Đêm giao thừa không hương khói.- Truyện của Nguyễn Liệu

Đêm giao thừa không hương khói.

  • Tui đã nói mà bà không chịu nghe lời tui, mình già rồi đến Mỹ làm gì đâu. Ông Thiệt ngồi trên chiếc giường gần bếp nhìn ra cửa chính càm ràm. Bà Thiệt vừa lặt bó rau xà lách vừa đáp :
  • – Thì tui đâu có biết, con nó bảo làm sao tui làm vậy, nó bảo qua đây để bảo lãnh cho chúng nó chẳng lẽ con nó muốn vậy mà mình không đi. 
  • Tui biết trước mà, tiếng Anh tiếng u không biết, lái xe không được, cả tháng nay có thua gì ở tù, ức đi Mỹ lắm trắng mắt ếch cho bà thấy.
  • Theo báo chí người ta đi hàng trên 4 triệu người chứ có phải một gia đình mình đâu mà ông càm ràm mãi. Người ta, như gia đình ông Lâm, vượt biên chết cả gia đình, gia đình thằng Toàn chết hai vợ chồng nó may còn sống sót thằng con lớn vì nó biết bơi….đi nguy hiểm mà người ta vẫn trốn ra đi. Còn tui với ông ra đi có người đưa người đón lên phi trường, có chụp ảnh có tiển đưa, tui thấy ông cũng cười vui hồ hởi, ai ngờ bây giờ ông chán nản than vãn suốt ngày, làm sao tui chịu được .  Mình cố gắng rồi lần lần nó quen, bây giờ còn lạ nước lạ cái,  nên mình khó chịu, ông tin tui một vài năm rồi đâu ra đó ông sẽ thấy dễ chịu.”

Ông Thiệt ngắt lời :

  • Trời, Trời, một tháng tui chịu hết nổi, bà bảo vài năm chắc gì tôi còn sống vài năm nữa để cho quen cái không khí buồn bã quẩn trí như thế này.
  • Ông cứ nói dở hơi, năm nay ông mới 65, họ nói đúng tuổi tiền già, ông không lính không tráng, không tù không tội, không làm việc nặng, tôi nghĩ ông sẽ lên tuổi đại thọ bát tuần như chơi.

Năm 1979, bà Thiệt nhờ giao dịch khéo léo gửi người con gái đầu, Xuân Lan, theo một gia đình người Hoa ra đi “ bán chính thức”. Mười năm sau, Xuân Lan trở thành một kỷ sư điện tử làm cho hãng IBM, vừa đúng 30 tuổi nhưng vẫn còn độc thân. Xuân Lan, người con gái ít nói, gần như không nói nếu không thật sự cần thiết, do đó lúc nào cũng có vẻ nghiêm nghị và hình như là người khó tính, ít tiếp xúc thân thiện với người ngoài. 

Nhà có ba phòng, trên lầu hai phòng tầng dưới một phòng, Xuân Lan ở trên lầu, vợ chồng ông Thiệt ở phòng dưới lầu. Tính chất im lặng của Xuân Lan làm cho vợ chồng ông Thiệt hình như hơi e dè hơi sờ sợ con, do đó luôn luôn có khoảng cách giữa cha mẹ với đứa con đầu lòng. Tuy không nói ra nhưng bà Thiệt rất buồn, bà không ngờ lâu ngày gặp lại đứa con gái bà thương nhất nhưng nó thiếu hẳn tình đầm ấm thân thương của mẹ con, bà nghĩ ở Mỹ vậy đó, ở xứ sở thiếu tình thân mật, có lẽ vì tâm trí dồn hết vào việc làm ăn,  nên con cái có khi quên sự hiện diện của cha mẹ, nhất là cha mẹ vào tuổi già. Bà nghĩ như vậy nhưng liền xua đuổi ý nghĩ bi quan đó, và bà không dám biểu lộ cho ông Thiệt biết nhận xét của bà về đứa con gái đầu xa nước trên 10 năm sợ làm cho tinh thần ông Thiệt đã sa sút càng sa sút thêm, rồi cả ngày ông càm ràm không ai chịu nổi. 

Bấm chuông lần thứ ba không thấy mở cửa, anh Tám ngạc nhiên hay là hai người này đi chơi đâu, vô lý , biết đâu mà đi, hay là con Lan nó chở đi đâu, vô lý, nay ngày làm việc nó không thể bỏ việc chở cha mẹ đi đâu, ngay như đi khám bịnh, đi làm giấy tờ nhập cư,  đều do anh Tám chở đi. Nghe tiếng động cửa mở :

  • Anh Tám mà em tưởng ai em sợ quá không dám mở cửa. Mời anh vào.

Bà Thiện khóa cửa cẩn thận nói tiếp :

-Con Lan nó dặn vợ chồng em nhiều lần mỗi khi có người bấm chuông hay gõ cửa đừng vội mở phải dòm kỹ nếu người quen biết thì mở, nếu người lạ đừng mở nguy hiểm, cho nên nghe anh bấm chuông em không dám mở liền là vậy. 

– Đúng,  ở Mỹ phải vậy,  nghe bấm chuông phải dòm quan sát kỹ rồi hãy mở cửa. Nay là ngày 29 Tết, năm nay không có ba mươi, tháng chạp thiếu, tối nay là giao thừa, anh mua ít bánh và chậu cúc để cô dượng đón giao thừa.

– Hoạ tới Tết rồi hả anh, bọn em không có lịch, nên cũng không biết ngày nào là Tết nếu anh không nói bọn em cũng không biết, vì chung quanh đây nghe con Lan nó nói không có người Việt chỉ toàn người Mễ với Ấn độ

– Người ta bảo mấy ngày nay xuống Sanfran, xuống Los hay đến San josé mới thấy không khí Tết vì ở đó người Tàu và người Viêt mình đông, có cả chợ Tết, có đốt pháo, có múa lân vui lắm. Nói vậy chứ gần mười năm nay tôi có biết Tết là cái gì, vì đêm nào cũng đi làm, ngày nghỉ ngày cuối tuần lại càng làm nhiều. Nếu không có tấm lịch có ngày âm thì không biết chừng nào đến Tết. Thôi tui đi làm, kệ nó cô dượng thức đón giao thừa cho vui vẻ nhé, và chúc cô dượng năm mới thật vui vẻ khoẻ mạnh và mọi việc như ý muốn.

– Bọn em cũng chúc anh như vậy.

Anh Tám ra đi rồi, bà Thiệt nói với ông Thiệt:

  • Anh Tám lo cho tụi mình chu đáo quá, ảnh biết con Lan nhà mình nó có để ý Tết nhứt gì đâu nên ảnh mua bánh mua hoa cho mình ăn Tết trong lúc ảnh không có Tết.

Bữa cơm tối, thường bữa cơm tối mới có Xuân Lan ăn cùng mâm vì sáng ra đi làm lúc 6 giờ, trưa ăn tại hãng. Trên cái bàn ăn dài vài ba món ăn sơ sài kiểu nhà quê Việt nam đặt giữa, Xuân Lan ngồi một bên hai ông bà ngồi một bên đối diện. Im lặng, im lặng quá, không ai nói một tiếng, thỉnh thoảng nghe tiếng muỗng chạm nhẹ vào tô canh, không khí nặng nề buồn bã. Ăn vội vã xong,  rót một ly nước,  cô con gái đầu lòng đi thẳng lên thang gác lên lầu. Ông Thiệt theo thói quen cũng rót một ly nước bước đến chiếc sopha dài ngồi im lặng. Bà Thiệt lặng lẽ thu dọn chén dĩa bỏ vào sink rửa, mở vòi nước rất nhỏ như sợ phá tan không khí im lặng nặng nề.

Ông Thiệt nói gì thầm thì nghe không rõ. Trời ơi, chiều cuối năm chiều ba mươi Tết, chiều rước ông bà về ăn Tết, chiều chuẩn bị đón giao thừa, chuẩn bị bước qua một năm mới. Ly nước vẫn để nguyên, ông ngồi dựa vào thành sopha mắt lim dim như sắp ngủ. Ông nhớ lại từ lúc lên năm cũng là lần đầu tiên ông có chiếc áo dài màu xanh như áo dài người lớn để ăn Tết, nhưng phải đến tuổi 15 ông mới hưởng trọn vẹn cái Tết. Như mới ngày hôm qua ông còn nhớ rất rõ ngày rằm tháng chạp chùa dựng phướng, đến hai mươi ba đưa ông táo về trời, nhà ông dựng cây nêu trước sân. Ông phụ với bà chị cả sơn cửa sơn nhà giẫy cỏ sạch sẽ từ ngoài đường lớn vào sân tận hè nhà. Chợ bắt đầu đông nghịt bít cả lối đi trên con đường cái quan trước cổng chợ. Những sòng xóc đĩa, những bầu cua cá cọp chiếm cả khu chợ bỏ không ngày thường con nít đá banh u tù đánh nhựt.  Gương mặt mọi người đều vui vẻ náo nức đón xuân. Đến ngày 30 Tết, sáng thật sớm, thịt một con heo lớn chia cho bà con xóm làng ăn Tết. Lúc còn nhỏ, dành cái bong bong heo để làm trái banh chơi với bọn con nít chung quanh chợ. Đêm giao thừa, đúng 12 giờ đêm cúng ông bà cúng trời Phật, dân chúng xuất hành hướng tốt để được may mắn suốt năm và tiếng pháo nổ rang báo hiệu mở màn một mùa Xuân một cái Tết. 

Vừa rửa chén bà Thiệt nghĩ đến lúc chưa có chồng gần ngày Tết bà thường đi tìm lá duối tìm trái me chua về nấu lấy nước ngâm bộ lư đồng rồi lau chùi bóng láng. Rồi bà phụ mẹ gói bánh chưng bánh tét rồi thức suốt đêm nấu hai loại bánh khó chín này. Gần ngày Tết làm việc tất bật nhưng thật là vui. Người ta bảo vui như ba ngày Tết rất đúng. Tết được mặc áo mới được ăn bánh được xem múa lân. Dù những năm đói khổ nhưng Tết vẫn vui vẫn thiêng liêng. Khi có chồng khi tản cư ra thành phố tuy Tết khác Tết nhà quê nhưng cũng rất vui. Mùng Một nhà cha mùng Ba nhà vợ, mặc quần áo mới về mừng tuổi cha mẹ mừng tuổi thăm viếng chúc tụng bà con anh em bạn bè. Bỗng dưng bà buồn buồn nhớ đến mấy đứa con còn ở quê nhà  biết bọn nó có lo cái Tết đầy đủ hay không , năm nay cha mẹ bọn nó không có nhà chắc Tết bọn nó buồn lắm. Nghĩ đến đó bà rơm rớm nước mắt nhớ con nhớ cháu .

Bà Thiệt lại gần ông Thiệt nói nho nhỏ vừa đủ nghe :

  • Ông ngủ rồi hả ?
  • Làm sao ngủ được bà, tôi đang nghĩ đến những cái Tết ở quê nhà buồn quá bà ơi.
  • Tôi cũng vậy khi chiều giờ đầu óc tôi toàn nghĩ đến Tết từ lúc còn rất nhỏ đến lớn, đến khi có chồng có con, khi tản cư, khi ra ở thành phố, mỗi năm đều có mỗi cái Tết vui vẻ linh thiêng. Tôi không ngờ….. ( bà không nói tiếp sợ làm cho chồng càm ràm) . Tôi nấu nước sôi để chế trà ông cúng giao thừa , bây giờ quá 11 giờ rồi, mình đến đâu mình cũng giữ phong tục của mình ông à.
  • Tôi buồn qua bà ơi.

Bà Thiệt cắt cây bánh tét từng lát sắp trên chiếc dĩa lớn. Một dĩa đựng bánh chưng. Sắp hai dĩa bánh lên bàn ăn,  bà giật mình, không có nhang không có đèn. Bà nhìn bóng đèn điện trên trần nhà, liếc mắt nhìn ông Thiệt đang ngồi nhắm mắt, nhưng nói rầm rì những gì nghe không rõ. Bà đặt chậu cúc vàng lên cái ghế cạnh bàn sắp cúng, rồi bà đi nấu nước sôi chế trà. Bà nghĩ ông Thiệt sẽ bất bình không có nhang đèn, nhưng biết làm sao. 

Chiếc đồng hồ treo trên tường gõ 12 tiếng kéo dài trong đêm thanh vắng. Bà Thiệt nhìn chiếc đồng hồ nhìn ông Thiệt :

Đến giờ giao thừa rồi ông chuẩn bị cúng, gặp cảnh nào hay cảnh ấy miễn mình có lòng thành với tổ tiên với ông bà là tốt rồi.

Ông Thiệt giật mình đứng dậy vào phòng tắm rửa mặt.

  • Mô Phật cúng không có nhang đèn không khói hương hả bà.
  • Nhập gia tuỳ tục, mình tỏ lòng thành là được ông ạ, tôi mở lớn ngọn điện thay đèn

Bà Thiệt đứng cạnh bàn vòng tay cung kính. Ông Thiệt quì  chấp hai bàn tay để  ngang trán vái rầm rì . Ông lạy ba lạy đầu úp vào hai bàn tay nằm sát nền nhà và không ngửng lên. Chờ một lúc bà Thiệt gọi trong tiếng nấc :

Ông Thiệt ông Thiệt đứng lên chớ ! 

Ông Thiệt gượng đứng dậy nước mắt đầm đìa :

Trời ơi ! Giao thừa không hương khói.

 Nhìn qua cửa sổ, trời đêm khuya vắng lạnh vô cùng.

Bình luận về bài viết này