CHA CŨNG CHẾT VỚi CON – Truyện ngắn của Nguyễn Liệu

CHA CŨNG CHẾT VỚi CON – Truyện ngắn của Nguyễn Liệu

Tưởng nhớ đến cha tôi 

Bị nhốt đến ngày thứ sáu, ông Cửu vẫn không ăn uống được.

Tối hôm đó mới vừa ăn cơm xong, một toán độ mười người ào ào vào nhà ông, mời ông ra cơ quan cách mạng. Ngạc nhiên, ngơ ngác,  ông không hiểu gì hết. Một người trong toán nói: “Mời bác sang đình gặp ban cách mạng”. Toán người toàn quần đùi áo cánh. Mỗi người vác một cây gậy. Trên đầu gậy cột một đoạn dây dừa quấn gọn. Ông cửu nói :

“ Sáng mai tôi ra gặp được không, bây giờ tối rồi”

“ Không,  ông phải ra ngay bây giờ”

Ông Cửu đốt điếu thuốc, mặc thêm chiếc áo, theo đoàn người ra đình làng.

      Ngay trong đêm ông Cửu bị bắt, dân trong làng nổi lên khởi nghĩa, hô hào tiêu diệt phát xít Nhật, tiêu diệt bọn phú nông địa chủ, bọn cường hào ác bá. Ngôi đình trong làng làm trụ sở uỷ ban cách mạng. Dân chúng bỏ cả việc đồng áng kéo về đình làng biễu tình, hô khẩu hiệu đả đảo phất xít Nhật, đả đảo bọn Việt gian phản quốc, v.v.

Ông Cửu bị nhốt trong nhà hội, nhà nhóm sát kề ngôi đình làng.  Cửa sổ, cửa lớn đều che kín, ban ngày chỉ thấy lờ mờ.  Ông Cửu,  người con trai lớn của ông, người rể của ông, cùng với ba người trong làng ông, ông tú Lê và hai ông già. Tất cả sáu người này đều bị kết tội Việt gian. Bên ngoài quân cách mạng canh gác nghiêm mật

            Chiều hôm đó, dân chúng biễu tình đông quá, hô vang những câu khẩu hiệu tiêu diệt bọn Việt gian bán nước. Ông Cửu cùng các người bị giam sợ đến độ không ai nói nên lời, vì nghe những tiếng nói đầy  căm hờn, phẩn uất, phấn khởi của những người lính gác, ngồi trên chiếc bân học trò,  chận ngang lối đi vào cửa chính nhà giam,  đã bị khoá chặt bằng dây xích sắt.

“ Bọn nhà giàu máu tốt quá, chặt đầu ông phó Thịnh, máu phun thành vòi. Đầu ông hương Chinh cứng quá phải nhác dao thứ  chín mới chịu rời càn cổ. Vừa chém vừa đâm ông xã Chấp la ré như bò bị thọc huyết, Qua những câu nói đầy hồ hởi của các tên lính cách mạng bên ngoài, ông Cửu và những nguòi bị giam với ông sợ thất sắc.  Và cũng do những câu chuyện của toán gác bên ngoài, ông Cửu biết được tin tức những người bị chém đêm qua, những nhà bị niêm,  và nhà ông đã bị niêm, trong lúc niêm người ta đã phá kho đường của ông, mạnh ai nấy hốt. Ông Cửu lẩm nhẩm , người chết nhà tan cửa nát. Bỗng dưng ông lại so sánh tội Việt gian của những người đã bị chém khi hôm,  với tội của ông.  Những người này họ chỉ có những chức chưởng nhỏ trong làng. Ông Cửu đều quen biết,  những người Việt gian bị chết chém đó , có người bà con với ông.  Họ đều là những nguòi hiền lành, ít học hành, không để ý đến chánh trị , thế mà họ bị chém.  Ông không dám so sánh với ông, với con trai ông. Ông cố quên,  nhưng lại hiện ra quá rõ, những hôm ông tranh luận binh vực quân đội Hoàng gia Nhật, là quân đội  “bách chiến  bách thắng.” Ông đã lớn tiếng phấn khởi ca tụng Trân châu cảng, mà ông cho rằng trận Xich bích ngày xưa Khổng Minh đốt quân Tào Tháo không thấm thía gì đối với trận quân thần phong của Nhật hoàng,  nhào vào ống khỏi của tàu đich, tàu của bọn da trắng, tiêu diệt một hạm đội lớn của bọn Mỹ. Ông thường phấn khởi bảo nhờ có quân Nhật thắng quân Anh Mỹ, làm cho người Á châu,  người da vàng,  không còn mặc cảm bị khinh khi nữa. Ông ứa nước mắt nghĩ rằng, những người đó bị chém khi hôm, thì cái đầu của ông làm sao còn được. Ông đau nhói trong ngực khi nhìn đứa con của ông đang nằm như ngủ một cách hồn nhiên, như không có gì hết.  Ông nghĩ mình mới trên bốn mươi , chết cũng còn sớm quá, con mình mới hai mươi , tội nghiệp quá. Nước mắt ông chảy trên gò má, ông kéo vạt áo lau, nghĩ chưa bao giờ gia đình ông đổ nát cùng cực đến như thế này, cha con ông sẽ bị chết chém, tài sản nhà cửa bị tịch thu. Một bầy con dại,  và người vợ gầy yếu, hay đau lên đau xuống, rồi sẽ đi về đâu.

    Ông đang nghĩ miên mang, cánh cửa nhà giam mở lớn. Ánh nắng chiều gay gắt chiếu vào làm cho ông chói mắt choáng váng.  Sáu người tù tội ngồi dậy, mặt cúi xuống sàng xi măng, không dám nhìn thẳng toán lính, tay hằm hằm cây mã tấu sắc , lóng lánh, bước xông vào . Một người có lẽ là chỉ huy, đọc tên như hét lớn, ai là tên Còn, tên Nguyện, Lê Còn Nguyễn Nguyện. Mắt lườm lườm như muốn ăn tươi nuốt sống đám tù đang khiếp vía, mặt cúi gầm xuống đất im lặng, nín thở. Hai ông già ngồi trong góc tối,  run rẫy đứng dậy, nặng nề bước ra.  Hai ông già bị cởi áo bịt mắt, hai tay trói chặt như những tên trộm bị bắt quả tang. Toán lính bước ra, cửa đóng kín. Những người tù còn lại như chết cứng,không nhúc nhích. Bên ngoài tiếng đả đảo bọn Việt gian vang lên. Tiếng la, tiếng hét, tiếng chuởi quân bán nước, náo động cả khu đình làng. Dần dần tiếng hô khẩu hiệu nhỏ dần, đám đông hướng về phía bờ cát trắng con sông Vệ.

     Tố hôm đó, tin tức từ các tên lính canh gác bên ngoài dội vào.Hai ông già khi chiều bị chém trên bãi cát bờ sông Vệ. Bọn lính say sưa nhao nhai kể lại, một người ba nhác dao đầu rơi xuống cát, một người trên mười nhác nhưng đầu còn lủng lẳng dính vào cổ. Máu phun thành vòi, nhuộm đỏ bãi cát trắng một vùng rộng. Họ còn bảo hai ông già gân, không khóc lóc không xin xỏ, vừa đi vừa đọc kinh Cao đài. Ông Cửu sợ tái mặt, hai ông già theo Cao đài, tu hành, không cải cọ, không tranh luận, không giàu có, không chức sắc, không làm gì hết, mà còn bị chết chém, còn mình là chủ tịch đảng Tân Việt Nam quận Mộ Đức, là người binh vực sự hùng mạnh của quân đội Nhật bản, người có chức sắc, người giàu có trong làng, thì Trời ơi làm sao tránh được cái chết. Phân tích so sánh thực tế kỹ như vậy, ông Cửu hơi yên tâm. Ông cười gượng : “Cha nó đến nước này còn sợ gì nữa”  Nhưng ông bỗng xìu xuống ngay, nghĩ tội cho đứa con trai mới hai mươi tuổi, mới vừa cưới vợ, chưa sống bao nhiêu , mà nay chịu chết chém thì tội nghiệp quá.  Ông lại khóc thành tiếng, nhìn đứa con nằm cạnh đang buồn thê lương. Ông Cửu chấp hai bàn tay như đang khấn vái Trời Phật, vái ông bà cha mẹ, phù hộ cho đứa con trai đáng thương của ông được tai qua nạn khỏi. Chưa bao giờ ông thấy yếu đuối và bất lực như lúc này. Ông Cửu không ăn uống đuọc, mệt lã. Ông nằm xuống sàng xi mâng. Nguời nóng sốt như lửa. Ông mê mang

    Chó sũa vang cả xóm. Hết bầy chó này, đến bầy chó khác,  vừa sũa vừa nhào đến chụp cắn ông. Hoảng hốt ông ngồi xuống thủ thế, thì bầy chó hung dữ dừng lại. Lửa cháy rực, nhưng đường ông đi tối quá, ngữa bàn tay không thấy. Đường xuống dốc sâu thăm thẳm. Ông sợ  quá. Lạnh buốt thấu xương. Hai hàm răng đánh vào nhau kêu cộp cộp. Ông ngạc nhiên vừa mừng vừa sợ, gặp lại cha mẹ ông đang ngồi buồn thiu bên gốc cây dọc đường. Ộng chú ông bác của ông cũng ngồi buồn dưới gốc cây. Một bầy chó cái vú dài quá,  lếch bết kéo lê dưới đất,  chụp cắn ông. Hoảng hốt ông ré lên. Ông tỉnh lại,  mồ hôi ướt như tắm, tiếng mở khoá khua động mạnh làm người tù khiếp vía thất thần.  Cánh cửa lớn vừa mở ra, hai cây đuốc bằng xác cây mía cháy rực rực, theo sau mười người linh cách mạng,  hằm hằm xông vào. Ánh sáng cây đuốc quét qua quét lại trước mặt các người tù im lặng, chết điếng như các pho tượng đá. Người trưởng toán,  cầm thanh kiếm sắc, mũi nhọn, chỉ vào sát mặt từng người một, như đang soát lại một lần chót số tử tù. Im lặng. Tất cả im lặng, chỉ còn tiếng lửa cháy rần rật của cây đuốc thân mía khô. Im lặng rùng rợn như cảnh hành hình dưới địa ngục. Điểm mặt xong viên toán trưởng chậm chạp nặng nề rút miếng giấy trắng trong túi áo trên ngực, có ghi chữ bằng bút chì. Miếng giấy xếp nhiều lần,  cẩn thận từ từ được mở ra,  dưới ánh sáng cháy rực rực của cây đuốc. Ông Cửu chết điếng, đủ phát ra hai tiếng nhỏ, cộc lốc, hụt hơi : “Trời ơi”.

Bỗng viên toán trưởng hô lớn “ Ai là Bốn,  tên Nguyễn Bốn bước ra”  Người thanh niên độ dưới hai mươi tuổi, đầu tóc hớt ngắn như học sinh trung học, quần cụt xanh chemise trắng, ngồi ở góc trong cùng bị che khuất cây cột lớn, im lặng bất động, sau tiếng “ bước ra” lặp lại lần nữa, dứt khoát, sắc, gọn,như một mệnh lệnh cuối cùng. Nguyễn Bốn con trai ông Cửu , chầm chậm đứng dậy, bước ra ngang qua chỗ ngồi ông Cửu, anh nói gần như thầm thì “ Con đi nghen cha”. Ông Cửu chết điếng từ hồi nào, nghe tiếng nói của người con trai, ông như tỉnh lại, định thần,  đây là giờ phút vĩnh biệt, giờ phút vĩnh biệt, giờ phút cuối cùng,  giờ phút chết. Vẫn im lặng, hai người lính chụp lấy cánh tay người tù, tuột mạnh chiếc áo sơ mi, hàng nút áo đứt nghe kêu bụp bụp, âm thanh sắc gọn trong cảnh im lặng rùng rợn trong đêm khuya. Chiếc áo cuốn tròn bịt chặt cặp mắt người tù, hai tay trói chặt về phía trước. Người tử tù trẻ tuổi này bất động cứng ngắt như đã chết từ hồi nào.

Ông Cửu người lạnh như tảng băng, bỗng nóng phừng phừng làm cho ông tỉnh hẳn và như liều mạng, máu xông lên đẩu. Ông đứng phắt dậy,  bước xuống bục xi mâng, chắp hai bàn tay trước ngực, như vang vái trước bàn thờ. Ông quì xuống “ trăm lạy quí ông tha cho con trai tôi , cho tôi được chết thế.” Tiếng ông nức nở trong tiếng khóc. Ông van xin cách mạng tha cho con ông, nó còn quá trẻ, mới vừa có vợ…Những người lính cách mạng vẫn im lặng như không để ý đến lời  tha thiết của người cha xin chết thế cho con. Tiếp tục kêu tên, trói bịt mắt đến người thứ ba. Ông Cửu tiếp tục lạy xin chết thế cho con. Ông Cửu bất thần, bất động như bị điện giật, khi tên ông, tên người tù thứ tư xướng lên: “ Ai tên Kỉnh, Nguyễn Kỉnh” Ông Cửu như cái máy vụt đứng dậy. Cái áo bà ba vải trắng của ông bị bứt đứt nút và ông bị bịt mắt. Ông la lớn như không còn  một chút sợ hãi : “ Bốn ơi ! cha cũng chết với con. Trời ơi, cha cũng chết với con”

   Hai người lính dắt một người tù ra khỏi phòng giam. Dập tắt hai cây đuốc, đoàn người âm thầm mò mẫm theo con đường mòn trong đêm tối, ra bờ con sông Vệ.

Bình luận về bài viết này