David Hutt: Nỗ Lực Chống Tham Nhũng Của Việt Nam Không Bao Giờ Đi Xa Được (The Diplomat, Mặc Lý dịch)

David Hutt: Nỗ Lực Chống Tham Nhũng Của Việt Nam Không Bao Giờ Đi Xa Được (The Diplomat, Mặc Lý dịch)

 (Ghi chú – Đây là bản dịch bài báo của David Hutt trên tạp chí The Diplomat, số ra ngày 09/02/2023. David Hutt là một ký giả và một nhà bình luận thời cuộc. Ông cũng là nhà nghiên cứu tại Học Viện Nghiên Cứu Á Châu (CELAS), một ký mục gia của tạp chí The Diplomat và phóng viên cho báo Asia Times.) 

***

Trong việc tập trung quyền lực để chống tham nhũng, ông Nguyễn Phú Trọng đã tạo ra một hệ thống trong đó nạn tham nhũng còn có cơ hội phát triển mạnh hơn nữa một khi ông ta không còn tại vị – David Hutt.

Liệu chiến dịch chống tham nhũng của Đảng Cộng Sản Việt Nam (ĐCSVN) đã đạt đến điểm cao nhất chưa? Đầu tháng 1, người ta đã  chứng kiến ​​việc Ủy Viên Bộ Chính Trị, Phó Thủ Tướng Phạm Bình Minh, cũng như một Phó Thủ Tướng khác, ông Vũ Đức Đam, từ chức. Vài tuần sau, Chủ Tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc cũng từ chức (nói một cách đẹp đẽ hơn thì những gì đã xảy ra là “để cho thôi chức một số cán bộ do vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng.”

Có nhiều người nói rằng đây là sự khác biệt quan trọng so với trước đây. Từ khi ông Nguyễn Phú Trọng, người đứng đầu ĐCSVN, bắt đầu chiến dịch “đốt lò” chống tham nhũng vào năm 2016, một số, hiện còn chưa rõ, quan chức đã bị cách chức, khai trừ khỏi đảng, hoặc bị tù vì tội tham nhũng. Thí dụ, Bộ Trưởng Y Tế Nguyễn Thanh Long và đại sứ Vũ Hồng Nam đã chính thức bị cách chức năm ngoái vì những việc làm mờ ám xung quanh việc đối phó với đại dịch COVID-19 của quốc gia. Một số các chuyên viên lại cho rằng đảng hiện nay muốn thúc đẩy “văn hóa từ chức”, để các quan chức có tì vết nhảy ra trước khi họ bị đẩy ra. Ông Trọng đã gợi ý rằng những người từ chức sẽ được chính quyền nhẹ tay hơn. Ông Trọng gần đây nói: “Nếu phải trừng phạt nghiêm khắc tất cả, hoặc cách chức tất cả thì cũng không tốt đâu“.

Viết trên tờ The Diplomat gần đây, ký giả Quynh Le Tran cũng cho rằng “việc này đã chỉ ra sự công nhận rằng không phải tất cả các quan chức đã nhúng tay trong các việc tham nhũng đều nên bị trừng phạt nặng nề, và việc cho phép những người sẵn sàng đứng ra chịu trách nhiệm về những việc làm của mình thay vì phải chịu những hậu quả khắc nghiệt, là điều tốt cho đảng và cho quốc gia.”

Điểm rõ ràng có thể thấy ngay là điều này tạo ra một hệ thống hai cấp song song: những người từ chức (hay nói đúng hơn là những người được coi là đủ quan trọng để được phép từ chức hơn là bị công khai cách chức) được đối xử tương đối nhẹ, còn những quan chức ít quyền thế và ít bạn bè hơn thì sẽ bị xử theo luật.

Chẳng hạn, việc từ chức của ông Nguyễn Xuân Phúc. Ngay trong tuần này, ông được phép công khai nói rằng ông từ chức vì những sai phạm của các quan chức khác, chính yếu là của các phụ tá của ông, khi còn là thủ tướng từ năm 2016 đến năm 2021. Ông phủ nhận chính cá nhân ông tham nhũng và Ủy ban Kiểm Tra của Trung Ương ĐCSVN cũng nói rằng không ai trong gia đình của ông có dính líu đến tham nhũng (mặc dù đó là điều những người theo dõi tình hình Việt Nam đã đồn đãi trong nhiều năm qua). Vậy có thể khá an toàn khi nói rằng các công an điều tra đã được lệnh thôi không truy tìm dấu vết trong gia đình ông Phúc ngay một khi ông ta công khai chịu trách nhiệm.


Như vậy, ông Phúc có thể giữ lại thanh danh của mình (dù sao ông cũng sẽ phải rời ghế trong vài năm nữa ngay khi không có chuyện gì xảy ra) và về hưu mà gia đình không bị tai tiếng. Nhưng điều này gửi tín hiệu gì đến cho những quan chức cấp thấp hơn trong chiếc thang quyền lực hay đến khu vực tư doanh? Nhiều người đã bị thanh trừng và con đường thăng tiến của họ bị chặn vĩnh viễn; một số đang ngồi tù, và một số đã bị kết án tử hình. Trong một bài nói chuyện được truyền hình đầu năm 2021, ông Trọng nói: “Mọi cán bộ và đảng viên phải nhận trách nhiệm làm gương. Chức vụ và cấp bậc càng cao thì phải nhận trách nhiệm càng nhiều.”

Vậy làm gương ở đâu khi quan chức cấp càng cao lại càng có nhiều cách để rút chân (và thực ra là để công khai rút khỏi mọi buộc tội)? Người ta có thể hoài nghi là không ai đứng ở chức vụ hàng đầu như vậy lại hoàn toàn trong sạch. Người được dự đoán là sẽ thay thế ông Phúc, bộ trưởng công an Tô Lâm cũng bị cho là tay đã nhúng chàm.

Người phụ trách mục này thường lưu ý rằng hệ quả của chiến dịch “đốt lò” có lẽ là quan trọng đối với ông Trọng và phe cánh của ông hơn là việc chỉ đơn thuần một vài quan chức tham nhũng.

Năm 2018 ông Trọng từng nói là “Tham nhũng đang đe dọa sự tồn vong của chế độ,”, nhưng bây giờ “suy đồi về chính trị còn nguy hiểm hơn.” Ý của ông Trọng không chỉ đơn thuần là trừng phạt những kẻ tham nhũng mà còn muốn làm đảng trong sạch, xây dựng lại đảng với hình ảnh cần kiệm liêm chính của mình. Có lẽ điều này giải thích tại sao ông muốn nhiều quan chức từ chức hơn là bị cách chức; đảng có thể tuyên bố là đảng vẫn còn phẩm chất đạo đức mặc dù đảng viên làm sai. Vậy có phải là đảng đã trở lại với việc “tự phê” thời chủ nghĩa cộng sản năm xưa?

Nhưng than ôi, nỗ lực chống tham nhũng sẽ là một chiến thắng tai hại, nếu người ta còn có thể gọi nó là một chiến thắng. Gốc rễ của vấn đề tham nhũng tràn lan ở Việt Nam, đó là một nhà nước độc đảng, trong đó các quan chức chỉ chịu trách nhiệm trước cấp trên của họ (những người này lại có thể nhận hình phạt nhẹ hơn cấp dưới), và trong đó các công an điều tra và tòa án sẽ không phán quyết về bất cứ điều gì mà đảng không muốn. Như vậy, bài học của các cuộc thanh trừng là: đảng là quan tòa và cũng là bồi thẩm đoàn, chứ không phải bất kỳ tổ chức nào khác.

Như vậy, chiến dịch chống tham nhũng sẽ chỉ tồn tại chừng nào một người thực sự tin tưởng  vào đảng như ông Nguyễn Phú Trọng vẫn còn nắm quyền lãnh đạo. Nguy hiểm hơn, nó có xu hướng tập trung quyền lực nhiều hơn nữa vào một đảng, mà sự cai trị độc tài lại chính là lý do tiên quyết cho tham nhũng. Ông Nguyễn Khắc Giang, Trung Tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược của Việt Nam, đã rất chính xác khi nói mới đây rằng cuộc thanh trừng chủ yếu là các quan chức trong chính phủ, chứ không phải là guồng máy đảng. Do đó, đúng hơn thì phải nói chiến dịch chống tham nhũng là trận chiến của đảng chống lại chính phủ, mà trong những năm gần đây đã trở thành độc lập hơn với ĐCSVN.

Nhưng đó là một rủi ro tự thân trong tất cả những điều này, vì ông Trọng, 78 tuổi, hầu như chắc chắn sẽ về hưu trong ba năm nữa, nếu không sớm hơn. Như một nhà phân tích đã nói vào đầu năm 2020, ông Trọng “đã thực thi quyền lực không phải vì lợi ích cá nhân mà để làm trong sạch một đảng đang suy đồi vì tham nhũng và lạm quyền. Tuy nhiên, một người trẻ hơn thay thế ông, với nhiệm kỳ dài hạn hơn có thể không cam kết trung thành với những lý tưởng như vậy. Thay vào đó, ông này có thể lợi dụng chức vụ của mình để làm giàu cho gia đình và phe cánh của mình, như đa số các nhà lãnh tụ chuyên chế đều làm thế.” 

Hơn nữa, trừ khi người kế nhiệm ông Trọng cam kết trung thành với lý tưởng đảng như ông, đó có lẽ là lý do ông Trọng nhận nhiệm kỳ thứ ba vào năm 2021 hầu như chưa có tiền lệ vì thiếu ứng cử viên, người kế nhiệm này sẽ có trong tay một hệ thống trong đó đảng có nhiều quyền lực hơn thời trước khi ông Trọng nhiệm chức. Và đảng có nhiều quyền lực hơn đối với mọi định chế khác, chẳng hạn như công luận, tư pháp, hoặc báo chí, vốn được cho là có thể buộc các quan chức tham nhũng phải chịu trách nhiệm của mình.

Nói trắng ra hơn, ông Trọng đã tạo ra một hệ thống trong đó nạn tham nhũng còn có cơ hôi phát triển mạnh hơn nữa một khi ông ta không còn tại vị. Rốt cuộc, nếu chỉ có những người đứng đầu guồng máy cầm quyền (hay các quan chức có “đạo đức” đã leo cao trên cột mỡ quyền lực của chế độ cộng sản)  có thể buộc người dân phải “giải trình”, điều gì sẽ xảy ra nếu guồng máy này trở thành thối nát? Liều thuốc của ông Trọng có thể kéo dài thêm căn bệnh nó định chữa trị.

Mặc Lý 

Nguồn: The Diplomat

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

%d người thích bài này: