BUỔI HỌC CUỐI CÙNG – Nguyễn Liệu
BUỔI HỌC CUỐI CÙNG ( D)
Bà ơi, cháu xin đi học lại. Tịnh thưa với bà nội với vẻ mặt hớn hở. Cháu nói cái gì bà không hiểu. Tịnh lặp lại, cháu xin đi học lại. Bà nghiêm nét mặt, cháu dỡn hà, tiền đâu mà học, cơm đâu mà ăn. Dạ cháu xin đi học lại dù bỏ học trên hai năm rồi. Trường này không lấy học phí nội à. Cháu đừng nghe người ta nói tầm bậy, người ta mở trường để làm giàu, để hốt bạc, chứ đâu phải để bố thí, đâu phải của chùa, cháu đừng nghe người ta nói bá láp.
Bà ứa nước mắt, nghĩ thương thằng cháu nội côi cút. Cha nó đi biệt đông quân tử trận nó mới có ba tuổi, mẹ nó vừa mãn tang chồng, ẳm số tiền tử tuất bỏ vào Sài gòn nói đi làm ăn, nhưng mấy năm nay không có tin tức gì, không biết sống chết như thế nào . Vùng quê mất an ninh, chánh quyền bắt buộc gia đình bà phải ra trại tản cư La Hà cách thành phố gần vài ba cây số.
Những ngày đầu ở trại định cư xô bồ ồn ào, bà chịu không nổi, trốn về quê, nhưng bị lính hành quân bắt bà phải trở lại trại định cư. Hàng tháng tiền cấp phát của chánh phủ dù bị cắt xén, nhưng hai bà cháu tiện tặn cũng tạm đủ. Tuy ở nhà quê làm việc lụi bụi suốt ngày, nhưng bà cảm thấy tự do thoải mái. Trái lại ở trại định cư, không có việc làm, ở không, theo bà đó là một hình phạt, cả ngày nghe tiếng radio sang sảng, tiếng cãi lộn chữi bới của đám đàn ông nhậu nhặt say sưa, tiếng đánh lộn của đám trẻ con tập tành cờ bac v..v..Bà bảo ở không là một hình phạt, bà chịu không nổi. Bà xin đi quét đường thành phố, cũng may mắn còn có việc cho bà làm, dù tiền công quá ít. Một công ty thầu đổ rác trong thành phố mướn nhiều người quét đường từ ba giờ sáng đến sáu giờ sáng, nhóm thành đống bỏ vào bao rác . Từ sáu giờ sáng có những chiếc xe cộ ( xe người kéo, còn gọi là xe cài tiến ) đi thu các bao rác đó. Có người đi kiểm soát, nếu đường không sạch thì người quét ngày đó không đuọc trả tiền công. Truóc ba giờ sáng, hai bà cháu dậy, cột hai cây chổi bằng tàu cau vào sườn chiếc xe đạp, Tịnh chở bà nội ra thành phố quét đến 6 giờ sáng. Ban ngày bà bán vé số ở cổng trại tạm cư, tuy rất ế, nhưng bà thấy dễ chịu vì xa bớt sự ồn ào suốt ngày ở trại tạm cư.
- Nội ơi, nay bà cháu mình quét xong về trại rồi đến trường con nạp đơn, họ bảo phải có phụ huynh tới trường gặp ban giám hiệu họ mới nhận đơn. Họ muốn cha mẹ học sinh phải hiểu mục đích của trường, cách giáo dục của trường, nhất là phải hiểu sự liên hệ cần thiết giũa gia đình và nhà trường, cho nên bà phải đi với cháu.
xxx
Anh giám thị với vẻ mặt quan trọng bước vào phòng của tôi, nói nhỏ sát tai tôi : “ Cảnh sát mới vào nói với tôi, lác nữa khi bãi trường họ bắt một đứa học trò ngay ngõ trường, không vào khuôn viên trường vì sợ làm ồn ào không khí học. Thằng nhỏ này theo Việt công. Họ báo cho trường biết trước cũng như xin phép trường”.
Tôi hỏi : “ Có biết đứa nào không ?”
- Dạ thằng Tịnh lớp 7A
- Anh gọi nó lên gặp tôi và đem hồ sơ của nó tôi xem thử
- Dạ.
Anh giám thị bước ra.
Hồ sơ cho biết Trần văn Tịnh, 17 tuổi, mồ côi cha mẹ, sống với bà nội làm nghề quét đường. Học chăm chỉ, vào loại giỏi nhất lớp, hạnh kiểm tốt…Đó là lời phê của các thầy dạy lớp 7A của Tịnh. Anh giám thị dẫn Tịnh bước vào phòng của tôi, rồi anh lui ra khép cửa, ngồi trên cái ghế ngoài cửa như canh chừng không cho ai bước vào.
Không biết anh giám thị có cho nó biết tin tức gì không mà thằng nhỏ măt xanh như tàu lá run lẫy bẫy. Tôi vội đứng dậy, bước ra khỏi ghế, vỗ nhẹ nhẹ tay lên đầu thằng nhỏ :
- Thầy báo cho em một tin buồn, lác nữa, khi tan học, cảnh sát sẽ bắt em tại cổng trường, họ có báo cho văn phòng biết, họ bảo em theo Việt cộng. Nghe đến đây thằng nhỏ run quá, nó cố mím miệng chận tiếng khóc, nước mắt chảy dàng dụa. Việc này tuỳ em, nếu em không dính dáng gì với Việt cộng thì em cứ ra về tự nhiên, công an họ bắt họ sẽ thả, nếu chậm thả thầy sẽ can thiệp cho em. Nếu ngược lại, em ra phía sau trường, hàng rào sau dãy cầu tiêu có chỗ lách qua được. Thằng nhỏ có vẻ bình tỉnh trở lại, vòng tay cúi đầu “ Con cảm ơn thầy” Tôi tìm trong túi áo quần của tôi còn được khoản năm chuc đồng, tôi nhận vào túi áo nó “ Em cầm ít đồng khi sớ lỡ ” Thằng nhỏ nói trong tiếng khóc “Đây là buổi học cuối cùng của đời con”.
Mùa dịch Covid 19
8/2020
Nguyễn Liệu