Người bán hoa xấu số

Người bán hoa xấu số

Nguyễn Hoàng

BBC tiếng Việt

Cập nhật: 21:56 GMT – thứ năm, 8 tháng 3, 2012
Bà Yukiko Hara mở tiệm bán hoa được 30 năm.

Tôi chẳng mấy khi có nhu cầu muốn nói chuyện với người ngồi cạnh mình trên máy bay, đặc biệt là lần này vì chặng bay mất 12 tiếng từ Frankfurt tới Tokyo hẳn khá mệt và tôi nghĩ cần phải ngủ để có sức để di chuyển tiếp và làm việc ngay khi tới nơi.

Nhưng cuộc trò chuyện giữa tôi và Ai Haga trên chuyến bay đầu tuần này kéo dài tới cả giờ và nó vẫn đọng lại trong tôi rất lâu.

Khi tôi đang xem một loạt bản đồ và chỉ dẫn đi lại ở những nơi tôi sẽ đến thì một phụ nữ Nhật khoảng ngoài 30 tuổi ngồi cạnh tôi trên máy bay hỏi: “Anh đi du lịch à”?

“Không, tôi đi công tác. Tôi là phóng viên và sẽ làm phóng sự đánh dấu một năm thảm họa động đất, sóng thần xảy ra cách đây một năm”, tôi trả lời.

“Cô có quen biết ai ở khu vực đó không”? tôi hỏi.

Cô Ai chững lại vài giây, rồi nói với tôi rằng thực ra cô về quê để dự giỗ đầu của mẹ, người nằm trong số hơn 19000 ngàn người tử nạn tại vùng duyên hải phía đông bắc Nhật Bản.

“Tôi định cư ở Đức, năm nào tôi cũng về thăm mẹ”, cô nói thêm.

Sau khi nói lời chia buồn, tôi thấy dường như cần phải nói thêm gì đó và đã làm như vậy vì tôi cảm nhận sự im lặng có thể sẽ làm cô và chính tôi thấy nặng nề hơn.

Và rồi cô kể những gì đã xảy ra với mẹ mình, bà Yukiko Hara, thiệt mạng ở tuổi 57.

Bà Yukiko là chủ một tiệm bán hoa tươi trong làng Kirikiri ở thành phố Otsuchi thuộc tỉnh Iwate.

Sau khi nghe loa phát thanh và truyền hình báo động sẽ có sóng thần sau động đất lớn, bà Yukiko nhận điện thoại của con trai bà, sống và làm việc ở Tokyo, giục bà phải rời cửa hàng của bà ngay.

Qua điện thoại, bà nói với con trai mình không quá phải lo lắng vì mấy lần có báo động về sóng thần trước đây cũng chẳng hề hấn gì.

Tuy nhiên, một người nhân viên làm việc cho bà có mặt trong cửa hàng lúc đó nói rằng cần phải chạy ngay trước khi quá muộn, và bà Yukiko đã rời cửa hàng ngay.

Tìm được xác

Nhưng rồi bà quyết định cần phải quay lại để lấy thêm cái áo ấm vì tiết trời khá lạnh và nói người nhân viên cứ chạy trước và bà sẽ chạy đuổi theo.

Cô Ai được người nhân viên thoát nạn vì chạy được lên đồi gần đó kể lại rằng còn thoáng nhìn thấy bà Yukiko chạy sau vì hai người chỉ cách nhau sự khác biệt khoảng chừng 20 giây.

Với vận tốc ở ngoài vùng nước sâu lên tới vài trăm km/giờ và khi vào đất liền giảm tốc nhưng được mô tả di chuyển nhanh như tàu hỏa, 20 giây là khoảng thời gian quá nhiều để thoát nạn trong cơn sóng thần được xem là khủng khiếp nhất trong lịch sử thiên tai Nhật Bản.

Trong ánh mắt hết sức buồn, tôi thấy dường như cô Ai muốn hỏi là tại sao mẹ lại phải quay lại lấy áo như vậy.

“Ở Nhật từ tấm bé ai cũng được dậy là khi có sóng thần thì phải chạy thật nhanh lên vùng đất cao hơn, không bao giờ quay lại, không bao giờ, không bao giờ!” cô Ai nói.

Hai tuần sau thảm họa vào ngày thứ Sáu 11/03/2011, con trai bà Yukiko về quê để tìm xác mẹ.

Người dân và các nhóm cứu hộ tìm được vài trăm xác tại làng Kirikiri, nhưng các xác người đã bị biến dạng nhiều do bị va đập của nhà cửa, xe cộ, đất đá và bùn cùng nước biển.

“Anh có biết không, cũng chính vì cái áo rét đó mà em tôi nhận ra được xác mẹ vì áo có thêu tên cửa hàng của mẹ đấy”, cô nói.

Bình luận về bài viết này