Chú Tha Cho Mẹ – Truyện ngắn của Nguyễn Liệu

Chú Tha Cho M

Truyện ngắn của Nguyễn Liệu

 (Chuyện thực tại Bình Định năm 1953 )

“  Về đi, đây là chuyện đoàn thể, chuyện nước, không phải chuyện nhà”  Vèn đang sửa quai dép cao su, bực bội, trả lời cộc lốc. =

“ Tui sợ mẹ bả chịu không nổi, trời lạnh quá, bả chết trong miếu hoang, tui lạy chú, chú cứu mẹ” Anh cả xơ xác, đứng năn nỉ.

Vèn cố rút dây cao su qua cái lỗ đế xe hơi, đôi dép bác Hồ, nhưng dây không qua được, bực bội, người nóng rang, anh phát quáu :

“ Nói thế mà  không tiếp thu hả, việc là việc của đoàn thể, tập thể lãnh đạo cá nhân phụ trách, cách mạng là cách mạng vô sản chuyên chế, tiêu diệt trí phú hào, bách chiến bách thắng, vô sản thế giới hãy đoàn kết lại tiến lên phản phong phản đế, cải cách ruộng đất chia cho vô sản là giai cấp tiên tiến, vô sản không khoan nhượng không nương tay…”  Vèn nói một thôi dài, bực bội, vụt đôi dép dưới gầm giường, chụp chiếc nón cối lên đầu, ôm chiếc cặp đầy cộm giấy tờ, mặt hầm hầm, đi chân trần, bước ra khỏi nhà, bỏ ông anh cả đứng cheo leo một mình.

Anh Cả nói với theo : “ Chú tha cho mẹ, Chú tha cho mẹ” Vèn như không nghe thấy, không ngoái lại.

                Vèn ra đi thì chị Tiệp, vợ Vèn,  bước ra phòng ngoài chào anh cả :

“ Anh Cả ngồi ghế đó, sao lại đứng vậy.”

–        Thím !

–        Ổng nóng lắm anh,  không năn nỉ được đâu. Hơn nữa, cũng là có vay có trả đó anh, mẹ bả ác quá, bây giờ nhân dân phát hiện ra, họ không tha đâu. Tôi nghĩ chuyện này không xong.

–        Mẹ đàn bà bả biết gì đâu thím, mà bây giờ bả phải gánh cái nạn này, trời ơi là trời. Anh cả kéo vạt áo lau nước mắt.

–        Anh đàn ông anh không biết, hồi tui mới về làm dâu nhà này, tui làm việc hơn đứa ở, và bả thí cho tôi chén cơm thừa canh cặn. Bả ăn cơm trắng còn người làm với tui ăn cơm gạo lức, ghế củ ghế bắp.  Tui đau mà bả cũng bắt tui đi cấy, dầm mưa tiết tháng mười, tui tưởng tui chết rồi chứ. Nhưng trời đâu có cho tui chết để tui sống thấy cho được lúc trời hành bả.

–        Thôi thím, tôi lạy thím đừng nói nữa, nhà mình ăn toàn gạo trắng, chỉ có người làm mới ăn gạo lức, mà thím nói  chi cho ác miệng vậy thím. Bà già bả hiền như cục đất mà thím nói chi vậy thím. Bà già cưng con dâu út không cho thím làm việc ngoài đồng bà con lối xóm ai cũng biết, mà nay thím nói chi ác vậy thím.

Anh cả bước ra khỏi nhà,  miệng còn lẩm bẩm, chị vậy thím, ác miệng chi vậy thím..chi vậy thím…

                Trong làng có ba gia đình giàu có, nhà ông Học Xuân, ông Chánh Thể và ông Trùm Ta.  Năm khởi nghĩa bốn lăm, cả ba ông đều bị chết chém vì  tội Việt gian. Dân trong làng đều biết ba ông nhà giàu này chết vì ganh tị vì thù oán riêng tư trong họ, chứ không vì tội quốc sự.  Dân chúng trong làng xem thường gia đình ông Trùm Ta,  cho là gia đình giàu ruộng giàu đất, nhưng không có học hành. Anh Cả, anh tên Cả và cũng là con trai đầu, nên người trong làng thường gọi là anh Cả. Anh có đậu bằng sơ học yếu lược trường làng, còn người em tên Vèn không đi học,  thích ở nhà chăn trâu cho gia đình. Bất đắc dĩ Vèn ban đêm phải đến trường học các lớp “thanh toán nạn mù chữ” do thôn xã tổ chức, để ban ngày đi lại được trong làng qua các nơi chận đường hỏi chữ.  Vèn có sức khỏe, lầm lì, ít nói.  Anh loại người vai u thịt bắp, cả ngày cặm cụi  công việc đồng áng. Anh cả lại là người ốm yếu có vẻ bạc nhược.  Anh rất ngán công việc đồng ruộng nên anh giao hết cho người em quản trị ruộng đất gia đình. Anh lập cái quán hớt tóc ở góc vườn sát con tỉnh lộ,  không  phải vì sinh kế,  mà vì nơi tụ tập đánh cờ tướng. Trong tiệm hớt tóc của anh từ tảng sáng đến chiều tối có khi phải lên đèn để cho hết ván cờ tàn. Anh cả không thuộc loại cao cờ trong làng, nhưng chưa có ai ham mê đánh cờ như anh. Chị cả, vợ anh, lo việc nội trợ heo gà, rất vừa lòng vì người chồng hiền lành không ăn chơi rượu chè, suốt ngày chỉ biết quanh quất bên bàn cờ.

                Sau khởi nghĩa 45, Vèn có vợ. Thôi làm việc đồng áng,  anh làm nhân viên trật tự ủy ban hành chánh xã. Bà Cả, người làng gọi tên con đầu, mẹ anh, đã ngoài 70.  Không ai lo việc canh tác,  cho  nên bà cho tá điền làm mướn ruộng, vì cậu Cả không quen làm ruộng,  còn Vèn thì làm chánh quyền.  Mấy năm sau Vèn làm phó chủ tịch nông hội xã.  Nhiều lúc Vèn phàn nàn với vợ,  vì kẹt con nhà phú nông,  nên trở ngại việc tiến thân, nếu không anh đã làm bí thư xã ủy rồi.  Anh nói, cũng may anh không đi học, nếu dại dột như anh Cả,  hoặc mhư con cái các nhà địa chủ khác ra tỉnh học,  thì xem như h ỏng mấy đời, vì không thuộc giai cấp trung kiên cách mạng vô sản.  Anh nói cho vợ anh biết nên thoát ly giai cấp, vì giai cấp  phú hào, giai cấp có ruộng, là giai cấp phản động, giai cấp bóc lột, kẻ thù của cách mạng.

                   Vợ chồng anh từ bỏ ngôi nhà đất đồ sộ của cha mẹ. Anh dựng túp nhà tranh tầm thường ở cuối xóm, tránh hẳn cái phong cách của phú nông địa chủ. Từ ngày thoát ly giai cấp, vợ chồng Vèn được kết nạp vào đảng cộng sản. Để thử thách công tác đảng, vợ chồng anh đi dân công trên rừng sâu sáu tháng. Về đến địa phương thì phong trào thu thuế nông nghiệp, đấu tố địa chủ bắt đầu. Anh được đảng chỉ định làm trưởng ban đấu tố điạ chủ trong xã, kiêm chủ tịch nông hội xã,  kiêm phó chủ tịch ủy ban hành chánh xã. Vợ anh làm chủ tịch phụ nữ xã,  kiêm ủy viên xã hội xã.  Vì không con, vợ chồng anh đóng cửa,  sáng đi tối về,  lo công tác đoàn thể.

                Dân làng sốt ruột vì luá chín rộ ngoài đồng, trời mưa to gió lớn, e có lụt lớn không kịp thu hoạch mùa lúa tháng 8 vì tất cả đều phải lo chuyện học tập thấm nhuần phong trào trưng vay thuế nông nghiệp của đảng, từ trung ương mới khẩn cấp đề ra. Và mở đầu phong trào bằng những cuộc đấu tố phú nông địa chủ phản động. Bà Cả, nhũ danh là Trịnh thị Hời, bị đảng đề nghị đem ra đấu tố đầu tiên để tạo ra niềm hồ hởi trong dân chúng, nhất là thành phần bần cố nông, thành phần trung kiên của đảng.

                Bà Hời bị nhốt trong cái dinh hoang phế giữa cánh đồng. Năm khởi nghĩa chánh quyền bài trừ mê tín cho dân làng đập phá đình chùa dinh miếu.  Dinh thờ Bà giữa đồng vì xây đá ong kiên cố,  nên dân làng chỉ đập thành chung quanh, đập mái ngói đập rồng phụng, bia thờ, không đập ngã bốn bức tường.  Vì thế, từ xa nhìn tưởng dinh thờ còn nguyên vẹn nhưng thực ra chỉ còn trơ 4 bức tường rêu xanh.  Nhiều chuyện ma quái về  cái dinh hoang này, nhất là tàng cây gáo cổ thụ lá xanh đen quanh năm bao phủ làm cho dinh có vẻ linh thiêng, huyền bí, làm cho dân làng kính sợ.  Ban đêm người làng sợ tránh không dám đi ngang trước dinh.

 Hai ngày hai đêm rồi bà Hời bị nhốt trong cái dinh ma quái này. Bà co rút ngồi trong một góc khiếp đãm. Một tấm phên bằng tre lấp kín cửa ra vào. Bên ngoài có người canh gác.

                Dân chúng, từng ấp từng thôn, tập họp từ tảng sáng đến chiều tối để học tập tội ác của tên địa chủ ác ôn Trịnh thị Hời. Những người lớn tuổi ngồi không yên vì lúa chín sắp rụng ngoài đồng ruộng, nhưng ba ngày nay không ai được phép ra ngoài đồng, để tập trung tư tưởng vào việc học tập. Vợ chồng anh Vèn đi vòng vòng bốn điạ điểm học tập để kiểm soát dân chúng và tiếp sức cán bộ tuyên huấn để giải quyết những thắc mắc của dân chúng về tội ác  của tên địa chủ độc nhất trong làng này.

               Chiều hôm đó, trời không mưa nhưng bầu trời mây mù vần vũ.  Gió lạnh báo hiệu những ngày sắp tới âm u không ánh nắng. Dân làng tập trung về khu trường học chen chúc ngồi đầy kín sân trường lan sang bên kia đường cái.  Trừ những người bịnh đi không nổi tất cả già trẻ nam nữ đều có mặt vì đoàn thanh thiếu niên quàng khen đỏ đi tận nhà kiểm soát.  Chung quanh sân trường, những câu khẩu hiệu chữ đỏ trên vãi trắng tố cáo tội ác bọn điạ chủ phong kiến bóc lột, hoan nghênh đảng Lao động Việt nam, đời đời nhớ ơn Hồ chủ tịch. Trên cao sát tường, treo lá cờ búa liềm màu máu tươi rói, dưới là cờ đỏ sao vàng, dưới nữa, hàng ảnh lãnh tụ Staline, Mao và Hồ.

Dân chúng đông đúc nhưng không ồn ào vì ngồi ở đó nhưng đầu óc họ đang ở ngoài đồng lúa chín. Họ vô cùng bực bội nhưng không dám nói ra lời. Họ chỉ biết thở dài.

                  Bài diễn văn của ông bí thư xã khai mạc buổi đấu tố. Mấy năm gần đây dân chúng đã  nghe nhiều lần bài diễn văn quen thuộc này. Tiếp theo bài diễn văn của ông chủ tịch nông hội xã, ông Vèn. Một số người lớn tuổi ngồi xa sân trường bắt đầu ra về, mặc dù tiếng loa kêu gọi giờ tố khổ tên ác ôn sắp bắt đầu. Ông Vèn lên tiếng tố cáo tên địa chủ phú nông ác ôn Trịnh thị Hời. Từ đám đông nổi lên tiếng “ Ố !” ngạc nhiên… khó chịu, dù đã ba ngày họ đã học tập tố cáo tội ác của tên ác ôn này.  Ông nhấn mạnh dù là mẹ, nhưng là tên ác ôn địa chủ hại dân hại nước, tên địa chủ bóc lột bần cố nông bóc lột giai cấp công nhân tiên tiến,  thì không còn là mẹ nữa,  mà là kẻ thù của đảng của giai cấp. Một nhóm người ngồi sát sân trường bao quanh gần khu đấu tố vỗ tay hoan hô nồng nhiệt.

                      Ông chủ tịch xã đứng lên kêu gọi đồng bào bình tỉnh trật tự trong lúc hỏi tội tên ác ôn địa chủ. Ông kêu gọi phải nén uất hận, để giữ trật tự trong buổi lễ, ông cho biết ngoài liên khu Tư, liên khu Ba,  nhiều cuộc đấu tố dân chúng căm hờn bọn địa chủ đến nỗi không can ngăn được, nên dân chúng nhào vô đánh chết bọn ác ôn bọn phong kiến bóc lột. Ông kêu gọi đồng bào địa phương hãy bình tỉnh bớt nóng giận. Dưới đám đông một số lớn đang ngủ gà ngủ gật vì chờ đợi khuya quá, một số lặng lẽ ra về.

                         Một tiếng la lớn “ Đây tên địa chủ ác ôn !.” Không khí buồn tẻ yên lặng bỗng ồn ào nhốn nháo. Đám người ngồi sát sân trường phần đông thanh thiếu niên ồn ào đứng dậy. Những tiếng hô lớn đả đảo bọn địa chủ phong kiến bóc lột, đả đảo bọn địa chủ bán nước, đảng lao động muôn năm , Hồ chủ tịch muôn năm…tiếng hô, tiếng hét, vang dội cả khu trường học. Người ta chen lấn nhìn vào sân trường, nơi đấu trường, nhưng chưa thấy gì hết.

                          Cánh cửa lớp học gần nhất mở toan, đoàn thanh niên xung phong tiên tiến,  độ hai mươi người,  đi ra đứng thành hình tròn trong sân trường. Tiếp theo sau bốn người mỗi người nắm một tay, chân tội nhân, kéo ra sân trường trong tiếng đả đảo vang dội. Tội nhân nằm ngữa đầu ngã xụi qua một bên, tóc bạc trắng dài lếch bếch trên mặt đất. . Bốn người vừa đặt tội nhân nằm xuống sân trường, bà chủ tịch phụ nữ cầm cây chỗi quét nhà  nhào vào chửi bới đập tên địa chủ ác ôn.  Đám người giữ trật tự ra sức cản trở nhưng không kịp.  Sau một hồi khó khăn lắm mới cản được không cho bà đánh tiếp.  Tức bực lên cao độ, bà chủ tịch phụ nữ xã, chị Tiệp vợ anh Vèn, sau khi không đánh được thỏa mãn, bà lớn tiếng tố cáo tội ác của tội nhân mà bà gọi là bà mẹ chồng ác đức với bà. Rồi bà kể lể nào bắt bà ăn cơm thừa canh cặn, bắt bà trời lạnh phải dầm mưa cấy lúa, bắt bà trời nắng chang chang ra phơi lúa làm cho bà đau ốm súyt chết. Vì bà mẹ chồng ác đức làm cho bà mau già mau xấu xí…Dưới đám đông cười ồ, làm cho bà hơi khó chịu im lặng.  Anh Vèn, trưởng ban đấu tố, nghe tiếng cười ồ dưới đám đông, tức bực liền kêu gọi đồng bào mạnh dạng lên tố cáo tên địa chủ ác ôn. Nhưng đám đông vẫn im lặng. Kêu gọi không được, anh liền chỉ định người lên tố cáo, nhưng rồi người này chỉ người kia và cuối cùng không ai lên.  Lãnh đạo xã chưa biết phải tính làm sao trước thái độ tiêu cực của dân làng, dù đã được học tập suốt ba ngày nay,  thì bỗng dưng một trận mưa ồ ạt đổ xuống làm mọi người bỏ chạy ra về không còn nghe lệnh gì của ban tổ chức cuộc đấu tố chưa từng có này.

                         Quá nửa đêm,  trời vẫn còn mưa dai dẳng. Gió Bấc thổi lạnh.  Anh Cả cùng vợ âm thầm men theo đường ruộng đến khu trường học.

Khi chiều trong lúc người em dâu lớn tiếng tố cáo mẹ chồng ác ôn, chị Cả chạy về nhà báo cho anh Cả biết cảnh đấu tố đang diễn ra,  và chị bảo, tui nghe bọn thanh niên đứng bên trong sân thầm thì, bà già ngoẻo rồi mà tố cái gì nữa. Nhìn xác mẹ nằm ở sân trường, tôi biết bọn thanh niên nó nói thiệt mẹ đã chết từ hồi nào.  Nghe vợ nói anh Cả vẫn im lặng không một lời.  Quá nửa đêm,  anh Cả âm thầm ra đi, chị Cả lặng lẽ chạy theo.  Trời mưa ban đêm ở đồng quê tối quá, vắng vẻ quá, hai bóng người khom khom chạy vào lớp học khi chiều.  Vẫn im lặng, anh Cả cõng mẹ lom khom cũng theo con đường ruộng về nhà. Dưới trời mưa, hai người chôn cất mẹ già ngay trong vườn phía sau nhà.

                         Chị dọn cơm trưa không thấy anh Cả về ăn. Chị đến tiệm hớt tóc mới hay tiệm đóng cửa.  Vòng cửa sau, chị hoảng hốt ré lên, thì ra anh Cả đã chết từ hồi nào. Anh ngồi trên ghế hớt tóc,  đầu ngoẻo qua một bên, miệng ứa máu,

 há hốc,  người lạnh toát.  Một chai thuốc diệt rầy để bên cạnh còn phần chai.  Chị nhào vào xác anh Cả, khóc rống, thảm thiết.

HẾT

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

%d người thích bài này: