MIẾNG THỊT – Truyện ngắn Nguyển Liệu

MIẾNG THỊT

Nguyễn Liệu

Nhớ HỒ XUÂN TIẾU, đai úy quốc gia, Tây Sơn

Tôi lấy chiếc nón lá, dặn con tôi, đứa lớn : “Em nó dậy nếu nó khóc con cho nó uống bình sữa mẹ pha sẵn để trên bàn đó nghen, mẹ chạy ra chợ một chút rồi về ngay. Mẹ khóa cửa trước rồi, ai có kêu có gõ cửa kệ họ, con cứ ở trong này, không lên tiếng không sợ gì nghen con”. Con nhỏ nhìn tôi không nói gì, nhưng tôi biết nó hiểu điều tôi nói, vì cả hai tháng nay nó làm được điều tôi dặn. Từ hôm chạy ra Bình Liên, rồi không đi được, trên đường về ba nó bị bắt. Ba mẹ con tôi trở lại nhà cho đứa giúp việc giử em nghỉ, còn tôi thì không được đi dạy nữa, nên ở nhà theo chị Mười Sóc ra chợ buôn bán chuối. Tôi và chị Mười Sóc xuống tận cửa Đông đón bạn hàng mua chuối rồi gánh lên chợ tỉnh ngồi bán lẻ. Công việc ban đầu tuy có nặng nề, nhưng rồi quen dần, cũng kiếm gạo đủ nấu. Mấy ngày đầu tôi buồn chán quá, con thì nhệ nhệ khóc cả ngày, đi đâu tôi cũng phải bồng một đứa dắt một đứa. Tôi có hai đứa con gái, đứa lớn đúng năm tuổi đứa nhỏ gần hai tuổi. Trước đây giao cho chị ở giúp việc vừa nấu cơm vừa chăm sóc sắp nhỏ. Từ ngày không có người giúp việc, tôi phải lo đũ thứ. Mới có hai tháng mà tôi tưởng như lâu lắm. Tôi không còn là một cô giáo đẹp trẻ nữa, biến thành một bà xơ xác. Không son không phấn, đội chiếc nón lá thô, mặc bộ bà ba đen lôi thôi lếch thếch, lệch bệch đôi dép hai quay.

 Vợ chồng tôi dành dụm tiện tặng mấy năm nay mua được chút ít nữ trang phòng khi sớ lở, hôm chạy tôi đưa hết cho chồng tôi dấu kỹ trong túi sau vì nghĩ rằng anh mạnh khỏe bảo vệ chắc chắn hơn tôi, vả lại hai đứa nhỏ nó quấn quýt tôi không còn làm được một việc gì. Nhưng nào có ngờ anh bị bắt, bị bịt mắt trói tay dắt đi, đến bây giờ quá hai tháng rồi tôi cũng chưa biết anh hiện chết sống như thế nào, hay bị giam giử ở đâu. Chồng tôi một trung úy văn phòng. Từ ngày ra quân trường Thủ Đức đến bây giờ anh chưa tác chiến ngày nào, ban đầu tôi nghĩ như thế thì tội nhẹ mau được cho về, nhưng chị Mười Sóc cho biết người ta bảo làm sĩ quan mà không tác chiến bị tình nghi làm tình báo cho Mỹ thì tội nặng hơn người đi tác chiến nhiều. Thật sự tôi không biết đâu là đúng là sai, từ ngày ấy tôi hồn vía lên mây không còn biết gì nữa.

Khóa cửa trước xong đi vội vàng xuống nhà chị Mười Sóc ở mé dưới đường quốc lộ. Ba người đi ngược chiều,  tôi dừng lại, một người bảo tôi : “ Chị đi đâu sớm vậy, mời chị về nhà có chút việc, chậm chút nữa không gặp chị rồi”. Tôi đành quanh trở lại trong người thật lo lắng không biết có việc gì mà mấy người trong chánh quyền cách mạng gặp mình. Tôi mở cửa mời vào nhà, con tôi thấy tôi về mừng quá reo lên “ Nay mẹ về sớm quá, em chưa dậy”. Họ đứng giữa nhà, một người rút tờ giấy đánh máy bảo tôi : “ Chị đứng nghiêm chỉnh nghe lệnh”. Như cái máy tôi đứng yên, hồn vía lên mây, mồ hôi lâm râm rịn trên trán tôi lấy bàn tay lau mặt, nghe lệnh tịch thu nhà, vì là tài sản của địch, của ngụy quân.Một người trẻ trong toán tịch thu như có vẻ thương hại hoàng cảnh của gia đình tôi, anh bảo : “ Chị dọn quần áo và các thứ cần thiết ra để cho mấy ổng lập biên bản và niêm phong, nếu sau này nhân dân xét thấy nhà này không có tội với nhân dân thì cho lại chị, bây giờ chị an tâm lo cho các cháu, chúng tôi còn phải đi làm chỗ khác nữa, đây là lệnh trên, chúng tôi chỉ tuân hành lệnh mà thôi” Anh còn nói nhiều nữa nhưng tôi có nghe gì đâu, hai tai tôi ù ù không nghe gì hết. Họ bảo ký, tôi ký. “ Chị lấy quần áo chén dĩa đồ nấu ăn, rồi ra, để tôi dán niêm và khi dán rồi thì chỉ có lệnh trên tỉnh mới được đụng cái miếng giấy niêm này.,” người đọc lệnh khi nảy nghiêm trang nói với tôi. Đứa con lớn của tôi sợ quá nó khóc rống làm em nó thức giấc cũng khóc theo. Mặc chúng, tôi đổ giỏ cần xé củi ra ngoài, bao nhiêu quần áo dơ sạch, có những cái giặc chưa khô tôi dồn vào cái giỏ to tướng đó. Tôi quơ các dụng cụ nấu ăn cũng dồn vào giỏ đó. Tôi nhìn căn phòng lần cuối. Ôm đứa con nhỏ, một tay tôi lôi đại giỏ đồ ra sân . Tôi không khóc. Tôi hận, hết sức hận, máu trong tim tôi như muốn vọt ra ngoài.

Sau khi dán mấy miếng giấy có dấu đỏ vào các cửa, ba người lạnh nhạt ra đi mặc cho ba mẹ con tôi đứng giữa sân bơ vơ. Tôi quên bình sữa cho con, nhưng họ đã niêm rồi, còn làm gì được.

Nhà cha mẹ tôi xa quá, ở Vĩnh Long nên tôi phải về phía chồng, và cũng để chờ tin tức chồng tôi, nên không rời Quảng Ngãi được. Chiếc xe lam đưa ba mẹ con tôi và cái giỏ cần xé tài sản của tôi đến tận cổng nhà. Trong sân tôi thấy có người ra vào, chúng tôi phải đi vòng bên hông nhà vào nhà bếp. Vì tiếng trẻ con khóc ré lên bà mẹ chồng tôi từ nhà trên chạy xuống, tôi lễ phép vòng tay : “ Thưa mẹ con đem hai cháu về xin phép cha mẹ cho chúng con tá túc để chờ tin anh Thanh”. Tự nhiên nước mắt tôi chảy ra, không biết đó là buồn hay tủi thân, vì mẹ chồng tôi chỉ hỏi qua loa về anh Thanh rồi trở lên nhà trên tiếp khách, bà vội vã quên mất hai đứa cháu nội của bà đang ỉu xìu khóc. Tôi lẩm nhẩm, mình phải can đảm đương đầu với cuộc đời mới, một cuộc đời sẽ quá khổ sở và cô độc.
Nhà cha mẹ chồng tôi thuộc thành phần khá giả ở đồng ruộng. Có nhà ngang nhà bếp riêng rẻ với ngôi nhà trên đồ sộ. Anh Thanh có lần cho biết hồi nhỏ anh làm biếng đi học có khi anh trốn trong các vựa lúa,  người nhà đi tìm không ra. 

Thanh có bốn anh em, một bà chị cả . Bà chị vừa về nhà chồng chưa đầy nửa năm bị máy bay Pháp bắn chết. Cái chết của bà chị làm cho gia đình anh vốn đã thù thực dân lại càng thù mãnh liệt. Năm 1954 đại gia đình anh súyt đổ vỡ, vì vụ ở lại miền Nam hay tập kết ra Bắc. Năm ấy Thanh mới lên bảy, ba người anh lớn đang học trung học và theo hiệu đoàn xuống tàu ra Bắc. Ông cụ Thanh nhất quyết ra đi, nhưng bà cụ không chịu đi vì thật sự tiếc ngôi nhà và số ruộng đất hương hỏa. Vì vậy ông bà dạo ấy thường hay cãi vã, có khi phải nhờ ủy ban hành chánh xã đứng ra can thiệp. Ông bảo ông không thể nào ở lại sống chung với bọn Việt gian, ông phải theo đoàn thể ra Bắc, rồi hai năm sau về lại miền Nam, lúc đó cách mạng sẽ thắng lợi lớn qua các cuộc bầu cử theo hiệp định Genève.Lần đầu tiên bà lớn tiếng : “Ông đừng nói chánh trị với tui, vì tui dốt nát, không biết chính trị, tui thấy không thể bỏ mồ mã ông bà cha mẹ ra đi, ông muốn thì ông cứ đi, để lại thằng út ở nhà với tui, mẹ con tui hủ hỉ sống qua ngày.” Ông không chịu nhượng : “ Bà nói lạ quá, thằng út rồi lớn lên nó làm Việt gian bán nước à, tôi dẫn nó đi, Hồ chủ tịch đã bảo kháng chiến mà không lo cho thiếu nhi, thì kháng chiến có thành công cũng vô ích, cho nên tôi quyết dẫn thằng nhỏ đi, bà ưng thì ở lại một mình.” Nói không lại, bà đành khóc, và thề nếu thằng út bắt phải xa bà để đi ra Bắc thì bà sẽ treo cổ tự tử cho ông thấy. Thuyết phục bà không được, cũng sợ bà làm liều thì thê thảm quá, ông đành chịu nhượng bộ, một mình khăn gói vào Qui nhơn chờ ngày xuống tàu ra Bắc. Nhưng một thời gian sau lại thấy ông buồn buồn mang gói trở lại nhà. Cũng vì đi rồi trở lại, nên công an chánh quyền mới, chánh quyền quốc gia, bắt lên bắt xuống vì ông bị tình nghi nằm vùng làm việc cho Việt cộng. Lúc bấy giờ bà lại hối hận, vì bà không chịu đi nên ông ở lại bị người ta bắt lên bắt xuống khổ thân ông. Mãi tới khi Thanh ra quân trường, có lẽ vì nể nang và tin tưởng, ông không còn bị tình nghi nữa.
Khi Thanh đến tuổi lính trong nhà lại một phen cãi vã nữa. Ông không muốn Thanh trực tiếp bắn phá sát hại cách mạng, ông bắt buộc Thanh thôi học ở nhà lẩn quẩn trong xóm làng tránh bọn đi bắt lính. Bà vì sợ mất đứa con út và cũng là đứa con độc nhất ở lại với bà nên bà khuyên Thanh nên trốn lính. Nhưng Thanh cảm thấy hèn nhác nếu trốn lính, trong khi bạn học của anh có đứa chưa có lệnh gọi nó đã tình nguyện đi lính, và không nghe nói đứa nào trốn lính, chỉ có mình anh, cha mẹ bắt buộc trốn lính. Thanh quyết định theo ý định của mình, cho nên đợi khi vào quân trường, anh mới viết thư về xin lỗi cha mẹ anh đã không nghe lời cha mẹ. Việc Thanh nhập ngũ làm cho cha mẹ anh thêm một lần cãi vã nữa . Ông bảo vì không nghe lời ông đi Bắc, bây giờ phải làm bia đỡ đạn cho bọn quan thầy. Bà bảo nếu nghe lời ông, biết đâu nó đã chết đói, trước khi chết trận. Cứ thế mà ông bà xục rục mãi.

Thế rồi sau khi cộng sản chiếm miền Nam, Thanh bị bắt bị gọi là ngụy quân, ông bà lại một trận cãi nữa. Ông hối tiếc vì không nghe lời ông nên gia đình ông đáng lẽ là một gia đình gương mẫu yêu nước, bây giờ lêm nhêm nửa nạc nửa mỡ, làm cho ông khó ăn khó nói với cách mạng. Tuy vậy người ta vẫn mời ông làm cố vấn cho các ủy ban trong xã. Và vì cái nhà khá rộng nên giai đoạn đầu ông cho mượn làm trụ sở cho ủy ban xã.
Từ ngày nhà bị niêm bị đuổi ra khỏi nhà, cùng đường, tôi liều đưa các cháu về ở nhà cha mẹ chồng. Hàng ngày tôi lủi thủi dưới nhà bếp lo nấu ăn, lo heo lo gà. Một hôm tôi được miếng giấy từ người bạn đi thăm nuôi chồng cho biết Thanh còn sống và hiện đang bị giam ở Kim Sơn vùng rừng núi Bình Định. Tôi mừng quá súyt la lớn, tôi báo cho bà biết con trai út bà còn sống. Bà mừng quá bảo tôi chuẩn bị xin đi thăm nuôi xem thử nó ốm yếu bịnh hoạn như thế nào. Ông nghe tin Thanh đang cải tạo ở Kim Sơn, ông gần như thản nhiên, còn nói “ Phải gắng cải tạo học tập tốt mới được đoàn tụ với vợ con, nếu không thì cải tạo sưốt đời”. Tôi vừa mừng vừa tủi cho số phận của chúng tôi. Đến nông nổi này mà cha chồng tôi vẫn còn hận người con trai út của ông…

Đi thăm nuôi anh Thanh về, tôi mất tinh thần. Mới mấy tháng mà nếu như không báo trước, tôi nhìn không ra, già ốm suy sụp quá. Mất tinh thần nhất là đói, đói quá sá. Tôi không thể nào ngăn được nước mắt khi nhìn thấy bữa cơm tù. Nhưng tôi biết làm sao, chung quanh hình như mọi người đều đói.

Ngày mười sáu tháng ba này là ngày giỗ lớn của gia đình họ Phạm. Năm nay tổ chức rất lớn, có làm heo,  vì ba gia đình ba người con tập kết về, sau hai mươi năm xa cách. Nghe nói có các cấp làm lớn ở Qui Nhơn sẽ lên dự bữa giỗ quan trọng này. Tôi chỉ nghe thoáng thôi chứ có bao giờ ông bà bàn tính với tôi vì dù sao tôi cũng là vợ của một sĩ quan ngụy.
Sáng sớm hôm đó chúng tôi dậy sớm hơn thường lệ để làm heo chuẩn bị cúng, tiệc canh trưa. Nhìn những miếng thịt heo cuốn chung quanh cây chuối con đang nướng khói bay nghi ngút tôi nuốt ực nưóc miếng, giật mình may cho tôi không ai thấy sự thèm thuồng của tôi. Tự nhiên tôi nghĩ đến bữa cơm tù, nghĩ đến Thanh. Ước gì Thanh ăn được một miếng thịt này dù miếng rất nhỏ. Tôi nảy sinh ý ăn cắp. Ừ phải tại sao tôi không ăn cắp miếng thịt để đem lên cho Thanh. Bà con họ Phạm về đông quá, già trẻ lớn bé đủ loại. Người ta cũng không ai thèm để ý đến tôi và cũng chưa chắc họ biết tôi là ai. Kệ họ tôi như đứa ở giúp việc trong nhà họ Phạm giàu có, thân thế này. Ba chiếc xe hơi chạy thẳng vào sân đậu sát hè. Từng cặp, từng cặp bước xuống, không thấy có trẻ con. Sau này tôi mới biết họ đi công tác rồi ghé thăm nhà. Cha mẹ chồng tôi mừng quá, ông bà đều khóc vì sau hai mươi năm mới gặp lại con . Hình như ai ai cũng xúc động ngỡ ngàng. Họ im lặng một lúc rồi bắt đầu sôi nổi. Ba cô dâu toàn người Bắc còn trẻ ăn mặc chải chuốt đặc biệt môi đánh son đỏ quá. Các mái tóc đều uốn queo, gọn, ôm chụp vào sau ót. Tôi nghĩ thầm cộng sản mà cũng diện quá. Sau khi chào hỏi đủ thứ các anh chị đi thăm nhà, thăm vườn, và xuống bếp nơi tôi đang nấu nướng. Tôi liền đứng dậy lễ độ : “ Kính chào các anh, các chị”
Mọi người ngơ ngác, mẹ chồng tôi lên tiếng : “ Vợ thằng Thanh đấy” Ba anh dừng lại có vẻ xúc động,  hỏi thăm sức khỏe Thanh và nói sẽ tìm cách xin lên thăm Thanh khi ổn định công việc. Tôi an tâm vì không ai chưởi bới hay nói khó chịu. Mọi người tản ra chuẩn bị nhập tiệc. Sẵn con dao, tôi cắt miếng thịt nướng lớn hơn bàn tay, đẩy qua một góc bàn hơi run run, không biết có ai thấy không. Thở hổn hển. Mặt tôi nóng phừng phừng. Tôi trấn tỉnh lấy lại vẻ tự nhiên, tôi liết liết con dao trên khu chén. Như vô ý tôi đẩy các tàu lá chuối trải trên bàn che lấp miếng thịt. Tôi yên tâm tôi nghĩ đến Thanh sẽ có những bữa cơm ngon. Xắt thật nhỏ, kho thật mặn, Thanh có thể để dành ăn cả tháng chưa hết. Tôi mĩm cười, những giọt nước mắt chảy trên gò má, có cái gì nghèn nghẹn nơi cổ họng. Ba bà chị dâu xuống tận nơi kéo tay tôi lên bàn tiệc, tôi thối thác mãi viện lẽ phải trông nom những nồi nước đang sôi, và sẽ lên sau. Mọi người vui vẻ. Tôi không ngờ các bà chị cũng khá lịch duyệt.

 Ăn xong mọi người vội vã ra về . Cha tôi bảo gói cho mỗi xe một gói để ăn dọc đường. Hình như ý định này mới nãy ra nên bà vội vã vơ vét đủ thứ. Quả điều tôi lo lắng lại xảy ra . Bà dọn sạch mặt bàn, kéo các tàu lá chuối qua một bên để gói các gói đồ ăn, bà mừng rộ lên : “ Còn đây, còn sót miếng thịt đây, hay quá” Cô dâu trẻ nhất nhõng nhẽo
: “ Mẹ cho con, thịt ngon quá .” Quanh qua tôi, ” Em xắt cho chị lớn lớn miếng để ngồi trên xe cầm cắn,  ngon lắm. “
– Dạ .

Nguyễn Liệu

4-

Bình luận về bài viết này