Thế giới hôm nay: 21/09/2021

Thế giới hôm nay: 21/09/2021

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Chỉ số S&P 500 đóng cửa giảm 1,7% vào thứ Hai, sau khi thị trường châu Á và châu Âu đua nhau bán tháo. Nhà đầu tư lo ngại cuộc khủng hoảng thanh khoản tại hãng bất động sản khổng lồ của Trung Quốc Evergrande, với các khoản nợ khoảng 300 tỷ USD, có thể lan rộng hơn. Chỉ số Hang Seng Hồng Kông đóng cửa giảm 3,3%, mức thấp nhất trong vài tháng qua.

Chính quyền Biden sẽ cho phép các du khách đã tiêm phòng từ châu Âu, Anh, và Trung Quốc nhập cảnh vào Mỹ từ tháng 11, qua đó chấm dứt nhiều lệnh cấm có từ đầu đại dịch. EU và Anh tức giận vì đã mở cửa cho người Mỹ có vắc-xin từ vài tháng trước, song Mỹ không đáp lễ. Quy định mới yêu cầu hành khách xét nghiệm âm tính với covid-19 trong vòng ba ngày trước lúc khởi hành.

Pfizer và BioNTech nói vắc-xin covid-19 của họ an toàn và hiệu quả cho trẻ em từ 5-11 tuổi. Kết quả thử nghiệm kết hợp giai đoạn hai và ba của họ cho thấy liều thứ hai kích hoạt mức kháng thể “mạnh” ở trẻ em tương tự như ở những người 16-25 tuổi. Các hãng sản xuất vắc-xin hy vọng sẽ sớm được cấp phép khẩn cấp vắc-xin cho nhóm tuổi này ở Mỹ.

Paul Rusesabagina, người từng cứu hơn một nghìn sinh mạng trong thảm họa diệt chủng Rwanda và là hình mẫu của bộ phim “Hotel Rwanda,” đã bị kết án 25 năm tù vì tội khủng bố. Các công tố viên cáo buộc ông chỉ đạo một nhóm nổi dậy tấn công người dân vào năm 2018 và 2019. Phe ủng hộ ông Rusesabagina nói phiên tòa là một trò đùa — chỉ vì ông đã chỉ trích tổng thống Paul Kagame.

Sàn giao dịch tiền điện tử Coinbase đã từ bỏ một loại sản phẩm cho vay sau khi Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ đe dọa hành động pháp lý để ngăn chặn nó. Công ty muốn cho phép người dùng kiếm được lợi suất 4% nếu gửi một loại tiền điện tử gắn với đồng đô la. Song vì muốn tăng cường giám sát tiền điện tử, nhà chức trách muốn sản phẩm này phải được đăng ký như một loại chứng khoán.

Người Canada đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử sớm do Justin Trudeau kêu gọi vào ngày 15 tháng 8. Thủ tướng Đảng Tự do đang tranh cử với Erin O’Toole, lãnh đạo Đảng Bảo thủ. Ông Trudeau hy vọng vừa duy trì được chính phủ đa số, vừa chứng minh công chúng ủng hộ cách ông xử lý đại dịch covid-19.

Với gần như tất cả số phiếu được kiểm trong cuộc bầu cử quốc hội Nga, đảng Nước Nga thống nhất của Tổng thống Vladimir Putin đã thắng khoảng 50% số phiếu, qua đó chiếm 2/3 hoặc hơn số ghế trong quốc hội. Đứng sau là Đảng Cộng sản, với 19%. Một cơ quan giám sát độc lập đã ghi lại các ví dụ về gian lận, bao gồm đăng ký phiếu nhiều hơn dân số và hành vi đe dọa quan sát viên.

Con số trong ngày: 860.000, là số người thiệt mạng vì đại dịch covid-19 ở Mỹ, theo ước tính của The Economist.

TIÊU ĐIỂM

Đại hội đồng Liên Hợp Quốc nhóm họp 

Các tổng thống và thủ tướng tại Đại hội đồng Liên hợp quốc ở thành phố New York sẽ tạo ra một bầu không khí vừa nhẹ nhõm vừa lo lắng trong những ngày tới. Một phần đơn giản là vì hơn 100 người sẽ tham dự trực tiếp. Đại dịch covid-19 đã khiến dịp sinh nhật lần thứ 75 vào năm ngoái của LHQ phải tổ chức online. Rất nhiều cuộc họp sẽ vẫn được tổ chức trực tuyến, nhưng sự kiện hàng năm đang dần trở lại bình thường.

Nhiều nhà lãnh đạo cũng sẽ thấy nhẹ nhõm khi Tổng thống Joe Biden phát biểu thay mặt nước Mỹ. Tại cuộc họp trực tiếp gần đây nhất của Đại hội đồng, tổng thống Donald Trump đã khẳng định: “Tương lai không thuộc về những kẻ theo chủ nghĩa toàn cầu. Tương lai thuộc về những người yêu nước.” Còn ông Biden tin tưởng vào trật tự quốc tế do Mỹ giúp tạo ra.

Nhưng trật tự đó đang đối mặt nhiều thách thức khó khăn, bao gồm biến đổi khí hậu, covid-19, cạnh tranh nước lớn (trong đó có cuộc tranh cãi gần đây giữa các đồng minh phương Tây về hiệp ước quốc phòng Úc-Anh-Mỹ) và các thảm họa nhân đạo từ Ethiopia đến Afghanistan. Tâm trạng của mọi người vẫn rất ngổn ngang.

Khủng hoảng giá điện ở châu Âu

Hôm thứ Hai, chính phủ Anh đã tổ chức đàm phán với ngành năng lượng và cơ quan quản lý năng lượng của đất nước. Tuần trước giá điện đã tăng lên 540 bảng Anh (741 USD) mỗi megawatt giờ, từ 147 bảng cách đây vài tuần. Anh không phải là nước duy nhất chịu thiệt hại: giá ở cả châu Âu và Mỹ đều phá kỷ lục. Giá cao khiến các doanh nghiệp có tỷ suất lợi nhuận thấp gặp khó khăn và có thể làm tăng lạm phát trên toàn châu lục.

Có đủ mọi nguyên nhân khiến giá tăng cao. Gián đoạn sản xuất ở Nga và Na Uy đã gây ra tình trạng thiếu khí tự nhiên, vốn giúp tạo ra khoảng 1/5 lượng điện của châu Âu, và đẩy giá lên cao. Các nhà nhập khẩu ở Trung Quốc và Nhật Bản cũng đẩy mạnh mua các lô khí tự nhiên hóa lỏng, một nguồn thay thế khả thi. Ngoài ra than cũng lên giá, vì nhu cầu tăng ở Trung Quốc và giấy phép carbon của châu Âu. Trong khi đó, nhiều tuần ít gió cũng làm giảm sản lượng điện gió. Do đó, cuộc khủng hoảng đặc biệt nghiêm trọng ở Anh, vì nước này phụ thuộc vào khí đốt và năng lượng gió gần gấp đôi so với mức trung bình châu Âu.

Pháp không đến dự họp Liên Hợp Quốc vì AUKUS

Năm nay, Emmanuel Macron sẽ không đến dự bất kỳ cuộc họp cấp cao nào của Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York. Tổng thống Pháp đã quyết định không đi, nhằm phản đối hiệp ước quốc phòng Úc-Anh-Mỹ (có tên AUKUS) được công bố vào tuần trước. Hiệp ước này làm đổ vỡ một hợp đồng sản xuất tàu ngầm trị giá hàng tỷ đô la của Pháp với Úc. Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian đã nói hiệp ước giống như “một nhát đâm sau lưng”. Ông ngay lập tức triệu hồi đại sứ Pháp tại Washington, DC và Canberra.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và ông Macron sẽ sớm nói chuyện qua điện thoại. Nhưng để hàn gắn cần nhiều hơn là chỉ là lời nói. Một bộ trưởng Pháp đã nói động thái này có thể ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán thỏa thuận thương mại tự do đang diễn ra giữa EU và Australia. Đối với chính quyền Macron, hiệp ước này không chỉ làm tổn thương lòng tự hào hay mất một hợp đồng. Nó gây mất lòng tin giữa các đồng minh quan trọng và phá hoại quan hệ đối tác chiến lược với Australia như một phần trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Pháp. Sẽ còn nhiều hậu quả trong tương lai.

Bình luận về bài viết này