CHÚ KHỎE – truyện của Nguyễn Liệu
CHÚ KHỎE – truyện của Nguyễn Liệu

Lên cái dốc đi bộ mệt muốn chết. Mười năm trước ông gắng sức chạy lên tới tận đỉnh dốc thở hết hơi nhưng mau hồi sức. Bây giờ, tuổi trên 80 không chạy nổi, nhưng ông quyết không chịu đứng dưới chân dốc nhìn lên đỉnh như nhìn lên không gian huyền ảo bí mật, ông chậm chạp từng bước vững chắc dẫm trên hai bên rìa cỏ khô để khỏi trượt chân. Lên được phần năm dốc thở hổn hển, ông muốn dừng nghỉ cho khỏe rồi tiếp tục, nhưng ông thấy khó chịu, hình như có đụng chạm đến tự ái, hít thở mạnh gắng sức tiếp tục. Cứ mỗi lần muốn dừng lại thì ông lại gắng hít thở tiếp tục. Thà đi chậm nhưng không dừng bước, dừng là đầu hàng là thua cuộc, ông nghĩ như vậy. Cái dốc này như một thước đo sức lực suy đồi dần dần của con người về tuổi xế chiều. Từ chỗ chạy qua dốc khi còn trẻ khỏe, đến chỗ phải đi từng bước, rồi chỉ đi được một phần dốc, rồi đến lúc phải bỏ hẳn con dốc chỉ nhìn lên đỉnh như nhìn lại một quá khứ vàng son, rồi rẽ con đường bằng phẳng khác dưới chân dốc .
Như một thói quen, những người còn đủ sức chạy lên dốc thường chạy bên trái, những người đi lên dốc thường đi bên lề phải để không làm trở ngại người chạy.
Thế mà mấy năm nay ngày nào ông cũng lên đỉnh dốc nhìn bao quát. Từ đỉnh dốc, bầu trời xanh mượt, xanh như trời Địa trung Hải, nhìn những toà cao tầng đều thấp bé, những xóm làng, những rừng cây đều thấp lè tè. Lên cao thấy thiên nhiên vĩ đại thật. Lên tới đỉnh ông cảm thấy vui vui, cái vui của người vừa xong một công việc.
Rồi từ đó ông chạy vòng bên kia đồi xuống dốc từ từ. Đường núi quanh co, khi lên khi xuống, bao quanh một trường đại học dẫn về nhà ông. Thế là ông chạy được gần 4 dặm Anh, leo lên một cái dốc, gần một tiếng đồng hồ. Ngày nào cũng như ngày nào dù nắng ấm dù lạnh lẽo dù mưa dầm, ông không bỏ môn thể thao chạy bộ này. Ông thường nói ngày mà ông từ giã nó là ngày ông chấm dứt cuộc đời, có khi ông nói đùa nhại theo lời nhà triết học thế kỷ 17 “Je pense donc je suis”, tôi chạy tức là tôi tồn tại.
Phải rồi, hơn một tháng nay ông không còn gặp con bé trên con đường lên dốc. Có lẽ con bé này có vấn đề gì trở ngại nên không tiếp tục chạy bộ nữa. Hay là nó không chạy đường này, vô lý, gần một năm nay ngày nào cũng gặp nó. Hay là nó không còn ở đây nữa…ông vừa đi vừa nghĩ đến tại sao con bé không còn chạy trên con đường này mà ông cho là con đường đẹp nhất, con đường yên tĩnh gần thiên nhiên nhất.
Ông thường nói với bạn bè về tuổi già ông được may mắn ở chỗ thích thú cho người lớn tuổi nhất là người đã mỏi mệt về cuộc đời, người muốn xa lánh hẳn cảnh đời phấn đấu bon chen cạnh tranh.
Khách muốn đến thăm ông phải lên nhiều trái đồi cao rồi đổ dốc xuống một thung lũng rộng nằm trong thung lũng hoa vàng. Hết mùa Đông hoa cải vàng nở rộ, tạo nên cái tên rất lãng mạn, dễ thương , thung lũng Hoa Vàng. Thung lũng rộng lắm, nhưng ông ở nơi heo hút dưới dãy núi cao bao quanh, xa hẳn xa lộ và phố phường. Vườn sau nhà là nơi ông thích thú cảnh an nhàn. Một nhà nhỏ mái lợp trong như gương . Một cái bàn tròn, ghế chung quanh, bạn bè thân thuộc thường ra đây uống rượu uống trà hút thuốc. Những chậu hoa quỳnh chen chúc sắp đặt treo chung quanh. Những khóm trúc vàng trúc tím, trúc xanh, bao chung quanh ngôi nhà “điền viên “ này. Khách có thể ngồi nơi đó mở máy vi tính xem truyện hay viết thư. Nơi đây trong những mùa không lạnh là nơi ông viết truyện, và cũng là nơi ông viết cuốn hồi ký nói lại cuộc đời tranh đấu, cuộc đời sôi nổi, cuộc đời tù đày, cuộc đời nhục nhã, cuộc đời đau khổ tận cùng của ông.
Ông thường lên quá nửa con dốc, thì con bé dưới dốc chạy lên qua mặt ông nó ngoảnh lại cười hỏi “ Chú khỏe “. Ông đang gắng sức không thể đáp lời , con bé tiếp tục chạy khuất dạng trên đỉnh đồi. Ông cảm thấy vui vui hào hứng như lấy lại sức khoẻ để bám chặt chân vào đường leo lên tiếp.
Thế mà hơn tháng nay, không còn thấy con bé, không nghe tiếng chào “ Chú khỏe “ nữa. Và như thế là …… chắc chắn con bé không còn chạy trên con đường dốc này nữa. Rồi một buổi sáng trời sang Thu. Gió heo heo lạnh. Ông đến chân dốc, nhưng lần này ông dừng lại, nhìn lên trên đỉnh đồi. Bỗng dưng cảm thấy buồn buồn, xa vắng, ông quành qua bên trái đi theo con đường bằng phẳng, giã từ con dốc, giã từ đỉnh đồi.