Phản ứng của quốc tế trước bản án 9 năm tù đối với bà Phạm Đoan Trang

Phản ứng của quốc tế trước bản án 9 năm tù đối với bà Phạm Đoan Trang

1. Mỹ, Anh, Canada và các nước khác đồng loạt phản đối bản án 9 năm tù đối với bà Phạm Đoan Trang

15/12/2021VOA Tiếng ViệtNếu chúng ta đang sống trong một xã hội có tự do, có phẩm giá, có công lý, có dân chủ thì những người như Đoan Trang sẽ có một vị trí đáng ngưỡng mộ trong xã hội.Huy Đức
***
Tôi chỉ lo là có sống được để làm việc [viết sách, góp phần vào cuộc đấu tranh vì dân chủ] hay không, bởi vì với cách đàn áp này thì chắc họ muốn giết hết những người như chúng tôi.Phạm Đoan Trang

Nhà báo tự do Phạm Đoan Trang tại tòa ngày 14/12/2021. Photo screenshot từ ANTV via YouTube.

Ngay sau khi nhà báo tự do Phạm Đoan Trang bị chính quyền Hà Nội tuyên án 9 năm tù vào ngày 14/12, Mỹ, Anh, Canada và hàng loạt các quốc gia phương Tây lên tiếng phản đối bản án này và kêu gọi chính quyền trả tự do ngay lập tức cho bà.

Hoa Kỳ

Hoa Kỳ lên án việc kết tội và tuyên phạt ký giả Phạm Đoan Trang 9 năm tù, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Ned Price cho biết ngày 14/12.
Thông cáo từ Bộ Ngoại giao Mỹ nói bà Trang không làm gì ngoài bày tỏ ý kiến một cách ôn hoà và Hoa Kỳ kêu gọi chính phủ Việt Nam phóng thích bà Trang và cho phép mọi người ở Việt Nam tự do bày tỏ quan điểm mà không phải sợ bị trả thù.
Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam dẫn thông báo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ kêu gọi Hà Nội đảm bảo luật lệ và hành động của họ nhất quán với các điều khoản về nhân quyền trong Hiến pháp Việt Nam cũng như cam kết và nghĩa vụ của Việt Nam với quốc tế.

Anh

Bà Amanda Milling, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao và Phát triển phụ trách khu vực châu Á của Bộ Ngoại giao Anh, nói trong thông cáo ngày 15/12: “Việc nhà báo Việt Nam Phạm Đoan Trang phải nhận mức án 9 năm tù là vô cùng đáng lo ngại. Bỏ tù các nhà báo chỉ vì họ bày tỏ quan điểm một cách ôn hòa gửi thông điệp sai trái tới những người ủng hộ sự phát triển của đất nước và con người Việt Nam”.
Vương quốc Anh, cùng các thành viên của cộng đồng quốc tế, đã bày tỏ quan ngại trước cách Phạm Đoan Trang bị đối xử kể từ khi bà bị bắt vào tháng 10 năm 2020, và đưa ra quan điểm của mình với Chính phủ Việt Nam, thông cáo cho biết.h
Bản án này đã gửi đi thông điệp chống lại quyền tự do ngôn luận” thông cáo viết.

Canada

Đại sứ quán Canada tại Việt Nam hôm 15/12 ra thông cáo bày tỏ sự quan ngại về bản án đối với bà Trang.
“Canada vô cùng quan ngại về việc tuyên án đối với bà Phạm Thị Đoan Trang. Chúng tôi cũng lo ngại về những nỗ lực không ngừng của các cơ quan chức năng Việt Nam nhằm hạn chế quyền tự do truyền thông, một yếu tố thiết yếu của việc bảo vệ nhân quyền và các quyền tự do cơ bản”
Chính phủ Canada kêu gọi nhà chức trách Việt Nam cho phép các nhà báo hành nghề mà không sợ bị bắt giữ, sách nhiễu hoặc trả thù, đồng thời chấm dứt kiểm duyệt và kiểm soát rộng rãi đối với các phương tiện truyền thông và tự do ngôn luận rộng rãi hơn.
“Chúng tôi khuyến khích tất cả các quốc gia tuân thủ các nghĩa vụ nhân quyền của họ theo luật pháp quốc tế, bao gồm quyền tự do quan điểm và biểu đạt” thông cáo viết.

Đức

Đại sứ Petra Sigmund, Vụ trưởng Vụ châu Á – Thái Bình Dương của Bộ Ngoại giao Đức, viết trên Twitter hôm 14/12 bày tỏ sự bàng hoàng với bản án 9 năm đối với cựu học giả của chương trình Villa Aurora Los Angeles, nhà báo Phạm Đoan Trang.
“Bản án này phát đi tín hiệu đáng báo động về quyền tự do ngôn luận. Việt Nam cần đề cao các quyền cơ bản của con người như được bảo đảm trong hiến pháp và các cam kết quốc tế” bà viết.

Cộng hòa Czech

Bộ Ngoại giao Cộng hòa Czech hôm 15/12 viết trên Twitter rằng đại diện ngoại giao của nước này không được tham dự phiên tòa xét xử Phạm Đoan Trang.
“Nhiều quốc gia, trong đó có Cộng hòa Czech, đã không được phép tham gia phiên tòa xét xử Phạm Đoan Trang với tư cách quan sát viên”
“Chúng tôi yêu cầu Việt Nam không gì khác ngoài việc tôn trọng Hiến pháp của mình và các hiệp định quốc tế mà Việt Nam tham gia, và việc trả tự do cho bà Phạm Đoan Trang.
Nhóm làm việc của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc về Giam giữ Tùy tiện (UNWGAD) đã kết luận việc bắt giam bà Phạm Đoan Trang được xếp vào hành động giam giữ tùy tiện, vi phạm các cam kết và nghĩa vụ quốc tế của Việt Nam về quyền con người.
Theo ghi nhận của các nhà ngoại giao phương Tây, trong suốt hơn một năm bị tạm giam, bà Phạm Đoan Trang chỉ được gặp luật sư đúng một lần và chưa được gặp mặt gia đình.

Phản ứng của người Việt

Nhà hoạt động nhân quyền Hoa Nguyễn ở Sydney, Australia, đồng thời là một người bạn của bà Trang, nêu nhận định với VOA về bản án dành cho bà Trang: “Tôi không ngạc nhiên”.
Bà Hoa, người theo dõi các phiên tòa xét xử các nhà tranh đấu ở Việt Nam từ năm 2018 cho đến nay, cho biết: “Tôi và những người liên quan đến Phạm Đoan Trang không buồn, không trông đợi, không sốc gì cả”.
Cũng từ Australia, Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, viết trên Facebook: “Cái ‘tội’ của Đoan Trang là đi trước thời đại, vượt lên những suy nghĩ của người cầm quyền. Đó cũng là cái giá phải trả của người trí thức trong một môi trường lạc hậu và giáo điều”.
“Hết ngày này sang ngày nọ, đa số công chúng được gieo vào những niềm tin rằng nói khác với quan điểm của đảng và Nhà nước là “phản động”, mà phản động là đồng nghĩa với tù đày thì theo thời gian nó sẽ trở thành một chuẩn mực. Chuẩn mực là không được nói khác Nhà nước. Chuẩn mực là phải im lặng. Theo đó, những ai nói khác hay lên tiếng trước những bất công xã hội thì bị xem là ‘phản động’, là tội phạm”, Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn viết.
Cựu nhà báo Trương Huy San, tác giả của ‘Bên Thắng cuộc’, ở Tp. Hồ Chí Minh, nêu nhận định trên Facebook: “Nếu chúng ta đang sống trong một xã hội có tự do, có phẩm giá, có công lý, có dân chủ thì những người như Đoan Trang sẽ có một vị trí đáng ngưỡng mộ trong xã hội”.

2. HRW và RSF lên án Việt Nam kết án nhà báo Phạm Đoan Trang 9 năm tù

RFI
Ngày 14/12/2021, ngay sau khi tòa án thành phố Hà Nội kết án 9 năm tù đối với bà Phạm Đoan Trang vì tội « tuyên truyền chống Nhà nước », hai tổ chức Quan Sát Nhân Quyền (Human Rights Watch, HRW) và Phóng Viên Không Biên Giới (RSF) đã lần lượt lên án bản án dựa trên «những lập luận khập khiễng» đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế gây sức ép để cựu nhà báo được trả tự do ngay lập tức.
Tổ chức RSF trụ sở tại Paris nhắc lại, trước khi bị kết án, bà Phạm Đoan Trang đã bị giam giữ tùy tiện suốt 434 ngày. Cựu nhà báo từng được tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới trao Giải Tự do Báo chí 2019 bị bắt ngày 06/10/2020 tại thành phố Hồ Chí Minh, chỉ vài giờ sau cuộc đối thoại thường niên Mỹ – Việt về nhân quyền.

Phiên tòa mang tính chính trị

Trong thông cáo ngày 14/12, ông Daniel Bastard, người phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương của RSF, lên án bản án «được thực hiện theo lệnh của Đảng cầm quyền với mục đích duy nhất là trừng phạt một nhà báo chỉ vì cố gắng thông tin cho đồng bào».
Do đó, RSF «kêu gọi cộng đồng quốc tế áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức Việt Nam chịu trách nhiệm» và để bà Trang «được trả tự do ngay lập tức».
Trước đó, trả lời RFI ngày 14/12, ông Phil Robertson, trợ lý giám đốc phụ trách châu Á của tổ chức Quan Sát Nhân Quyền (HRW) cũng lên án phiên tòa mang tính chính trị và yêu cầu trả tự do ngay lập tức cho cựu nhà báo Phạm Đoan Trang:
«Phạm Đoan Trang là một blogger rất chính trị. Cô ấy nằm trong số những nhà đấu tranh nổi tiếng nhất Việt Nam. Cô đã gặp ông Barack Obama và nhiều nhà lãnh đạo khác trong các chuyến công du Việt Nam của họ. Trước khi trở về Việt Nam, Phạm Đoan Trang đã đi khắp khu vực để đấu tranh vì nhân quyền. Cô cũng xuất bản nhiều tác phẩm về nạn tham nhũng và tình trạng người dân bị mất đất.Trong mắt chính phủ, Phạm Đoan Trang gây phiền phức. Họ sợ cô vận động những người khác chỉ trích chế độ. Vì thế họ cáo buộc cô tội «tuyên truyền chống phá Nhà nước» và sẵn sàng kết án cô nhiều năm tù. Điều này hoàn toàn không chấp nhận được vì Phạm Đoan Trang không làm gì sai.Vì thế, chúng tôi yêu cầu trả tự do cho cô ngay lập tức. Việt Nam sử dụng các luật về an ninh quốc gia để kết án mọi tiếng nói đối lập với đảng cầm quyền để biện minh cho mọi sự trấn áp».

Vài chục nhà đấu tranh bị kết án theo điều 117 của bộ luật hình sự trong năm 2021

Ngoài Phạm Đoan Trang vừa bị kết án, trong một thông cáo khác ngày 14/12, tổ chức Quan Sát Nhân Quyền, trụ sở tại New York, còn yêu cầu Việt Nam trả tự do ngay lập tức cho hai nhà hoạt động vì quyền lợi đất đai ở Hà Nội, ông Trịnh Bá Phương và bà Nguyễn Thị Tâm. Phiên xét xử dự kiến mở ra tại Hà Nội ngày 15/12/2021 và họ bị cáo buộc vi phạm điều 117 của bộ luật hình sự. «Nếu bị kết tội, mỗi người sẽ phải đối mặt với mức án lên tới 20 năm tù». HRW kêu gọi chính quyền Việt Nam «nên lập tức hủy bỏ các cáo buộc mang động cơ chính trị» nhắm vào họ.
HRW nhắc lại «chỉ tính riêng trong năm 2021, có ít nhất 16 người – trong đó có các blogger độc lập nổi tiếng Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy và Phạm Chí Thành – đã bị kết tội và xử án tù vì đã vi phạm điều 117. Có 11 người khác, trong đó có nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Thúy Hạnh, đã bị bắt và đang bị tạm giam chờ xét xử cũng theo điều luật nói trên».

3. Hiệp hội Nhà xuất bản Quốc tế: ‘Kính phục Đoan Trang, lên án chính phủ VN’

Bùi ThưBBC News Tiếng Việt
“Nếu chúng ta không phản đối phiên tòa này thì hãy hạ tay xuống đi và đừng đấu tranh cho tự do ngôn luận nữa”, Tổng thư ký Hiệp hội các Nhà xuất bản Quốc tế (IPA) José Borghino nói với BBC News Tiếng Việt ngay sau khi Phạm Đoan Trang bị tuyên 9 năm tù.
IPA – tổ chức quốc tế có trụ sở tại Geneve, Thụy Sĩ, thành lập năm 1896 với hoạt động thúc đẩy và bảo vệ quyền tự do xuất bản – từng trao Giải thưởng Voltaire (Prix Voltaire) 2020 cho Nhà xuất bản Tự Do mà nhà báo, nhà hoạt động Phạm Đoan Trang là một trong những người sáng lập và điều hành.

“Chúng tôi kính phục Đoan Trang”

Ông José Borghino, Tổng thư ký IPA đã bình luận với BBC News Tiếng Việt về việc bà Phạm Đoan Trang, người từng được trao Giải thưởng Voltaire lại bị kết án 9 năm tù về những gì bà viết và xuất bản:
“Hiệp hội các Nhà xuất bản Quốc tế tin vào tự do xuất bản, tin rằng các nhà xuất bản nên được tự do xuất bản các tác phẩm mà họ nghĩ là nên được xuất bản, và bằng cách ấy, đấu tranh cho quyền tự do biểu đạt của các tác giả”.
“Phạm Đoan Trang là hiện thân của những giá trị này, và IPA lên án bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất có thể, việc truy tố bà ấy khi bà ấy thực hành quyền tự do biểu đạt vốn đã được thể hiện trang trọng tại Điều 19 Tuyên ngôn Nhân quyền 1948 của Liên Hợp Quốc”.
Là một tổ chức “giám sát các sự vi phạm quyền tự do biểu đạt và tự do xuất bản khắp thế giới”, IPA nhấn mạnh rằng họ “biểu dương Phạm Đoan Trang về sự dũng cảm của bà ấy đối với sự khủng bố vốn chỉ có thể nhằm mục đích khiến những người khác khiếp sợ mà câm nín”.
Ông José Borghino cũng nói về sự bảo vệ, hỗ trợ của tổ chức đối với những nhân vật như Phạm Đoan Trang. Theo đó, vấn đề này là khác nhau tùy theo khu vực.
“Tại một số khu vực, việc được tặng các giải thưởng và hiện diện của họ trong các hành động quốc tế rõ ràng có thể giúp các nhà xuất bản và các tác giả dũng cảm an toàn. Nhưng ở những khu vực khác, cùng điều đó lại khiến họ đối mặt với nguy cơ lớn hơn. Các hoạt động ngoại giao giữa các nhà nước có thể đóng một vai trò quan trọng”.
“Phạm Đoan Trang và những người như bà ấy đã từ bỏ cơ hội ra nước ngoài để hoạt động an toàn hơn trong cuộc đấu tranh vì tương lai đất nước. Đó chính là một trong những điều mà Phạm Đoan Trang truyền cảm hứng”. Tổng thư ký IPA nói.
Với bản án 9 năm cho Phạm Đoan Trang, ông José Borghino cũng lên án phiên tòa hôm 14/12: “Từ tất cả những thông tin mà chúng ta tiếp cận được, tôi cho rằng cộng đồng quốc tế có thể tham gia cùng chúng tôi để lên án lập trường của chính phủ Việt Nam”.
“Các tội danh và quy trình tố tụng khiến chúng ta chỉ có thể thấy rằng đây là một phiên tòa trình diễn nhằm răn đe không hơn không kém. Nếu chúng ta không phản đối phiên tòa này thì hãy hạ tay xuống đi và đừng đấu tranh cho tự do ngôn luận nữa”.
Đồng thời, IPA cũng nhắc lại vai trò của Phạm Đoan Trang trong việc mở đường cho việc xuất bản độc lập tại Việt Nam:
“Ngay trước khi bị bắt, Phạm Đoan Trang đã gửi cho chúng tôi một video giải thích về xuất bản độc lập tại Việt Nam. Nỗ lực mà những người làm xuất bản độc lập tại Việt Nam phải thực hiện là vô cùng to lớn. Nguy cơ từ những bản án kiểu này là nó có thể làm nhụt chí mọi người hơn nữa”.
“Chỉ những người dũng cảm nhất trong số chúng ta mới đánh đổi 9 năm trong tù để xuất bản sách. Chúng tôi kính phục Phạm Đoan Trang và hứa sẽ tiếp tục cổ vũ bà ấy”, ông José Borghino nhấn mạnh.

Tiếng nói của các tổ chức quốc tế khác

Bên cạnh IPA, nhiều chính phủ, tổ chức quốc tế đã lên tiếng sau khi Phạm Đoan Trang bị tòa kết án 9 năm tù, cao hơn mức 7-8 năm mà Viện Kiểm sát đề nghị.
Cụ thể, Mỹ đưa ra tuyên bố lên án việc kết án 9 năm tù đối với tác giả Việt Nam Phạm Đoan Trang “người không làm gì khác hơn là bày tỏ chính kiến ​​của mình một cách ôn hòa. Chúng tôi cũng ghi nhận ý kiến ​​gần đây của Nhóm Công tác về Giam giữ tùy tiện của Liên Hợp Quốc, cho thấy việc giam giữ Trang là tùy tiện và trái với các cam kết và nghĩa vụ quốc tế về quyền con người của Việt Nam”.
“Hoa Kỳ kêu gọi chính phủ Việt Nam trả tự do cho Trang, người đã được quốc tế công nhận về công lao thúc đẩy nhân quyền và việc cai trị tốt ở Việt Nam, đồng thời cho phép mọi cá nhân ở Việt Nam tự do bày tỏ quan điểm của mình mà không sợ bị trả thù. Chúng tôi cũng kêu gọi chính phủ đảm bảo luật pháp và các hành động của mình phù hợp với các quy định về quyền con người trong Hiến pháp Việt Nam cũng như các nghĩa vụ và cam kết quốc tế của Việt Nam”.
Còn Canada thì đưa ra thông cáo:
“Canada vô cùng quan ngại việc tuyên án đối với bà Phạm Thị Đoan Trang. Chúng tôi cũng quan ngại về những nỗ lực không ngừng của các cơ quan chức năng Việt Nam nhằm hạn chế quyền tự do truyền thông, một nhân tố thiết yếu của việc bảo vệ nhân quyền và các quyền tự do cơ bản”.
“Chúng tôi cũng kêu gọi các nhà chức trách Việt Nam cho phép các nhà báo hành nghề mà không sợ bị bắt giữ, sách nhiễu hoặc bị trả thù, đồng thời chấm dứt kiểm duyệt và kiểm soát diện rộng đối với các phương tiện truyền thông và nới rộng hơn tự do ngôn luận. Chúng tôi khuyến khích tất cả các quốc gia tuân thủ các nghĩa vụ nhân quyền của họ theo luật pháp quốc tế, bao gồm quyền tự do quan điểm và biểu đạt”.
Trả lời về việc nhà báo và nhà bảo vệ nhân quyền Phạm Đoan Trang bị kết án 9 năm tù, Phó Giám đốc Khu vực của Tổ chức Ân xá Quốc tế Ming Yu Hah cho biết:
“Thật phẫn nộ khi các nhà chức trách Việt Nam đang kết tội Phạm Đoan Trang, một nhà báo quả cảm và nhà bảo vệ nhân quyền, người đã nhiều năm đấu tranh cho một Việt Nam công bằng, hòa nhập và tôn trọng các quyền. Công việc của bà ấy nên được tôn vinh và bảo vệ chứ không phải bị trừng phạt và hình sự hóa”.
“Việc đối xử với Phạm Đoan Trang – gồm các hành vi quấy rối, giám sát, đe dọa, tra tấn và truy tố xảo trá – là biểu tượng một cách tàn nhẫn cho sự đàn áp của nhà cầm quyền Việt Nam đối với các hoạt động nhân quyền ôn hòa trên khắp đất nước”.

Đoan Trang từng nói gì về sự đàn áp?

Ngay sau khi nhận giải Voltaire vào tháng 6/2020, Phạm Đoan Trang đã có cuộc trò chuyện với BBC News Tiếng Việt. Khi chia sẻ về sự trấn áp của chính quyền Việt nam, Đoan trang nhấn mạnh “Trong mắt công an, chúng tôi không được coi là con người nữa rồi”.
“Đối với Nhà xuất bản Tự Do, giải thưởng này là sự tưởng thưởng cho nỗ lực, và lòng can đảm của mọi người từ khi thành lập. Trong suốt thời gian đó, các thành viên chưa có một phút nào bình yên, phải sống triền miên trong tình trạng căng thẳng. Tất cả mọi người đều chịu đựng rất nhiều”, Đoan Trang cho hay.
Theo bà, có nhiều cách đàn áp mà chính quyền thực hiện đối với các thành viên Nhà xuất bản Tự Do.
“Cách dễ nhất là phong tỏa hết mọi tài khoản mà Nhà xuất bản Tự Do mở ra. Họ còn rình chủ tài khoản xuất hiện để bắt. Họ chặn nguồn tiền độc giả gửi”, bà Trang kể.
“Nặng hơn thì họ giăng bẫy bắt người giao hàng. Một khi họ bắt được là đánh, đánh rất dã man. Đánh cho chết luôn. Thường thì đánh tới tấp mặt mũi tại chỗ, rồi sau đó đưa lên ô tô. Lên ô tô đánh tiếp, về tới đồn đánh tiếp”.
“Đó là hành vi bắt cóc. Tức là đầu tiên cướp điện thoại, khống chế rồi đánh cho tối tăm mặt mũi trước khi đưa lên ô tô. Có mấy trường hợp gần đây anh em bị bắt, bị đánh rồi may mắn thoát được, chứ không phải công an thả”, bà kể và giải thích thêm:
“Phải nói rõ ở đây không có gì gọi là luật pháp cả. Chúng ta hay nói về việc có luật pháp, có giấy triệu tập, thực tế là ở đây không có gì cả. Chỉ là phục kích, đánh đập, bắt cóc đưa về đồn đánh tiếp. Tức là cách cư xử của họ như với thú vật ấy. Trong mắt công an, chúng tôi không phải là người, thế nên đừng nói chuyện quyền công dân ở đây, đừng nói chuyện luật pháp, giấy mời, đối thoại ở đây”.
“Đây là đánh, tra tấn, bức cung và để lại thương tích rất nặng. Có trường hợp gần đây có anh bị đánh, ba ngày sau mới ói ra máu. Ngoài ra còn biện pháp nữa là đe dọa người nhà. Tất cả anh chị em ở Nhà xuất bản Tự Do đều đi khỏi nhà, không ai ở nhà hết. Tết, lễ, ngày sinh nhật người thân cũng không về. Họ còn tới nhà đe dọa, yêu cầu người thân cho biết địa điểm chúng tôi ở đâu. Nói chung họ dùng mọi biện pháp tàn bạo để trấn áp” bà Trang tố cáo.Từ thực tế hoạt động của mình, nhà báo Phạm Đoan Trang rút ra bài học cho bản thân và cho các nhà hoạt động dân chủ nói chung:
“Với các nhà dân chủ, những nhà hoạt động xã hội dân sự, nếu họ lấy cái chung, lấy mục đích đấu tranh vì dân chủ, vì xã hội làm đầu, thì họ mới được người dân ủng hộ. Lúc đó mới hy vọng vào chiến thắng của cuộc đấu tranh. Còn nếu vẫn giữ cái tôi hơn cả, vẫn đặt cái sự an toàn, tiện lợi lên trên, và cứ ngại hy sinh, ngại gian khổ, như vậy không bao giờ có thể đi tới đích cả”.
Về câu chuyện của Nhà xuất bản Tự Do, bà Trang nhắc lại rằng “nhu cầu đọc hiện rất cao nên mình không bao giờ lo thiếu bản thảo, lo thiếu người viết, thiếu người đọc”.
“Tôi chỉ lo là có sống được để làm việc đó hay không, bởi vì với cách đàn áp này thì chắc họ muốn giết hết những người như chúng tôi”, bà nói.Nguồn : Bauxite Việt Nam

Bình luận về bài viết này