Trần Trung Đạo: Chùa làng Viên Giác

Trần Trung Đạo: Chùa làng Viên Giác

Chùa Viên Giác trong thập niên 1950.


Trên trang nhà Phật Việt (thuvienphatviet.com), do các cư sĩ và huynh trưởng Gia Đình Phật Tử như Nguyên Túc, Nguyên Không, Tâm Thường Định, Quảng Pháp Trần Triết thực hiện, có đăng bài viết của nhà văn Tuệ Chương Hoàng Long Hải, bài Chùa Làng. 

Nhà văn Tuệ Chương khi phân tích về chùa làng đã dùng bài thơ ‘Nhớ Cây Đa Chùa Viên Giác’ của tôi để làm ví dụ. Ông viết: “Chùa làng là của chung nhưng ai cũng có cái riêng trong đó, tâm tư tình cảm riêng và cả những kỷ niệm riêng, kể từ khi thơ ấu, lần đầu tiên đi chùa. Trong ý nghĩa riêng tư đó, nhà thơ Trần Trung Đạo đã dùng một chữ rất hay trong bài ‘Nhớ Cây Đa Chùa Viên Giác’:
Cây đa cũ chắc đã già hơn trước
Biết có còn rụng lá xuống sân tôi?”

Nhà văn Tuệ Chương viết tiếp: “Sao lại ‘sân tôi’ mà không là ‘sân xưa’ hay ‘sân hoang’ (vắng) chẳng hạn. Tôi không nghĩ thi sĩ đẽo gọt từng chữ để đưa vào đây mà chỉ là cái hay xuất thần của người làm thơ. Từ rất lâu, trong tiềm thức, Trần Trung Đạo nghĩ chùa là của ông, một phần trong cuộc sống của ông, nơi ông sống với nhiều kỷ niệm yêu mến; nay xa chùa, những buồn vui từ trong tiềm thức trỗi dậy cùng với lòng thương nhớ khôn nguôi, như một sức mạnh vô hình khiến ông đặt bút viết xuống một chữ rất hay, rất tự nhiên mà thấm thía vô cùng. Chùa là của tôi, cây đa là của tôi và sân chùa, nơi những chiếc lá đa rụng xuống cũng là ‘sân tôi’. Ai từng lớn lên bên cạnh một chùa làng đều có những cảm nghĩ như Trần Trung Đạo, không riêng gì nhà thơ nầy mà thôi.”

Nhà văn Tuệ Chương không đọc lịch sử chùa Viên Giác nhưng viết rất đúng. Chùa Viên Giác trước khi trở nên một tổ đình uy nghiêm như hôm nay vốn là một chùa làng. Ngôi chùa đó không riêng gì của tôi mà của những ai đã từng lớn lên ở đó. 

Theo một bài viết của Thượng Tọa Thích Như Tịnh “chùa Viên Giác là một ngôi chùa làng được xây từ nhiều trăm năm trước. Dù không có một văn bản hay một tấm bia ghi khắc năm đặt viên đá đầu tiên, theo ước tính dựa vào các chạm trổ trên đá còn lại trong chùa, ít nhất cũng được xây từ thời Trịnh Nguyễn phân tranh. Đầu tiên chùa được dân làng Cẩm Phô tạo dựng bên bờ sông Thu Bồn và đặt tên là Cẩm Lý Tự. Đến thời Thiệu Trị, khu vực đất gần chùa bị lở, chùa được thiên di về ấp Tu Lễ và đổi tên là Viên Giác Tự. Trải qua một giai đoạn nhiều chục năm suy tàn, chùa Viên Giác được trùng tu lần đầu năm 1841 nhờ công sức của đồng bào Phật Tử, nhiều nhất từ xã Cẩm Phô, Hội An.”

Dòng Nhân Duyên chảy qua nhiều thế hệ và vào thập niên 1960 chùa đã trở thành điểm gặp gỡ của những tăng sĩ trẻ sau này trở thành những bậc tăng tài phật giáo như Hòa thượng Giảng Sư Viện Hóa Đạo GHPGVNTN Thích Tâm Thanh, Hòa thượng Chánh Thư Ký Hội Đồng Hoằng Pháp GHPGVNTN Thích Như Điển, Hòa thượng Thích Giác Ánh của Tông phái Khất Sĩ. Nương theo dòng suối từ bi còn có chúng tôi những học sinh côi cút cũng lớn lên theo. 

Hòa thượng Thích Tâm Thanh viên tịch năm 2004 và Hòa thượng Thích Giác Ánh viên tịch trong tuần này, 7 tháng 6, 2023.

Chùa trong thời gian chúng tôi còn ở đó trước khi đại trùng tu (ghi chú của tác giả)


Chúng tôi sống rất cực khổ. Hòa thượng Thích Như Điển viết trong hồi ký “Dưới Bóng Đa Chùa Viên Giác”: “Mùa hè năm 1966, tại chùa Viên Giác, Hội An, có chú Đồng, bác Thị Tâm, chú Tùng, chú Biên và tôi, chú Thứ, chú Ngô là những người xuất gia. Ở dưới bếp thì có bà Bốn và chung quanh có nhiều học sinh đến ở từ 1966 đến 1969, cho đến khi tôi rời Viên Giác vào Sài Gòn gồm có: Lê Hùng Anh sau này xuất gia bên Khất Sĩ, hiệu là Giác Ánh, là một pháp sư rất nổi tiếng hiện ở tại Vĩnh Long. Trần Văn Nhơn tức Trần Trung Đạo bây giờ. Nhơn thuở ấy rất rụt rè. Môi lúc nào cũng tươi. Nhơn nhỏ hơn tôi chừng ba tuổi, chơi rất tâm đắc với chú Thứ. Có điều là Nhơn học rất giỏi. Ở trong chùa, ngoài việc đi học ở trường Trung Học Trần Quý Cáp ra, Nhơn còn giúp cho Thầy tôi về giấy tờ và hình như Nhơn hay giữ nhiệm vụ rửa chén với chú Ngô. Còn tôi vốn to con nên hay xay đậu nành để làm đậu hủ. Đây là một nghề gia truyền của bà Chín để lại. Nhờ thế mà chùa có đậu hủ ăn và có đồng ra đồng vào đi chợ. Còn bã đậu hủ dùng nấu thức ăn cho heo. Cũng may, không phải ngày nào cũng làm đậu hủ mà mỗi tháng chỉ làm hai lần. Đó là ngày 14 và ngày 30 âm lịch. Nếu tháng thiếu thì làm vào ngày 29, cho nên tôi không phải vất vả lắm.”

Chú Thứ mà Thầy nhắc chúng tôi chơi với nhau rất tâm đắc là chú Hành Ngộ Phạm Ngọc Thứ, người Quế Sơn và xuất gia khi còn nhỏ. Chú Thứ học giỏi hơn tôi và biết lái xe hơi rất sớm. Chúng tôi cùng lứa tuổi, học cùng lớp nên hay hỏi chuyện học hành. Sau khi học xong ở Trung học Trần Quý Cáp chúng tôi lại gặp nhau ở đại học Vạn Hạnh. Chú cũng là người sáng lập ra Hội Sinh Viên Quảng Đà quy tụ rất đông đảo sinh viên tại Đại học Vạn Hạnh, sau đó giao lại cho bạn Lê Đình Các và tôi điều hàmh. Sau 1975, chúng tôi chia tay nhau cho tới bây giờ.

Sau khi Chú Điển và anh Hùng Anh ra đi, tôi cũng lớn hơn một chút. Năm 1969, tôi sắp học xong lớp đệ tứ (lớp 9) ở trường trung học Duy Xuyên, dạy tại đình Cẩm Phô, Hội An và sắp vào lớp đệ tam (lớp 10) trung học Trần Quý Cáp. Vì lớn hơn nên tôi không rửa chén mà thay Chú Điển và anh Hùng Anh xay đậu nành. Tôi xay một mình cũng chưa nổi nên thường có thêm một chú hay một em học sinh xay phụ. Tôi vẫn chưa gánh nổi hai gàu nước lớn nên công việc chính là quét lá và tưới những chậu kiểng trong sân chùa. 

Như Hòa thượng Như Điển kể lại chúng tôi sống rất cực khổ. Nhưng cực khổ là phân bón và theo thời gian tu học đã nở thành những cụm hoa chánh thiện trong tâm hồn. Nhờ đó, khi nhìn lại, chúng tôi không thấy quá khứ là một màu đen của khổ đau và chịu đựng mà là một màu trắng tinh khiết của từ bi và trí tuệ. Không ai biết một cách chính xác đời mình ngày mai sẽ ra sao nhưng như các Thầy chúng tôi dạy hãy sống thiện rồi mọi điều thiện sẽ đến.

Ba năm sau, một ngày đầu thu 1969, tôi cũng từ giã “chùa làng Viên Giác” ra đi mang theo vô vàn những kỷ niệm. Tôi biết ơn sư phụ dạy dỗ tôi nên người. Tôi biết ơn chị Bốn, cô Trợ, cô Năm, cô Chiến, các cô bác đạo hữu xã Cẩm Nam và thập thương bá tánh đã cho tôi thực phẩm suốt gần năm năm. Tôi biết ơn các ông bà cô bác đã dúi vào tay tôi những tờ bạc mới sau khi tôi đánh chuông cho các đạo hữu lạy Phật trong những ngày Tết. Tôi cám ơn những ánh mắt dịu dàng, trìu mến, những lời khuyên “ráng học” chân thành. Tôi biết ơn ánh trăng vàng soi trên sân gạch những đêm Rằm. Tôi biết ơn sự cô độc ngấm dần trong tôi thành niềm kiêu hãnh để tôi vượt qua những thử thách của cuộc đời. Tôi biết ơn hai cây đa già ở hai góc sân chùa thay mẹ Duy Xuyên ru tôi ngủ suốt những mùa thu.

Cây đa của những ngày chúng tôi sống ở chùa đã chết, đây là cây đa con (ghi chú của tác giả)


Mười hai năm sau, từ Boston nước Mỹ tôi viết bài thơ để cám ơn cây đa chùa Viên Giác:

NHỚ CÂY ÐA CHÙA VIÊN GIÁC 

Tôi chưa kịp trở về thăm Viên Giác
Mười hai năm bèo dạt bến sông đời
Cây đa cũ chắc đã già hơn trước
Biết có còn rụng lá xuống sân tôi
Ðời lưu lạc tôi đi hoài không nghỉ
Ðể niềm đau chảy suốt những mùa thu
Thời thơ ấu cây đa già tri kỷ
Vẫn còn đây trong ký ức xa mù
Tôi khổ cực từ khi cha mất sớm
Nên bà con, thân thuộc cũng xa dần
Khi tôi khóc, đa đau từng cuống lá
Khi tôi cười, xào xạc tiếng quen thân
Ða làm mẹ vỗ về tôi giấc ngủ
Ða làm cha che mát những trưa hè
Ða làm bạn quây quần khi rảnh rỗi
Ða làm người chơn thật chẳng khen chê
Mỗi buổi sáng tôi một mình ôm chổi
Quét lá vàng như quét nỗi cô đơn
Lá vẫn rụng khi mỗi mùa thu tới
Như đời tôi tiếp nối chuyện đau buồn
Chùa thanh tịnh chẳng dung hồn lữ thứ
Một chiều thu tôi lạy Phật ra đi
Bỏ lại tiếng chuông chùa vang khuya sớm
Cây đa già đứng lặng khóc chia ly
Ðường tôi qua đã không còn bóng mát
Ngày nhọc nhằn mưa lũ xuống đêm khuya
Ða ở lại âm thầm ru khúc hát
Ngậm ngùi buông theo mỗi tiếng chuông chiều
Ða thân mến dẫu có vàng thương nhớ
Cũng xin đừng gục xuống dưới sân tôi
Xin cố đứng để chờ nghe tôi kể
Chuyện trầm luân của một kiếp con người
Tôi sẽ đến ngôi chùa xưa Viên Giác
Nhặt mảnh đời rơi rớt ở đâu đây
Ôi thằng bé nghèo nàn xưa đã lớn
Ði làm người du thực ở phương tây
Tôi viết nốt những bài thơ dang dở
Vá tình người rách nát thuở hoa niên
Ða sẽ hát bài đồng dao muôn thuở
Nhạc thu buồn nước mắt chảy trong đêm. 

Trần Trung Ðạo

Bình luận về bài viết này