phần tình nghi Việt gian làm tay sai cho giặc, đảng phải ra tay trước,  khi hữu sự.

Ông bí thư ra về, Ông Thừa suy nghĩ mung lung, không biết những lời giả nói ra có ý gì hay là giả có ý hù mình.  Mỗi ngày kiếm vài cái tóc, đánh cờ, ngoài ra mình không màn đến thế sự, không đâm thọc,  không tranh giành với ai,  thế mà mình không yên được hay sao. Nhưng tốt hơn mình phải đề phòng, phòng bịnh hơn chữa bịnh, ban đêm mình nên lánh chỗ ngủ,  đề phòng lòng nham hiểm của con người, nhất là loại tiểu nhân đắc thế, loại con tốt sang sông.

Mấy đêm nay ông Thừa cảm thấy khó ngủ. Không hiểu vì lý do gì, bảo vì tình thế căng ông sợ, thì cũng không đúng. Vì uống trà và hút thuốc nhiều nên khó ngủ, cũng không hẳn,  vì hai thứ trà thuốc quá quen đối với ông, cũng trên hai chục  năm rồi, từ ngày ông lập tiệm hớt tóc.

 Nhưng có điều lạ,  là từ ngày thằng Mây ra đi, ông thường hay nghĩ về nó. Vẫn biết đưa nó đi là cho nó được sung sướng, được no ấm ít ngày, ông cảm thấy  như có cái gì đó không ổn, nhưng ông không hiểu cái đó là cái gì. Đêm qua trong chiêm bao, ông thấy thằng Mây về ngồi im lặng và buồn quá, ông định hỏi nó thì vừa nó đứng dậy, ra đi với vẻ mặt u sầu ủ dột. Ông nghĩ, có lẽ vì tơ tưởng đến nó hơi nhiều nên thấy vậy thôi.

Tiếng ai gõ cửa. Ban đêm khuya khoắt, ai gõ cửa. Ông Thừa tỉnh giấc ngồi dậy. Tiếng gõ cửa mạnh dồn dập. Ông bối rối,  hoảng hốt ngồi dậy,  định bước nhanh ra cửa sau, nhưng ông lại dừng lại. Tiếng gõ cửa,  có tiếng nói. Bước gần cửa thì ra tiếng ông Mẹo “ Tui đây, mở cửa không sao đâu, có chuyện vui, mau lên, tui đây”. Ông đốt đèn mở cửa :

  • Có gì mà khuya khoắt vậy ông ?

Đây,  ông xem tờ báo, phe ta thắng lớn rồi, thằng Mây trở thành anh hùng dân tộc

Ông Thừa cảm thấy lạnh quá, run lập cập, toát mồ hôi, không cầm tờ báo được. Ông không hiểu cái gì hết,  nhưng sao run quá.  Đốt cái tàn thuốc trên gạt tàn đặt trên bàn, hít mạnh vài thơi thuốc lá, ông tỉnh táo hẳn,  nhìn cái đề chữ lớn in đậm trên tờ báo “ Anh hùng Ngô Mây ôm bom ba càng dũng cảm hi sinh diệt tăng của địch tại đèo Bình Khê liên khu V.” Tờ báo rớt xuống đất, ông Thừa dựa vào thành ghế thở hổn hển, nước mắt  chảy dầm dề trên gò má. Nhìn ông Thừa, ông Mẹo yểu xìu , bớt sự vui mừng, nói nho nhỏ :

  • Thôi,… ông nên tin đó.. cũng là số mạng, nhưng… được chết như thế, thật là vẻ vang, xứng đáng là anh hùng dân tộc. Khi chạng vạng tôi được tin mật từ huyện, nội bộ cấp tốc làm lễ truy điệu, đang chờ lệnh tỉnh ủy chỉ đạo cho việc tổ chức toàn dân truy điệu anh hùng đồng chí Ngô Mây.
  • Ông hút điếu cho ấm, khuya quá rồi, tôi về, ông nhớ đóng cửa.

Ông Thừa vẫn ngồi im lặng không nói gì hết, mắt trừng trừng nhìn ra ngoài cửa trong màn đêm tối nghịt. Gió khuya nhẹ nhẹ,   lạnh.   Ông bí thư quấn điếu thuốc hút, quấn tiếp một điếu đưa cho ông Thừa.

Ông Mẹo ra về, ông Thừa vẫn ngồi im lặng, nhưng hơi thuốc lá làm cho ông bình tỉnh lại. Ông đứng dậy ra đóng chặt cánh cửa chính. 

Nhìn lên bàn thờ, vắng lạnh. Ông đốt ba cây nhang, cắm trên bàn thờ, rầm rì :

Sống khôn thác thiêng, cầu mong linh hồn cháu siêu thoát

Ông khóc thành tiếng, Trời ơi là trời, chính tôi dại dột đưa nó vào chỗ chết, trời ơi là trời. Ông hít những hơi thuốc dài liên tục. Khói thuốc màu trắng đục như sương mờ, nặng nề, lẫn quẩn chung quanh người ông.

 Khơi tỏ ngọn đèn dầu. Ông đọc tờ báo.

Tờ báo tả tỉ mỉ hai anh hùng Ngô Mây và Trịnh Hạt ôm bom ba càng phá tung  tăng địch. Tờ báo viết, hai anh hùng dũng cảm, ôm bom nhào tung vào hai  tăng địch dẫn đầu lên đèo Bình Khê, tỉnh Bình Định huyện Tây Sơn, quê hương của vị anh hùng áo vãi, vua Quang Trung. Tiếng nổ long trời lở đất, làm hai tăng bốc cháy, thiêu hủy hai chục tên lính xâm lược và ba chục tên lính đánh thuê, đi dưới đường gần hai xe tăng. Bọn địch mất tinh thần, chạy thoát chết, cả đoàn tăng rút lui không dám tiến qua đèo. Một thắng lợi lớn của chúng ta nhờ tinh thần vì Đảng vĩ đại, vì Bác Hồ vĩ đại, vì nhân dân anh hùng, hai đồng chí anh hùng Ngô Mây và Trịnh Hạt đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, đã được Tổ Quốc ghi công….Ông Thừa hoa cả mắt không đọc được nữa. Ông ngồi hút thuốc liên tục cho đến sáng.

Đang tiết đại-hàng, lạnh quá. Trời u ám, bầu trời thấp hẳn. Ông Thừa  cảm thấy mỏi mệt như qua một trận đau nặng. Mưa  nặng hạt, gió Bấc thổi mạnh. Người đi chợ thưa thớt, như chiếc nón lá úp trên chiếc tơi lá,  chậm chậm tiến vào chợ, không thấy hình dáng con người. Mùa đông tiêu điều ảm đạm. Bỗng dưng ông lại nghĩ đến thằng Mây và ông áy náy, cảm thấy mình như có tội,  xúi dại thằng nhỏ vào chỗ chết. Hạ cánh cửa chính vào tiệm hớt tóc, ông ngồi lặng lẽ, hút thuốc đơn độc bên trong.

Trằn trọc mãi đến gần gà gáy đầu ông mới chợp được mắt. Mơ mơ màng màng, hình như có tiếng động nhẹ nhẹ. Ông giật mình, có lẽ tiếng gió gào thét bên ngoài, nhắm mắt tìm lại giấc ngủ, lại tiếng gõ nhẹ nhẹ. Tiếng gõ cửa , ông ngồi dậy lắng nghe, tiếng mưa rơi tiếng gió hú bên ngoài. Không, hình như có ai gõ cửa. Đêm mưa gió khuya khoắt như thế này ai gõ cửa ? Im lặng, ông nằm xuống. Tiếng gõ dồn dập mạnh hơn, ông vụt ngồi dậy, liếc nhìn trên bàn thờ, vắng lạnh. Chưa biết phải làm gì bây giờ, thì tiếp theo tiếng gõ cửa vội vã, chú mở cửa cho cháu, mở cho cháu, mau lên. Hoảng hốt, không kịp suy nghĩ, kéo cánh cửa ra,  một bóng đen vụt vào nhà, nói lớn,  cháu Mây đây, cháu đây. Ông Thừa đứng chết sửng, há hốc mồm, đờ cặp mắt nhìn tròng trọc vào con người quần áo ướt như mới dưới sông nhảy lên. Người hay ma.?.  Cháu đây,  lạnh quá, cháu chờ lâu quá !  Đốt đèn, họa,  sao như thế này, là sao, sao như thế này.?  Mầy là Mây thật hả.?. Ông run người, mừng quá, ôm chầm lấy Mây, nước mắt tuông chảy ông nói trong tiếng khóc ngạc nhiên mừng rỡ :

“ Trời Trời, cháu còn sống à, Trời Trời, ba ngày nay chú nghĩ  cháu đã chết rồi, báo đăng…Ông vụt loé thấy hết sự thật. Cháu đi thay quần áo gấp đi, rồi sẽ nói chuyện , đi đi kẻo cảm lạnh. Ông vớ lấy áo quần của ông treo lên vách đưa cho Mây. Hoàn hồn hút điếu thuốc, nấu ấm nước sôi. Bên ngoài mưa to gió lớn, đêm tối mịt.

Như một thế giới riêng biệt, hai cái bóng đen ngồi hút thuốc, uống chén trà nóng, nói chuyện.

Chú biết hông, nhờ ông bà che chở, may quá,  cháu chạy được. Lên tới liên khu còn độ mươi người chiến sĩ,  có hai chiến sĩ diệt địch, cháu và thằng Hạt,  người miệt ngoài. Những chiến sĩ nông nghiệp, họ được về từ lâu, vì họ già cả,  và nói về để lo vụ mùa, dọn ruộng cấy. Họ làm lễ lớn lắm trong hội trường , có bàn thờ có ảnh Bác,  họ mời cháu và thằng Hạt lên sân khấu ngồi trước bàn thờ. Đèn đuốc sáng trưng, họ nói nhiều lắm, hết ông này nói đến ông kia, cháu không hiểu họ nói cái gì, chỉ biết khi họ hết nói, thì vỗ tay hoan hô ồn ào. Có âm nhạc,  có đánh trống,  có hát nữa. Rồi tất cả im lặng, một cán bộ lên nói cần người ra mặt trận để đánh tây, ông vừa dứt lời thằng Hạt đứng dậy xin ra trận. Trời ơi chú biết hông, họ vỗ tay, họ la hét như bể cái nhà hội. Được trớn, thằng Hạt đòi được ra trận ngay từ bây giờ, từ đêm nay, người ta lại vỗ tay, lại la hét lớn hơn, làm điếc cả hai cái lỗ tai. Chú với ông Mẹo dặn cháu chỉ khi họ hỏi đến mình thì mình mới nói, nên cháu vẫn ngồi im, không hé miệng. Bỗng ông cán bộ nói lớn,  mời cháu cho ý kiến. Như chú dặn, khi có ai hỏi, thì cháu chỉ nói một câu ruột của cháu. Cháu la thật lớn “ Nhờ đảng sáng suốt,  nhờ bác Hồ vĩ đại tôi nhất định tháng lợi”, Chú biết hôn, cháu không ngờ họ vỗ tay la hét càng lớn hơn  trước.

Đêm đó ăn uống linh đình, có các chị các cô bưng đồ ăn mời cháu ăn, bưng nước mời cháu uống, và ai ai cũng mến hai đứa cháu. Thấy hai đứa cháu họ gục đầu chào cười.Sáng hôm sau họ chỉ cho hai đứa cháu cách đánh giặc, họ đưa cho mỗi đứa một miếng dẽo như xôi nếp, trắng như bột, bằng ba ngón tay, dài chừng hơn hai gang tay. Miếng đó họ nói là miếng mìn dẽo. Họ buộc chặt vào dưới ngực trên bụng của cháu. Phía dưới miếng đó có cái dây bằng đồng đỏ óng, lòng thòng cột vào một cục như trái chanh. Họ dặn kỹ nếu bóp mạnh vào trái chanh thì mìn nổ làm tan nát chiếc tăng của địch. Họ nhắc đi nhắc lại đến bực mình là đừng bao giờ đụng mạnh đến trái chanh đó, nếu đụng nó nổ tung. Chỉ khi nào gần tăng của địch,  thì mới bóp mạnh trái chanh đó cho tụi địch nó chết. Họ nói hai đứa cháu,  bỏ đồ lính,  mặc đồ dân,  mới đến gần tăng của địch, nếu không thì địch nó thấy đồ lính nó bắn mình chết trước khi đi đến tăng của nó. Rồi họ tập cho hai đứa cháu cách đến gần tăng và tập bóp trái chanh nhưng không dùng đồ thiệt,  nên không nổ, chỉ tập thử cho quen thôi mà. Thằng Hạt nó trúng gió nên cả ngày mặt xanh,  không còn chút máu,  nên họ xoa dầu chích thuốc bổ cho nó.

Tối đó họ cho hai đứa cháu biết sáng sớm mai có xe đến đưa hai đứa cháu với bộ đội ra trận. Họ nói nho nhỏ, bí mật,  xe chở hai đồng chí đến đèo An Khê để phá hủy tăng của địch, xe chạy chừng nửa buổi tới. Các chị nuôi dọn cháo gà cho hai đứa cháu ăn. Thằng Hạt nuốt không trôi,  còn cháu thì sợ quá ăn không vô. Cháu húp miếng cháo nóng rồi thôi. Người lạnh,  phát run,  ngồi hút thuốc,  chờ xe đến. Thằng Hạt nó khóc oà bảo “ Hổ chú, cháu hổ,” nó thường gọi cháu là chú. Nó đứng dậy nói lớn, đi tiểu, thay vì thường đi tiểu phía cửa sau,  ra vườn sau, nó ra cửa trước và không thấy vào nữa. Một bà cán bộ nói với cháu, đồng chí đi nằm nghỉ sớm,  rồi khuya xe đến, đi làm nhiệm vụ. Cháu không nói gì,  im lặng ra cửa trước. Trong đêm vắng quá, trời mù đen, mưa lất phất, cháu bước vào đám mía bên cạnh,  như thường  đi ỉa, sẵn trớn,  cháu chạy một mạch ra đường xe lửa. Hổ mất dạng.

  • Hổ là sao cháu ?
  • Dạ, tiếng lóng của bọn móc túi ngoài chợ, là chạy trốn đó chú. Thằng Mây cười hồn nhiên như không có gì rắc rối.

Nguyễn Liệu.

                                   HẾT

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

%d người thích bài này: